Trong khá nhiều lần ra Bắc về Nam, lần nào đi đường bộ ngang qua vùng đất Bình Trị Thiên nổi tiếng một thời, tôi cũng đều nhớ tới mấy câu ca dao thuộc nằm lòng: Thương em, anh cũng muốn vô/ Sợ truông nhà Hồ, sợ phá Tam Giang.
Trong khá nhiều lần ra Bắc về Nam, lần nào đi đường bộ ngang qua vùng đất Bình Trị Thiên nổi tiếng một thời, tôi cũng đều nhớ tới mấy câu ca dao thuộc nằm lòng: Thương em, anh cũng muốn vô/ Sợ truông nhà Hồ, sợ phá Tam Giang.
Phá Tam Giang (tỉnh Thừa Thiên - Huế). |
Sau này, đọc Tạp chí Sông Hương tôi mới biết các nhà nghiên cứu ở xứ Huế còn đưa ra đến 2-3 dị bản của câu ca dao, nhưng nội dung cơ bản cũng đều thống nhất với chuyện kinh sợ, lo ngại đối với 2 địa danh: truông nhà Hồ và phá Tam Giang. Phủ Biên tạp lục và Đại Nam nhất thống chí đều có đề cập đến 2 “vùng đất”: truông nhà Hồ và phá Tam Giang. Theo đó, vào đầu thế kỷ 17, các chúa Nguyễn tiến hành khai phá xứ Đàng Trong (từ Thuận Hóa trở vào). Việc đi lại chỉ có duy nhất con đường cái quan thiên lý. Do vậy, muốn vào 2 châu Ô, Rí bằng đường bộ thì phải qua truông nhà Hồ, còn đường thủy thì phải vào phá Tam Giang.
MƯU TRÍ NGƯỜI XƯA
Do đặc điểm là đường “độc đạo”, truông nhà Hồ có vị trí rất quan trọng trong giao thương Bắc - Nam bằng đường bộ. Thế nhưng, thời điểm đó ở truông nhà Hồ, quân thảo khấu ngang nhiên chặn đường “mãi lộ” thương buôn, người dân, thậm chí cướp cả lương thảo của triều đình. Chúa Nguyễn Phúc Chu (1691-1725) sai quan Nội tán Nguyễn Khoa Đăng thân hành giải quyết vụ việc. Qua nghiên cứu, nắm được quy luật hoạt động của bọn cướp, quan Nội tán bố trí một đoàn xe giả làm thương buôn chở lúa gạo và hàng hóa đi ngang qua truông nhà Hồ để… bị cướp, trong đó có một chiếc xe chở thóc đã được bí mật đục lỗ thủng dưới đáy do một người lính lén rút tấm ván lót đáy ra sau khi xe bị cướp. Từ những hạt lúa rơi dọc đường dẫn vào tận sào huyệt, Nội tán Nguyễn Khoa Đăng cho mở cuộc “hành quân” bao vây, bắt gọn và phá tan sào huyệt băng cướp, lập lại sự bình yên cho đoạn truông nhà Hồ.
Nội tán Nguyễn Khoa Đăng cũng ra tay trị sóng thần trên phá Tam Giang. Qua nghiên cứu thực địa, quan Nội tán nhận ra những lời đồn đãi và thêu dệt về sóng thần trên phá là do người dân mê tín tạo nên. Thực chất, thời bấy giờ chỗ cửa phá thông ra biển còn quá hẹp nên sóng ở khúc này luôn cuộn trào dữ dội, gây lật chìm ghe thuyền. “Dĩ độc công độc”, quan Nội tán tổ chức một buổi lễ hết sức long trọng tại bờ cửa phá để “gọi” thần sông lên và ra lệnh bắn 3 phát đại pháo vào ngay ngọn sóng. Sau tiếng nổ vang, máu đào loang đỏ mặt phá (do phẩm điều tạo nên) trước nét mặt kinh ngạc và thán phục của đông đảo các vị bô lão lẫn ngư dân cùng giới thương hồ vùng Ngũ Quảng. Vì vậy, khi quan binh huy động vào việc nạo vét luồng bãi để mở rộng cửa phá cho tàu bè ra vô, đi lại dễ dàng, ai cũng ào ào hưởng ứng, không còn thái độ kiêng dè, sợ sệt sóng thần như trước. Sau khi 2 “biểu tượng” hung hiểm trên đường thiên lý bị xóa tan, dân gian lại truyền tụng câu hò: Phá Tam Giang ngày rày đã lặng/ Truông nhà Hồ nội tán dẹp yên.
TRUÔNG NHÀ HỒ VÀ PHÁ TAM GIANG BÂY GIỜ
Có lẽ vì vậy mà khi tôi hỏi về truông nhà Hồ, hầu như không một người nào ở Đồng Hới (tỉnh Quảng Bình) biết. Ra Đông Hà (tỉnh Quảng Trị) cũng thế, những người quen đều trả lời là chưa hề nghe đến tên truông nhà Hồ, chỉ biết địa danh Truông Bồn với 10 cô gái thanh niên xung phong. Rất may sau đó có mấy cựu chiến binh của Binh đoàn Trường Sơn như chị Trương Thị Phương, anh Trương Công Kỷ biết và rất hăng hái tình nguyện chở tôi đi Vĩnh Linh (tỉnh Quảng Trị) để chiêm ngưỡng truông nhà Hồ. Được “thổ địa” tận tình chỉ dẫn, vậy mà phải mất hơn một tiếng đồng hồ chạy lòng vòng trong mấy cánh rừng trâm bầu, trảng cát chúng tôi mới quay ngược ra được quốc lộ 1 để tìm đến nhà một người cao tuổi có biết truông nhà Hồ.
Khu vực này trước đây thuộc truông nhà Hồ (huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị). |
Ông Dương Thanh Bình, năm nay 85 tuổi, cho biết ông là người chính gốc khu vực truông nhà Hồ, sinh ra ở ngay làng Tứ Chính. Cách nay khoảng hơn 700 năm, sau khi dẹp yên giặc cướp ở truông nhà Hồ, chúa Nguyễn có lệnh chiêu mộ dân các nơi ra đây lập nghiệp, dòng họ Dương ở Hải Phòng là nhóm người đầu tiên đi… kinh tế mới, tiếp đến là những nhóm người từ Hà Nội với 6-7 họ tộc khác nhau. Dần dần toàn bộ vùng truông nhà Hồ hình thành được “tam xã” là: Vĩnh Long, Vĩnh Chấp và Vĩnh Tú với “ tứ thôn” là: Tứ Chính, Ha Kè, Hòa Bình và Sa Lung. Tứ Chính là thôn cuối cùng còn sót lại hiện nay của truông nhà Hồ (cách vĩ tuyến 17 chỉ có 9km và gần bên Vĩnh Chấp từng được quân Pháp xây một sân bay dã chiến). Do nằm trên một địa thế khá đặc biệt nên danh tính của Tứ Chính cũng biến đổi nhiều lần, hết Tự Chứng đến Tứ Chứng, Tứ Xứ, Tứ Chiến rồi có khi là làng Hèm (do cả thôn nấu rượu nuôi heo)…
Ông Dương Thanh Minh, Trưởng thôn Tứ Chính, người rất nhiệt tình bảo vệ di sản truông nhà Hồ, cho biết qua thời gian truông nhà Hồ hiện còn khoảng 10 hécta rừng từ phía Bắc thị trấn Hồ Xá (huyện Bến Hải) trải dài 2 bên quốc lộ 1 thuộc 2 xã Vĩnh Long và Vĩnh Tú (huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị) giáp với xã Sen Thủy (huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình). Thảm thực vật thuộc rừng truông nhà Hồ chủ yếu là cây dẻ và cây trâm bầu. Thôn đã đề ra các quy định để bảo vệ truông nhà Hồ, như: cấm chặt cây, khai thác gỗ củi, săn bắt chim thú, đào đãi khoáng sản. Các họ tộc, gia đình cũng thường xuyên bảo ban con cháu gìn giữ rừng, quý trọng tài sản vô giá của thiên nhiên ban tặng cho làng.
Trong một chuyến du lịch khác, tôi tình cờ ngồi xe honda ôm chạy ra phía Cầu Hai, rất bất ngờ phát hiện ra đây là mặt đầm của phá Tam Giang, thuộc địa phận 12 xã của 3 huyện: Phong Điền, Quảng Điền, Hương Trà (tỉnh Thừa Thiên - Huế). Trên bề mặt nước rộng mênh mông hoang dã là mấy chiếc thuyền ghe đánh cá lơ thơ thấp thoáng ngoài xa nhìn thật nhỏ nhoi, bé bỏng cùng những hàng cọc gỗ đứng lênh khênh trên sóng nước lặng yên, thật dân dã, hiền hòa đến kỳ lạ.
Thời Minh Mạng, phá Tam Giang có tên gọi là Thiển Hải, Hác Hải hay Hạt Hải - nghĩa là biển cạn. Là nơi hội tụ các cửa sông: Hương, Bồ, Ô Lâu trước khi ra biển bằng cửa Thuận An, phá Tam Giang chạy dài khoảng 27km với diện tích 5.200 hécta, được coi là một trong những vùng đất ngập mặn lớn nhất Đông Nam Á. Nhờ nước ngọt trong mùa mưa và lợ trong mùa khô, môi trường thủy sinh trong đầm phá Tam Giang rất phong phú các chủng loại hải, thủy sản. Do đó từ một vùng biển cạn hoang sơ, 10 năm qua đã có trên 41 ngàn người dân sinh sống trên đầm, phá và đưa phong trào nuôi tôm hạ triều và nuôi chắn sáo chiếm đến 3 ngàn hécta mặt nước. Trong đó, có 65 hộ ở xóm Sáo thuộc thôn 8, xã Điền Hải (huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế) chuyên nghề nò sáo (làm bẫy cá, tôm bằng tre và lưới), sống trên nhà chồ, nhà sàn theo mé nước). Nơi nhộn nhịp nhất trên phá Tam Giang bây giờ là khu Đầm Chuồn trong vùng định cư Phú An (huyện Phú Vang) với hàng chục quán nhậu được thiết kế bề thế như nhà hàng nổi.
Bùi Thuận