Khu căn cứ Tỉnh ủy Biên Hòa U1 tại Bàu 17, xã Bàu Hàm (nay thuộc địa bàn xã Thanh Bình, huyện Trảng Bom) giờ xanh màu cuộc sống. Những mái nhà xây kiên cố của người Hoa, người Kinh ở vùng căn cứ xưa đã minh chứng cho nghị lực con người trước sự tàn phá của chiến tranh và khát vọng hòa bình, xây dựng cuộc sống ấm no.
Khu căn cứ Tỉnh ủy Biên Hòa U1 tại Bàu 17, xã Bàu Hàm (nay thuộc địa bàn xã Thanh Bình, huyện Trảng Bom) giờ xanh màu cuộc sống. Những mái nhà xây kiên cố của người Hoa, người Kinh ở vùng căn cứ xưa đã minh chứng cho nghị lực con người trước sự tàn phá của chiến tranh và khát vọng hòa bình, xây dựng cuộc sống ấm no.
Bàu Rau Muống một thời nuôi bộ đội và người dân về khai phá đất sản xuất ở khu căn cứ Tỉnh ủy Biên Hòa U1. |
Căn cứ Tỉnh ủy Biên Hòa U1 được thành lập vào tháng 9-1965 để lãnh đạo phong trào cách mạng của quân và dân các địa phương: Vĩnh Cửu, Trảng Bom, Thống Nhất và Biên Hòa.
* Vùng đất bom cày, đạn xới
Căn cứ Tỉnh ủy Biên Hòa U1 đã trở thành biểu tượng thiêng liêng của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân Đồng Nai không chỉ trong kháng chiến, mà trong cả sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Năm 2004, khu di tích Căn cứ Tỉnh ủy Biên Hòa U1 đã được triển khai xây dựng giai đoạn đầu với các hạng mục: nhà bia, sân lễ hội, cây xanh... Ngày 15-10-2012, công trình Đền tưởng niệm Khu di tích Tỉnh ủy Biên Hòa U1 tiếp tục được khởi công, nâng cấp với các hạng mục: đền tưởng niệm, sân và đường dẫn vào đền với diện tích gần 500m2. |
Giai đoạn 1965-1975, Căn cứ Tỉnh ủy Biên Hòa U1 là nơi đứng chân của các lực lượng vũ trang và cơ quan đầu não của Tỉnh ủy Biên Hòa. Nơi đây, Tỉnh ủy Biên Hòa tập trung, triển khai cuộc tổng tấn công và nổi dậy của các đơn vị chủ lực, như: Sư đoàn 5, Đặc công Biên Hòa, Trung đoàn 4, Trung đoàn đặc công 113..., đánh vào các căn cứ trọng điểm của Mỹ và quân đội Sài Gòn tại mặt trận Biên Hòa.
Thời gian đầu, Mỹ và quân đội Sài Gòn liên tục đổ quân đánh vào căn cứ. Máy bay địch rải bom, các loại pháo bắn vào căn cứ cả ngày và đêm. Sau Chiến dịch Xuân Mậu Thân 1968, quân địch phản kích điên cuồng. Hàng ngày, địch tập trung cơ giới ủi phá căn cứ; cắt, xắt căn cứ thành mảng; chất độc hóa học do máy bay địch rải hủy diệt cây rừng tàn rụi, chất độc da cam/dioxin lan tỏa làm nhiều người bị nhiễm. Những năm đó, ở vùng căn cứ này khó khăn chồng chất, thương bệnh binh phải chịu thiếu thốn rất nhiều…
Cán bộ Lão thành cách mạng Phan Văn Trang (nguyên Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Biên Hòa U1) kể lại, với lòng yêu nước, bằng mọi cách cán bộ, chiến sĩ của ta đã vượt qua, đói mà đánh giặc, đói mà vẫn công tác đều đều. Cơ quan, bộ đội đều biết dựa vào dân để sống, chiến đấu. Rẫy ở Bàu Hàm, Hưng Lộc, Hưng Nghĩa, Trảng Bom; rẫy bắp, vườn quýt... là nguồn nuôi sống bộ đội, cơ quan, ban, ngành của Căn cứ Tỉnh ủy Biên Hòa U1. Lực lượng cán bộ, bộ đội Phân khu 4, Phân khu 5... vẫn về căn cứ này bám rẫy, lấy rau quả để sống. Rau, bí, bầu, đậu nành, đậu xanh, bắp..., tất cả dùng để nuôi bộ đội.
Nơi Căn cứ Tỉnh ủy Biên Hòa U1 đóng chân có bàu rau muống tự nhiên rất rộng. Chiều xuống, hàng trăm bộ đội, cán bộ trong căn cứ ra bàu cắt đọt rau muống non đem về nấu ăn thay cơm. Trong căn cứ, củ nần, củ từ rừng cũng được tận dụng làm thức ăn thay cơm rất tốt. Mùa nắng, nước khô cạn, giếng nước của bộ đội (sau này gọi là “Giếng Bộ Đội”) ngày đêm luôn có người chắt mót từng lon nước mang về nấu ăn, uống.
Theo đồng chí Phan Văn Trang, trong suốt thời kỳ lập căn cứ, người dân không chỉ che chở, nuôi dưỡng, cung cấp gạo, rau quả giúp bộ đội ăn no đánh giặc, mà còn tìm nhiều cách qua mặt địch để đem thuốc trị bệnh, sữa, đường cho thương binh. Nhiều bà mẹ, em gái mang thư từ liên lạc nghi trang trong người đem vào nội thành cho cơ sở và dẫn cán bộ cơ sở về căn cứ học tập…
* Sức sống mới
Chiến tranh kết thúc, khu Căn cứ Tỉnh ủy Biên Hòa U1 được trả lại cho rừng già, không còn bộ đội trú quân, đạn bom cày xới.
Ông Dương Huyền Lan (ngụ ấp Tân Thành, xã Thanh Bình) kể lại ngày ông về Bàu 17 khai phá đất sản xuất, khu vực căn cứ chỉ có vài chòi rẫy của người dân các xã: Bàu Hàm, Cây Gáo, Gia Kiệm… Đến năm 1978, dân cư từ các nơi dồn dập kéo về đây dựng chòi, khai khẩn đất.
Vùng Căn cứ Tỉnh ủy Biên Hòa U1 toàn đá và rừng, việc đào giếng lấy nước sinh hoạt vào mùa khô của dân di cư rất khó khăn. Vì vậy, thời kỳ này “Giếng Bộ Đội” là nơi để người dân đến tắm giặt và chở nước về sinh hoạt.
“Lúc đầu, người ta gánh bằng những thùng nhỏ 4-5 lít. Sau đó, họ đổ nước vào ruột bánh xe tải, bỏ lên xe đạp thồ về nhà. Dù đông người đến lấy nước, tắm giặt, “Giếng Bộ Đội” không bao giờ hết nước” - ông Lan kể lại.
Bàu Rau Muống rộng gần chục hécta, có cá, lươn nhiều vô kể. Chỉ cần vài ống trúm hay tay lưới, cần câu là có cá, lươn ăn với cơm trộn khoai, bắp cho đỡ ngán. Còn rau muống, người dân hái về làm thức ăn, nuôi heo và đưa ra chợ bán. Nhờ thiên nhiên ưu đãi, người dân có thêm sức khỏe để khai khẩn những khoảnh rừng, đồi cao thành rẫy, vườn.
Đồng bào dân tộc Hoa của ông Lan thường sống theo cộng đồng nên cách khai hoang cũng khác với người Kinh. Họ canh theo con đường mòn có sẵn mà phát dọn những khu rẫy ngang 200-300m, chạy dài đến bàu Rau Muống thì dừng. Phần đất cao thì trồng bắp, đậu, thuốc lá; phần đất thấp giáp bàu Rau Muống thì tạo thành ruộng lúa.
Căn cứ Tỉnh ủy Biên Hòa U1 sau vài năm đất nước thống nhất trở thành vườn rẫy của người Hoa, người Kinh. Những vết tích chiến tranh còn sót lại (bom đạn, giao thông hào...) nhanh chóng được san lấp để cho cây trồng vươn chồi. Những túp lều bằng tranh cũng dần thay bằng mái nhà gỗ, nhà xây kiên cố.
Ông Tống Thường Xuyên (ngụ ấp Tân Thành) bày tỏ, đời sống người dân vùng căn cứ ngày thêm khởi sắc khi được Nhà nước quan tâm mở đường, kéo điện, xây trường học, hỗ trợ vay vốn làm ăn…
Quần thể di tích Căn cứ Tỉnh ủy Biên Hòa U1 được phục dựng làm sáng đẹp cả một vùng heo hút. Người Hoa, người Kinh ở Bàu 17 hôm nay vẫn còn kể cho nhau nghe chuyện cha anh ngày xưa nuôi giấu bộ đội tỉnh, Trung ương Cục đóng chân nơi rừng già Bàu Hàm và những câu chuyện tâm linh khi nhìn thấy bộ đội múc nước, hái rau ở khu vực “Giếng Bộ Đội”, bàu Rau Muống…
Ông Lan tâm sự, chiến tranh đã lùi vào quá khứ, vùng Căn cứ Tỉnh ủy Biên Hòa U1 giờ đã thành vườn tiêu, chuối, cà phê... cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/hécta/năm. Người Hoa, người Kinh ở Bàu 17 có được cuộc sống tốt đẹp như ngày hôm nay là nhờ Đảng và Nhà nước quan tâm.
Diễm Quỳnh