Báo Đồng Nai điện tử
En

Chợ công nhân…

10:02, 19/02/2017

"Chợ công nhân món nào cũng rẻ, phù hợp với túi tiền người mua, nhưng quan trọng hơn đây là chỗ mưu sinh của những người có hoàn cảnh khó khăn.

“Chợ công nhân món nào cũng rẻ, phù hợp với túi tiền người mua, nhưng quan trọng hơn đây là chỗ mưu sinh của những người có hoàn cảnh khó khăn. Nhiều công nhân hùn vốn làm ăn với nhau, sau khi hết giờ làm thì dọn đồ ra chợ bán kiếm tiền trang trải cuộc sống. Tiền lời thu về không nhiều nhưng ai nấy đều thấy vui vì biết chia sẻ với nhau…” - chị Dương Thị Linh (ngụ ấp Thái Hòa, xã Hố Nai 3, huyện Trảng Bom, bán quần áo ở chợ công nhân) chia sẻ.

Anh Lê Ngọc Dũng với xe trái cây bán cho công nhân sau giờ tan ca.
Anh Lê Ngọc Dũng với xe trái cây bán cho công nhân sau giờ tan ca.

16 giờ 30 mỗi ngày, trước cổng một số công ty thuộc Khu công nghiệp Hố Nai (xã Hố Nai 3), nhiều công nhân tan ca không vội về nhà mà tấp vào khu chợ nằm dọc con đường nhựa mới làm để mua những món đồ cần thiết.

Món gì cũng rẻ…

Thường thì chợ công nhân họp ngày 2 buổi sáng - chiều với đủ loại hàng hóa, từ thực phẩm đến áo quần, đồ điện tử… Không khí buôn bán xôm tụ không thua phiên chợ nào. Thời gian diễn ra chóng vánh, chỉ kéo dài khoảng 2 tiếng rồi vãn ngay sau đó.

Điều đặc biệt chỉ có tại chợ công nhân là những mặt hàng đồng giá, như: quần áo, túi xách, mũ, giày dép… và người bán lẫn người mua không trả giá, ai thích thì lấy bởi số tiền đưa ra được lý giải không có chỗ nào rẻ hơn nữa.

Trong vòng 30 phút, chị Linh đã bán được gần chục bộ đồ, mỗi bộ chị kiếm lời chừng 5-8 ngàn đồng. Gặp những hôm đúng dịp công nhân lãnh lương, số quần áo chị vừa nhập về có thể bán hết chỉ trong một buổi chạy chợ, tiền kiếm được bù vào dịp cuối tháng buôn bán chậm chạp. Nhiều lần chị Linh đổi chỗ bán tại các chợ lớn với hy vọng tiền lời nhiều hơn, nhưng cuối cùng phải quay lại khu vực này bởi chẳng đủ tiền thuê sạp ở các nơi khác.

Ở chợ công nhân luôn bày bán đủ loại hàng hóa và cái gì cũng rẻ.
Ở chợ công nhân luôn bày bán đủ loại hàng hóa và cái gì cũng rẻ.

Chị Linh cho biết thêm, từ khi kết thúc đợt nghỉ tết đến nay hàng hóa bán chững lại. Nguyên nhân là do nhiều công nhân đã cạn tiền bởi chi tiêu trong dịp tết, chưa kể nhiều công nhân vay tiêu dùng ở ngân hàng và nhiều nơi khác, đến tháng nhận lương phải trả khoản vay nên túi tiền eo hẹp lại.

Nói xong, chị tiếp tục rao hàng với chất giọng khàn khàn của người miền Trung gây chú ý khu vực bày bán quần áo của phiên chợ chiều. Ngay sau đó, một nhóm nữ công nhân tấp vào hàng áo quần trẻ em đủ màu sắc trải trên tấm bạt nằm giữa nền đất. Sau khi săm soi lựa đồ một hồi lâu, họ lặng lẽ rút tiền ra trả mà không hề trả giá khi chọn xong món đồ ưng ý.

Vợ chồng bà Nguyễn Thị Bặt (ngụ phường Trảng Dài, TP.Biên Hòa) cho hay, dịp đầu năm các mặt hàng, như: rổ, rá, xoong, nồi… bán khá chạy, bởi nhiều người từ quê vào kiếm việc mới nên phải mua về sử dụng. Giá bán phân theo chất lượng, 10-20-30 ngàn đồng/3 món đồ nhựa, thoải mái lựa chọn và luôn phù hợp với túi tiền.

Khu vực bà Bặt bán hàng có nhiều nhà trọ công nhân nằm gần chợ Thanh Hóa, trên đường Thân Nhân Trung (KP.4, phường Trảng Dài) nên chỉ sau một buổi chợ là số hàng được bán đi nhanh chóng.

“Nhiều người biết số tiền mình phải bỏ ra mua hàng không lớn nên ít ai đòi hỏi chất lượng, nhưng những người bán như tôi lúc nào cũng cố gắng lấy hàng vừa rẻ vừa sử dụng lâu dài. Ai cũng có thể kinh doanh ở chợ công nhân, nhưng phải biết họ cần mua gì, giá cả như thế nào” - bà Bặt bộc bạch.

Cùng sẻ chia khó khăn

Những “tiểu thương” ở chợ công nhân cho hay, nếu bớt thêm ít tiền thì gần như chẳng lời đồng nào (bằng giá vốn), chưa tính công đi lấy hàng. Mà đã chấp nhận bán ở chợ công nhân thì điều kiện đầu tiên là giá phải mềm, nếu đắt thì người ta đã đi mua ở cửa hàng lớn.

Từ trước tết đến nay, vợ chồng anh Lê Ngọc Dũng (ngụ KP.2, phường Long Bình, TP.Biên Hòa) lại có thêm nguồn thu nhập mới từ việc bán trái cây giá rẻ cho bạn bè công nhân.

Anh Dũng cho hay, tiền lương kiếm ở công ty không đủ trang trải cuộc sống của gia đình khi 3 con đang tuổi ăn học. Trước tết, vợ chồng anh bàn bạc kỹ rồi quyết định bỏ chút vốn đi buôn trái cây kiếm tiền ăn tết. Nhờ “đắt” khách nên anh Dũng động viên vợ tiếp tục bán trái cây từ đó cho đến nay.

Để có thời gian và sức khỏe “trụ” với công việc mới, vợ chồng anh Dũng tính toán khá kỹ, để vừa duy trì việc làm ở công ty vừa có thể bán trái cây ở chợ.

 “Vợ làm công nhân may giờ hành chính tại một công ty trong Khu công nghiệp Amata nên sáng sớm có thể đi chợ đầu mối Tân Biên lấy trái cây về để sẵn ở nhà. Tôi làm ca 3, tranh thủ nghỉ ngơi buổi sáng, còn chiều chất trái cây lên xe mang ra bán ngay trước cổng công ty vợ làm. Chiều tan ca xong, vợ chồng bán cho hết đồ mới quay về” - anh Dũng nói.

Theo anh Dũng, điều vợ chồng anh vui nhất là thấy các công nhân biết sẻ chia khó khăn, ủng hộ lẫn nhau. Chứ thật ra những loại trái cây, như: ổi, cóc, mận... mà anh bán thuộc dạng xoàng nên không kiếm được nhiều tiền lời. Bù lại, trái cây anh lấy bao nhiêu bán hết bấy nhiêu, như xóa tan đi hết mệt mỏi của những giờ làm việc mệt mỏi, kéo dài.

Tại các khu chợ công nhân, giờ tan ca buổi chiều thường khá nhộn nhịp. Giữa hàng trăm người mua kẻ bán đang hối hả, thỉnh thoảng lại vang lên lời chào mời: “Công nhân ghé ủng hộ công nhân đi mọi người ơi”. Nhiều người cho hay, họ đều là công nhân với nhau, cùng hùn vốn rồi đứng ra lấy hàng về bán ở chợ.

Nhiều tháng nay, chị Trần Thị Thu, công nhân một công ty sản xuất hàng điện tử ở Khu công nghiệp Biên Hòa 2, cùng với bạn đồng nghiệp hùn vốn để lấy quần áo về bán lại cho công nhân. Sau giờ làm việc ca ngày, họ chạy ào về phòng trọ chở quần áo và tấm bạt nhỏ ra trải ở góc chợ Điều (phường Long Bình) mưu sinh.

Chị Thu chia sẻ, công việc buôn bán không mấy nặng nhọc, cuối tuần thì tranh thủ đến chợ đầu mối ở TP.Hồ Chí Minh lấy hàng về bán. Nhiều hôm công ty tăng ca, một trong 2 người buộc phải xin về sớm, không dám bỏ lỡ buổi chợ vì sợ mất khách. Trong xóm trọ chị ở, có nhiều người cũng tranh thủ kiếm thêm tiền nhờ bán hàng ở chợ công nhân. Nhiều người còn bán quần áo, giày dép trên mạng xã hội facebook và khách hàng chủ yếu là công nhân với nhau.

“Ai cũng biết túi tiền của công nhân có hạn nên bán với giá rất phải chăng. Người này giới thiệu người kia để ủng hộ nhau và sẵn sàng cho thiếu tiền nếu có khó quá, khi nào nhận tiền lương thì trả cũng được. Nhờ đó, ai cũng có thể sẻ chia khó khăn cho nhau” - chị Thu tâm sự.

Thanh Hải

Tin xem nhiều