Trời mưa liên miên, đường xóm lẹp xẹp nước, nhiều người thiếu ý thức nhân tiện vứt rác bừa bãi ra đường, ông Trần Văn Điệp (còn gọi là Sáu Điệp, Trưởng ban công tác Mặt trận ấp Bến Sắn, xã Phước Thiền, huyện Nhơn Trạch) vẫn rảo bước ngoài đường để nhắc nhở.
Trời mưa liên miên, đường xóm lẹp xẹp nước, nhiều người thiếu ý thức nhân tiện vứt rác bừa bãi ra đường, ông Trần Văn Điệp (còn gọi là Sáu Điệp, Trưởng ban công tác Mặt trận ấp Bến Sắn, xã Phước Thiền, huyện Nhơn Trạch) vẫn rảo bước ngoài đường để nhắc nhở. Ông Sáu Điệp cho hay, ấp văn hóa mà để đường sá dơ bẩn thì khó coi lắm.
Ông Sáu Điệp, Trưởng ban công tác Mặt trận ấp Bến Sắn. |
Từ vị trí Tổ trưởng Tổ nhân dân số 13 tích cực, ông Sáu Điệp được “thăng chức” Trưởng ban công tác Mặt trận ấp Bến Sắn. Nhờ có chục phòng trọ cho thuê, ông mới có nguồn thu nhập ổn định mà rảnh tay đi “vác tù và hàng tổng” và liên tục được cấp trên khen thưởng, người dân quý mến.
Ông tổ trưởng được dân tin, quý
Đường giao thông ở Tổ nhân dân số 13, ấp Bến Sắn giờ trở nên xanh - sạch - đẹp. Ông Sáu Điệp cho hay, ông vốn dân gốc Phước Thiền. Sau thời gian sinh sống ở quê vợ (TP.Hồ Chí Minh), vào năm 2006, ông đưa vợ con về quê sống và làm Tổ trưởng Tổ nhân dân số 13. “Hồi đó, tổ chỉ có hơn 20 hộ dân nên nhà cửa thưa thớt, đường ngang, ngõ tắt thì xập xệ, đầy cỏ dại. Sau này, mọi người xây nhà trọ cho thuê và người từ nơi khác về đây mua đất cất nhà thì dân trong tổ mới đông dần” - ông Sáu Điệp nói.
Đường xấu, cỏ mọc um tùm, ông Sáu Điệp vận động người dân trong tổ làm đường để đi lại cho sạch, thuận tiện. Đường cụt, nhỏ hẹp thì ông vận động mọi người hiến thêm ít đất để sửa cho thẳng hoặc liên thông với hẻm khác. Dân cư thưa, việc đổ rác thải sinh hoạt còn tùy tiện, ông lại đi gõ cửa từng nhà tuyên truyền, vận động mọi người để rác vào một chỗ để tiện bề thu gom, bảo vệ môi trường sống… Mới đầu, mọi người thấy ông hay đi tuyên truyền “chuyện lạ đời” nên có người nghe, người không. Nhiều người còn cho rằng ông muốn “làm nổi” khi quay về Bến Sắn sinh sống nên mới làm như vậy.
Hiểu ý mọi người, ông Sáu Điệp kiên trì bám dân giải thích rằng đó là chủ trương của cấp trên và ông là người truyền đạt lại. Hơn nữa, đường thông, sạch, đẹp thì tổ mới được văn hóa, văn minh; mọi người đi lại thuận tiện, dân cất nhà trọ người ta mới biết đến để thuê ở. Cứ vậy, vài người dân ở hẻm này thấy hay, hiểu chuyện bắt đầu làm theo ông Sáu Điệp, lập tức các hộ dân ở hẻm khác làm theo. Riêng bản thân ông Sáu Điệp thì gương mẫu đứng ra sửa đường, giữ vệ sinh ngay chỗ con hẻm gia đình ông sinh sống.
Ông Sáu Điệp rất quan tâm đến cuộc sống của những người ở tại các khu nhà trọ. |
Thấy Tổ trưởng Sáu Điệp tích cực, làm được nhiều việc cho dân, phong trào cho ấp (xã), MTTQ xã Phước Thiền nhân đó đề cử ông giữ chức Trưởng ban công tác Mặt trận ấp Bến Sắn khi địa phương bắt đầu thực hiện xây dựng xã nông thôn mới. Sau khi được dân bầu, MTTQ xã chuẩn y, ông Sáu Điệp bắt đầu lo phong trào cho ấp, xã với các nhiệm vụ: Trưởng ban công tác Mặt trận ấp Bến Sắn; thành viên Tổ tự quản môi trường và Đội tình nguyện xã hội của xã.
Ông Sáu Điệp khoe, khi ông và ấp vận động dân ấp Bến Sắn bê tông, cứng hóa được 9 tuyến đường liên tổ theo hình thức xã hội hóa và nhiều tuyến đường dân sinh khác bằng 100% sức dân; 100% người dân đăng ký đổ rác đúng nơi quy định, đóng góp thắp sáng đường tổ, xóm, giữ gìn an ninh trật tự…, bà con ủng hộ ông rần rần. Riêng xã, huyện thì liên tục mời ông đi báo cáo điển hình, khen tặng giấy khen, bằng khen qua các phong trào.
Chủ nhà trọ tốt bụng
Ngày về lại Bến Sắn sinh sống, ông Sáu Điệp xây được 10 phòng trọ và suốt 10 năm nay ông cho công nhân thuê với giá 650 ngàn đồng/phòng.
Ông Sáu Điệp cho hay, dù các chủ nhà trọ khác tăng giá phòng trọ sau vài năm cho thuê, vợ chồng ông vẫn giữ mức giá cho thuê ban đầu, bởi ông rất thương và thông cảm cho cuộc sống xa quê khó khăn của người lao động nhập cư. Nếu người thuê trọ có công ăn việc làm, nơi ở ổn định thì tổ, ấp không phải bận tâm lo chuyện thất nghiệp, cứu trợ, mất an ninh trật tự… Hơn nữa, chính những người ở trọ này nếu biết gắn kết sẽ là lực lượng đóng góp cho các phong trào của địa phương.
Sự đối xử nhân văn của ông Sáu Điệp khiến người ở trọ coi ông như người thân trong gia đình. Con cái sinh ra tại nơi ở trọ được ông lo giúp giấy khai sinh, học tập. Cha mẹ bận việc hoặc tăng ca thì gửi con cho vợ chồng ông, hoặc nhờ vợ chồng ông giúp đón con họ về và cho ăn uống. Những cặp vợ chồng công nhân khi bận chuyện về quê dài ngày cứ thản nhiên giao phòng cho vợ chồng ông trông coi mà chẳng sợ mất cắp đồ đạc, không sợ ông cho người khác thuê mất chỗ trọ của mình.
Chị Nguyễn Thị Duyên (quê tỉnh Thừa Thiên - Huế, công nhân thuê trọ) bộc bạch, vợ chồng ông Sáu Điệp có đuổi chị cũng không đi, vì ở trọ nhà ông giá rẻ, vợ chồng chị và mọi người được ông tôn trọng, quan tâm đối xử như với người nhà, người dân địa phương.
Không chỉ lo cho nhà trọ của mình an ninh, nghĩa tình, ông Sáu Điệp còn đến các khu nhà trọ khác tuyên truyền, vận động và giúp đỡ họ khi cần. Chủ nhà trọ nào chưa đăng ký tạm trú cho người thuê trọ thì ông vận động làm ngay, làm sớm. Ai bận rộn không đi làm được, ông sẵn sàng nhận lời làm giúp mà họ không phải tốn chi phí. Riêng chuyện người thuê trọ gặp khó khăn về đời sống, việc làm hoặc lỡ quá chén gây mất trật tự, ông Sáu Điệp luôn có mặt để động viên, an ủi, giải quyết cho ổn thỏa trong, ngoài.
Ông Sáu Điệp tâm sự, chuyện hòa giải mâu thuẫn nội bộ giữa dân địa phương với nhau, giữa dân địa phương với người tạm trú, giữa những người ở trọ thì muôn màu sắc. Do đó, tùy từng trường hợp mà ông giải hòa cho mọi người thân thiện trở lại, vợ chồng khỏi phải chia tay vì những chuyện nhỏ nhặt trong cuộc sống. “Các cặp vợ chồng trẻ bây giờ dễ chia tay lắm. Phần vì họ chung sống như vợ chồng không có kết hôn, phần vì chưa quyết tâm trong việc vun vén hạnh phúc gia đình nên thường xuyên lục đục. Tui đứng ra giải quyết cho các đôi trẻ với mong muốn họ hạnh phúc, con cái họ được chăm sóc tốt, tránh sự mâu thuẫn lớn dẫn tới mất an ninh trật tự” - ông Sáu Điệp tỏ bày.
Xã Phước Thiền được công nhận xã nông thôn mới (vào cuối năm 2015), những con hẻm lớn, nhỏ ở ấp Bến Sắn đã cơ bản xanh - sạch - đẹp. Ông Sáu Điệp vẫn còn đó trách nhiệm, chung sức cùng với các chi hội, đoàn thể trong ấp Bến Sắn vận động người dân trong ấp sống văn minh - văn hóa, giữ gìn an ninh trật tự, đoàn kết, nghĩa tình. “Hy sinh một ít thời gian cho công việc ấp mà bà con được nhờ, được hưởng những điều tốt đẹp thì ai cũng muốn làm hết” - ông Sáu Điệp bộc bạch.
Bí thư Chi bộ, kiêm Trưởng ấp Bến Sắn Nguyễn Văn Minh cho hay, những đóng góp của ông Sáu Điệp cho ấp Bến Sắn được biểu hiện qua từng công trình: đường, điện thắp sáng, ấp giữ vững danh hiệu văn hóa. Riêng với người dân ấp Bến Sắn, đóng góp của ông Sáu Điệp để bà con trong ngoài đoàn kết, thân thiện, sống nghĩa tình thì kể không hết. |
Diễm Quỳnh