Báo Đồng Nai điện tử
En

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chính sách tại Đại học Victoria Wellington của New Zealand

TTXVN
22:20, 11/03/2024

Trong chương trình thăm chính thức New Zealand, chiều 11-3 (giờ địa phương), tại thủ đô Wellington, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đến thăm Đại học Victoria Wellington và có bài phát biểu chính sách quan trọng tại đây.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đến Đại học Victoria. Ảnh: TTXVN
Thủ tướng Phạm Minh Chính đến Đại học Victoria. Ảnh: TTXVN

Thủ tướng đã chia sẻ 3 nội dung chính: về tình hình thế giới, khu vực hiện nay; tầm nhìn và khát vọng phát triển của Việt Nam; tầm nhìn quan hệ Đối tác Chiến lược Việt Nam - New Zealand trong thời gian tới.

* Thế giới đối mặt với 5 yếu tố và 6 thách thức

Về tình hình thế giới và khu vực, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, thế giới ngày nay đang đối mặt với những thách thức lớn, nhất là 5 yếu tố: biến đổi khí hậu, dịch bệnh, cạn kiệt tài nguyên, già hóa dân số và đói nghèo. Ngoài ra, cũng đối mặt với những vấn đề khác như: tình trạng bất bình đẳng, vấn đề an ninh phi truyền thống…

Đây là những vấn đề toàn cầu nên cần cách tiếp cận toàn cầu, nêu cao sự đoàn kết quốc tế và chủ nghĩa đa phương. Đồng thời, đây cũng là những vấn đề mang tính toàn dân, tác động, ảnh hưởng đến mọi người dân ở tất cả các quốc gia nên cần có cách tiếp cận toàn dân với các giải pháp mang tính tổng thể, toàn diện, bao trùm, không để ai bị bỏ lại phía sau.

Trong quan hệ quốc tế hiện nay nổi lên 6 mâu thuẫn lớn: giữa chiến tranh và hòa bình; giữa cạnh tranh và hợp tác; giữa mở cửa, hội nhập và độc lập, tự chủ; giữa đoàn kết, liên kết và phân tách, phân tuyến; giữa phát triển và tụt hậu; giữa tự chủ và phụ thuộc. Bên cạnh đó, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, đặc biệt là các công nghệ đột phá, đã và đang làm thay đổi thế giới, buộc mọi chủ thể đều phải thích ứng và thay đổi.

* 8 định hướng thực hiện tầm nhìn, khát vọng Việt Nam

Chia sẻ về tầm nhìn và khát vọng của Việt Nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Việt Nam phấn đấu đến năm 2030 trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Thủ tướng Phạm Minh Chính thông tin tới đại biểu về 8 định hướng lớn của Việt Nam. Trong đó, Việt Nam xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, tích cực, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả, lấy nguồn lực bên trong là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định, nguồn lực bên ngoài là quan trọng và mang tính đột phá.

Thứ hai, đẩy mạnh thực hiện tạo chuyển biến rõ nét trong 3 đột phá về thể chế, phát triển nguồn nhân lực và hệ thống kết cấu hạ tầng. Tập trung cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh.

Thứ ba, xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc: Văn hóa soi đường cho quốc dân đi - văn hóa còn thì dân tộc còn, văn hóa mất thì dân tộc mất. Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng để phát triển đất nước.

Thứ tư, tập trung phát triển giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, coi giáo dục - đào tạo và khoa học - công nghệ là quốc sách hàng đầu, phát triển nguồn nhân lực là một trong 3 đột phá chiến lược.

Thứ năm, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống của người dân; chú trọng bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Thứ sáu, củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh; bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ. Thực hiện chính sách quốc phòng “4 không”.

Thứ bảy, xây dựng Đảng cầm quyền trong sạch, vững mạnh và toàn diện. Đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Thực hiện chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo đồng thuận xã hội.

Thứ tám, thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa, là bạn tốt, đối tác tin cậy, là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Xây dựng và phát triển trường phái “ngoại giao cây tre” mang đậm bản sắc truyền thống văn hóa, lịch sử Việt Nam theo đúc kết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

* Thúc đẩy quan hệ Việt Nam - New Zealand lên tầm cao mới

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định New Zealand là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam tại khu vực và là một trong số ít các đối tác chiến lược của Việt Nam trên toàn cầu.

Theo Thủ tướng, để tiếp tục phát huy tiềm năng và thế mạnh của cả 2 nước, tiếp tục đưa quan hệ 2 nước lên tầm cao mới, trong thời gian tới cần phát huy giá trị chiến lược của quan hệ Đối tác Việt Nam - New Zealand để cùng đóng góp vào hòa bình, ổn định và hợp tác của khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.

Hai bên cùng thúc đẩy hợp tác đa phương và đoàn kết quốc tế, thúc đẩy các nước, nhất là các nước lớn, tăng cường và củng cố lòng tin, đóng góp có trách nhiệm vào việc gìn giữ hòa bình, an ninh trên toàn cầu; giải quyết các tranh chấp, bất đồng thông qua đối thoại và các biện pháp hòa bình; đẩy mạnh tư duy “hợp tác cùng thắng, cùng có lợi” thay vì tư duy “thắng - thua”; tích cực hợp tác và liên kết, đóng góp vào việc hình thành một cấu trúc khu vực mở, minh bạch, bao trùm và dựa trên luật pháp quốc tế, trong đó ASEAN có vai trò trung tâm.

Việt Nam - New Zealand hỗ trợ nhau phát huy hơn nữa các thế mạnh của mỗi nước, phối hợp chặt chẽ để giúp đỡ nhau mở rộng, đa dạng hóa quan hệ, góp phần nâng cao năng lực tự cường của mỗi quốc gia.

Việt Nam mong muốn cùng New Zealand tiên phong trong các nỗ lực về bảo đảm an ninh lương thực, phát triển nông nghiệp xanh, sạch, nâng cao năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu và các thách thức toàn cầu khác.

Cũng theo Thủ tướng, cần tạo động lực mới cho quan hệ song phương Việt Nam - New Zealand, khái quát thành 3 cặp từ khóa là “ổn định và củng cố”; “tăng cường và mở rộng” và “tăng tốc và bứt phá”.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đề nghị thúc đẩy các mô hình hợp tác 3 bên giữa Việt Nam - New Zealand với 1 hoặc 2 nước đảo Nam Thái Bình Dương, hoặc Việt Nam - New Zealand - Lào (trong năm Lào làm Chủ tịch ASEAN 2024); tăng cường hợp tác giữa ASEAN và Diễn đàn Các quốc đảo Thái Bình Dương (PIF).

TTXVN

Tin xem nhiều