Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Hàn Quốc, ngày 3-7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã phát biểu chính sách tại Đại học Quốc gia Seoul Hàn Quốc; khẳng định Việt Nam sẵn sàng hợp tác chặt chẽ hơn nữa với Hàn Quốc, thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện đơm hoa kết trái, vì hạnh phúc của nhân dân 2 nước và vì hòa bình, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu về chính sách của Việt Nam tại Đại học Quốc gia Seoul. Ảnh: TTXVN |
Thế giới trước 3 yếu tố tác động và 3 lĩnh vực tiên phong dẫn dắt
Phân tích tình hình thế giới và khu vực, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng, về tổng thể thì hòa bình, nhưng cục bộ có chiến tranh; về tổng thể thì hòa hoãn, nhưng cục bộ có căng thẳng; về tổng thể thì ổn định, nhưng cục bộ có xung đột. Tương lai thế giới đang bị tác động, ảnh hưởng mạnh mẽ bởi 3 yếu tố chủ đạo và được định hình, dẫn dắt bởi 3 lĩnh vực tiên phong.
Trong đó, 3 yếu tố tác động, ảnh hưởng là: sự phát triển bùng nổ của khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhất là số hóa và trí tuệ nhân tạo (AI); tác động, ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, thiên tai, cạn kiệt tài nguyên, già hóa dân số; sự phân tách, phân cực ngày càng rõ nét dưới tác động mạnh mẽ của xung đột, chiến tranh, cạnh tranh địa chiến lược, địa chính trị, địa kinh tế trên phạm vi toàn cầu.
Còn 3 lĩnh vực định hình, dẫn dắt, tiên phong mà Thủ tướng đề cập là: phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; đổi mới sáng tạo và cách mạng công nghiệp lần thứ tư; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và AI.
Theo Thủ tướng, kinh tế thế giới đang chuyển đổi sâu rộng, toàn diện chưa từng có; phát triển bền vững, bao trùm và tăng trưởng xanh trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết; xu hướng “phân cực trong toàn cầu hóa” mở ra các cơ hội về hợp tác, liên kết kinh tế, song cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro, nguy cơ; vai trò và tiếng nói của các nước đang phát triển ngày càng được coi trọng hơn, đóng góp chủ động, tích cực hơn trong định hình các khuôn khổ hợp tác và xu hướng phát triển mới trên toàn cầu.
Thủ tướng cho rằng châu Á - Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương và ASEAN ngày càng khẳng định vai trò là động lực, là trung tâm phát triển năng động và là một trong những đầu tàu dẫn dắt thế giới đến “Những chân trời tăng trưởng mới”, “Những chân trời phát triển mới”.
Nêu tầm nhìn, định hướng, giải pháp trọng tâm thời gian tới của Việt Nam, Thủ tướng cho biết, Việt Nam lấy dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh làm mục tiêu tổng quát, làm động lực phấn đấu; xác định mục tiêu chiến lược đến năm 2030, trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045, trở thành nước phát triển có thu nhập cao.
5 điểm tương đồng lớn của Việt Nam và Hàn Quốc
Thủ tướng nhấn mạnh, Việt Nam và Hàn Quốc có 5 điểm tương đồng lớn: Tương đồng về lịch sử, có sự giao lưu văn hóa từ hơn 800 năm trước; tương đồng về khát vọng phát triển đất nước thông qua hội nhập và mở cửa; tương đồng về cách suy nghĩ nên dễ đồng cảm; tương đồng trong giao lưu nhân dân với mối quan hệ thông gia ngày càng gắn bó; tương đồng về khát vọng đóng góp vào hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực, thế giới.
Từ khi 2 nước thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược và Đối tác chiến lược toàn diện, quan hệ hợp tác giữa Việt Nam - Hàn Quốc đã có những bước phát triển vượt bậc, thể hiện qua 8 điểm hơn: Tin cậy chính trị cao hơn; hợp tác thương mại khởi sắc hơn; đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam tăng mạnh hơn; hợp tác lao động mở rộng hơn; hợp tác du lịch phục hồi mạnh mẽ hơn; hợp tác giữa các địa phương gắn kết, thực chất hơn; hợp tác khoa học công nghệ, ứng phó biến đổi khí hậu tiến triển hơn; hợp tác trong các vấn đề khu vực và quốc tế chặt chẽ hơn.
Trên cơ sở những thành tựu quan hệ song phương đáng tự hào mà nhân dân 2 nước dày công vun đắp, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề xuất thúc đẩy 5 “ưu tiên” để tiếp tục đưa quan hệ 2 nước phát triển hơn nữa với những cách làm mới, tư duy mới và định hướng mới. Trong đó, ưu tiên củng cố nền tảng của quan hệ, đó là hiểu biết lẫn nhau và gia tăng tin cậy chính trị thông qua việc thường xuyên trao đổi đoàn cấp cao và các cấp; triển khai có hiệu quả các cam kết, thỏa thuận cấp cao, trong đó có Chương trình Hành động triển khai quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Hàn Quốc; tăng cường hợp tác về ngoại giao, quốc phòng, an ninh. 2 nước cần ưu tiên tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực trọng tâm, bao gồm: kinh tế, thương mại, đầu tư và lao động theo hướng ngày càng thực chất, hiệu quả, cân bằng bền vững. Phấn đấu đến năm 2025, kim ngạch thương mại đạt 100 tỷ USD, đến năm 2030 đạt 150 tỷ USD.
Việt Nam và Hàn Quốc ưu tiên tạo đột phá về hợp tác văn hóa, du lịch và giao lưu nhân dân; tăng cường quảng bá, xúc tiến du lịch song phương; tạo điều kiện để nhân dân 2 nước, nhất là thế hệ trẻ hiểu sâu hơn về văn hóa, đất nước và con người của nhau; ưu tiên đẩy mạnh hơn nữa hợp tác giáo dục và đào tạo, khoa học công nghệ, ứng phó với biến đổi khí hậu; chuyển giao khoa học công nghệ, hợp tác ứng phó biến đổi khí hậu.
Cùng với đó, 2 nước hợp tác chặt chẽ và ủng hộ lẫn nhau trong các cơ chế, diễn đàn đa phương tại Liên hợp quốc, các khuôn khổ ASEAN - Hàn Quốc, Mekong - Hàn Quốc; tiếp tục ủng hộ và chia sẻ tầm nhìn chung về bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982; đồng thời Việt Nam ủng hộ phi hạt nhân hóa, duy trì hòa bình và ổn định, hợp tác và phát triển trên Bán đảo Triều Tiên.
TTXVN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin