Nguyên Bí thư Trung ương Đảng, Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Khoan là một "người quen" của Đồng Nai, vì khi bắt đầu làm Bộ trưởng Bộ Thương mại (nay là Bộ Công thương), ông từng ứng cử và trở thành đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Đồng Nai. Chính vì cơ duyên đó mà ông có rất nhiều ấn tượng sâu sắc về Đồng Nai.
Nguyên Bí thư Trung ương Đảng, Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Khoan là một “người quen” của Đồng Nai, vì khi bắt đầu làm Bộ trưởng Bộ Thương mại (nay là Bộ Công thương), ông từng ứng cử và trở thành đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Đồng Nai. Chính vì cơ duyên đó mà ông có rất nhiều ấn tượng sâu sắc về Đồng Nai.
Nguyên Phó thủ tướng bày tỏ, ông rất ấn tượng về những bước phát triển mạnh mẽ của Đồng Nai những năm đổi mới và hội nhập quốc tế. Ông cho rằng, Đồng Nai là tỉnh có hoạt động kinh tế đối ngoại năng động thuộc hàng nhất nhì khu vực Đông Nam bộ và cả nước. Do đó đứng trước những vận hội mới thuận lợi hơn, Đồng Nai cần tranh thủ nắm lấy để tiếp tục là tỉnh đi đầu về hội nhập.
Đi đầu trong đổi mới
* Thưa ông, gắn bó với Đồng Nai nhiều năm, ông đánh giá như thế nào về vai trò của Đồng Nai trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước?
- Tôi cho rằng Đồng Nai đã, đang và sẽ tiếp tục là tỉnh có vị trí rất quan trọng trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và của cả nước. Những năm qua, Đồng Nai không chỉ là tỉnh đóng góp lớn cho ngân sách Nhà nước hàng năm, mà từ thực tiễn phát triển kinh tế, Đồng Nai đã giúp cho Trung ương đúc rút được nhiều bài học kinh nghiệm quý báu trong quá trình phát triển, đặc biệt là tạo những cơ chế thông thoáng để thu hút đầu tư nước ngoài, phát triển đất nước. Có thể xem Đồng Nai là một trong những tỉnh đi đầu về sự năng động và đổi mới. Đặc biệt, nhờ làm rất tốt thu hút vốn đầu tư trong những năm qua, Đồng Nai đã tạo ra được nhiều công ăn việc làm, giải quyết được nhiều lao động từ các địa phương khác trong cả nước.
* Ông đã chia sẻ rằng, trong quá khứ Đồng Nai nổi cộm 3 vấn đề lớn gây trở ngại cho phát triển. Vậy theo ông 3 vấn đề này đến nay đã được xử lý ra sao?
- Tôi đã từng nêu ra với lãnh đạo tỉnh 3 vấn đề nổi cộm cản trở sự phát triển bền vững của tỉnh. Đó là: khiếu nại về đất đai, hạ tầng không theo kịp phát triển kinh tế quá “nóng”, quá trình phát triển kinh tế tác động đến môi trường sinh thái. Tôi đã về hưu, nhưng cả 3 vấn đề nêu trên tôi vẫn theo dõi xem quá trình xử lý của tỉnh ra sao. Và đáng mừng là lãnh đạo tỉnh đã xử lý khá tốt, đặc biệt là hạ tầng về giao thông và môi trường. Tuy nhiên, trong thời gian tới khi xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành, diện tích thu hồi đất rất lớn. Do đó, nhất định không được để xảy ra những vấn đề liên quan tới khiếu nại về đất đai.
* Kỷ niệm sâu sắc nhất của ông với Đồng Nai là gì?
- Khi còn là đại biểu Quốc hội, đồng thời là Phó thủ tướng Chính phủ, tôi có dịp về Đồng Nai nhiều lần, tiếp xúc rất nhiều với nhân dân. Và kỷ niệm tôi nhớ mãi không quên, đó là một buổi tiếp xúc cử tri tại huyện Long Thành. Lần đó cử tri kéo đến rất đông, nhưng vì chỗ ngồi ở hội trường có hạn nên chỉ một số cử tri được vào dự. Nhiều người ở ngoài bức xúc đã la ó, đẩy cả hàng rào để được vào. Thấy vậy tôi liền yêu cầu chuyển ra ngoài hội trường để tiếp xúc với tất cả cử tri, nhận được rất nhiều tiếng vỗ tay. Quá trình tiếp xúc người dân rất trật tự, kiến nghị được rất nhiều điều, và tôi cũng được nghe rất nhiều thực tiễn từ địa phương.
Cần chủ động trong hội nhập
* Từ những chuyến công tác tại Đồng Nai, ông đã đúc kết được những bài học nào quý giá nào giúp cho việc điều hành công việc của Chính phủ tốt hơn?
Đồng Nai nói chung và cộng đồng doanh nghiệp nói riêng phải thực sự chủ động đi trước đón đầu để hội nhập. Tôi đi qua một số nước ở Asean, đặc biệt là Thái Lan thì có thể dễ dàng nhận thấy từ chính phủ tới doanh nghiệp và người dân đều rất chủ động hội nhập, họ thực sự coi Cộng đồng kinh tế Asean ra đời là cơ hội quý giá cho họ vượt ra ngoài quốc gia của họ. Tôi rất ngạc nhiên vì ở Thái Lan có rất nhiều người Thái đi học tiếng Việt, thậm chí họ có hẳn phong trào khuyến khích học tiếng Việt để hội nhập Asean. Từ câu chuyện người Thái đi học tiếng Việt, cho thấy các nước đã rất chủ động để hội nhập, và Việt Nam cũng cần tinh thần đó. |
- Điều mà tôi đúc kết được và thấy vô cùng thú vị, chính là tính cách người Đồng Nai rất thẳng thắn. Đồng Nai đã cho tôi nhiều bài học, giúp tôi tham mưu cho Chính phủ điều hành các chính sách kinh tế vĩ mô. Đó là phải quan tâm đẩy mạnh đầu tư hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực trước khi thu hút đầu tư. Quá trình thu hút đầu tư phải coi trọng xóa đói giảm nghèo đi đôi với bảo vệ môi trường. Nếu chúng ta cứ chạy theo kêu gọi đầu tư bằng mọi giá mà hạ tầng không đồng bộ, không có nguồn nhân lực tốt, không quan tâm tới lợi ích của người dân bị thu hồi đất giao cho nhà đầu tư, không bảo vệ môi trường thì ắt phải trả giá rất đắt, rất nguy hiểm cho con cháu sau này.
* Việt Nam là thành viên Cộng đồng kinh tế Asean (AEC, chính thức có hiệu lực từ 31-12-2015), đã hoàn tất đàm phán Hiệp định kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) và mới đây là Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (VEFTA)... Vậy theo ông doanh nghiệp Đồng Nai cần làm gì để đón những cơ hội này?
- Tôi muốn gửi tới cộng đồng doanh nghiệp Đồng Nai rằng AEC, TPP hay VEFTA không chỉ có cơ hội, mà nó còn đầy rẫy các thách thức không dễ vượt qua. Doanh nghiệp Đồng Nai muốn nắm được cơ hội từ các hiệp định kinh tế, thì nhất định phải đi tìm hiểu và nắm rõ được những cam kết, những điều kiện của AEC là gì, TPP là gì, VEFTA là gì? Doanh nghiệp đừng chỉ biết ngồi chờ cơ hội đến, không có đâu. Sau khi nắm được thông tin cụ thể thì doanh nghiệp sẽ hiểu được thế mạnh của mình cụ thể là cái gì, đồng thời điểm yếu của mình cần khắc phục ra sao.
* Ông có kỳ vọng gì đối với Đồng Nai về hội nhập quốc tế trong thời gian tới? Và từ hiểu biết và kinh nghiệm sâu sắc của mình, ông có lời khuyên nào cho địa phương?
- Tôi tin tưởng và kỳ vọng với tư duy năng động của lãnh đạo tỉnh Đồng Nai, chắc chắn tỉnh sẽ tiếp tục đi đầu trong hội nhập quốc tế. Theo tôi, thời gian tới Đồng Nai cần quan tâm tái cấu trúc kinh tế cho phù hợp. Tiếp tục hoàn thiện cơ sở hạ tầng theo hướng hiện đại, đồng thời coi cải cách hành chính là khâu đột phá. Tỉnh cần quan tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, từ đó đẩy mạnh thu hút phát triển công nghiệp hỗ trợ. Cần đào tạo, bồi dưỡng một đội ngũ cán bộ am hiểu các chính sách, đặc biệt là chính sách hội nhập kinh tế quốc tế trong tình hình mới. Cán bộ muốn hỗ trợ tốt cho doanh nghiệp hội nhập tốt thì đừng hô hào chung chung nữa mà phải nắm chắc chính sách, áp sát vào thực tiễn doanh nghiệp thì mới giúp kinh tế phát triển được. Đây thực sự là vấn đề đặt ra hết sức nóng bỏng. Đi đôi với đó, tỉnh cần quan tâm tới đời sống công nhân các khu công nhiệp và bảo vệ môi trường để phát triển một cách bền vững.
* Xin cảm ơn ông!
Công Nghĩa (thực hiện)