Ngày 25-3 vừa qua, Sở Thương mại - du lịch đã công bố Quy hoạch phát triển ngành thương mại đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020. Phóng viên báo Đồng Nai đã có cuộc phỏng vấn ông LÊ VĂN DÀNH, Giám đốc Sở Thương mại - du lịch, về các vấn đề xoay quanh một số điểm quan trọng trong nội dung quy hoạch.
Ngày 25-3 vừa qua, Sở Thương mại - du lịch đã công bố Quy hoạch phát triển ngành thương mại đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020. Phóng viên báo Đồng Nai đã có cuộc phỏng vấn ông LÊ VĂN DÀNH, Giám đốc Sở Thương mại - du lịch, về các vấn đề xoay quanh một số điểm quan trọng trong nội dung quy hoạch.
* PV: Thưa ông, bản quy hoạch đề ra mục tiêu đến năm 2010, tỷ trọng ngành thương mại - dịch vụ trong cơ cấu GDP của tỉnh sẽ là 34%. Con số này hiện nay mới dừng ở 28,9%. Vậy theo ông, mục tiêu này là thấp hay cao?
- Ông Lê Văn Dành : Theo tôi, mục tiêu đến năm 2010 ngành thương mại - dịch vụ của tỉnh sẽ đạt tỷ trọng 34% trong cơ cấu GDP là tương đối cao và khó đạt được. Nguyên nhân chính là vì Đồng Nai là một tỉnh công nghiệp, tỷ trọng công nghiệp chiếm quá cao, nên chỉ cần mức tăng trưởng 1% cũng đã khiến ngành thương mại đi theo "mệt mỏi"! Tuy nhiên, theo đánh giá của tôi, vào thời điểm hiện nay và sắp tới, ngành công nghiệp trên địa bàn phát triển ổn định. Hy vọng, bằng nhiều nỗ lực của tất cả các ngành, thương mại - dịch vụ ở Đồng Nai sẽ phát triển nhanh và đạt được mục tiêu đề ra.
* Nếu nhìn thẳng vào các điểm yếu trong phát triển thương mại - dịch vụ tỉnh nhà ở những năm qua thì các điểm yếu đó là gì, thưa ông?
- Trước khi nêu các điểm yếu của ngành, tôi muốn làm rõ điều này. Theo quy luật khách quan, kể cả các nước phát triển có ngành thương mại dịch vụ rất mạnh hiện nay cũng phải trải qua giai đoạn mà công nghiệp chiếm thế "thượng phong", sau đó mới đến thương mại - dịch vụ. Chúng ta cũng vậy, không thể đi tắt được. Vậy cho nên vào thời điểm này, khi mà công nghiệp đã ổn định, chúng ta sẽ tập trung nỗ lực để phát triển dịch vụ. Song theo đánh giá của tôi, có 3 điểm yếu chính của ngành thương mại - dịch vụ Đồng Nai trong thời gian qua. Thứ nhất là chưa quan tâm nhiều đến việc mời gọi đầu tư cho hệ thống dịch vụ, các dự án phục vụ cho ngành này vẫn còn ít. Thứ hai là việc quy hoạch và định hướng phát triển cho ngành thương mại - dịch vụ trên địa bàn vẫn còn yếu và chưa có tầm nhìn xa. Và hạn chế cuối cùng là do nhu cầu mua sắm, sử dụng dịch vụ của dân cư Đồng Nai thời gian qua chưa cao lắm. Tuy nhiên vài năm gần đây, nhu cầu này lại phát triển quá nhanh và mạnh khiến ngành thương mại chưa đáp ứng kịp.
* Trong danh mục quy hoạch, đến năm 2010, toàn tỉnh sẽ có 18 trung tâm thương mại, 31 siêu thị, 7 khu thương mại - dịch vụ... Và theo lộ trình, trong năm 2008, nhiều dự án trong danh mục này sẽ phải khởi động. Theo ông, liệu chúng ta có kịp đáp ứng yêu cầu về mặt thời gian để làm đúng theo quy hoạch?
- Hiện tại, một số dự án lớn đã bắt đầu khởi động. Chẳng hạn như siêu thị Metro, siêu thị khu vực hồ Biên Hùng đã được giới thiệu địa điểm, một số dự án khác cũng đang bắt đầu tiến hành các bước đầu tiên theo đúng lộ trình. Tuy nhiên, quy hoạch là quy hoạch, thực tế sẽ có thể nảy sinh nhiều vấn đề mà chúng ta chưa lường trước được đến từ nguyên nhân bên ngoài, như nhà đầu tư, vốn liếng, giải tỏa đền bù... chẳng hạn. Phát sinh khó khăn thì sẽ phải giải quyết một cách tuần tự. Còn quan điểm xuyên suốt thì vẫn phải nỗ lực hết mình để đạt được những mục tiêu đề ra trong nội dung quy hoạch.
* Đến năm 2010 và định hướng đến 2020, toàn tỉnh sẽ có 195 chợ. Nhưng trong thời gian qua, báo chí và người dân đã phản ánh về tình trạng một số mô hình chợ xây mới nhưng hoạt động không hiệu quả. Vậy theo ông đâu là hướng đi bền vững cho các mô hình chợ?
- Quy hoạch phát triển mạng lưới chợ trên địa bàn Đồng Nai đã được tỉnh phê duyệt trên cơ sở xem xét các nhu cầu của người dân. Từ chỗ quy hoạch đến thực hiện nếu có phát sinh, chúng ta sẽ điều chỉnh và bổ sung cho phù hợp. Trên thực tế, trên địa bàn tỉnh vẫn có một số chợ đầu tư chưa phù hợp với nhu cầu dẫn đến hoạt động kém hiệu quả. Vấn đề này Sở Thương mại - du lịch đã phối hợp với các địa phương giải quyết bằng nhiều cách như chuyển đổi mục đích sử dụng, đề ra các giải pháp hỗ trợ để giúp chợ đi vào hoạt động tốt hơn... Còn nói về hướng đi bền vững cho các mô hình chợ, mặc dù đã được nghiên cứu quy hoạch cụ thể, nhưng đây là một vấn đề khá phức tạp nên thực tế phát sinh đến đâu, sẽ giải quyết đến đó.
* Ông đánh giá thế nào về trình độ, năng lực của nguồn nhân lực ngành thương mại trong những năm qua? Sắp tới, ngành sẽ có giải pháp gì để phát triển và nâng cao chất lượng cho nguồn nhân lực của ngành?
- Vẫn còn nhiều hạn chế về trình độ, năng lực của nguồn nhân lực phục vụ cho thương mại - dịch vụ tỉnh nhà trong thời gian qua. Đặc biệt, nguồn nhân lực phục vụ cho các dịch vụ chất lượng cao còn thiếu và yếu. Chính vì vậy, song song với việc huy động mọi nguồn lực cho phát triển thương mại - dịch vụ trong thời gian tới, ngành thương mại cũng đặc biệt chú ý đến việc phát triển nguồn nhân lực. Chúng tôi sẽ tiến hành mở các khóa học đào tạo, bồi dưỡng, hỗ trợ nhằm nâng cao năng lực cán bộ. Hiện có một số cán bộ ngành đang theo học các chương trình đào tạo của tỉnh.
* PV: Xin cảm ơn ông!
Một số mục tiêu chính trong quy hoạch phát triển ngành thương mại - dịch vụ đến 2010 và định hướng đến 2020 - Tăng trưởng thương mại - dịch vụ bình quân 15 - 15,5%/năm - Trong cơ cấu kinh tế năm 2010, dịch vụ chiếm tỷ trọng trong GDP là 34%. - Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa năm 2010 đạt khoảng 16 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu giai đoạn 2006 - 2010 bình quân là 20 - 22%/năm. - Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ tăng bình quân 20-22%/năm. - Tạo sự chuyển dịch mạnh mẽ và toàn diện cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa. Theo quy hoạch, đến năm 2010 và định hướng đến 2020, toàn tỉnh sẽ có 28 trung tâm thương mại, 51 siêu thị tổng hợp, 2 siêu thị chuyên ngành, 10 khu thương mại - dịch vụ, 195 chợ. |
Vi Lâm (thực hiện)