Báo Đồng Nai điện tử
En

Vui buồn nghề xe ôm thời công nghệ

08:08, 09/08/2018

Lâu nay, người hành nghề xe ôm đều phải ra đường tìm khách, còn khách muốn đi xe phải lân la đi tìm xe. Thế nhưng ở thời công nghệ số, tài xế chỉ cần theo dõi trên phần mềm, còn khách hàng đăng ký qua mạng là được đưa đón tận nơi.

Lâu nay, người hành nghề xe ôm đều phải ra đường tìm khách, còn khách muốn đi xe phải lân la đi tìm xe. Thế nhưng ở thời công nghệ số, tài xế chỉ cần theo dõi trên phần mềm, còn khách hàng đăng ký qua mạng là được đưa đón tận nơi.

Các lái xe ôm công nghệ chia sẻ kinh nghiệm, tâm sự với nhau sau những cuốc xe mưu sinh tại khu vực cầu vượt Amata (TP.Biên Hòa).
Các lái xe ôm công nghệ chia sẻ kinh nghiệm, tâm sự với nhau sau những cuốc xe mưu sinh tại khu vực cầu vượt Amata (TP.Biên Hòa).

Người làm nghề xe ôm cũng rơi vào cuộc cạnh tranh khốc liệt giữa xe ôm công nghệ - GrabBike và xe ôm truyền thống. Khoảng hơn 1 năm trở lại đây, xe ôm công nghệ ở TP.Biên Hòa xuất hiện rộng rãi, phổ biến, trong khi đó xe ôm truyền thống ngày càng khó kiếm sống.

* Ra ngõ... gặp GrabBike

8 giờ sáng, ông Lê Văn Phụng (48 tuổi, ngụ phường Tam Hiệp, TP.Biên Hòa) khoác lên mình chiếc áo cùng chiếc mũ bảo hiểm “đồng phục” GrabBike chạy xe ra ngã tư Amata chờ đón khách. Gắn bó với công việc được hơn 1 năm nay, ông được coi là người có thâm niên so với những xe ôm công nghệ ở Đồng Nai.

Từ chỗ là một công nhân phụ hồ, dầm mưa đội nắng quanh năm nên để đến với nghề xe ôm công nghệ không phải dễ dàng với ông. Khó nhất có lẽ là sử dụng và làm việc thuần thục trên những chiếc điện thoại thông minh. Nhưng làm lâu thành quen, những khó khăn ban đầu đã được giải quyết ổn thỏa bằng những cú chạm tay nhanh nhẹn trên điện thoại.

Khác với GrabTaxi phải được cấp giấy phép hoạt động, xe ôm công nghệ có thể hành nghề rộng khắp ở các địa phương. GrabBike ở TP.Biên Hòa xuất hiện ngày càng rộng rãi. Hiện tại, con số tài xế chạy xe ôm công nghệ ở TP.Biên Hòa đạt trên 200.

Ông Nguyễn Đức Hùng (31 tuổi, ngụ phường Long Bình, TP.Biên Hòa) mới bén nghề chỉ được 2 tháng, nhưng đã dần quen với công việc của một tài xế GrabBike. Trước đây, ông làm ruộng ở quê Hà Tĩnh rất vất vả nên sau đó quyết định vào Đồng Nai kiếm việc.

Giữa lúc loay hoay chưa biết làm gì, ông Hùng được người quen rủ chạy GrabBike. Sẵn có xe, có điện thoại, ông tập tành làm xe ôm công nghệ. Thủ tục làm tài xế của GrabBike rất đơn giản gồm: các giấy tờ nhân thân, bằng lái, 320 ngàn đồng phí mua các trang thiết bị mũ, áo... là có thể hành nghề ngay. Có ngày ông Hùng chạy được 3 cuốc, có ngày hơn. Quãng đường càng xa, tiền thu về càng nhiều. Tranh thủ những ngày cuối tuần, ông Hùng còn lên TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương để kiếm thêm khách.

“Tháng đầu số tiền lương cộng thưởng được 6 triệu đồng. So với lúc còn làm nông, nghề này cho thu nhập khá lại chủ động thời gian, không bị bó buộc. Có việc làm ổn định, tôi quyết bám trụ ở đây, hằng tháng có một khoản tiền để gửi về quê lo cho gia đình” - ông Hùng tâm sự.

Hiện tại, người làm nghề xe ôm công nghệ ở TP.Biên Hòa khá đông. Đi trên đường hay ở các con hẻm nhỏ, siêu thị, quán ăn... đâu đâu cũng có thể bắt gặp các tài xế GrabBike. Khác với giới xe ôm truyền thống chủ yếu là người lớn tuổi, các tài xế xe ôm công nghệ thường trẻ hơn, mặc áo khoác màu xanh lá cây, phía sau lưng có chữ Grab.

Với các tài xế GrabBike, họ không cần đứng cả ngày ngoài đường như xe ôm truyền thống mà có thể ngồi chỗ mát mẻ, mở app (phần mềm của Grab) để theo dõi, khi có khách đặt xe trên mạng thì lên đường đón khách. Ở TP.Biên Hòa, địa điểm mà họ thường tụ tập chủ yếu là ở khu vực ngã tư Amata và một số quán cà phê trên đường Phan Trung (phường Tân Mai).

 Nhiều người từng đi xe ôm công nghệ cho rằng hầu hết họ đều hài lòng với loại hình dịch vụ đặt xe qua điện thoại bởi sự nhanh nhẹn và giá cả hợp lý, không bị “chặt chém”. Khách hàng khi chọn xe sẽ biết được tên của tài xế, thời gian đi và đến cũng như lộ trình di chuyển. Nếu có gì không hài lòng khách có thể phản ảnh đến công ty hoặc đánh giá dựa trên ứng dụng.

* Cuộc mưu sinh nhọc nhằn

Trước sự “lên ngôi” của loại hình xe ôm GrabBike, thị phần khách hàng của xe ôm truyền thống ngày càng thu hẹp dần. Một số tài xế  chạy xe ôm truyền thống cho biết, trước đây nghề chạy xe ôm còn dễ kiếm sống. Nếu chịu khó hoặc có nhiều khách mối còn “ăn nên làm ra”. Tuy nhiên, từ khoảng năm 2000 trở lại đây, xe ôm bắt đầu đối mặt với nguy cơ bị sụt giảm thu nhập khi nhà nào cũng sắm xe máy và hiện tại là cuộc cạnh tranh với loại hình GrabBike.

Ông Mã Văn Hướng (51 tuổi, ngụ phường Tân Phong, TP.Biên Hòa), hành nghề xe ôm đã hơn 20 năm bộc bạch chạy xe ôm truyền thống bây giờ rất khó có khách bởi người đi xe ôm bắt đầu chuyển sang dùng GrabBike. Khoảng 1 năm trở lại đây, khách của ông chủ yếu là những người không sử dụng điện thoại thông minh và người già.

Khi xe ôm công nghệ chưa xuất hiện ở Đồng Nai, mỗi ngày trừ chi phí kể cả ăn uống ông Hướng để dư ra trên dưới 200 ngàn đồng. Bây giờ, tìm “đỏ mắt” cũng chẳng thấy khách quen, mỗi ngày chỉ được 1-2 cuốc xe với quãng đường ngắn.

“Khi còn sống khỏe với nghề, chạy xe ôm giúp tôi nuôi được cả gia đình, lo cho các con ăn học, kiếm nghề đàng hoàng. Còn cuộc mưu sinh bây giờ khó khăn hơn nhiều, chịu sự cạnh tranh ngay cả trong nghiệp đoàn xe ôm với nhau. Nhiều người còn khỏe bỏ nghề chuyển qua làm bảo vệ công ty, nhưng người già sức yếu đành chấp nhận trụ lại...” - ông Hướng nói giọng buồn.

Thời đại công nghệ số, người dân bắt đầu quen với việc gọi GrabBike thay cho xe ôm truyền thống. Khách hàng sụt giảm hẳn, mảnh đất màu mỡ của nghề này bị chia phần, dẫn đến có sự cạnh tranh lẫn nhau. Thậm chí còn có những vụ xô xát, ẩu đả dẫn đến gây thương tích để giành khách giữa xe ôm truyền thống với người chạy GrabBike xảy ra ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước, trong đó có cả Đồng Nai. 

Cụ thể như vụ xô xát xảy ra giữa các tài xế xe ôm công nghệ - GrabBike và một nhóm người nghi là tài xế xe ôm truyền thống vào sáng 16-1 tại khu vực công viên Amata (phường Long Bình, TP.Biên Hòa). Hậu quả là ông N.Q.T. (35 tuổi, ngụ TP.Biên Hòa) là tài xế GrabBike bị nhóm này đuổi đánh. Trong lúc bỏ chạy, ông T. té ngã xuống đường bị thương ở đầu.

Trong cuộc mưu sinh của các tài xế xe ôm hiện nay không chỉ đổ mồ hôi, công sức, đôi khi còn đổ cả máu vì giành khách, thậm chí mất mạng khi gặp phải kẻ cướp nhưng nhiều người vẫn bám lấy nghề để kiếm sống vì họ không có nhiều cơ hội lựa chọn nghề nghiệp, không bằng cấp, không tay nghề, tuổi cao, sức khỏe hạn chế…

Thanh Hải

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích