"Chuối ở đây trồng và thu hoạch quanh năm, nhưng người dân vẫn quan niệm "tháng giêng trồng tre, tháng sáu trồng chuối" và đúng thời điểm này năm sau cây sẽ ra hoa để từ tháng 9-11 bắt đầu thu hoạch.
“Chuối ở đây trồng và thu hoạch quanh năm, nhưng người dân vẫn quan niệm “tháng giêng trồng tre, tháng sáu trồng chuối” và đúng thời điểm này năm sau cây sẽ ra hoa để từ tháng 9-11 bắt đầu thu hoạch. Lúc đó, năng suất cũng như chất lượng của loại chuối tiêu mới đạt độ thơm ngon và ngọt nhất” - ông Đặng Ngọc Viễn (ngụ xã Quang Trung, huyện Thống Nhất) cho biết.
Ngã giá, trao đổi tiền bạc tại vựa thu mua chuối. |
Những ngày này, có dịp đi dọc quốc lộ 20 đoạn qua các xã: Quang Trung, Gia Kiệm, Gia Tân 3… của huyện Thống Nhất, hay đường tỉnh 762 đến các xã: Cây Gáo, Thanh Bình, Bàu Hàm của huyện Trảng Bom, mọi người dễ dàng nhìn thấy cảnh nông dân nhộn nhịp bước vào vụ thu hoạch chuối.
Tấp nập vựa chuối
Ông Viễn chia sẻ, trước đây cây chuối chỉ được trồng phổ biến tại đồi Soklu của huyện Thống Nhất, nhưng hiện nay cây chuối đã lan sang những vùng xung quanh. Vì thế, trên các ngọn đồi đá, chuối được trồng bạt ngàn, phủ kín một màu xanh mướt. Vào vụ thu hoạch từ tháng 11 trở đi, những chiếc xe máy, ba gác, công nông… tất tả chở những buồng chuối nặng trĩu đến các vựa thu mua. Để sau đó, chuối chín bắt đầu theo các chuyến xe tải lớn đi về các tỉnh phía Bắc, miền Trung và khu vực lân cận tiêu thụ.
Về thủ phủ trồng chuối những ngày này, mọi người sẽ thấy không khí rộn ràng, tấp nập hẳn ra. Sáng sớm, người dân đã rủ nhau lên những ngọn đồi cao gần nhà chặt chuối mang về bán cho thương lái. Cảnh người, xe nối đuôi nhau chờ cân chuối tại các vựa thu mua chuối lớn với vẻ mặt phấn khởi khiến mọi người như vui lây.
Dọc tuyến quốc lộ 20 qua địa bàn huyện Thống Nhất có chừng 30 vựa thu mua chuối, trong đó khoảng chục vựa thuộc dạng lớn, xe cộ ra vào tấp nập. Hàng ngày, những vựa chuối lớn tập kết hàng trăm tấn chuối các loại của các vùng chuối lân cận để xuất đi các nơi.
Những buồng chuối nặng trĩu, trái to tròn được người trồng mang đến vựa bán. |
“Loại chuối được mua chủ yếu, gồm: sứ, tiêu, bơm, cau, nên thường chia thành những khu vực riêng để dễ phân loại, đóng gói đưa lên xe đi tiêu thụ. Ở đây, vựa nào cũng hoạt động từ sáng đến chiều tối, vào dịp tết còn làm cả đêm để kịp những đơn hàng xa về các tỉnh phía Bắc” - ông Viễn nói.
Mỗi ngày, vựa của ông Viễn mua vào, bán ra khoảng 15 tấn chuối các loại. Dựa vào chất lượng quả chuối, sau khi mua về sẽ phân thành từng loại riêng. Giá loại 1 bao giờ cũng cao hơn 2-3 giá, được bán cho các doanh nghiệp xuất khẩu, công ty chế biến thực phẩm hay vào nhà hàng, quán ăn; chuối loại 2 được bán cho các chợ đầu mối, sạp bán trái cây; số còn lại cung cấp cho những điểm thu mua chuối sấy tại địa phương.
Việc mở rộng diện tích trồng chuối kéo theo nghề buôn chuối ngày càng thịnh. Nhiều vựa thu mua chuối đua nhau mọc lên và làm ăn khấm khá. Một số nơi bắt mối với cả khách hàng xuất bán đi thị trường Trung Quốc với số lượng lớn. Vào dịp cao điểm, để có đủ chuối, nhiều chủ vựa còn thuê người đến các vùng trồng chuối tìm nguồn hàng. Cuộc ngã giá đôi khi thực hiện ngay tại vườn nhằm “đặt cọc” chắc chắn với người trồng.
Bà Chu Kim Hoa (ngụ xã Gia Kiệm) chia sẻ, không như những loại cây ăn quả khác, chuối cho thu hoạch quanh năm nên nghề buôn chuối ít khi chịu cảnh “thất nghiệp”. Ngày mới đi buôn, bà Hoa chấp nhận ngược xuôi với trái chuối quanh năm suốt tháng, không có ngả đường nào dẫn đến các rẫy chuối mà người đi buôn chuối như bà không biết.
Khi nguồn cung dồi dào đồng nghĩa với việc làm có thường xuyên, lợi nhuận thu về từ nghề này cũng dần ổn định. Đến lúc đủ vốn thì người buôn chuối chọn điểm mở vựa thu mua chuối đem bán cho các “bạn hàng” lớn.
“Đa số chủ vựa lớn, nhỏ ở đây đều đi lên từ nghề buôn chuối. Nhưng để trụ lại với nghề, dân buôn chuối cũng có sự cạnh tranh, phải có trách nhiệm với người trồng và uy tín với khách hàng. Kể cả khi giá chuối xuống dốc, ế ẩm phải đứng ra thu mua cho bà con trồng chuối mới mong họ gắn bó với mình lâu dài” - bà Hoa tâm sự.
Nhộn nhịp đến cuối năm
Tại các vùng trồng chuối vào những tháng mùa mưa, màu xanh bạt ngàn của những vườn chuối trải dài trên những sườn đồi. Cây chuối đâm chồi ngay cạnh những mỏm đá gồ ghề, nhưng lại cho những trái chuối mập mạp và hương vị ngọt ngào, thơm ngon. |
Với người trồng và buôn chuối, từ nay cho đến cuối năm chính là thời điểm bước vào vụ thu hoạch chính. Người trồng chuối lúc nào cũng bận rộn, “bám” rẫy chăm sóc thường xuyên để cây cho ra những buồng chuối đạt chất lượng. Tính ra, cây chuối gắn bó với họ đã mấy chục năm nay và không ai phủ nhận màu xanh của chuối đang lan xa, nối dài trên những rẫy chuối tươi tốt.
Nông dân Đinh Văn Thành (ngụ xã Quang Trung) hồ hởi cho biết vào mùa mưa, chuối trổ bông nhiều và nhanh cho thu hoạch hơn. Từ nay đến tết, nhu cầu về chuối chín ngày càng nhiều bởi các điểm sản xuất chuối sấy cần số lượng lớn để đưa ra thị trường tiêu thụ. Vì thế, giá chuối cao hơn ngày thường, đủ để người trồng chuối có lời.
Cây chuối có ưu điểm là dễ trồng, phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu địa phương, chi phí đầu tư thấp, lại cho thu hoạch quanh năm nên trên 90% hộ dân trong xã Quang Trung trồng chuối. Đứng giữa rẫy chuối trĩu buồng, ông Thành phấn khởi nói: “Những buồng xấu đã được chặt bỏ để những cây khác tập trung nuôi quả bán dịp gần tết. Thời tiết năm nay thuận lợi nhờ mưa nhiều nên chuối cho trái sai và đẹp”.
Với giá chuối bình quân 3,5 - 5 ngàn đồng/kg, anh Đỗ Văn Tính (ngụ xã Bàu Hàm) nhẩm tính mỗi năm anh có thể thu trên dưới 50 triệu đồng, đủ trang trải cuộc sống gia đình và nuôi con ăn học. Mấy ngày này, anh và bà con trồng chuối đã rục rịch bước vào vụ thu hoạch chuối lớn nhất trong năm. Những buồng chuối xanh mướt, trái nào cũng to tròn được chở về các vựa thu mua với kỳ vọng giá cao và ổn định để người trồng bớt lo.
“Từ đây đến tết, mọi người trong nhà tôi luôn có mặt trên rẫy, công việc vì thế không lúc nào ngơi tay. Ngoài việc tất tả thu hoạch những buồng chuối đã già, còn phải tập trung nhân lực chăm sóc cho những cây vừa đậu trái. Số cây này sẽ kịp cho trái chín đúng dịp tết, lúc ấy mới bán được giá cao, tăng thu nhập cho gia đình” - anh Tính tâm sự.
Thanh Hải