16 năm hình thành và phát triển, Nhà trẻ Căn cứ 696 - Vùng 2 Hải quân (đóng trên địa bàn huyện Nhơn Trạch) đã trở thành ngôi nhà chung của bao lứa con em cán bộ, nhân viên của căn cứ và các đơn vị của Vùng 2 Hải quân, giúp họ yên tâm công tác.
16 năm hình thành và phát triển, Nhà trẻ Căn cứ 696 - Vùng 2 Hải quân (đóng trên địa bàn huyện Nhơn Trạch) đã trở thành ngôi nhà chung của bao lứa con em cán bộ, nhân viên của căn cứ và các đơn vị của Vùng 2 Hải quân, giúp họ yên tâm công tác.
Thiếu tá Nguyễn Nam Phong đón con ở Nhà trẻ Căn cứ 696 - Vùng 2 Hải quân. |
Với khuôn viên rộng 400m2 trong khu vườn rợp bóng cây xanh của căn cứ, nhà trẻ luôn rộn ràng tiếng cười, tiếng hát của cô và trò. Tại lớp học này có nhiều điểm đặc biệt so với nhiều lớp học ở các trường mầm non khác.
* Lớp học đặc biệt
Nét đặc biệt đầu tiên đó là người quản lý và giáo viên trong lớp học này là sĩ quan, chiến sĩ trong quân đội. Với hơn 5 năm làm chủ nhiệm nhà trẻ, Thiếu tá Bùi Ngọc Hiếu luôn coi việc chăm sóc, dạy dỗ con em cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị là một nhiệm vụ, một trọng trách được đơn vị giao phó. Vì vậy, dù là lớp học trong căn cứ nhưng giáo viên đều được đào tạo bài bản, chương trình dạy và học nghiêm túc theo đúng quy định chung của Bộ GD-ĐT.
Trung tá Bùi Quang Phẩm, Phó chính ủy Căn cứ 696, Vùng 2 Hải quân cho hay việc lập ra và duy trì hoạt động của Nhà trẻ Căn cứ 696 là một việc làm thiết thực của đơn vị để giúp cán bộ, chiến sĩ yên tâm công tác. Đơn vị luôn tạo điều kiện tốt nhất cho nhà trẻ hoạt động. Đặc biệt, với những gia đình mà cả vợ và chồng đều công tác tại Vùng 2 Hải quân thì nhà trẻ giúp họ yên tâm công tác khi biết con mình đang được chăm sóc bởi những đồng nghiệp tận tâm nhất. |
Thiếu tá Hiếu đưa chúng tôi tham quan một vòng lớp học. Nhìn các bé được thỏa thích vui chơi trong không gian rộng rãi, sạch sẽ dưới những tán cây mát rượi, từng làn gió mát từ con sông gần đó ùa vào mới thấy các bé ở đây được chăm sóc trong một môi trường rất tốt. Thiếu tá Hiếu cho biết, hiện nay nhiều cán bộ, chiến sĩ còn gửi con về quê chơi nên nhà trẻ chỉ còn giữ 18 bé. Vào năm học, nhà trẻ thường tăng đến 30 bé. Nhà trẻ biên chế có 4 cô giáo, phụ trách 2 lớp chia theo tuổi từ 6-24 tháng và từ 24-36 tháng tuổi.
Một nét rất riêng ở nhà trẻ này là cán bộ, nhân viên gửi con ở đây chỉ phải đóng 20 ngàn đồng là tiền ăn hằng ngày của các cháu, còn lại đều được miễn phí. Bên cạnh đó, lớp học đóng ngay trong căn cứ nên vào giờ nghỉ trưa, cán bộ, nhân viên cũng có thể ghé qua thăm con một lúc nên tạo cho các bé cảm giác gần gũi, thân thuộc như ở nhà.
Thiếu tá Nguyễn Nam Phong (Phòng Tham mưu, Căn cứ 696, cha của cháu Nguyễn Đại Dương 23 tháng tuổi) cho biết: “Tôi từng có một thời gian gửi con ở nhà trẻ bên ngoài nhưng sau khi thấy điều kiện chăm sóc không bằng nhà trẻ trong căn cứ nên quyết định đưa con vào đây cho tiện và an tâm hơn”.
* Nặng lòng với nghề
Trong năm học mới 2018-2019, Nhà trẻ Căn cứ 696 - Vùng 2 Hải quân sẽ đón gần 30 bé. Tuy số lượng không nhiều nhưng các bé còn rất nhỏ từ 6-36 tháng tuổi nên cả 4 giáo viên của nhà trẻ làm việc khá vất vả.Từng có 5 năm làm nhân viên thông tin của Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân, đến tháng 10-2017, bà Nguyễn Thị Thương (ngụ xã Phú Đông, huyện Nhơn Trạch) được chuyển về làm giáo viên nhà trẻ trong căn cứ.
Cô và trò Nhà trẻ Căn cứ 696 - Vùng 2 Hải quân trong giờ sinh hoạt hằng ngày. |
Tuy nhiên, thời gian đầu làm quen với công việc, có những lúc bà tưởng chừng như không theo nổi nghề giữ trẻ. “Lúc mới về nhà trẻ, tôi thường bị stress vì làm việc, chăm sóc các cháu liên tục, hầu như không có thời gian để nghỉ ngơi. Toàn là những việc “không tên” từ cho ăn, vệ sinh, dỗ dành các cháu... Nhiều hôm về đến nhà, tôi mệt lả, không thiết ăn uống gì. Dần dần quen việc, các bé cũng quen cô và nhờ sự giúp đỡ của các đồng nghiệp nên tôi đã vượt qua giai đoạn khó khăn ấy. Bây giờ, tôi rất quý bọn trẻ, ngày nào nghỉ ở nhà, không gặp học trò là tôi lại nhớ” - bà Thương chia sẻ.
Các giáo viên làm việc trong Nhà trẻ căn cứ, ban ngày đã bận bịu với “đàn con” ở lớp nhưng khi chiều tối về nhà, hôm nào cũng lại phải dẫn thêm một vài bé về nhà vì cha mẹ các em chưa về đón kịp. Bình thường vào 17 giờ 15 hằng ngày, nhà trẻ đóng cửa nhưng vì đặc thù công việc, phụ huynh có thể đột xuất đi công tác nên các cô giáo cũng linh động, đưa các cháu về nhà mình chăm sóc cho đến chiều tối cha mẹ các bé đến đón về.
Hơn 3 năm gắn bó với nhà trẻ, bà Nguyễn Thị Dung (ngụ xã Phú Thạnh, huyện Nhơn Trạch) tâm sự: “Ở đây, chúng tôi coi các cháu như con cháu trong nhà, chăm sóc rất kỹ. Trước đây vợ chồng do công tác nên thường tôi về trễ, các con không ai đón nên luôn lo lắng. Đồng cảm với nhiều phụ huynh khác, những lúc cha mẹ các cháu đi công tác xa, cha đi biển dài ngày, mẹ bận việc chưa đi đón được, tôi đưa các cháu về nhà, đến chiều tối, khi nào xong việc thì mẹ các cháu đến đón”.
Bà Dung có hoàn cảnh khó khăn hơn những giáo viên khác khi chồng bà là liệt sĩ, Trung úy Phan Văn Hạnh đã hy sinh lúc làm nhiệm vụ tại đảo Tốc Tan C, quần đảo Trường Sa vào năm 2014. Trước đây, bà Dung làm việc tại một trường THCS ở TP.Hồ Chí Minh, sau này bà được Căn cứ 696 (đơn vị cũ của chồng) tạo điều kiện làm việc trong nhà trẻ để gần nhà, tiện việc chăm sóc con. Đây cũng là một cách đơn vị tri ân với đồng đội đã hy sinh.
Chia tay cô và trò của Nhà trẻ Căn cứ 696, tôi vẫn ấn tượng về một lớp học sạch sẽ, mát mẻ với những đứa trẻ vui vẻ, thân thiện, chào hỏi khách rất to, lễ phép. Và tôi hiểu được vì sao bao năm nay nhiều cán bộ, nhân viên căn cứ và các đơn vị của Vùng 2 Hải quân dù phải đi công tác xa, đi biển dài ngày đều rất yên tâm, tin tưởng khi gửi con nhỏ tại “ngôi nhà” chung đầy ắp tiếng cười và tình yêu thương...
Đăng Tùng