Bác sĩ Huỳnh Cao Hải là người đã gắn bó với công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình của Đồng Nai ngay sau khi tốt nghiệp ngành y cho đến nay, với khoảng thời gian gần 30 năm.
Bác sĩ Huỳnh Cao Hải là người đã gắn bó với công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình của Đồng Nai ngay sau khi tốt nghiệp ngành y cho đến nay, với khoảng thời gian gần 30 năm. Ông cho biết mình chứng kiến và cảm nhận rõ nét về một chặng đường phát triển của công tác dân số, đóng góp vào sự phát triển về kinh tế - xã hội của Đồng Nai.
Đặc biệt là tỷ lệ gia tăng dân số tự nhiên những năm 1990 là trên 3% thì nay chỉ còn 1,05%, giảm hơn 2%, đây là mức giảm thấp nhất và có thể không giảm hơn được nữa.
Dân số là chiến lược phát triển kinh tế
* Để vươn lên là một trong những địa phương có thành tích về dân số nổi bật của cả nước, Đồng Nai đã nỗ lực như thế nào thưa ông?
- Kết quả có được của công tác dân số chính là kết quả suốt một chặng đường nỗ lực trong nhiều năm liền của toàn hệ thống chính trị của tỉnh, chứ không thể là hoàn thành chỉ tiêu trong 1 năm hay 1 nhiệm kỳ được. Còn nhớ vào khoảng thập niên 90 của thế kỷ 20, hoạt động ra quân của công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình trong toàn tỉnh diễn ra rất mạnh mẽ, khí thế rất sôi nổi, tạo thành một phong trào rộng khắp trong nhân dân thông qua các kênh truyền thông.
* Đâu là kỷ niệm đáng nhớ của ông khi đảm nhận công tác dân số?
- Từ năm 1987, tôi đã nhận nhiệm vụ công tác trong lĩnh vực dân số nên tôi có cơ hội được đi và tiếp xúc nhiều với bà con ở cơ sở. Những năm 1990 kinh tế của bà con hầu hết còn khó khăn, các hộ gia đình chủ yếu có từ 3 con trở lên. Việc tuyên truyền, vận động cần phải đánh đúng vào tâm lý người dân, đó là mong muốn: xây dựng gia đình có quy mô nhỏ, ít con để có cuộc sống ấm no, tiến bộ và hạnh phúc. Chúng tôi xuống từng xã, tuyên truyền và phổ biến cụ thể cho bà con và bà con hưởng ứng rất nhiệt tình. Đáng nhớ là một kỷ lục tổ chức phẫu thuật đình sản lưu động ở xã Phú Lý (huyện Vĩnh Cửu). Trạm y tế xã khi ấy do chỉ có 1 phòng mổ nên kíp mổ thực hiện liên tiếp các ca phẫu thuật. Kết quả, đã có đến 29 ca đình sản trong vòng 6 tiếng (từ 8 giờ sáng đến 2 giờ chiều) và tất cả các đối tượng đều mạnh khỏe sau phẫu thuật. Có lẽ đây là điều ngoài trí tưởng tượng của tôi.
* Đồng Nai là tỉnh phát triển công nghiệp và có đông đồng bào có đạo. Đặc thù này đã ảnh hưởng như thế nào đối với công tác dân số của tỉnh, thưa ông?
- Là nơi có nhiều khu công nghiệp phát triển, thu hút mạnh mẽ vốn đầu tư của nước ngoài, nên trước đây Đồng Nai gặp không ít khó khăn trong việc quản lý dân cư do sức hút lao động từ các địa phương khác chuyển đến hàng năm rất lớn. Tuy nhiên, từ năm 2010 đến nay, việc tăng dân số cơ học không còn là áp lực của tỉnh do nhu cầu nhập cư đã bão hòa. Hiện nay việc tăng cơ học rất chậm, thậm chí có biến động do một số người nhập cư chuyển về quê hoặc đi nơi khác...
Bên cạnh đó, là địa phương có hơn 40 dân tộc cùng chung sống, mỗi dân tộc có tín ngưỡng riêng nên Đồng Nai hội tụ nhiều tôn giáo, đồng bào có đạo chiếm trên 60% dân số toàn tỉnh, trong đó đồng bào theo đạo Công giáo chiếm hơn 30% dân số của toàn tỉnh. Điều đáng chú ý là ở Đồng Nai, đạo và đời đã hòa hợp và gặp gỡ, minh chứng dễ thấy nhất là trong công tác dân số. Ngoài phổ biến Thư mục vụ của Hội đồng Giám mục Việt Nam vào năm 1992 gửi giáo dân “Mệnh lệnh hãy sinh sản cho đầy mặt đất ngày nay không còn phù hợp”, kêu gọi giáo dân “sinh đẻ có trách nhiệm”, các linh mục còn tập hợp giáo dân để cán bộ tuyên truyền về dân số. Tôi đã từng được tuyên truyền về công tác dân số ngay trong không khí trang nghiêm của thánh đường. Đây cũng là một kỷ niệm khó quên của tôi.
Chiến lược nâng cao chất lượng dân số
* Khi đã thực hiện thành công các chỉ tiêu về kế hoạch hóa gia đình, duy trì mức sinh ở mức ổn định, công tác dân số của tỉnh sẽ hướng đến mục tiêu gì, thưa ông?
- Ngoài tiếp tục duy trì mức sinh vững chắc: mỗi gia đình có từ 1-2 con, công tác dân số ưu tiên hướng đến việc nâng cao chất lượng dân số thông qua các chính sách về kinh tế - xã hội và chính sách y tế.
Chất lượng dân số được thể hiện cụ thể qua các tiêu chí, như: tuổi thọ trung bình, trình độ dân trí, mức độ thụ hưởng đời sống vật chất, đời sống tinh thần, môi trường sống, các vấn đề về an sinh xã hội... Do đó, những năm qua đi đôi với các mục tiêu phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo bền vững, tỉnh luôn chăm lo cho công tác y tế, giáo dục, bảo vệ môi trường nhằm bảo đảm sức khỏe cho người dân. Song song đó, tỉnh còn chú trọng nâng cao dân trí và đáp ứng yêu cầu về chất lượng đội ngũ lao động.
“Quan điểm của lãnh đạo tỉnh là tiếp tục duy trì, củng cố hệ thống tổ chức bộ máy chuyên trách để thực hiện chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình trên phạm vi toàn tỉnh. Trên cơ sở những mục tiêu, định hướng rõ ràng, kế hoạch cụ thể của tỉnh và của ngành, cán bộ dân số sẽ tổ chức triển khai các hoạt động theo đúng trọng tâm, đa dạng hóa các hoạt động truyền thông giáo dục trên các phương tiện thông tin đại chúng và mạng nội bộ cho mọi người dân, nhất là đối tượng trong độ tuổi sinh đẻ, thực hiện xã hội hóa phương tiện tránh thai, xã hội hóa chỉ tiêu sàng lọc trước sinh, sàng lọc sơ sinh…” |
Việc nâng cao chất lượng dân số càng quan trọng và cấp bách hơn trong giai đoạn hội nhập để người Việt Nam có thể cạnh tranh về thể chất, trí tuệ, tinh thần, sức lao động... với cộng đồng các nước khác, gần nhất là Cộng đồng ASEAN chính thức thành lập chỉ vài ngày nữa. Và chắc chắn đó không thể chỉ là trách nhiệm của riêng ngành y mà hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân phải cùng chung tay góp sức để đạt được mục tiêu này.
* Do áp lực của cuộc sống, nhiều cặp vợ chồng hiện đại ngày nay không muốn có con, hoặc chỉ có 1 con, nhưng phải là con trai. Ông suy nghĩ như thế nào về vấn đề này?
- Trên thực tế, phong tục tập quán và những yếu tố tâm lý về quy mô gia đình lớn và tư tưởng phải có con trai vẫn còn tồn tại ở nhiều người và nhiều vùng. Do đó, Đồng Nai đã, đang và sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động sâu rộng nhằm thay đổi cơ bản các hành vi trong lĩnh vực sinh sản, kế hoạch hóa gia đình để đảm bảo không mất cân bằng giới tính trong cơ cấu dân số, đồng thời duy trì mức sinh đủ 2 con/ mỗi cặp vợ chồng nhằm duy trì giống nòi.
* Dư luận đang nói nhiều về thuật ngữ cơ cấu dân số vàng của Việt Nam. Nhưng đây có thực sự là giai đoạn “vàng” của dân số nước ta không, thưa ông?
- Đời sống ngày một phát triển nên ở Việt Nam hiện nay, tuổi thọ trung bình của dân số là 72,8, cao nhất trong khối Đông Nam Á. Trong bối cảnh số trẻ em sinh ra giảm, nên lực lượng lao động làm ra của cải cho xã hội chiếm tỷ trọng khoảng 60% cơ cấu dân số. Đây có thể coi là thời kỳ dân số vàng, kéo dài từ 30-35 năm. Thách thức đặt ra là Việt Nam cũng đang bước vào giai đoạn già hóa dân số khi tỷ lệ người 60 tuổi trở lên hiện chiếm 10,8% dân số. Giải bài toán già hóa dân số là một thách thức cho vấn đề an sinh xã hội, vì hiện nay cứ 4 người thì có 1 người từ 60 tuổi trở lên. Dự báo đến năm 2050, Việt Nam có 30% dân số già và là nước có sự già hóa dân số nhanh nhất thế giới.
* Xin cảm ơn ông!
Lâm Viên (thực hiện)