Xuất ngũ trở về, chàng Trung sĩ trẻ Nguyễn Hữu Phước (ngụ ấp 11, xã Bình Sơn, huyện Long Thành) chịu khó đi làm công cho các tiệm cửa sắt trong vùng nhằm tích lũy kinh nghiệm và vốn liếng.
Xuất ngũ trở về, chàng Trung sĩ trẻ Nguyễn Hữu Phước (ngụ ấp 11, xã Bình Sơn, huyện Long Thành) chịu khó đi làm công cho các tiệm cửa sắt trong vùng nhằm tích lũy kinh nghiệm và vốn liếng. Khi tay nghề đã vững, anh hùn vốn với người anh rể mở cơ sở cửa sắt - cơ khí nho nhỏ nơi mặt tiền hương lộ 10 (thuộc tổ 7, ấp 1, xã Bình Sơn) để khởi nghiệp.
Đầu năm 2017, anh Nguyễn Hữu Phước (trái) tiến hành xây dựng cửa tiệm mới (cách tiệm cũ 500m) trên khu đất do vợ chồng anh mua năm 2013. |
Trước sự cạnh tranh gay gắt của các tiệm cửa sắt khác, anh Phước vẫn đều đặn có đơn hàng nhờ chữ tín, giá cả phải chăng và nụ cười thường trực trên môi. “Số tiền gần 10 triệu đồng hỗ trợ cho quân nhân xuất ngũ vào năm 2002, đến năm 2007 tôi mới dùng đến khi lấy vợ và khởi nghiệp” - anh Phước tỏ bày.
Trách nhiệm tuổi trẻ
Không khí Ngày hội tòng quân đang đến gần, với nhiệm vụ Ấp đội trưởng, anh Nguyễn Hữu Phước thêm bận rộn trong việc tiễn thanh niên trúng tuyển nghĩa vụ quân sự lên đường nhập ngũ.
Anh Phước cho biết đợt tuyển quân này ấp 11 có 4 thanh niên trúng tuyển. Để các bạn trẻ yên tâm lên đường nhập ngũ, anh và Ban điều hành ấp liên tục gặp gỡ thanh niên và gia đình họ động viên, vận động các nhà hảo tâm ủng hộ tiền, quà tặng thanh niên nhập ngũ.
Tuổi 18, chàng trai trẻ Nguyễn Hữu Phước đã vất vả với công việc thợ cửa sắt thuê nhằm kiếm thu nhập phụ giúp gia đình. Năm 19 tuổi, được sự vận động của các anh, các chú trong ấp, anh đã viết đơn tình nguyện nhập ngũ. Đợt tuyển quân năm 2000, anh tự hào có tên trong danh sách 23 thanh niên của xã Bình Sơn lên đường tòng quân trước sự tiếc nuối của ông chủ tiệm cửa sắt khi mất đi người thợ giỏi, chăm chỉ.
Anh Nguyễn Hữu Phước (trái) luôn biết chia sẻ với người làm công và những khách hàng khó khăn. |
Ngày khoác ba lô lên đường về đơn vị huấn luyện (Trường Hạ sĩ quan tăng - thiết giáp, Trung đoàn Tăng - thiết giáp), chàng trai Phước cũng bùi ngùi trước những giọt lệ tiễn đưa của người thân và lời dặn dò chân thành của các cô chú ở địa phương rằng phải cố gắng học tập, rèn luyện để xứng đáng với quê hương Bình Sơn anh hùng. “Ngày đầu tiên trở thành tân binh, lòng mình buồn vui lẫn lộn. Buồn vì nhớ nhà, nhớ bạn bè, công việc, còn vui vì được học tập, rèn luyện, sinh hoạt trong môi trường quân đội với nhiều điều mới lạ so với cuộc sống bên ngoài” - anh Phước bộc bạch.
Sau 3 tháng huấn luyện trong môi trường quân đội, tân binh Nguyễn Hữu Phước thêm trưởng thành, sống nề nếp và kỷ luật.
Anh Phước cho hay những năm tháng tại ngũ, anh có thêm bạn bè thân quen, hiểu hơn tình đồng đội qua những ca trực gác. Nhờ quân đội rèn luyện, anh chín chắn trong suy nghĩ, bản lĩnh trong hành động và những vui buồn vu vơ không mục đích hay tâm trạng “sáng nắng, chiều mưa” của tuổi mới lớn thật sự biến mất.
Trong suốt quá trình tại ngũ, anh được đơn vị đánh giá cao về tính kỷ luật, chấp hành mệnh lệnh trong huấn luyện cũng như trong công tác, học tập và sinh hoạt. Đặc biệt, anh càng quen thuộc với chuyện cơm ngày 3 bữa trong đơn vị nên ngày xuất ngũ về với gia đình, số tiền gần 10 triệu đồng hỗ trợ cho quân nhân xuất ngũ của anh vẫn còn nguyên vẹn. Trong khi đó, không ít đồng đội của anh phải xin thêm tiền gia đình mới đủ trang trải cho các khoản nợ căn-tin vì chi tiêu quá mức.
Ông chủ nhỏ
Năm 2002, sau khi xuất ngũ, anh Phước tiếp tục công việc người thợ cửa sắt làm thuê với ý chí tích lũy thêm kinh nghiệm, tay nghề để vài năm sau mở tiệm cho riêng mình. Trong khi đó, phần lớn bạn bè xuất ngũ cùng đợt với anh đều chọn làm nông dân hoặc làm công nhân tại các công ty trong khu công nghiệp.
Anh Phước phân tích, làm công nhân hay nông dân đối với quân nhân xuất ngũ đều có cái hay, tùy vào hướng chọn nghề nghiệp của mỗi người. Riêng anh chọn công việc thợ cửa sắt vì muốn khởi nghiệp ngay trên khu đất ở của cha mẹ và để có điều kiện đóng góp cho phong trào của địa phương.
Sau 4 năm làm thuê cho các chủ tiệm cửa sắt trong và ngoài xã, năm 2007 anh tự tin cùng người anh rể mở tiệm cửa sắt - cơ khí tại nhà. Với số vốn góp ban đầu 20 triệu đồng/người, anh Phước và người anh rể đã có cửa tiệm chuyên về cửa sắt - cơ khí khiêm tốn bên hương lộ 10. Mỗi người một phần việc, mối hàng và thuê mướn lao động, lãi hay lỗ tùy vào tay nghề và tài giao dịch của người đó, chỉ có máy móc là dùng chung.
Ngày đầu ít vốn, mối hàng eo hẹp, anh Phước chỉ chuyên về cửa sắt. Nhờ tay nghề cao, uy tín và ngoại giao tốt, anh bắt đầu lấn sân sang việc sản xuất nhà vòm, nhà xưởng. Công việc ngày một nhiều, thu nhập cũng tăng theo, anh tuyển thêm thợ. “Hiện tiệm của tôi có 3 thợ chính với mức lương 360 ngàn đồng/người/ngày làm 8 tiếng. Khi có mối hàng nhiều và gấp, tôi tuyển thêm thợ và trả tiền bồi dưỡng thêm giờ sòng phẳng cho thợ chính, thợ phụ như công nhân tại các công ty vậy” - anh Phước nói.
Thấy cựu quân nhân Nguyễn Hữu Phước xuất ngũ về nhà chí thú làm ăn, gắn bó với các phong trào địa phương và chi bộ, vào năm 2013, Ban điều hành ấp 11 và Ban Chỉ huy quân sự xã Bình Sơn mời anh đảm nhiệm chức danh Ấp đội trưởng ấp 11. Lúc ấy, anh Phước nhận lời nhưng vẫn còn áy náy khi bản thân chưa là đảng viên. Cái khó đó được đích thân Bí thư Đảng ủy xã Bình Sơn Đặng Ngọc Hùng đứng ra bảo lãnh và chỉ đạo Chi bộ ấp đưa anh vào đối tượng trung kiên, tiến tới kết nạp Đảng theo đúng quy trình.
Mùa tuyển quân cũng là dịp người dân xây sửa nhà sau tết, công việc của Ấp đội trưởng Nguyễn Hữu Phước càng thêm tất bật. Tuy vậy, với khách hàng, những người làm công, cựu quân nhân và thanh niên nhập ngũ…, Ấp đội trưởng Phước vẫn thường trực nụ cười hiền hòa trên môi khi gặp gỡ, trao đổi. Với anh, được khởi nghiệp ngay trên quê hương mình sau khi xuất ngũ và góp sức cho phong trào địa phương, gần gũi với những cựu quân nhân, các tân binh luôn là hạnh phúc, thấm đẫm nghĩa tình.
“Câu chuyện đời lính và khởi nghiệp của tôi có thể là mẩu chuyện nho nhỏ để các bạn trẻ tham khảo, kiểm nghiệm cuộc sống sau khi tòng quân và xuất ngũ” - anh Phước khiêm tốn nói.
Đoàn Phú