Với vị trí đắc địa, điều kiện tự nhiên thuận lợi, vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai sớm thu hút đông đảo lưu dân các nơi đến định cư...Và, chợ ở Đồng Nai hình thành và phát triển như một nhu cầu tất yếu khách quan...
Với vị trí đắc địa, điều kiện tự nhiên thuận lợi, vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai sớm thu hút đông đảo lưu dân các nơi đến định cư sinh sống, từng bước đưa kinh tế đất Đồng Nai phát triển, tạo điều kiện cho trao đổi hàng hóa hình thành. Chợ ở Đồng Nai hình thành và phát triển như một nhu cầu tất yếu khách quan của cuộc sống.
Chợ Biên Hòa xưa |
Chợ Đồng Nai là chợ của dinh Trấn Biên. Tên gọi chợ Dinh cùng hoạt động mua bán nhộn nhịp đã sớm đi vào ca dao dân gian “Đố anh con rết mấy chân/ Cầu ô mấy nhịp, chợ Dinh mấy người”. Ngoài ra, chợ này có nhiều tên gọi khác nhau, theo Đại Nam nhất thống chí “Chợ Lộc Dã ở phía Nam hạ lưu sông Phước Long, huyện Phước Chánh, nguyên xưa kia là cánh đồng hươu nai ở nên đặt tên ấy, hoặc gọi là Lộc Động, tục danh chợ Đồng Nai cũng là ở chỗ này”. Như vậy, chợ Đồng Nai, chợ Lộc Dã, chợ Lộc Động, chợ Dinh đều là một.
* TỪ CHỢ CỦA DINH TRẤN BIÊN
Điều kiện tự nhiên vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai thuận lợi, cư dân chăm chỉ làm ăn tạo ra nhiều hoa lợi và việc trao đổi hàng hóa xuất hiện. Hoạt động giao thương hàng hóa diễn ra ở nhiều chợ trên vùng đất mới, trong đó chợ Đồng Nai giữ vai trò nòng cốt.
Theo Địa chí Đồng Nai, hàng hóa nơi này rất phong phú và chắc chắn đã được trao đổi ở chợ Đồng Nai: “Muối trắng sản xuất ở vùng Vũng Dương thuộc huyện Phước An giá rất rẻ, 100 cân giá 1 tiền kẽm. Các loại vải, lãnh, là nơi nào cũng có, duy ở huyện Phước An có lãnh đen mềm láng là tốt đệ nhất trong cả nước. Rượu ở Thạch Than (Biên Hòa) ngon hơn nhiều nơi khác, thuở ấy ghe tàu thường mua chở về kinh đô làm quà tặng, hảo danh là rượu Đồng Nai. Giấy bản ở huyện Phước An, thuốc lào ở huyện Long Thành, lá buông ở huyện Phước Bình, vỏ gai và thuộc nhựa trám ở huyện Long Khánh, sáp và mật ong ở các sóc người dân tộc, đệm buồm ở các huyện Nghĩa An và Long Khánh… Các mặt hàng thủ công mỹ nghệ: đồ vàng bạc, đồ gốm, chiếu… Các lâm sản: nhung hươu, sừng tê, trầm hương, kỳ nam, dược liệu, ngà voi…”.
Chợ Đồng Nai của dinh Trấn Biên đóng vai trò hết sức quan trọng trong hệ thống chợ ở vùng đất này. Chợ trấn Biên Hòa trở thành chợ đầu mối, chủ chốt cho việc luân chuyển hàng hóa 2 chiều đến chợ huyện, chợ làng xã, để rồi hình thành chuỗi liên hoàn gắn kết giữa các chợ trong vùng. Qua đó, giúp cho hệ thống chợ huyện, chợ làng xã ngày một phát triển hơn nhằm đáp ứng nhu cầu mở mang vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai trong các giai đoạn về sau. |
Hoạt động giao thương hàng hóa của chợ Đồng Nai gắn liền với sự ra đời và hưng thịnh của thương cảng nội địa Cù Lao Phố vang bóng một thời. Thương cảng Cù Lao Phố là nơi giao dịch nhiều loại sản phẩm hàng hóa trong và ngoài nước. Trịnh Hoài Đức đã mô tả tường tận thương cảng Cù lao Phố: “Kẻ buôn tụ tập, thuyền đi biển, đi sông đều đến cuốn buồm neo đậu, đầu đuôi thuyền đậu kế tiếp nhau, thật là một chỗ đô hội”.
Với vai trò là thương cảng, hàng hóa xuất nhập khẩu thông qua quá trình luân chuyển sản phẩm đi và đến từ các chợ trong vùng mà chợ Đồng Nai giữ vai trò chủ đạo. Các chủ hàng đến các chợ trong đó có chợ Đồng Nai để mua hàng hóa cần thiết phục vụ cho xuất khẩu với “nhiều cửa hàng, đồng thời là kho chứa hàng, là quán trọ, cũng là nơi giải trí. Thuyền nước ngoài buôn neo xong, chủ thuyền và thủy thủ lên bờ mướn nơi ở rồi bán hàng hóa cho các tiệm buôn. Chủ thuyền cũng nhờ chủ tiệm mua giùm các hàng hóa cần thiết. Trước lúc trương buồm về nước, 2 bên thanh toán hóa đơn rồi cùng nhau tiệc tùng, đờn ca vui vẻ. Hàng hóa xuất cảng chủ yếu là: gạo, cá khô, cây làm thuốc, ngà voi, sáp ong và mật ong…” (Theo Cù lao Phố - Lịch sử và văn hóa).
Vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai vốn dồi dào các nguyên vật liệu từ tự nhiên để phát triển các ngành nghề thủ công truyền thống. Vì thế, bên cạnh việc phát triển sản xuất nông nghiệp, trồng trọt, chăn nuôi; những lưu dân Đồng Nai chú ý đến các nghề thủ công như: làm mộc, gốm, gạch ngói, nung vôi, dệt chiếu, dệt vải, đúc đồng, làm đá, rèn sắt, làm giấy, làm chum, làm đồ đi cho ngựa, làm vật dụng bằng đồi mồi, chạm bạc, làm lọng, làm giày, làm nón…
Ban đầu, nông dân tranh thủ thời gian nông nhàn làm thêm nghề thủ công có khả năng; dần dà xuất hiện chuyên môn hóa trong các ngành nghề thủ công nên hình thành thợ thủ công chuyên môn hóa cao và nhiều địa điểm mang tính làng nghề ra đời như: “rạch Lò Gốm chuyên sản xuất gốm; chợ Lò Thổi thuộc Bến Gỗ, trấn Biên Hòa tập trung những thợ chuyên khai thác sắt và làm đồ sắt; Trang Thuyền tụ ở ngã ba sông Nhà Bè thuộc trấn Biên Hòa chuyên tu sửa và đóng thuyền bè; xóm chợ chiếu chuyên đan và bán chiếu; huyện Phước An dệt lĩnh; Long Khánh đan buồm; Thạch Than nấu rượu có tiếng…” (Địa chí Đồng Nai). Các loại sản phẩm thủ công này được trao đổi mua bán ở nhiều chợ, có lẽ chợ Đồng Nai là nhiều nhất.
Đặc biệt, nghề dệt tơ lụa vùng Biên Hòa - Đồng Nai nổi tiếng khắp cả nước được Trịnh Hoài Đức chép trong Gia Định thành thông chí: “Người ta có thể nhìn thấy lãnh, là, vải, lụa ở khắp nơi trong xứ Đồng Nai - Gia Định, nhưng người dân huyện Phước An trấn Biên Hòa sản xuất được thứ lãnh đen mềm, láng, tốt nhất nước”. Như vậy, các loại sản phẩm nổi bật của vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai trước khi được luân chuyển đến nơi khác, chúng đã có mặt ở hầu hết các chợ mà chợ Đồng Nai giữ vai trò là trung tâm phân phối hàng hóa.
* ĐẾN CHỢ TỈNH BIÊN HÒA
Năm Minh Mạng thứ 13 (1832), trấn Biên Hòa được đổi thành tỉnh Biên Hòa với phủ Phước Long và 4 huyện. Những biến động lịch sử đó đã ít nhiều tác động đến việc trao đổi hàng hóa ở các chợ trong tỉnh nói chung và chợ Biên Hòa nói riêng.
Chợ Đồng Nai thuộc trấn Biên Hòa trở thành chợ tỉnh Biên Hòa theo sự thay đổi đơn vị hành chính. Ngoài ra, theo nghiên cứu địa bạ tỉnh Biên Hòa dưới triều Nguyễn của Nguyễn Đình Đầu năm 1863, phủ Phước Long huyện Phước Chánh có “chợ: Thủ Đồn Sứ, Đồng Văn, Bến Cá, Đồn”. Trước đó, chợ Đồng Nai vốn là chợ trấn đóng vai trò quan trọng nhất trong hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa của trấn Biên Hòa. Năm 1867 tỉnh Biên Hòa được chia thành 5 địa hạt, hạt Biên Hòa quản lý huyện Phước Chánh có đề cập đến chợ Biên Hòa “Chợ: Tân Uyên, Bến cá, Đồng Văn, Đồn, Biên Hòa, Tân Tịch” (Nghiên cứu địa bạ tỉnh Biên Hòa dưới triều Nguyễn). Có lẽ, chợ Biên Hòa là tên gọi kế tục của chợ Đồng Nai trước đó. Tên gọi chợ Biên Hòa cũng từ đó được gọi đến ngày hôm nay “Chợ Biên Hòa đèn mờ đèn tỏ/ Anh coi không rõ anh tưởng đèn màu”.
Sau khi thực hiện xong công cuộc bình định, nhà cầm quyền Pháp tỉnh Biên Hòa tiến hành thu thuế môn bài, thuế chợ đối với hoạt động thương nghiệp. Với việc thu thuế, chứng tỏ hoạt động thương nghiệp tại chợ Biên Hòa khá ổn định, mua bán trao đổi hàng hóa diễn ra trên quy mô lớn và chính quyền lúc bấy giờ quản lý hoạt động thương mại khá chặt chẽ.
Chợ Biên Hòa trong giai đoạn này có sự thay đổi cả về quy mô và hình thức buôn bán. Sự kích thích phát triển ngoại thương của giới tư bản Pháp đã tạo điều kiện thuận lợi cho thương nghiệp nội địa phát triển, mà trước hết là ở chợ, trong đó chợ Biên Hòa là nòng cốt. Qua đó, cho thấy chợ Dinh hay chợ Biên Hòa là trung tâm thương mại lớn nhất của tỉnh Biên Hòa. Vì là chợ trung tâm nên số lượng thương nhân ở đây cũng tập trung nhiều hơn bất cứ chợ nơi nào trong tỉnh, tạo nên sự liên kết giữa người bán và người mua, giữa người sản xuất và tiêu dùng diễn ra nhộn nhịp.
Với vai trò chợ tỉnh, chợ Biên Hòa là trung tâm buôn bán cho cả vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai nói riêng, các vùng lân cận nói chung mà chủ yếu là Sài Gòn. Trước khi hàng hóa của vùng này được xuất khẩu ra bên ngoài, hầu hết chúng đã có mặt các chợ mà chợ Biên Hòa là nhiều nhất. Ngược lại, hàng hóa nhập khẩu từ bên ngoài vào vùng này, chúng sẽ có mặt tại chợ Biên Hòa trước hết, sau đó từng bước lan tỏa về các chợ huyện, chợ làng xã. Hàng hóa xuất khẩu chủ yếu ở vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai là nông lâm thổ sản và hàng thủ công.
Theo địa chí tỉnh Biên Hòa năm 1901, tỉnh Biên Hòa phải nhập khẩu sản phẩm hàng hóa của châu Âu: “Vải vóc, dụng cụ, đồ đạc trong nhà, máy móc thiết bị, thuốc y tế, văn phòng phẩm, đồ ăn, đồ hộp, đồ giải khát, xăng dầu, nhớt và mỡ máy…”.
Bên cạnh hàng hóa mua bán truyền thống trên thị trường, giờ đây có thêm nhiều sản phẩm mới có nguồn gốc phương Tây hoặc hàng hóa sản xuất tại Việt Nam theo công nghệ của Pháp. Qua đó, cho thấy hàng hóa trao đổi 2 chiều giữa chợ Biên Hòa với các chợ huyện, chợ làng xã thời kỳ này diễn ra nhộn nhịp kẻ mua, người bán với đa dạng về chủng loại sản phẩm, phong phú về mẫu mã hình dáng, cạnh tranh về chất lượng… Một trong những địa phương có mối quan hệ buôn bán, làm ăn khăng khít với chợ Biên Hòa là Sài Gòn - Chợ Lớn.
Chợ Biên Hòa trong thời thuộc Pháp có nhiều biến đổi so với thời kỳ trước đó về quy mô hoạt động, phạm vi mở rộng, với sự phong phú đa dạng các loại sản phẩm hàng hóa trong tỉnh, ngoài tỉnh, trong nước, ngoài nước. Chợ Biên Hòa trong thời kỳ này giữ vai trò là chợ trung tâm cho mạng lưới chợ huyện, chợ làng xã mang tính chất trao đổi hàng hóa phát triển hơn trước. Ngoài ra, chợ Biên Hòa không chỉ có mối liên hệ buôn bán với các chợ huyện, chợ làng xã trong tỉnh mà còn có quan hệ chặt chẽ với các chợ bên ngoài tỉnh mà tiêu biểu là Chợ Lớn - Sài Gòn. Sự phát triển thương mại, trao đổi, giao lưu hàng hóa ở chợ nói chung, chợ Biên Hòa nói riêng đều nằm ngoài ý muốn chủ quan của nhà cầm quyền Pháp ở tỉnh Biên Hòa bấy giờ.
TS.Lê Quang Cần