Ngôi nhà nhỏ nép bên trong con hẻm ven quốc lộ 1 thuộc ấp Hòa Hợp, xã Bảo Hòa (huyện Xuân Lộc) hơn 30 năm qua là mái ấm của đôi vợ chồng ông Trần Quang Tuyến (92 tuổi) và bà Trương Thị Liễu (91 tuổi).
Ngôi nhà nhỏ nép bên trong con hẻm ven quốc lộ 1 thuộc ấp Hòa Hợp, xã Bảo Hòa (huyện Xuân Lộc) hơn 30 năm qua là mái ấm của đôi vợ chồng ông Trần Quang Tuyến (92 tuổi) và bà Trương Thị Liễu (91 tuổi). Mấy ai biết, để có được niềm hạnh phúc bên nhau khi tuổi đã xế chiều, ông Tuyến và bà Liễu đã trải qua gần 20 năm xa cách vì chiến tranh, ông đi kháng chiến tiền phương, bà ở hậu phương đấu tranh trong lòng địch.
Ông bà Trần Quang Tuyến, Trương Thị Liên vẫn nâng niu lá thư thời chiến, viết cách đây 62 năm. Ảnh: Đ.Tùng |
Đến nay, ông và bà vẫn còn gìn giữ lá thư duy nhất mà phải mất 3 năm, qua bao gian khổ mới chuyển được đến tay ông.
Hành trình lá thư
Năm 1954, ông Trần Quang Tuyến (quê xã Phổ Ninh, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi) khi đó gần 30 tuổi đã cùng đồng đội lên tàu biển đi tập kết ra miền Bắc chờ ngày tổng tuyển cử theo Hiệp định Genève. Trước ngày lên tàu ông chỉ kịp dặn dò vợ và cha mẹ kiên tâm bền chí, bám trụ quê hương chờ ngày ông trở về. Ông còn dặn dò gia đình rằng theo Hiệp định Genève thì đến năm 1956 phải tổ chức tổng tuyển cử trên cả nước, nhưng chưa chắc kẻ thù đã tuân theo nên chuyến này ông đi có thể không phải 2, 3 năm là về được mà có thể mất 20, 30 năm.
“Tàu chở chúng tôi theo lịch trình sẽ cập bến ở Quảng Bình, nhưng do gặp bão lớn tàu dạt ra phía Bắc nên phải cập cảng ở Hải Phòng. Lúc tôi đi có ai ra tiễn đâu, tất cả đều gấp rút, khi đó con còn nhỏ nên vợ cũng không tiện bế theo ra bến. Thời đó ai cũng như ai, không nghĩ gì đến cái tôi cá nhân, tất cả đều vì mục tiêu lớn lao là thống nhất nước nhà. Mọi người trên tàu khi đó đều vững vàng một niềm tin dù thế nào cũng sẽ trở về được miền Nam dù phải trải qua nhiều gian khó. Về đến Hà Nội, tôi được phân công về làm việc ở Bưu điện TP.Hà Nội. Lúc này có nhớ nhà, nhớ gia đình cũng không dám viết thư, dù có viết cũng không có đường dây nào để gửi. Kẻ thù mà biết được gia đình tôi ở quê có liên hệ với người đi tập kết là vợ con, cha mẹ tôi sẽ gặp nguy hiểm” - ông Tuyến bồi hồi kể lại.
Khi ông Tuyến đi rồi, bà Liên ở lại quê nhà nuôi con, chăm sóc cha mẹ chồng và tiếp tục làm liên lạc cho cơ sở Đảng hoạt động bí mật. Bà cho hay khi đó chính quyền Sài Gòn tìm mọi cách diệt tận gốc cơ sở Đảng còn nằm lại nhưng bất lực, nhất là tại vùng nông thôn. Tuy nhiên, vì sống trong lòng địch nên mọi hoạt động của bà Liên phải cực kỳ cẩn thận. Thời điểm đó hầu hết mọi người đều không nghĩ đến chuyện có thể trao đổi thư từ với người thân ở miền Bắc, nên dù rất nhớ chồng bà cũng cố nén trong lòng.
Đến năm 1955 khi có đường dây liên lạc tin cậy ra miền Bắc, bà lén viết thư báo tin cả nhà mạnh khỏe, mong chồng yên tâm công tác gửi ra cho ông Tuyến. Nhưng gian nan thay, lá thư gửi không địa chỉ vì nơi ông cập bến năm 1954 khác hẳn với ý định ban đầu và mất liên lạc nên lá thư đã đi rất nhiều đơn vị vẫn không đến tay người nhận.
“Gửi thư rồi chỉ mong chồng nhận được và yên lòng ở phương xa chứ tôi nào có mong nhận được hồi đáp nên rồi cũng tập trung vào chăm sóc gia đình, hoạt động bí mật. Sau này, năm 1966 khi ông Tuyến bí mật về thăm nhà, tôi mới biết được lá thư mình gửi phải mất 3 năm, qua nhiều tỉnh, thành, nhiều đơn vị mới đến được tay chồng (năm 1958). Và bất ngờ hơn, trong “hành trình” từ Nam ra Bắc, lá thư được gửi đến một đơn vị bộ đội ở miền Bắc và đến tay em trai tôi. Em tôi nhận ra tên tuổi của tôi liền gửi ngay cho chồng tôi. 12 năm xa cách, khi gặp lại, tôi càng bất ngờ hơn vì lá thư ấy đã ở cùng chồng tôi suốt 8 năm trời, lúc nào cũng bên người, hành quân vào Nam, đi công tác… lúc nào chồng tôi cũng đem theo” - bà Trương Thị Liên xúc động cho biết.
Niềm tin lấp đầy khoảng cách
Cách xa nhau đằng đẵng mười mấy năm trời, nhưng vì cả hai đều làm cách mạng bí mật nên ông chỉ lén gửi một lá thư về cho vợ rồi thôi. Đến năm 1959, tình hình miền Nam căng thẳng bởi Luật 10/59 nên 2 người bặt tăm tin tức. đến năm 1960, ông Tuyến vượt Trường Sơn vào công tác quân bưu ở Nam Trung bộ. Còn bà Liên vì gia đình có người tập kết ra Bắc nên luôn bị địch soi mói, việc thư từ, tin tức về nhau hoàn toàn không có. Khi làm giao liên vận chuyển thư mật, biết có người đồng hương từ miền Bắc trở về bà liền tìm đến hỏi han tin tức về chồng, nhưng hầu như không ai biết vì khi ấy ai làm gì người nấy biết chứ không ai hỏi nhiều về việc của nhau.
“Tình yêu ngày xưa bình dị lắm, vui chung niềm vui đất nước thống nhất, buồn chung nỗi buồn đất nước chia cắt nên hầu như ai cũng gác chuyện riêng tư. Vả lại, khi đó tôi cũng cố gắng giấu nhẹm tin tức về chồng, biết chồng khỏe mạnh cũng chỉ nói với cha mẹ già và cả nhà phải tuyệt đối giữ bí mật. Nếu kẻ thù biết được sẽ nguy hiểm cho gia đình, ảnh hưởng đến việc công tác của chồng. Đến khi đất nước thống nhất, gia đình đoàn tụ thì niềm vui lớn nhất là cha mẹ già vẫn còn khỏe mạnh, vợ chồng, cha con gặp nhau tất cả đều bình an. Chỉ cần nhiêu đó thôi là khoảng cách 20 năm xa nhau, 20 năm xa nhà, 20 năm xa cha mẹ đều biến mất” - bà Liên mắt ngấn lệ hồi tưởng.
Nội dung bức thư bà Trương Thị Liên gửi cho ông Trần Quang Tuyến được gìn giữ hàng chục năm ròng. Ảnh: Đ.Tùng |
Năm 1960, ông Trần Quang Tuyến lên đường vào Nam, trên đường hành quân dọc đường Trường Sơn, nhóm của ông có 12 người, đến ngày hòa bình lập lại chỉ còn 2 người trở về được với gia đình. Giờ đây, khi tuổi đã cao, tay chân không còn nhanh nhẹn, tai đã phải nhờ đến máy trợ thính, nhưng khi nghe ai hỏi đến thời kháng chiến oanh liệt, ông đều chỉ tay vào 2 tấm huân chương kháng chiến chống Mỹ hạng nhất và nhì của 2 vợ chồng, và nói rằng nhờ niềm tin mãnh liệt vào người bạn đời mà ông và bà mới cống hiến hết sức mình được cho cách mạng.
“Thời kỳ đất nước khó khăn, yêu nhau là trao trọn niềm tin, thậm chí có những người mòn mỏi đợi người yêu đến khi đất nước thống nhất mới biết tin người yêu đã hy sinh mà vẫn cương quyết ở vậy không lập gia đình. Vợ chồng tôi cũng thế, chồng đi làm cách mạng, vợ ở nhà làm nông, chăm sóc gia đình. Cả 2 chúng tôi đều luôn đặt niềm tin vào nhau, dù xa cách tận 12 năm chỉ qua lại thư từ 1 lần nhưng không bao giờ thôi nghĩ về nhau. Thời đại mà cái tôi cá nhân hòa vào vận mệnh toàn dân tộc, ai ai cũng gác niềm vui lứa đôi để lo việc lớn. Ngày nay, hòa bình hơn 40 năm rồi, vợ chồng tôi vẫn luôn chăm sóc cho nhau từng miếng ăn, giấc ngủ. Già rồi, niềm hạnh phúc chỉ cần là còn vợ còn chồng, con cháu ngoan ngoãn là đủ” - ông Trần Quang Tuyến vuốt chòm râu bạc trắng dài ngang ngực, vui vẻ cho biết.
Đăng Tùng