Buổi sáng đầu tháng 6, tranh thủ lúc trời vừa dứt cơn mưa, chúng tôi rời Trạm Kiểm lâm Đa Kinde bám theo con đường mòn trơn trượt để tìm tới Trạm Kiểm lâm Bù Đăng, cùng thuộc Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai (viết tắt Khu bảo tồn).
Buổi sáng đầu tháng 6, tranh thủ lúc trời vừa dứt cơn mưa, chúng tôi rời Trạm Kiểm lâm Đa Kinde bám theo con đường mòn trơn trượt để tìm tới Trạm Kiểm lâm Bù Đăng, cùng thuộc Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai (viết tắt Khu bảo tồn).
Kiểm lâm Trạm Kiểm lâm Bù Đăng thu phá bẫy thú do người dân lén đặt tại khu vực đồi Bằng Lăng (Tiểu khu 17). Ảnh: Đoàn Phú |
Chật vật mất hơn 1 giờ di chuyển, chúng tôi mới nhìn thấy Trạm Kiểm lâm Bù Đăng nằm chơi vơi giữa rừng già và thấp thoáng bóng dáng Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm Bù Đăng Trần Văn Ninh đứng chờ chúng tôi phía cuối con dốc giữa rừng.
* Gắn bó với rừng
Trạm trưởng Trần Văn Ninh cho biết, do khu vực rừng trạm quản lý không có dân cư sinh sống trong vùng đệm nên ngoài tiếng xe máy, bước chân thân quen của đồng đội trong lúc tuần rừng thì mọi tiếng động khác dễ dàng được các anh nghe ngóng, đánh giá.
Trạm Kiểm lâm Bù Đăng quản lý trên 4 ngàn ha rừng tự nhiên, với 5 tiểu khu (17, 20, 21, 23 và 28). Trạm có 6 người (trạm trưởng, trạm phó và 4 kiểm lâm viên).
Khu rừng nơi Trạm Kiểm lâm Bù Đăng “đóng quân” vào đầu mùa mưa thường xuất hiện tình trạng người dân từ xã Tân Lợi, H.Đồng Phú (tỉnh Bình Phước) vượt suối Mã Đà xâm nhập trái phép vào hái măng, nấm, đọt mây, lá díp và bẫy thú. Do đó, vào ban ngày, trạm chỉ có 1-2 người trực tại trạm, số còn lại chia tổ đi tuần tra nên tiếng chim, vượn, tiếng sột soạt của thú móng vuốt quanh trạm vào buổi sáng nghe rõ mồn một.
Trạm phó Trạm Kiểm lâm Bù Đăng Chu Văn Giang bên chiếc xe của đồng nghiệp bị gãy phuộc trước sau khi đi tuần rừng. Ảnh: Đoàn Phú |
Ông Trần Văn Ninh nói vui, ông là người già nhất (50 tuổi đời, 28 tuổi nghề) ở trạm nên được anh em tín nhiệm bầu làm thủ lĩnh. Còn công việc trực trạm, tuần tra và số ngày được nghỉ về thăm nhà đều như nhau (mỗi người 6 tuần về thăm nhà một lần, mỗi lần 1-2 ngày). Cho nên, mỗi khi anh em trong Khu bảo tồn, các trạm kiểm lâm có chuyện cưới xin, khi mời tất cả thành viên trong trạm tham dự thì phải tổ chức bốc thăm nhằm tìm ra 1 người đại diện đi dự tiệc.
Tháng 6 bắt đầu mùa mưa nên khu rừng tại Trạm Kiểm lâm Bù Đăng quản lý lung linh trong nắng ban mai, lá rừng xanh non và nhiều sắc màu hơn. Trạm phó Trạm Kiểm lâm Bù Đăng Chu Văn Giang bày tỏ, rừng trạm quản lý không có dân sinh sống nên rất yên ắng, chỉ nghe tiếng chim, tiếng thú, tiếng gió rừng.
Trạm trưởng Trần Văn Ninh cho biết thêm: “Sáng nay, kiểm lâm viên Nguyễn Đình Trường được về nhà nghỉ phép. Còn 3 kiểm lâm viên: Chiều Quang Cẩn, Võ Văn Thịnh, Hồ Ngọc Tĩnh đang đi tuần tra khu vực rừng giáp ranh với H.Bù Đăng. Do đó, nếu hôm nay không có các anh vào thì tôi và 3 anh em còn lại cũng chia làm 2 nhóm tuần tra các khu vực còn lại”.
Bẫy thú nhỏ của người dân lén lút đặt tại các khu vực dọc suối Mã Đà được kiểm lâm viên Trạm Kiểm lâm Bù Đăng tháo gỡ và thu giữ. Ảnh: Đoàn Phú |
Việc tuần tra rừng mùa mưa khá vất vả, ngoài việc đi lại trơn trượt, sình lầy thì rừng mùa này nhiều vắt, muỗi hơn mùa khô. Tuy nhiên, theo các kiểm lâm viên ở đây, vắt, muỗi đã quen nên không sợ, chỉ sợ đi luồn dưới những đám tre, khuy (lồ ô, tre già chết) gặp mưa nặng hạt, gió mạnh sập đè người rất nguy hiểm.
* Bảo vệ rừng vùng giáp ranh
Rừng nơi Trạm Kiểm lâm Bù Đăng “đóng quân” tiếp giáp với rừng nơi 2 trạm kiểm lâm Rang Rang và Đa Kinde (thuộc Khu bảo tồn) “đóng quân”. Khu vực rừng tiếp giáp này luôn yên ổn vì có sự phối hợp tuần tra và bảo vệ qua lại của các trạm kiểm lâm. Riêng khu vực tiếp giáp với Hạt Kiểm lâm H.Đồng Phú (tỉnh Bình Phước) dài 22km theo dọc suối Mã Đà thì phức tạp hơn.
Trạm trưởng Trần Văn Ninh cho hay, khu vực này phức tạp vì tuyến suối dài, do người dân thường lén lút vượt suối Mã Đà qua bên rừng Trạm Kiểm lâm Bù Đăng quản lý để hái mây, măng, lá díp để bán hoặc làm các món ăn truyền thống của đồng bào dân tộc khi nhà có tiệc.
“Do khu vực giáp ranh này khá dài, trong khi lực lượng kiểm lâm mỏng nên việc phát hiện, bắt quả tang, xử lý các trường hợp vi phạm đôi lúc còn gặp khó khăn. Vì vậy, vị trí này luôn được tập trung tuần tra kiểm soát nhiều hơn” - Trạm trưởng Trần Văn Ninh tâm sự.
Khu vực dọc suối Mã Đà thường xuyên được Trạm Kiểm lâm Bù Đăng tuần tra, kiểm soát để ngăn chặn người dân từ tỉnh Bình Phước vượt suối xâm nhập rừng. Ảnh: Đoàn Phú |
Có mặt ở khu vực chốt Suối Giang (cách Văn phòng Trạm Kiểm lâm Bù Đăng 7km) khi cơn mưa vừa tạnh, chúng tôi gặp nhóm các kiểm lâm viên: Cẩn, Thịnh, Tĩnh ghé chốt lấy xe máy đi về trạm. Mặc dù khởi hành từ 4 giờ sáng, với 9 tiếng luồn rừng, các anh vẫn không tỏ ra mỏi mệt khi biết rằng rừng, thú ở khu vực các anh kiểm tra được bình yên, không có dấu hiệu con người lai vãng.
Kiểm lâm viên Hồ Ngọc Tĩnh loay hoay với chiếc xe máy đi rừng bị gãy phuộc trước, đành để tạm trong cái chốt nghỉ chân. “Muốn sửa lại xe cũng mất hơn 1 triệu đồng thì mới ngon. Như vậy, tháng lương này đương nhiên mình phải dành 1 triệu đồng cho việc sửa lại chiếc xe đi rừng bị hỏng” - kiểm lâm viên Tĩnh tỏ bày.
Như hiểu được nỗi niềm của đồng nghiệp trẻ, Trạm phó Chu Văn Giang khẽ giãi bày, anh em kiểm lâm giờ ai cũng đạt trình độ cao đẳng, đại học lâm nghiệp. Vì yêu nghề này nên mới đầu quân cho Khu bảo tồn. Trách nhiệm bảo vệ rừng của lực lượng kiểm lâm viên Khu bảo tồn thì nặng nề, gần như quanh năm, suốt tháng sinh hoạt và công tác tại rừng, nhưng lương “ba cọc, ba đồng”. Vậy nên, khi nghe sắp tới tỉnh có chủ trương chuyển lực lượng kiểm lâm viên thành bảo vệ rừng ai cũng buồn, lo lắng cho rừng, cho công việc sắp tới của mình.
“Một khi lực lượng kiểm lâm chuyển thành bảo vệ rừng thì chức năng, nhiệm vụ có sự thay đổi cho phù hợp. Tuy vậy, điều bất hợp lý nhất nếu bảo vệ rừng trang bị dùi cui thay cho súng đi tuần tra thì khó mà đủ sức để ngăn chặn, đấu tranh với người vi phạm rừng một khi họ manh động, chống đối quyết liệt. Một khi sức mạnh, quyền hành của lực lượng bảo vệ rừng bị hạn chế thì đồng nghĩa với việc bảo vệ rừng, thú rừng sẽ không được tốt như hiện tại, chứ chưa nói tới việc nhiều anh em muốn bỏ nghề” - Trạm phó Chu Văn Giang phân trần.
Các kiểm lâm viên Trạm Kiểm lâm Bù Đăng dừng nghỉ chân trong quá trình tuần tra rừng. Ảnh: Đoàn Phú |
14 giờ, chúng tôi về lại trạm, bữa cơm muộn của anh em cũng được Trạm trưởng Trần Văn Ninh dọn sẵn. Ăn cơm xong, các anh có chút thời gian ngả lưng để 16 giờ tiếp tục phối hợp với Trạm Kiểm lâm cơ động trực thuộc Hạt Kiểm lâm Khu bảo tồn tuần tra khu vực khác. Kiểm lâm viên Chiều Quang Cẩn cho hay, vào đầu mùa mưa thú rừng luôn mất cảnh giác với người chuyên hành nghề săn bẫy. Cho nên các anh phải tăng cường hơn nữa trách nhiệm bảo vệ rừng, thú rừng.
Chỉ mấy giờ ở rừng mà chúng tôi đã thấy buồn, vắng vẻ. Khi chúng tôi tạm biệt các thành viên trong Trạm Kiểm lâm Bù Đăng để trở về cho kịp trước khi trời tối thì cũng là thời điểm các kiểm lâm viên bắt đầu vào ca trực tối như bao ngày bình thường khác, vẫn lặng lẽ, cần mẫn bảo vệ cánh rừng bạt ngàn mãi xanh…
“Quanh năm lủi thủi trong rừng, trạm, mỗi tháng về nhà với vợ con 1 ngày rồi lại đi, anh em kiểm lâm Khu bảo tồn chỉ mong được giữ lại màu áo, khẩu súng trong nhiệm vụ bảo vệ rừng để rừng được bảo vệ nghiêm ngặt” - Trạm phó Trạm Kiểm lâm Bù Đăng Chu Văn Giang tâm sự. |
Đoàn Phú