Báo Đồng Nai điện tử
En

"Bộ bốn chủ lực" bảo vệ chủ quyền tiền tiêu của Tổ quốc

09:02, 15/02/2017

Năm 2016, tình hình biển đảo và thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc có phần "dịu" hơn năm 2015 nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều động thái, nguy cơ khó lường.

Năm 2016, tình hình biển đảo và thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc có phần “dịu” hơn năm 2015 nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều động thái, nguy cơ khó lường. Do đó, “bộ bốn chủ lực” (bộ đội Trường Sa (DK1), cảnh sát biển, kiểm ngư và ngư dân) vẫn ngày đêm chắc tay súng, vững tay lái, giữ vững môi trường hòa bình, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo, thềm lục địa của Tổ quốc trong mọi tình huống.

Nhà giàn DK1, điểm tựa của ngư dân đánh bắt xa bờ.
Nhà giàn DK1, điểm tựa của ngư dân đánh bắt xa bờ.

Trong nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo, Quân chủng Hải quân là lực lượng chủ lực, trong đó cán bộ, chiến sĩ (CBCS) ở 21 đảo, điểm đảo/33 điểm đóng quân thuộc quần đảo Trường Sa và CBCS ở 15 nhà giàn DK1 là lực lượng trực tiếp bảo vệ từng cột mốc chủ quyền quốc gia trên biển.

* Trực tiếp bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc

Năm 2016, Quân chủng Hải quân hoàn thành tốt nhiệm vụ quân sự - quốc phòng, trong đó nhiệm vụ bảo vệ ngư dân, tìm kiếm cứu nạn, giữ vững môi trường hòa bình cho ngư dân khai thác đánh bắt xa bờ hoàn thành xuất sắc. Chỉ tính riêng nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ, trong năm 2016 toàn quân chủng đã tổ chức 150 đợt tìm kiếm cứu nạn với gần 5 ngàn lượt CBCS; 90 lần chiếc tàu, 9 lượt máy bay được điều động khẩn cấp; tìm kiếm và cứu vớt 62 người bị nạn trên sông, biển; cứu kéo 9 phương tiện ra khỏi bãi cạn, 13 phương tiện hỏng máy, trôi dạt; cấp 1,7 ngàn m3 nước ngọt cho dân vùng hạn hán và ngư dân khai thác đánh bắt thủy hải sản trên các vùng biển, đảo Trường Sa và nhà giàn DK1.

Cùng với nhiệm vụ huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân chú trọng xây dựng cho CBCS, đặc biệt là CBCS làm nhiệm vụ vùng trọng điểm ở Trường Sa, nhà giàn DK1 có bản lĩnh chính trị vững vàng, nhận và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, sẵn sàng hy sinh bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc. Thành công nhất trong công tác xây dựng bản lĩnh chính trị ở điểm, mỗi đảo là một pháo đài thép, mỗi nhà giàn là một “mắt thần” canh biển. Đối với mỗi người lính đều có bản lĩnh chính trị kiên định vững vàng, yêu biển, đảo, tàu, đài, trạm; coi đảo là nhà, biển cả là quê hương, giữ nhà giàn bằng sức mạnh và bản lĩnh người lính.

Xuồng cao tốc Trường Sa tuần tra đường biển. Ảnh: M.Thắng
Xuồng cao tốc Trường Sa tuần tra đường biển. Ảnh: M.Thắng

Trên phương diện ngoại giao, trong năm 2016 Hải quân Việt Nam cũng giải quyết tốt mối quan hệ song phương và đa phương với hải quân các nước, trong đó tổ chức nhiều lần tuần tra chung Hải quân Việt Nam với Hải quân Thái Lan, Hải quân Việt Nam với Hải quân Trung Quốc; tổ chức đón tiếp và giao lưu văn hóa hải quân của Mỹ, Pháp, Nhật Bản, Trung Quốc học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau. Nhờ đó tạo nên sự gắn kết, hiểu biết và tin cậy, góp phần duy trì hòa bình, ổn định trên Biển Đông và khu vực Đông Nam Á.

Nằm trong vùng tuyến bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Năm 2016, CBCS ở các vùng cảnh sát biển đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, trong đó nổi bật nhất là hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ ngư dân, thực thi chủ quyền trên các vùng biển, đảo. Một trong những đơn vị “cánh chim đầu đàn” của lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam là Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Vùng 3, đóng quân ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Với nhiệm vụ tuyên truyền pháp luật và thực thi chủ quyền trên các vùng biển đảo, trong năm 2016, Vùng Cảnh sát biển 3 đã tổ chức hàng trăm chuyến tàu tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên vùng biển được phân công quản lý. Nhiều vụ tàu chở dầu trái phép trên cửa biển Vũng Tàu được các chiến sĩ trinh sát phát hiện, bắt giữ phương tiện, hoàn thành hồ sơ giao cho cơ quan chức năng điều tra, xử lý. Tiêu biểu nhất trong công tác đấu tranh vây bắt tội phạm là vụ truy bắt thành công 11 người nước ngoài tham gia cướp tàu chở dầu Zafirah (quốc tịch Malaysia); bắt giữ tàu Việt Hải đang buôn bán 914 ngàn lít xăng, dầu trái phép…

Để hoàn thành tốt nhiệm vụ ấy, Vùng Cảnh sát biển 3 thường xuyên chủ động ký kết quy chế phối hợp đấu tranh phòng chống tội phạm, bảo vệ an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội với công an, bộ đội biên phòng, hải quan, cảng vụ của các tỉnh, thành ven biển phía Nam; đồng thời duy trì thường xuyên chế độ giao ban định kỳ, trao đổi thông tin với các cơ quan chức năng về tình hình hoạt động của các thế lực thù địch; âm mưu, thủ đoạn của các loại tội phạm để có biện pháp xử lý, ứng phó kịp thời.

* Những người lính không quân hàm

Nói đến lực lượng chủ lực bảo vệ chủ quyền biển đảo, không thể không kể đến những kiểm ngư viên của Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn với nhiệm vụ bảo vệ nguồn lợi thủy sản, tham gia đấu tranh bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền; tuần tra, kiểm soát trên các vùng biển, đảo Việt Nam; xử phạt hành chính các tập thể, cá nhân vi phạm các hành động của tàu thuyền nước ngoài; tuyên truyền giúp đỡ bảo vệ ngư dân…

Năm 2016, lực lượng kiểm ngư đã làm tốt công tác đấu tranh bảo vệ chủ quyền, đặc biệt cứu nạn, cứu hộ hàng chục tàu thuyền và nhiều ngư dân gặp nạn trên biển. Điển hình, ngày 17-10-2016, các kiểm ngư viên thuộc tàu KN 403 đã cứu vớt an toàn 13 ngư dân của tàu cá BĐ97825TS bị chìm tàu ngoài vùng biển đảo Đá Thị - Trường Sa.

Là đơn vị đấu tranh bảo vệ chủ quyền, nguồn lợi thủy sản trên vùng biển, đảo trọng điểm thềm lục địa Bà Rịa - Vũng Tàu, Chi đội Kiểm ngư số 2 thường xuyên phối kết hợp với các lực lượng hải quân Lữ đoàn 171, Cảnh sát biển Vùng 3, các đồn biên phòng: Bến Đình, Côn Đảo để tuần tiễu, kiểm soát các hoạt động tàu thuyền có hành vi trái phép. Chỉ tính riêng đơn vị này, trong năm 2016 đã cứu giúp gần 20 lượt tàu thuyền của ngư dân đánh bắt trên các vùng biển DK1, DK2 gặp nạn, đưa vào đất liền an toàn.

Ngoài lực lượng chủ lực, còn có một lực lượng không thể thiếu trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo, đó là ngư dân các tỉnh: An Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Định, Khánh Hòa, Tiền Giang, Cà Mau… Chỉ với “vũ khí” là lòng yêu nước, bà con ngư dân vẫn vươn khơi bám biển giữ ngư trường truyền thống, dẫu mỗi lần đi biển là mỗi lần không ít trăn trở lo toan, tai nạn rình rập bất cứ lúc nào giữa biển khơi sóng gió.

Trên tinh thần “Biển của ta, ta khai thác, giữ gìn”, có ngư dân đã phải thiệt mạng; có con tàu nhỏ bé đã bị “tàu lạ” đâm nát. Trong cuộc đấu tranh chính nghĩa không khoan nhượng ấy, những ngư dân đã tỏ rõ bản lĩnh người Việt Nam biết tôn trọng độc lập, biết đấu tranh bảo vệ Tổ quốc dù phải hy sinh. Để rồi sau hơn 30 ngày bám biển, hàng ngàn ngư dân trở về đất liền tràn ngập niềm vui và tiếp tục cho chuyến hải trình đi biển mới…

Hôm nay, những người lính biển nơi ngàn khơi Tổ quốc đang vững vàng tay súng. Ở đất liền, hàng ngàn tàu cá của ngư dân bắt đầu chuyến khai biển đầu năm. Ra biển, khó khăn gian khổ, nhưng bên cạnh họ có lực lượng hải quân, cảnh sát biển và kiểm ngư - những người lính biển cùng chung chiến tuyến bảo vệ chủ quyền tiền tiêu của Tổ quốc.

Mai Thắng

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích