Báo Đồng Nai điện tử
En

Thị trường bất động sản vẫn còn phát triển "nóng" trong những năm tới

08:02, 20/02/2008

Tiến sĩ Đỗ Thị Loan, Tổng thư ký Hiệp hội bất động sản TP.Hồ Chí Minh (HoREA) đã đưa ra nhận định này trước hàng trăm đại biểu là lãnh đạo TP.Hồ Chí Minh, các nhà kinh doanh đầu tư bất động sản (BĐS), các nhà kinh tế và các giảng viên của một số trường đại học..., tại buổi họp mặt đầu xuân Mậu Tý của giới BĐS TP. Hồ Chí Minh, vừa tổ chức vào ngày 18-2-2008. PV báo Đồng Nai đã tranh thủ trao đổi với TS. Đỗ Thị Loan.

Tiến sĩ Đỗ Thị Loan

Tiến sĩ Đỗ Thị Loan, Tổng thư ký Hiệp hội bất động sản TP.Hồ Chí Minh (HoREA) đã đưa ra nhận định này trước hàng trăm đại biểu là lãnh đạo TP.Hồ Chí Minh, các nhà kinh doanh đầu tư bất động sản (BĐS), các nhà kinh tế và các giảng viên của một số trường đại học..., tại buổi họp mặt đầu xuân Mậu Tý của giới BĐS TP. Hồ Chí Minh, vừa tổ chức vào ngày 18-2-2008. PV báo Đồng Nai đã tranh thủ trao đổi với TS. Đỗ Thị Loan.

 

* Thưa bà, căn cứ nào mà bà có nhận định trên?

 

- Năm vừa qua, HoREA đã có dịp tham dự rất nhiều cuộc hội thảo, trao đổi, hội chợ về BĐS ở nhiều nước, từ châu Á - Thái Bình Dương qua đến châu Âu, Trung Đông. HoREA cũng được đón tiếp rất nhiều nhà đầu tư BĐS từ nước ngoài đến VN tìm hiểu thị trường BĐS, trong đó có cả Chủ tịch tập đoàn AIG (Mỹ). Và thực tế tình hình trong nước cho thấy, việc đầu tư vào các dự án BĐS có tầm cỡ cũng chưa nhiều, ngay như TP.Hồ Chí Minh cũng mới có mấy trung tâm thương mại, cao ốc văn phòng trong khi thành phố này có đến hơn 8 triệu dân (chưa kể số khách vãng lai) và nhà đầu tư nước ngoài đến làm ăn tại thành phố ngày càng nhiều.

 

* Nhưng có không ít ý kiến cho rằng giá nhà đất tăng quá nhanh, thực tế là giá ảo?

 

- Thật ra là nhu cầu quá nhiều mà lượng cung không kịp thời, không đủ nên không tránh khỏi tình trạng "nóng" về BĐS như thời gian qua. Rồi giá đầu vào tăng như giá đất, chi phí bồi thường giải tỏa, đầu tư hạ tầng, nguyên vật liệu, nhân công, chi phí vận chuyển... Những tác động khách quan làm cho BĐS cũng phải tăng giá theo.

 

* Theo bà, giá này đã có dấu hiệu dừng lại?

 

- Tôi chưa nghĩ như vậy, vì Việt Nam đang thời kỳ đầu của tiến trình đô thị hóa nên tình trạng vẫn tiếp tục nóng. Đồng thời, nhu cầu về văn phòng, nhà ở, các khu dịch vụ phục vụ cho thời kỳ hội nhập và phát triển vẫn đang thiếu trầm trọng. Tôi nghĩ thị trường BĐS vẫn còn tiếp tục phát triển hàng chục năm nữa vì tỷ lệ dân cư thành thị sẽ tăng từ 27 - 28% hiện nay lên 45 - 50% vào năm 2020 - 2025 và tiếp tục tăng trong những năm tiếp theo.

 

* Nhưng các nhà lãnh đạo, quy hoạch đang có chiến lược giãn dân ra khỏi các khu trung tâm để giảm bớt áp lực tập trung cư dân ở trung tâm, giảm tình trạng "nghẽn người, nghẽn xe", điều này có làm cho giá đất chựng lại?

 

- Tôi nghĩ trong bán kính từ trung tâm thành phố ra ngoại vi 10 - 15km, nếu khuyến khích được người dân giãn ra thì rất tốt. Nhưng hàng loạt vấn đề phải đặt ra trước nó là hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật; vấn đề giao thông công cộng, trường học, bệnh viện; các trung tâm thương mại, đảm bảo an ninh... đều phải được đầu tư đồng bộ thì mới mong giải quyết được vấn đề. Chúng ta cũng đang hy vọng vào sự hoàn thành của một số công trình giao thông trọng điểm, như năm 2009 đại lộ Đông - Tây hoàn thành; năm 2010 thêm 4 cầu nối ra quận 2, quận 9 hoàn thành và năm 2014 tuyến đường sắt Sài Gòn - Suối Tiên hoàn thành. Những công trình giao thông trọng điểm này sẽ được hoàn thành kể từ năm 2010 trở đi sẽ làm cho giá nhà, đất tại quận 2, quận 9, Nhơn Trạch và các khu vực lân cận sẽ tăng mạnh, còn giá nhà, đất trong khu vực nội thành hiện hữu chưa chắc giảm. Tại sao? Nhiều người vẫn thích sống trong khu vực nội thành cũ, đặc biệt là quận 1, 3, 4, 5, 10, Phú Nhuận, Bình Thạnh,... vì thuận tiện cho việc đi lại, học hành, chữa bệnh, vui chơi giải trí của các thành viên trong gia đình.

 

* Theo bà, Nhà nước cần có giải pháp gì để hạ nhiệt thị trường BĐS?

 

- Tôi nghĩ các biện pháp can thiệp nào từ phía Nhà nước cũng cần được xem xét thận trọng và phản ánh đúng quy luật thị trường. Bởi, nếu không khéo thì làm cho thị trường đóng băng, các nhà đầu tư hoài nghi và cũng không tránh khỏi hiện tượng đem tiền ra nước ngoài đầu tư vào BĐS. Trong khi hiện nay chúng ta cũng rất cần thu hút các nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước vào lĩnh vực này để tạo ra cơ sở vật chất, nhà ở cho nhiều thành phần dân cư; tạo ra diện mạo mới, đúng tầm vóc của một thành phố năng động bậc nhất của cả nước, góp phần tăng sức cạnh tranh của TP.Hồ Chí Minh so với các thành phố khác trong khu vực như Singapore, Hong Kong, Kuala Lumpur, Bangkok, Thượng Hải...

 

* Xin cảm ơn bà về cuộc trao đổi này.

 

Kim Loan (thực hiện)

 

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích
Dự án Cara World Cam Ranh mở bánThe Senique Hanoi theseniquecapitaland.com.vn Trang thông tin batdongsancentral tin alma resort mới nhất Eco Village Sài Gòn River