Vào cuối năm, thị trường xuất khẩu nhân hạt điều đang mở ra nhiều cơ hội. Năm nay, ngành điều trong nước phấn đấu đạt mốc 1,8 tỷ USD. Để rõ hơn về cơ hội cho ngành điều trong thời gian tới, phóng viên Báo Đồng Nai có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Đức Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam.
Vào cuối năm, thị trường xuất khẩu nhân hạt điều đang mở ra nhiều cơ hội. Năm nay, ngành điều trong nước phấn đấu đạt mốc 1,8 tỷ USD. Để rõ hơn về cơ hội cho ngành điều trong thời gian tới, phóng viên Báo Đồng Nai có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Đức Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam.
Năm nay, mục tiêu của ngành điều sẽ xuất khẩu đạt 1,8 tỷ USD. Trong 9 tháng của năm 2013, xuất khẩu điều mới đạt gần 1,2 tỷ USD, như vậy chỉ còn thời gian ngắn nữa liệu ngành điều có “cán đích”?
- Đầu năm, xuất khẩu nhân hạt điều của nước ta gặp nhiều khó khăn về giá cũng như thị trường. Song từ tháng 8 đến nay, thị trường xuất khẩu hạt điều sôi động trở lại. Trong 6 tháng đầu năm 2013, xuất khẩu nhân hạt điều bình quân chỉ hơn 6 ngàn USD/tấn thì đến tháng 8 đã tăng lên trên 7.500 USD/tấn. Thị trường xuất khẩu từ nay đến hết năm vẫn khá thuận lợi và tiếp tục gia tăng cả về số lượng lẫn giá trị. Do đó, xuất khẩu điều năm nay chắc chắn sẽ đạt 1,8 tỷ USD. Con số này còn vượt nếu tính cả xuất khẩu dầu vỏ điều.
Thưa ông, thị trường xuất khẩu nhân hạt điều của Việt Nam những tháng cuối năm gia tăng vẫn là với các khách hàng truyền thống hay có thêm những khách hàng mới?
- Hiện nay, thị trường xuất khẩu điều truyền thống lớn của Việt Nam vẫn là Mỹ, Trung Quốc và Hà Lan (chiếm hơn 60% sản lượng điều xuất khẩu của Việt Nam) đều gia tăng lượng nhập khẩu. Gần đây có thêm thị trường Ấn Độ cũng gia tăng lượng nhập khẩu nhân hạt điều với giá tương đối cao.
Hạt điều là một trong những loại nông sản có sản lượng và giá trị xuất khẩu lớn của Việt Nam, nhưng người trồng điều trong nước có thu nhập rất thấp. Theo ông, để có thể sống được với nghề trồng điều, nông dân phải làm gì?
- Đúng là thu nhập của nông dân trồng điều thấp hơn nhiều so với các loại cây trồng khác. Nhưng cây điều có ưu điểm sống được ở những vùng đất khô hạn mà những cây trồng khác không sống được và chi phí đầu tư thấp. Tuy bình quân thu nhập từ cây điều còn thấp, nhưng cũng có những hộ trồng điều ở Đồng Nai đã sử dụng giống điều ghép cao sản, áp dụng khoa học - kỹ thuật đẩy năng suất điều lên 3-4 tấn/hécta/năm, trừ chi phí vẫn lời trên 40 triệu đồng/hécta/năm. Để giữ vùng nguyên liệu, nhân rộng những mô hình trồng điều đạt năng suất chất lượng cao, Hiệp hội Điều Đồng Nai cũng như các tỉnh có diện tích điều lớn đã tổ chức tuyên dương những nông dân sản xuất điều giỏi. Tới đây, Hiệp hội Điều Việt Nam sẽ tổ chức hội nghị toàn quốc vinh danh nông dân trồng điều giỏi. Theo tôi, muốn có thu nhập ổn định từ trồng điều, nông dân phải áp dụng khoa học để tăng năng suất, chất lượng. Đồng thời khi giá điều xuống thấp, nông dân có thể phơi khô trữ lại đợi giá tăng mới bán ra. Hạt điều thô phơi khô, nông dân có thể trữ được 1 - 2 năm.
Hiện nay, 40% nguyên liệu điều để sản xuất phải nhập khẩu và khả năng con số này còn tăng vì nông dân Đồng Nai cũng như nhiều tỉnh khác vẫn tiếp tục thu hẹp diện tích trồng điều. Trước thực tế này, Hiệp hội Điều Việt Nam có giải pháp gì?
- Trước mắt, Hiệp hội Điều Việt Nam yêu cầu các doanh nghiệp ngành điều có sự gắn kết với nông dân để hỗ trợ giống kỹ thuật và ký kết mua sản phẩm trực tiếp, hạn chế bớt khâu trung gian. Đồng thời, hiệp hội cũng kịp thời cập nhật, thông báo thị trường ngắn hạn, dài hạn và giá cả hạt điều từng ngày qua tin nhắn, email và trên website để nông dân lựa chọn thời điểm giá tốt nhất bán hàng ra. Một tin vui cho người trồng điều Đồng Nai cũng như cả nước là cùng một sản phẩm điều xuất khẩu, nhưng sản phẩm sản xuất từ nguồn nguyên liệu trong nước được các doanh nghiệp nước ngoài sẵn sàng mua với giá cao hơn.
Xin cảm ơn ông!
Hương Giang (thực hiện)