Báo Đồng Nai điện tử
En

Khẩu súng máy 12,7 ly và chuyện giữ cầu

10:04, 26/04/2017

Tháng 6-2008, Bảo tàng Đồng Nai đón nhận khẩu súng máy 12,7 ly do các cựu binh Trung đoàn Đặc công 113 bàn giao. Theo các cựu binh Trung đoàn Đặc công 113, khẩu súng được sử dụng để bảo vệ hệ thống cầu: Hóa An, Rạch Cát và cầu Ghềnh (sông Đồng Nai) trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử năm 1975.

Tháng 6-2008, Bảo tàng Đồng Nai đón nhận khẩu súng máy 12,7 ly do các cựu binh Trung đoàn Đặc công 113 bàn giao. Theo các cựu binh Trung đoàn Đặc công 113, khẩu súng được sử dụng để bảo vệ hệ thống cầu: Hóa An (cầu Mới), Rạch Cát và cầu Ghềnh (sông Đồng Nai) trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử năm 1975. Sau hàng chục năm bị chôn vùi, khẩu súng này được đào lên trong vườn nhà ông Tống Hữu Hiếu (ấp Tân Bản, phường Bửu Hòa, TP.Biên Hòa) vào tháng 4-2008.

Khẩu súng máy 12,7 ly được đào lên sau cuộc chiến.
Khẩu súng máy 12,7 ly được đào lên sau cuộc chiến.

Đã bị hoen gỉ, chỉ còn thân súng, máy ngắm và 2 chân  súng, nhưng khẩu súng máy 12,7 ly là hiện vật quý giá phản ánh về sự khốc liệt của cuộc chiến mà bộ đội ta đã kiên cường chiến đấu ở chiến trường Biên Hòa trong những ngày Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975.

* Nhiệm vụ đặc biệt

Những chiến công và sự hy sinh lớn lao của cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn Đặc công 113 trong trận quyết chiến cuối cùng trước ngày toàn thắng của cả dân tộc đã ghi thêm vào lịch sử đơn vị những trang hào hùng và oanh liệt, góp phần tô thắm truyền thống vẻ vang của Trung đoàn Đặc công 113 có đến 3 lần anh hùng và của bộ đội đặc công anh hùng.

Trong hồi ký của mình, Đại tá Nguyễn Thành Lộc, nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn Đặc công 113 giai đoạn 1973-1976, cho biết đầu tháng 4-1975, khi Quân đoàn 4 bắt đầu nổ súng tiến công Xuân Lộc thì Trung đoàn Đặc công 113 nhận lệnh tăng cường cho Quân đoàn 4 đánh chiếm các mục tiêu quan trọng bên trong hậu cứ của địch ở Biên Hòa. Đơn vị được giao 2 nhiệm vụ, gồm: đánh chiếm cầu Ghềnh và cầu Hóa An và chốt giữ ở đó để mở đường cho Sư đoàn 7 cùng Quân đoàn 4 tiến về giải phóng Sài Gòn; đồng thời đánh chiếm căn cứ Chiến đoàn 15 Thiết giáp địch ở Hốc Bà Thức (nay thuộc phường Tân Phong) để mở đường cho Sư đoàn 7 tiến công Sân bay Biên Hòa và Bộ Tư lệnh Quân đoàn 3 - Quân khu 3 của quân ngụy. Sau khi đánh chiếm cầu Ghềnh và cầu Hóa An đón đại quân tiến về Sài Gòn, Trung đoàn Đặc công 113 vẫn phải ở lại chốt giữ căn cứ thiết giáp địch ở Hốc Bà Thức và giữ vững 2 cầu không cho quân địch phá hủy để phục vụ cho các cánh quân chủ lực rộng đường tiến về giải phóng Sài Gòn.

Kể lại cuộc chiến ác liệt để giữ 2 cây cầu, ông Đinh Vũ Đức Ninh, nguyên Tiểu đội trưởng thuộc Đại đội 1, Tiểu đoàn 23, trung đoàn Đặc công 113, chia sẻ theo mệnh lệnh của Bộ Chỉ huy chiến dịch, trung đoàn phải đánh chiếm mục tiêu sớm hơn dự định để cùng bộ đội chủ lực công phá tuyến phòng thủ trực tiếp Sài Gòn. Chấp hành mệnh lệnh của trên, Trung đoàn đã giao nhiệm vụ cho Tiểu đoàn 23 và Tiểu đoàn 174 thực hiện.

Đêm 24, rạng sáng 25-4-1975, Tiểu đoàn 23 có 2 đại đội pháo phản lực ĐKB của Tiểu đoàn 174 (trong đó có khẩu đội 12,7 ly của Đại đội 14, do đồng chí Phạm Hồng Lớt làm khẩu đội trưởng) rời căn cứ ở Hiếu Liêm, âm thầm vượt sông Đồng Nai tiến về mục tiêu triển khai đội hình chiến đấu. Tại đây, đơn vị đã đào hầm hào, công sự. Được sự giúp đỡ tích cực của cơ sở cách mạng địa phương và nhân dân, công việc diễn ra thuận lợi và hoàn thành đúng kế hoạch.

Chiến dịch Hồ Chí Minh mở ra, khi các đơn vị chủ lực đánh mạnh từ vòng ngoài thì lúc 4 giờ sáng 27-4-1975, Tiểu đoàn 23 nổ súng đánh chiếm cầu. Trong đó, Đại đội 1 đánh chiếm cầu Ghềnh, Đại đội 3 đánh chiếm cầu Hóa An. Tại cầu Ghềnh, một mũi thọc sâu của ta nhanh chóng tiếp cận cầu và nổ súng. Bị bất ngờ, bọn lính giữ cầu hốt hoảng bỏ chạy, ta nhanh chóng chiếm cầu và tổ chức xây dựng trận địa chốt giữ.

Lúc này, tại cầu Hóa An, mũi luồn sâu của ta bị địch phát hiện, ngăn chặn khi còn cách cầu khoảng 500m nên buộc phải nổ súng để đánh chiếm cầu. Chỉ sau 20 phút chiến đấu, Tiểu đoàn 23 đã chiếm giữ cầu, bộ đội không thương vong. Tuy nhiên, khi chuyển qua nhiệm vụ chốt giữ, bảo vệ cầu, cuộc chiến thực sự quyết liệt trước sự phản kích điên cuồng của địch.

* Cuộc chiến giằng co để giữ cầu

Ông Vũ Đức Ninh kể tiếp, sau khi bị quân ta đánh chiếm 2 cây cầu, bọn địch trong nội ô TX.Biên Hòa nháo nhào hẳn lên. Gần 9 giờ ngày 27-4-1975, địch sử dụng pháo từ các căn cứ lân cận, như: Thủ Đức, Châu Thới bắn xối xả vào các vị trí chốt giữ của ta ở 2 đầu cầu suốt gần một giờ. Sau khi dứt tiếng pháo, địch cho 2 tiểu đoàn lính dù và biệt động quân có xe tăng, máy bay yểm trợ từ nhiều hướng xung phong tái chiếm cầu.

Trước sức áp đảo của địch, bộ đội ta phải dùng B40, B41, lựu đạn và các loại vũ khí trang bị, lợi dụng địa hình, địa vật đánh trả quyết liệt. Tiểu đoàn 23 và lực lượng pháo ĐKB của Tiểu đoàn 174 đã đánh lui đợt phản kích đầu tiên; cầu vẫn giữ được nguyên vẹn.

Trong cả ngày 27-4-1975, vừa chiến đấu vừa củng cố trận địa, Tiểu đoàn 23 tiếp tục đánh lui 4 đợt phản kích của địch, giữ vững trận địa và cầu.

Rạng sáng 28-4-1975, địch điều 1 tiểu đoàn của Sư đoàn 18, 1 tiểu đoàn lính dù có 5 trực thăng và hàng chục xe tăng yểm trợ chia thành 2 mũi đánh vào Sở chỉ huy Tiểu đoàn 23, cùng 2 chốt của ta ở 2 đầu cầu.

Địch đã cho pháo binh bắn cấp tập vào các vị trí chốt giữ của ta, sau đó là bộ binh, xe tăng từ các hướng xông vào trận địa. Đợt trước bị đánh lui, đợt sau xông vào, bộ binh lui về sau lại đến pháo binh, bom đạn địch đã cày nát các khu vực trận địa có quân ta chốt giữ. Càng về trưa, cuộc chiến càng trở nên ác liệt. Đến khoảng 10 giờ, khi phát hiện Sở chỉ huy Tiểu đoàn 23, địch tập trung bộ binh, xe tăng ồ ạt xung phong nhằm diệt gọn các chỉ huy “Việt Cộng”.

Lực lượng của ta mỏng, chỉ có Đại đội 2 làm dự bị và 1 Trung đội pháo ĐKB, nhưng nhờ được lực lượng du kích địa phương phối hợp và được nhân dân tiếp tế cơm, nước, chăm sóc thương binh, các chiến sĩ ta đã ngoan cường bám trụ chiến đấu. Lợi dụng từng mô đất, ngách hào, góc lô cốt, sử dụng cả các loại vũ khí trang bị và dựa vào cả vật cản của địch để chiến đấu, ta diệt được nhiều địch, thu 20 súng, buộc địch phải tháo chạy.

Trong khi đó, tại các chốt bảo vệ cầu, các chiến sĩ Đại đội 1 và 3 cùng lực lượng hỏa lực, trong đó có khẩu đội 12,7 ly vẫn kiên cường bám trụ bảo vệ cầu. Tuy nhiên, quân số của ta ít, vũ khí trang bị hạn chế, thương vong tăng nhanh, khẩu đội 12,7 ly đã bị một quả đạn cối của địch bắn trúng trận địa, nổ cách 4m, làm cho xạ thủ số 1 Trương Công Điệp bị thương, phải đưa về tuyến sau. Xạ thủ số 2 Đào Công Sự lên thay không được bao lâu thì một quả đạn cối thứ 2 rơi trúng đội hình khẩu đội, tiện cắt một chân súng, đồng chí Sự hy sinh. Đồng chí xạ thủ số 3 Đào Tiến Bắc bị thương ở bụng và gãy lìa cánh tay, sức chiến đấu giảm dần.

Đến chiều 28-4-1975, cầu Ghềnh đã bị địch chiếm lại, quân ta phải rời trận địa để củng cố lại lực lượng. Đêm 28-4-1975, ta tập kích chiếm lại cầu, đánh địch phản kích và chốt giữ cầu cho đến sáng 29-4-1975. Khi cánh quân của Quân đoàn 4 đã tiến đến Hố Nai, bọn địch hoang mang và tập trung lực lượng đối phó nên không tổ chức phản kích chiếm lại cầu.

Trưa 29-4-1975, trước sức tiến công như vũ bão của quân giải phóng, toàn bộ quân địch ở Biên Hòa đã tan rã và tháo chạy.

Đức Việt

Tin xem nhiều