Nhiều người biết đến kiến trúc sư (KTS) Nguyễn Văn Tất không phải bởi ông là một KTS nổi tiếng, mà còn bởi những đoản văn mang đầy “hồn vía đô thị” trong trang blog của riêng ông, hoặc trên 2 tập tản văn - kiến trúc Hơi thở nhiệt đới xuất bản vào năm 2009 và 2012.
Nhiều người biết đến kiến trúc sư (KTS) Nguyễn Văn Tất không phải bởi ông là một KTS nổi tiếng, mà còn bởi những đoản văn mang đầy “hồn vía đô thị” trong trang blog của riêng ông, hoặc trên 2 tập tản văn - kiến trúc Hơi thở nhiệt đới xuất bản vào năm 2009 và 2012. Đối với ông, kiến trúc không phải là những công trình “chết” mà phải luôn có hồn, và những cư dân đô thị có thể tìm thấy mình trong đó. KTS Tất nói mình đặc biệt yêu Biên Hòa, nơi ông sinh ra và lớn lên, vậy nên trong những “phản biện kiến trúc” cho sự đổi thịt thay da của thành phố này, luôn có hoài niệm tiếc nhớ những góc nhỏ duyên dáng mà theo ông, chính là bản sắc của Biên Hòa.
* Sự thay đổi và phát triển hạ tầng nhanh của Biên Hòa nói riêng và nhiều đô thị khác nói chung, theo ông có làm ảnh hưởng đến không gian kiến trúc chung của đô thị? Cảm nhận của ông dưới góc nhìn của một KTS?
- Tôi muốn đưa ra một hình ảnh dễ hiểu hơn. Đó là khi một gia đình khá giả lên, họ sẽ có nhu cầu có một cuộc sống tiện nghi hơn, như: bỏ nhà cũ để xây nhà mới, mở rộng vườn tược, làm đường… và kể cả xây lại từ đường. Có người hết sức cẩn trọng để giữ lại những nếp cũ quý giá, nhưng cũng có người dẹp bỏ không chút đắn đo. Điều này cần đến một thái độ ứng xử thật có văn hóa.
Sự phát triển đô thị ngày nay cũng không khác mấy. Người ta đang có đầy đủ điều kiện để phát triển một đô thị nhanh chóng, quy mô hơn, nhưng để là một đô thị sống có chất lượng, có không gian và bản sắc kiến trúc riêng thì còn nhiều điều phải suy nghĩ.
* Ông nói mình tiếc nhớ, hoài niệm những góc nhỏ duyên dáng làm nên bản sắc và hồn vía của Biên Hòa. Đó là những gì?
- Nói riêng về Biên Hòa, ở góc độ là một KTS, tôi quan tâm đến đường phố, không gian kiến trúc, công trình văn hóa lịch sử… Nhưng với góc độ một người dân sinh ra và lớn lên ở đây, một người con của Biên Hòa, tôi nhớ tiếc những thứ khác, thứ giá trị kép của Biên Hòa mà tôi có điều kiện được hưởng thụ, va chạm suốt thời tuổi thơ.
Bản sắc không phải là điều gì quá lớn lao. Tôi từng tự hỏi, một thành phố nhỏ xíu sao lại có nhiều thứ duyên dáng thế: dốc Tòa, cù lao Phố, thành Kèn, gò Me, Tân Hiệp Quán… hay những con đường thơ mộng trong thơ của Nguyễn Tất Nhiên. Đôi khi, chỉ một cái tên cũng đã là bản sắc.
Những thứ phát triển quy mô, vui vẻ, nhộn nhịp… thì đâu đâu cũng thấy, không chỉ riêng Biên Hòa. Sự “to, nở” của đô thị trong thời đại này là rất nhanh, rất lớn, song tôi nghĩ, mỗi người dân gắn bó lâu năm với Biên Hòa vẫn sẽ thấy thiếu những góc nhỏ tự hào riêng của thành phố này.
* Liệu có thể vừa đáp ứng nhu cầu phát triển hạ tầng, nhu cầu xây mới cầu, đường, quy hoạch lại đô thị… vừa đáp ứng nhu cầu bảo tồn giá trị văn hóa lịch sử của đô thị, hoặc thêm vào những công trình đó một chút giá trị nghệ thuật? Điều đó có tốn kém?
- Chắc chắn là có cách làm, vấn đề là muốn hay không muốn. Còn nếu từ đầu, anh chỉ chú trọng vào phát triển hạ tầng, xây đường, xây cầu để đi, không chủ định đầu tư vào những giá trị nhân văn lâu dài thì hiển nhiên, anh sẽ không có nó. Trong suy nghĩ của tôi, một công trình kiến trúc phải tổng hòa được nhiều yếu tố, đôi khi sẽ phải giải quyết mâu thuẫn giữa công năng, tính bền vững, hiệu quả và giá trị văn hóa… của công trình. Nếu có sự quan tâm ngay từ đầu, hẳn sẽ có cách giải quyết.
Còn chuyện tốn kém, có những cây cầu vừa khánh thành thôi, đã làm đổi tên, thay vị trí của cả một thành phố trong bản đồ du lịch, đó là một nước cờ khôn ngoan về hiệu quả kinh tế. Tôi muốn lấy một ví dụ gần gũi, cầu Ánh Sao tại quận 7 của TP.Hồ Chí Minh. Cây cầu này thành công về góc độ du lịch, nổi tiếng đến nỗi rất nhiều bạn trẻ Biên Hòa ngày ngày lên chỉ để... chụp hình, có chi phí xây dựng cũng bình thường như bao cây cầu khác, chỉ là do người xây đã quan tâm đến tính nghệ thuật và cả cảm xúc của người dân khi sử dụng chiếc cầu. Ngược lại, cũng có những chiếc cầu xây dựng vô cùng tốn kém, nhưng lại vô hồn.
* Với góc nhìn của ông thì trung tâm đô thị Biên Hòa nên phát triển theo hướng nào? Và làm thế nào để giữ gìn được bản sắc của một đô thị hơn 300 năm tuổi?
- Khi còn nhỏ, tôi nhớ Biên Hòa đã là trung tâm dịch vụ của cả vùng. Hình ảnh người Sài Gòn ngày ngày chạy xe xuống làm việc, chạy xe xuống ăn bánh canh đầu cá, bánh hỏi, thịt vịt, chơi chỗ này chỗ kia… là chuyện bình thường. Nay thì ngược lại. Biên Hòa sở hữu nhiều điều riêng, trong đó có văn hóa sông nước. Đô thị bám lấy dòng sông, phát triển dựa vào đó là điều hoàn toàn tự nhiên. Cần cân nhắc chiến lược phát triển Biên Hòa theo đúng xu thế, theo tôi đó là hướng Tân Vạn, Bửu Hòa, bởi khi đúng hướng, sẽ tiết kiệm được tài lực.
Câu chuyện bối rối, loay hoay giữa việc phát triển đô thị, giữ gìn các giá trị văn hóa - kiến trúc là câu chuyện chung của nhiều đô thị ở Việt Nam, không chỉ riêng Biên Hòa. Tôi chỉ tiếc Biên Hòa có đầy đủ tiềm năng về tài lực, địa hình, di sản… để trở thành một đô thị đầy bản sắc, nhưng lại chưa có cơ hội làm được điều đó.
* Người dân đô thị những năm gần đây đã rất quan tâm và đầu tư cho kiến trúc nhà ở. Nhưng quan sát ở góc nhìn tổng thể, vẫn thiếu một sự hài hòa chung để làm nên nét riêng của từng khu phố, từng vùng kiến trúc. Theo ông, điều này là do tính “mạnh ai nấy làm” của người dân, hay do thiếu bàn tay phác thảo nên những nét chung của chính quyền?
- Có những nơi chính quyền ra quy định, người dân phải xây nhà đúng 2 tầng, 3 tầng… trăm nhà như một. Đây là một cách làm lười biếng, nó sẽ phản tác dụng bởi cái chính quyền muốn chưa chắc đã là cái người dân muốn. Cứ phải một trệt 3 lầu cho khỏi xấu, chắc gì đã đẹp? Quy hoạch không gian kiến trúc chung cũng cần những quy tắc ứng xử chung khi xây dựng, nhưng không cần đến sự cứng nhắc. Chẳng hạn, quy định về chiều cao, chỉ cần đưa ra giới hạn rằng chiều cao ngôi nhà không vượt quá 4 lần chiều ngang là được, không cần phải mặc đồng phục cho tất cả các ngôi nhà, chỉ cần chúng hài hòa trong tổng thể chung.
KTS Nguyễn Văn Tất sinh ra và lớn lên tại Biên Hòa. Hiện là Phó chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, giảng viên thỉnh giảng của Trường đại học kiến trúc TP.Hồ Chí Minh và là Phó tổng biên tập Tạp chí Kiến trúc Nhà đẹp. KTS Nguyễn Văn Tất đã có nhiều công trình đạt giải thưởng kiến trúc, trong đó gần đây nhất là giải thưởng Kiến trúc quốc gia 2012 với tác phẩm mà ông gọi là Vườn chú Sáu (Vườn tưởng niệm cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt) do ông và KTS Lê Hiệp là đồng tác giả. |
Chính quyền cần có sự linh hoạt, linh hoạt một cách thông minh để kiến trúc từng ngôi nhà phù hợp với không gian chung, nhưng người dân vẫn được quyền chọn lựa một cách phù hợp với nhu cầu ở của mình.
* Biên Hòa trong tương lai có thể sẽ có một dự án lấn sông, với mục tiêu tạo thêm những giá trị gia tăng cho địa phương, cho người dân. Cảm nghĩ của ông?
- Tôi ủng hộ, nếu dự án đó tạo thêm được những giá trị gia tăng cho dòng sông. Thói quen chung chung hiện thời là làm một con đường ven sông, thực ra chưa phát triển được giá trị thương mại. Ví dụ, có thể cho anh mở quán cà phê ven sông, nhưng tiền thuế tôi thu được phải cao hơn nhiều lần nơi khác, để có thêm ngân sách xây dựng những công trình phúc lợi, dân sinh khác. Cách làm hiện tại không mang lại giá trị gia tăng lớn cho đô thị.
Do vậy, quá trình thực hiện dự án ra sao để người dân cảm thấy họ “được” nhiều hơn “mất”, làm sao để người dân không cảm thấy nhà đầu tư đến và lấy đi của họ, mà là họ sẽ được thêm gì từ đó, là điểm cần chú ý.
Xin cảm ơn ông!
Kim Ngân (thực hiện)