Ngày 27-12, Bộ Ngoại giao Mỹ đã công bố gói viện trợ vũ khí cuối cùng dành cho Ukraine trong khuôn khổ Đạo luật Ủy quyền quốc phòng (NDAA) hiện hành.
Hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao (HIMARS) của Mỹ khai hỏa trong một cuộc tập trận. (Ảnh: AFP/TTXVN) |
Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ nêu rõ “gói viện trợ cuối cùng trong năm nay (2023)” trị giá 250 triệu USD, bao gồm “đạn dược cho hệ thống phòng không, các cấu kiện khác cho hệ thống phòng không, bổ sung đạn dược cho các hệ thống rocket pháo binh cơ động cao (HIMARS), đạn pháo 105mm và 155mm, đạn xuyên giáp và hơn 15 triệu băng đạn”.
Bộ Ngoại giao Mỹ cũng yêu cầu Quốc hội nước này “hành động nhanh chóng” và “càng sớm càng tốt” để “thúc đẩy các lợi ích an ninh quốc gia của chúng ta thông qua chính sách hỗ trợ Ukraine tự vệ và bảo vệ tương lai của nước này”.
Trước đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 12-12 tuyên bố Washington sẽ tiếp tục hỗ trợ Kiev, ngay cả khi các nghị sĩ Đảng Cộng hòa phản đối cung cấp viện trợ bổ sung cho Ukraine. Nhà lãnh đạo Mỹ đã khẳng định như vậy tại buổi họp báo chung với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky sau cuộc hội đàm giữa hai bên tại Nhà Trắng.
Mỹ là bên viện trợ quân sự nhiều nhất cho Ukraine với cam kết trị giá hơn 43,7 tỷ USD. Mỹ ban đầu chuyển vũ khí cá nhân, sau đó viện trợ các hệ thống HIMARS, tổ hợp tên lửa phòng không Patriot, xe thiết giáp hạng nặng M2 Bradley, xe tăng chủ lực M1 Abrams và gần đây cam kết huấn luyện phi công lái máy bay chiến đấu F-16 cho Ukraine.
TTXVN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin