Báo Đồng Nai điện tử
En

Kinh tế xanh có thể tạo ra 3,3 triệu việc làm ở châu Phi vào năm 2030

TTXVN
21:14, 29/07/2024

Cơ quan Phát triển châu Phi FSD Africa và Công ty Tư vấn tác động Shortlist vừa công bố Báo cáo Dự báo việc làm xanh tại châu Phi, trong đó cho rằng phát triển nền kinh tế xanh có thể tạo ra 3,3 triệu việc làm trên khắp châu lục này vào năm 2030.

Báo cáo dựa trên dự báo của 5 quốc gia trong khu vực gồm: Congo, Ethiopia, Kenya, Nigeria và Nam Phi, những nước có thể chứng kiến hơn 20% số việc làm được tạo ra từ quá trình chuyển đổi xanh trong 6 năm tới.

Theo báo cáo, khoảng 60% việc làm, chủ yếu trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, sẽ là các vị trí đòi hỏi tay nghề cao hoặc nhân viên văn phòng có thể “thúc đẩy sự phát triển của tầng lớp trung lưu ở những quốc gia có các lĩnh vực tăng trưởng cao” như: năng lượng tái tạo, di động điện tử, xây dựng và sản xuất. Trong đó, khoảng 10% số việc làm đòi hỏi bằng đại học, 30% là công việc chuyên môn cần có chứng chỉ hoặc đào tạo nghề và 20% là công việc hành chính.

Tổng giám đốc Điều hành của Shortlist Paul Breloff nêu rõ, đây là báo cáo công khai đầu tiên chỉ rõ vai trò quan trọng của nguồn nhân lực trong tăng trưởng kinh tế xanh.

Báo cáo cũng cho rằng ngành năng lượng tái tạo sẽ tạo ra khoảng 70% việc làm, trong đó khoảng 1,7 triệu việc làm trong lĩnh vực năng lượng mặt trời. Ngành nông nghiệp cũng tạo ra hàng trăm ngàn việc làm với hơn 50% liên quan tới các công nghệ thông minh có khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu.

Ông Breloff cho rằng, các nhà hoạch định chính sách, nhà tài trợ và các nhà phát triển lực lượng lao động cần hành động để đáp ứng nhu cầu cấp thiết về nguồn nhân lực thông qua đào tạo hiệu quả, chương trình học nghề nhằm đạt được cam kết xanh của châu Phi.

Ưu thế của châu Phi hiện nay là lực lượng lao động trẻ và nguồn năng lượng tái tạo dồi dào, cho phép khu vực phát triển “nhảy vọt”, bỏ qua các giai đoạn phát thải nhiều carbon mà các nước công nghiệp đã trải qua. Tuy nhiên, để làm được điều đó, các tác giả của báo cáo cho rằng châu Phi cần phải có các chính sách hỗ trợ, xây dựng cơ sở hạ tầng và thu hút đầu tư tài chính lớn, ước tính lên tới hơn 100 tỷ USD mỗi năm.

Do các nhà đầu tư lo ngại về rủi ro và khả năng thương mại liên quan đến năng lượng tái tạo tại châu Phi nên châu lục này hiện chỉ nhận được 3% nguồn tài trợ năng lượng sạch toàn cầu.

Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) và Ngân hàng Phát triển châu Phi cho rằng, để đáp ứng mục tiêu phát triển về khí hậu và tiếp cận năng lượng, các khoản đầu tư vào châu lục này cần tăng ít nhất gấp đôi, lên hơn 155 tỷ bảng Anh (khoảng 200 tỷ USD) mỗi năm vào năm 2030.  

TTXVN

Tin xem nhiều