Cuối tháng 7, vùng đất Phú Lý (huyện Vĩnh Cửu) nắng mưa bất chợt, các thanh niên tình nguyện Mùa hè xanh của Trường đại học Lạc Hồng vẫn hồ hởi hoàn thành các công trình. Những chiếc áo xanh bạc hơn vì mưa, nắng nhưng tiếng cười của các chiến sĩ tình nguyện vẫn rộn rã giữa rừng già.
Cuối tháng 7, vùng đất Phú Lý (huyện Vĩnh Cửu) nắng mưa bất chợt, các thanh niên tình nguyện Mùa hè xanh của Trường đại học Lạc Hồng vẫn hồ hởi hoàn thành các công trình. Những chiếc áo xanh bạc hơn vì mưa, nắng nhưng tiếng cười của các chiến sĩ tình nguyện vẫn rộn rã giữa rừng già.
Các sinh viên tình nguyện tham gia xây nhà tình thương cho hộ nghèo Hoàng Văn Hạnh (ấp Lý Lịch 1, xã Phú Lý, huyện Vĩnh Cửu). |
Sau 3 tuần gắn bó với vùng đất Phú Lý, những chiến sĩ Mùa hè xanh đã để lại ấn tượng tốt đẹp cho người dân nơi đây. Những đứa trẻ Phú Lý quen được các sinh viên tình nguyện chiều chuộng nên nũng nịu đòi quà. Người dân trong vùng cũng quen với nụ cười thân thiện của các bạn trẻ dọn cỏ, trồng hoa cho đường làng, ngõ xóm thêm sạch đẹp.
* Về với rừng...
Trải qua 2 chiến dịch Mùa hè xanh ở 2 xã Mã Đà và Phú Lý (huyện Vĩnh Cửu) vào mùa hè năm 2015 và 2018, cựu Bí thư Chi đoàn lớp 12 KT11 (Khoa Kế toán - kiểm toán, Trường đại học Lạc Hồng) Kheo Thành Linh trưởng thành hơn, dạn dày kinh nghiệm và thông thạo các hoạt động của Mùa hè xanh. Cũng chính vì vậy, sau khi ra trường, Linh vẫn tham gia công tác Đoàn của trường và mùa hè năm nay Linh tự tin chỉ huy 30 chiến sĩ tình nguyện trở lại rừng già Phú Lý giúp dân.
Sau hơn 3 tuần về với rừng già Phú Lý (từ ngày 9 đến 30-7), tuổi trẻ tình nguyện của Trường đại học Lạc Hồng đã phối hợp với địa phương xây tặng căn nhà tình thương trị giá 60 triệu đồng cho 1 hộ nghèo, làm mới sân cho một điểm nuôi trẻ mồ côi, trồng hoa và phát quang được trên 3km đường nông thôn, tổ chức sinh hoạt hè cho gần 1 ngàn trẻ em... |
Không ngại đường sá đi lại khó khăn, điều kiện sinh hoạt thiếu thốn, muỗi rừng, vắt rừng, thủ lĩnh Linh cùng các sinh viên với áo xanh tình nguyện, nón tai bèo luôn bám các mặt trận: làm nhà tình thương, sửa đường, trồng cây xanh, tổ chức sinh hoạt hè cho thiếu nhi... Vừa vui chơi với trẻ em nghèo xã Mã Đà, Kheo Thành Linh vừa tâm sự: “Chính sự hồn nhiên của trẻ thơ và nét mộc mạc, chân chất của người dân nơi đây là lý do mà tôi quay trở lại. Vì tôi biết ở đây bà con rất cần mình”.
Để dành trọn thời gian tham gia chiến dịch Mùa hè xanh cùng các bạn, nhiều sinh viên chấp nhận nghỉ làm thêm hoặc giảm bớt việc làm thêm. Như Mai Thị Ngọc Trâm, sinh viên năm cuối ngành Đông phương học nghỉ làm nhân viên phục vụ lễ tân cho một nhà hàng ở TP.Biên Hòa với mức lương hơn 3 triệu đồng/tháng. Trâm luôn bản lĩnh, tự tin trước đám đông và xốc vác trong những công việc được giao . “Em xác định phương châm làm hết sức, chơi phải hết mình. Như vậy, đi dân mới nhớ, ở dân mới thương” - Trâm thổ lộ.
Sức hút của Chiến dịch Mùa hè xanh cũng làm cho Nguyễn Lê Duy (sinh viên năm 3 ngành Dược) phải giảm bớt đi làm thêm để cùng trải nghiệm những ngày hè ý nghĩa với bè bạn. Do hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn, Duy sớm tự làm thêm kiếm tiền trang trải việc học tập. Để tham gia mùa hè xanh mà vẫn không ảnh hưởng đến thu nhập hằng tháng của mình, hằng tuần Duy xin phép được nghỉ 2 buổi cuối tuần để chạy xe hàng chục cây số từ Mã Đà về lại TP.Biên Hòa phục vụ trong các nhà hàng tiệc cưới rồi thứ 2 lại chạy xe máy về với rừng cùng tham gia các hoạt động của Mùa hè xanh.
* “Cháy” hết mình
Chất giọng quê Quảng Ngãi của chiến sĩ Nguyễn Thị Hậu (sinh viên năm 3 ngành sinh học) làm cho mấy đứa trẻ ở ấp 1, xã Phú Lý nghe tiếng được, tiếng không. Tuy vậy, các em vẫn hồn nhiên nhún nhảy theo từng động tác của chiến sĩ Hậu hướng dẫn. Hậu hồn nhiên nói: “Lúc nãy em phải tăng cường cho nhóm xây nhà tình thương nên giờ vẫn còn mệt. Dù vậy nhưng thấy mấy em nhỏ vui, thích thú với các trò chơi vận động, em vẫn “cháy” hết mình”.
Anh Kheo Thành Linh dạy chữ cho trẻ em tại ấp 2, xã Phú Lý (huyện Vĩnh Cửu). |
Chiến sĩ Ka In (sinh viên năm cuối ngành Kinh tế quốc tế, quê tỉnh Lâm Đồng) còn lái được xe công nông chở đồng đội băng đường rừng đi giao lưu, hành quân về xóm, ấp làm dân vận. Vì quá quen với nắng gió cao nguyên, Ka In luôn xắn tay làm những việc nặng nhọc như: trồng cây, dọn cỏ, phụ hồ...
Ka In bộc bạch: “Các em nhỏ ở Phú Lý cũng giống như trẻ em K’Ho của Ka In thôi. Em nào cũng thích chơi với người lớn, được người lớn cưng chiều và nhất là cùng nhau múa hát tập thể trước sân nhà mình”. Đó cũng là lý do mấy đứa trẻ K’Ho Phú Lý quý và thích chơi với chiến sĩ Ka In.
Chiến sĩ Từ Minh Cảnh (sinh viên năm nhất ngành công nghệ thông tin) ngày nào cũng bám lấy công trình nhà tình thương của trường xây tặng cho hộ nghèo Hoàng Văn Hạnh để phụ hồ. Chiều về, Minh Cảnh lại cùng thanh niên tình nguyện đi giao lưu văn hóa - văn nghệ với đoàn viên thanh niên ấp, xã và các em thiếu nhi. Minh Cảnh tỏ bày, 3 tuần về với rừng già Phú Lý, Cảnh luôn xác định giúp người dân, trẻ em Phú Lý là chính nên không nề hà gian khổ. Cảnh vừa phụ hồ cho công trình xây nhà tình thương xong lại tham gia hỗ trợ công trình tráng sân cho điểm nuôi trẻ mồ côi của sơ Hòa, hỗ trợ thanh niên xã trồng cây...
Mặc cho những ngày hè ở Phú Lý nắng bụi, mưa lầy, 30 chiến sĩ tình nguyện Mùa hè xanh Trường đại học Lạc Hồng vẫn kiên trì bám trụ nhằm hoàn thành các phần việc như kế hoạch đề ra. Đến với người dân, trẻ em xã Phú Lý, mỗi chiến sĩ Mùa hè xanh đều có những hoàn cảnh khác nhau nhưng họ đều chung một nhiệt huyết. Tất cả đều muốn cống hiến một phần nhỏ sức trẻ của mình cho vùng đất còn khó khăn này và để lại những công trình ý nghĩa mang dấu ấn những thanh niên tình nguyện.
Bí thư Xã đoàn Phú Lý Lưu Thị Phượng cho biết suốt 3 tuần chiến sĩ Mùa hè xanh Trường đại học Lạc Hồng về giúp bà con trong xã đã thật sự để lại những ấn tượng tốt đẹp trong lòng người dân, đoàn viên thanh niên và các em thiếu nhi nơi đây. Đầu tháng 8, các bạn hành quân về lại trường học tập, ngày chia tay mọi người ai cũng quyến luyến không rời. “Các bạn đi rồi nhưng cái tình vẫn còn ở lại, người dân nơi đây sẽ không quên các bạn” - Bí thư Xã đoàn Phú Lý Lưu Thị Phượng chia sẻ.
Đoàn Phú