Phát huy truyền thống 65 năm xây dựng ngành Kiểm tra Đảng và 37 năm thành lập ngành Kiểm tra Đảng của Đồng Nai (1976), thời gian qua ủy ban kiểm tra các cấp đã thực hiện tốt nhiệm vụ theo Điều lệ Đảng quy định và cấp ủy giao.
Phát huy truyền thống 65 năm xây dựng ngành Kiểm tra Đảng và 37 năm thành lập ngành Kiểm tra Đảng của Đồng Nai (1976), thời gian qua ủy ban kiểm tra các cấp đã thực hiện tốt nhiệm vụ theo Điều lệ Đảng quy định và cấp ủy giao. Trả lời phỏng vấn Báo Đồng Nai, đồng chí HOÀNG THị LÀI, Phó chủ nhiệm thường trực Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, cho biết:
- 37 năm xây dựng, Ủy ban Kiểm tra (UBKT) các cấp đã giúp cấp ủy phát hiện, cảnh báo và ngăn chặn có hiệu quả tình hình suy thoái của cán bộ, đảng viên. Xử lý nghiêm và đưa những phần tử thoái hóa, biến chất ra khỏi Đảng, góp phần tích cực vào việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị và công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ tỉnh.
Kiểm tra Đảng là công việc có tính đặc thù đối tượng được kiểm tra, giám sát là cán bộ đảng viên, lãnh đạo chủ chốt các cấp. Vậy đội ngũ cán bộ làm công tác kiểm tra trong tỉnh phải làm gì để thực hiện tốt nhiệm vụ của mình, thưa đồng chí?
37 năm thành lập, UBKT các cấp trong tỉnh đã kiểm tra 695 tổ chức và 21.345 đảng viên về việc chấp hành Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng; kiểm tra 3.141 tổ chức Đảng cấp dưới thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật Đảng và 120 tổ chức, 2.576 đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm. Qua hoạt động kiểm tra, giám sát đã thu hồi về cho Nhà nước nhiều tỷ đồng và hàng ngàn mét vuông đất các loại. Đồng thời đã nghiêm khắc xử lý kỷ luật 9.484 cán bộ, đảng viên vi phạm, trong đó khai trừ ra khỏi Đảng 1.803 đảng viên. |
- Để cán bộ kiểm tra hoàn thành được nhiệm vụ đề ra, yếu tố quan trọng nhất là phải có sự tự giác của tổ chức Đảng và đảng viên. Đồng thời, cán bộ kiểm tra cần hiểu biết tâm lý con người để có biện pháp vận động, thuyết phục và cảm hóa con người hiệu quả. Trong thực tiễn thẩm tra, xác minh cho thấy, không ít trường hợp “tình ngay, lý gian” hoặc không phải bất cứ một hành vi sai lầm nào cũng đều xuất phát từ động cơ tiêu cực. Chính vì vậy, cán bộ kiểm tra phải quán triệt quan điểm hệ thống - phức hợp, phải thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chi Minh: “Thông qua công việc để kiểm tra cán bộ, đảng viên”, “Từ kiểm tra việc đi đến kiểm tra con người”. Trong công tác kiểm tra, giám sát nếu cán bộ kiểm tra nhận biết đúng tính cách của đối tượng kiểm tra, giám sát là đã nhận biết được phần rất cơ bản để khai thác những nét tính cách tốt và hạn chế những nét tính cách xấu để tìm được tiếng nói chung trong quá trình tiến hành kiểm tra, giám sát.
Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, cán bộ kiểm tra cần khách quan, công bằng, chí công vô tư, trung thực, nhân ái, vị tha, không vụ lợi; có bản lĩnh vững vàng, tư cách đạo đức gương mẫu và phong cách làm việc có sức thuyết phục. Để làm được điều này không phải tự nhiên mà có, đòi hỏi mỗi cán bộ kiểm tra phải thường xuyên rèn luyện, trau dồi phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng, sống trong sáng, giản dị, nghiêm khắc với chính mình và mỗi việc làm. Có như vậy cán bộ kiểm tra mới hoàn thành tốt nhiệm vụ do Điều lệ Đảng quy định và nhiệm vụ cấp ủy giao, xứng đáng với lòng tin của Đảng và nhân dân.
Thưa đồng chí, phát huy truyền thống 65 năm qua, ngành Kiểm tra Đảng ở Đồng Nai sẽ tập trung vào những hoạt động gì trong thời gian tới ?
- Đội ngũ cán bộ kiểm tra trong toàn tỉnh sẽ tiếp tục nỗ lực phấn đấu, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. Trong đó, thực hiện đồng bộ giữa công tác kiểm tra và công tác giám sát theo phương châm “giám sát phải mở rộng”, “kiểm tra phải có trọng tâm, trọng điểm” để chủ động phòng ngừa vi phạm, phát hiện các nhân tố mới, cán bộ tốt để đề xuất bố trí vào các chức danh cán bộ chủ chốt, kịp thời thay thế những cán bộ vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, độc đoán, gia trưởng, gây mất đoàn kết nội bộ; cán bộ vi phạm phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống và những cán bộ có dấu hiệu tham nhũng.
Cán bộ ngành Kiểm tra Đảng gặp gỡ nhau trong lễ kỷ niệm. |
Đồng thời, công tác kiểm tra chú trọng kiểm tra, giám sát việc chấp hành Điều lệ, Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng trong tổ chức Đảng, đảng viên. Trong đó, trọng tâm là kiểm tra đảng viên là cấp ủy viên, người đứng đầu cấp ủy, tổ chức Đảng, tổ chức Nhà nước, các đoàn thể chính trị và tổ chức Đảng cấp dưới khi có dấu hiệu vi phạm. Ngoài ra, tích cực chủ động giám sát việc khắc phục sai phạm, hậu quả sau kiểm tra; giải quyết kịp thời tố cáo, khiếu nại kỷ luật Đảng; thường xuyên kiểm tra, giám sát tổ chức Đảng cấp dưới thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát và tăng cường kiểm tra tài chính Đảng.
Xin cảm ơn đồng chí!
Phương Hằng (thực hiện)