Báo Đồng Nai điện tử
En

Ngọt thanh dâu An Phước

11:05, 01/05/2017

Sầu riêng, chôm chôm, mít tố nữ, măng cụt… ở xã An Phước (huyện Long Thành) ngon nức tiếng một thời. Khi các cây trồng này không còn phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, nhà vườn An Phước chuyển sang trồng dâu.

Sầu riêng, chôm chôm, mít tố nữ, măng cụt… ở xã An Phước (huyện Long Thành) ngon nức tiếng một thời. Khi các cây trồng này không còn phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, nhà vườn An Phước chuyển sang trồng dâu. Sức sống của cây dâu An Phước hòa quyện với phù sa, sự chăm sóc tỉ mẩn của người làm vườn tạo ra vị ngọt thanh đặc trưng khi trái dâu ửng vàng.

Dâu An Phước bắt đầu vào vụ thu hoạch.
Dâu An Phước bắt đầu vào vụ thu hoạch.

Tháng 10 âm lịch, cây dâu An Phước ra hoa đợt đầu và kéo dài đến tháng Giêng năm sau. Sau những đợt ra hoa, đậu trái, toàn thân cây dâu trái treo lủng lẳng. Đến tháng 3, trái dâu chín dần đến cuối tháng 5 và được mối lái đưa đi bán chợ xa, chợ gần. Mùa dâu chín rộ, nhà vườn An Phước đếm tiền cười tít mắt.

* Đặc sản Dâu An Phước

Dâu An Phước vào mùa, nhà vườn An Phước cười tít mắt đếm tiền nhưng cũng tủi lòng khi môi trường sống lý tưởng của cây dâu bị tác động bởi tình trạng ô nhiễm môi trường. Nhìn cây dâu mang nặng trái quanh thân, cành nhưng ngọn xơ xác, nhà vườn An Phước nơm nớp lo sợ cây dâu sẽ giống như sầu riêng, chôm chôm, mít tố nữ trước đây. “Thử hỏi, dâu An Phước nức tiếng bao lâu nay, nếu cây dâu không còn thì nhà vườn sao không buồn lo cho được” - ông Nguyễn Văn Đức chia sẻ.

Những ngày cuối tháng 4, đầu tháng 5 nắng gắt, trái dâu căng mọng, vàng ươm của nhà vườn An Phước được khách vãng lai chọn làm thứ giải nhiệt lúc đi đường. Dâu đầu mùa An Phước không có nhiều trong vườn để bán khắp chợ xa, chợ gần. Mỗi ngày, nhà vườn chỉ chọn hái được vài chục ký dâu ửng vàng để bỏ cho các mối quen.

Theo các bậc cao niên ở xã An Phước, trước năm 1975 cây dâu được nhà vườn xem là cây trồng phụ (trồng xen trong nhiều cây ăn trái chính), chỉ trồng vài gốc trong vườn để có trái ăn, tặng bạn bè chứ không bán buôn. Cho nên nói về trái cây ở xã An Phước, người sành ăn chỉ tấm tắc khen: sầu siêng, chôm chôm, măng cụt, mít tố nữ mà thôi. Dù khắp thân mang đầy trái ngọt, thương hiệu dâu An Phước vẫn lặng lẽ.

Nhờ vườn dâu mà ông Nguyễn Văn Đức (trái) nuôi được 8 người con ăn học đàng hoàng.
Nhờ vườn dâu mà ông Nguyễn Văn Đức (trái) nuôi được 8 người con ăn học đàng hoàng.

Mãi đến năm 1990, khi sầu riêng, mít tố nữ, chôm chôm… bắt đầu èo uột, chết cây, trái xấu thì nhà vườn An Phước mới nghĩ đến cây dâu.

Ông Huỳnh Văn Sơn (ngụ ấp 2) cho biết lý do nhà vườn phá bỏ sầu riêng, mít tố nữ, chôm chôm… để trồng dâu vì các cây trồng này bắt đầu sinh bệnh tật, năng suất không cao và phẩm chất trái không còn ngon, không còn vị đặc trưng của vùng đất An Phước nữa. “Dâu An Phước có 2 loại: dâu chua và dâu Xiêm. Dâu Xiêm ngọt thanh được người tiêu dùng ưa chuộng nên nhà vườn tụi tui chọn giống dâu này để nhân giống” - ông Sơn nói.

Dù sẵn giống trong vườn, nhà vườn An Phước phải mất 5 năm mới gầy dựng được vườn dâu tơ cho thu nhập.

Ông Bảy Cấm (ngụ ấp 3) cho biết cây dâu con được 1 năm tuổi mới bắt đầu cấy ghép. Cấy ghép thành công thì đem ra vườn trồng đến 4 năm sau mới bắt đầu cho thu hoạch. “Tháng 10 trời mát mẻ, ghép cây là thích hợp và thành công cao nhất” - ông Bảy Cấm bộc bạch.

Những cây dâu già được nhà vườn An Phước để mắt chăm chút càng sai trái, mơn mởn cành nhánh. Những gốc dâu trên 30 năm tuổi oằn trái trong vườn cùng những gốc dâu trưởng thành nhanh chóng giúp nhà vườn An Phước xây sửa lại nhà cửa, lo cho con cái ăn học đàng hoàng.

* Lo sợ ô nhiễm môi trường

Đất An Phước nhiều kênh rạch dọc, ngang; ruộng vườn chia làm 2 loại đất rất đặc thù: đất gò và đất thịt.

Phó chủ tịch Hội Nông dân xã An Phước Phạm Văn Cảnh cho biết cây dâu thích hợp với loại đất gò và đất thịt. Tuy nhiên, trồng dâu nơi đất gò nhà vườn phải bỏ chi phí tưới tiêu nhiều mà năng suất và chất lượng trái không bằng trồng nơi đất thịt, nên ít người trồng. “Có thời điểm, nhiều nhà vườn vì muốn mở rộng diện tích trồng dâu nên cải tạo đất ruộng (lên liếp cao) để trồng. Cây dâu trồng trên đất ruộng vẫn tốt, vẫn ra hoa, đậu trái nhưng múi nhỏ, chất lượng thua xa dâu trồng nơi đất thịt” - ông Cảnh lý giải vì sao dâu An Phước luôn có vị ngọt thanh đặc trưng của vùng đất thấp, pha cát An Phước.

Sinh trưởng nơi vùng đất thấp, được thủy triều từ các nhánh sông, kênh rạch bồi bổ nên cây dâu An Phước không cần phân bón nhiều vẫn xum xuê trái khi vào vụ. Ngược lại, cây dâu rất nhạy cảm với thuốc diệt cỏ nên nhà vườn phải dọn cỏ thủ công, không bao giờ diệt cỏ bằng thuốc.

Ông Lê Văn Tiếp, Chủ tịch UBND xã An Phước, cho hay vào năm 1980, xã An Phước được hình thành sau khi nhập 2 xã: Phước Nguyên và An Lợi. Hiện đất sản xuất nông nghiệp của xã đang thu hẹp để nhường chỗ cho phát triển khu công nghiệp và dịch vụ. Dâu An Phước trước kia trồng được ở các ấp: 1, 2, 3, 5 và 6 với trên 300 hécta, nay chỉ còn gần 200 hécta và diện tích vườn dâu của nhà vườn An Phước sẽ tiếp tục bị thu hẹp trong nay mai khi toàn bộ vùng đất ấp 3 và nhiều nơi khác tiếp tục được quy hoạch thành khu công nghiệp hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng đất.

Những năm gần đây, cây dâu ở An Phước có dấu hiệu chậm phát triển (chết nhánh, ngọn) vì lý do môi trường ô nhiễm. Lý giải cho điều này, các nhà vườn ở An Phước cho biết nước từ các nhánh kênh, rạch bị ô nhiễm tràn vào vườn và gặp mưa lớn ứ đọng dài ngày. Thủ phạm gây ra ô nhiễm nguồn nước là các nhà máy tranh thủ trời mưa xả thải nhằm tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng.

Nhà vườn Nguyễn Văn Đức (ngụ ấp 1) bày tỏ vì vậy mà vườn dâu của gia đình ông và nhiều nhà vườn khác hiện nay không còn xum xuê cành lá nhìn đẹp mắt như những năm trước. Vì thương vườn dâu, ông và nhiều nhà vườn trồng dâu đã phản ánh tình trạng này với chính quyền địa phương, cơ quan báo chí nhưng vẫn chưa bắt được “thủ phạm”. “Đúng là công nghiệp, dịch vụ phát triển thúc đẩy kinh tế phát triển, nhiều người hưởng lợi. Tuy nhiên, việc phát triển công nghiệp không chú ý đến vấn đề môi trường thì khổ cho người trồng dâu, thiệt cho vùng dâu An Phước quá” - ông Đức bức xúc nói.

Đoàn Phú

Tin xem nhiều