Từ giữa tháng 7-1956, Nhà tù Tân Hiệp chật ních cán bộ, đảng viên vừa bị địch bắt chuyển đến. Đảng ủy Nhà tù Tân Hiệp phán đoán sau những đợt tra tấn, sàng lọc, thế nào địch cũng sẽ đưa nhiều người đi đày ở Côn Đảo và Phú Quốc.
[links()] Từ giữa tháng 7-1956, Nhà tù Tân Hiệp chật ních cán bộ, đảng viên vừa bị địch bắt chuyển đến. Đảng ủy Nhà tù Tân Hiệp phán đoán sau những đợt tra tấn, sàng lọc, thế nào địch cũng sẽ đưa nhiều người đi đày ở Côn Đảo và Phú Quốc. Vì thế, Đảng ủy Nhà tù Tân Hiệp đã thảo luận và thống nhất vạch ra chủ trương phá khám.
Nhà văn Lý Văn Sâm |
Vượt ngục
Thực hiện kế hoạch phá khám của Đảng ủy Nhà tù Tân Hiệp, mọi người phân công nhau, tiến hành nhiều việc cho cuộc phá khám táo bạo này; từ việc nắm chắc quy luật canh gác, bố phòng, tìm hiểu sơ đồ, bản vẽ hiện trạng Nhà tù Tân Hiệp đến phân công lực lượng phá khám, dẫn đường...
Đảng ủy thành lập Đội xung kích có ban chỉ huy thống nhất do anh Đỗ Văn Cội, nguyên Huyện đội phó huyện Củ Chi, làm đội trưởng. Đội xung kích chia thành 4 mũi, mỗi mũi có 3 tổ, làm nhiệm vụ chiếm cổng gác, mở cổng trại, đánh chiếm kho vũ khí, khống chế các lô cốt để mọi người chạy thoát. Khi thoát khỏi Nhà tù Tân Hiệp, Đội xung kích tiếp tục bảo vệ đoàn bằng súng đạn cướp được. Tổ liên lạc dẫn đường gồm 6 người, do anh Ngô Văn Quảng làm tổ trưởng. Anh Nguyễn Văn Chuộng, Tổng đại diện trật tự nhà tù, được Đảng ủy cử làm trưởng đoàn tù vượt ngục về căn cứ.
Sau năm 1975, nhà văn Lý Văn Sâm là Phó tổng thư ký Liên hiệp Văn học - nghệ thuật Việt Nam, Ủy viên Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam; Chủ tịch Hội Văn nghệ Đồng Nai... Nhà văn đã được Chủ tịch nước truy tặng giải thưởng Nhà nước về văn học - nghệ thuật (năm 2007). |
Đến tháng 11-1956, việc chuẩn bị cho cuộc nổi dậy phá khám Tân Hiệp đã hoàn thành. Ngày, giờ khởi sự là 17 giờ 30 ngày 1-12. Đó là lúc quản ngục cho đánh kẻng báo giờ để tù nhân vào trại. Ai nấy đều hồi hộp chờ đợi dù cố làm ra vẻ thản nhiên để bọn công an, quản ngục không nghi ngờ.
Chiều 1-12, bất ngờ có xe chở bọn chỉ huy Ty Đặc cảnh miền Đông và rất nhiều binh lính chạy vào cổng Nhà tù Tân Hiệp. Mọi người hết sức lo lắng, không biết ngẫu nhiên bọn chúng đến hay đã phát hiện ra một dấu hiệu nào của cuộc phá khám? Đêm đó, các đảng viên chuẩn bị vượt ngục hầu như không ngủ. Sáng hôm sau, họ mới biết việc bọn đặc cảnh đến chỉ là tình cờ. Ngày hành động chuyển sang ngày chủ nhật 2-12, giờ G vẫn như cũ.
Ngày 2-12, sinh hoạt ở Nhà tù Tân Hiệp vẫn bình lặng như mọi ngày, theo đúng với “thời khóa biểu” bọn quản ngục đã vạch ra.
Buổi chiều, trời vần vũ mây đen nhưng không mưa. Dương Tử Giang (Sĩ) và Lý Văn Sâm cặp kè nhau, chầm chập đi quanh trại D như thuở cả hai còn ở Sài Gòn. Khoảng cách đâu bao xa, nhưng giờ là 2 khung trời khác nhau, bởi trước mặt các anh là hàng rào kẽm gai dày 2 lớp.
Anh Sâm nghĩ, không lâu nữa, các anh sẽ là người tự do, sẽ chạy như bay trước những bờ cỏ, thửa ruộng, những cánh rừng quê hương. Bỗng anh Sĩ nói nhỏ vào tai anh Sâm: “Trong 2 thằng mình, một đứa hy sinh thì thằng còn lại phải sống bằng tiềm lực của 2 đứa cộng lại”. Anh Sâm rùng mình. Đúng từ lâu, anh và anh Sĩ nào khác chi anh em ruột, lại cùng chung chí hướng. Nhưng vì sao anh Sĩ lại nói như một điềm gở?
Đúng giờ G, khi tên lính trực vừa đánh kẻng báo cho tù nhân vào trại thì khắp các trại: D, E và G vang lên tiếng “xung phong”. Theo sự phân công từ trước, các mũi xung kích tiến thẳng vào những mục tiêu, như: kho vũ khí, lính gác, phòng giám đốc, văn phòng nhà tù...
Kẻ địch hoàn toàn bất ngờ. Chúng bị khống chế, chứ tù nhân không giết người nào để tránh sự trả thù cho những người ở lại.
Mấy phút sau, cánh cổng Nhà tù Tân Hiệp bật mở, mọi người ào ạt ra ngoài, nhưng thay vì phải kéo cánh cổng trở vào, trong lúc vội, họ lại đẩy ra nên chỉ mở được một cánh. Do đó, số người ở cổng bị ùn tắc, có người giẫm đạp lên cọc sắt, kẽm gai bị thương.
Phải mất 15 phút sau, địch mới kịp phản ứng. Có tên chạy nhào lên tháp canh, dùng súng trung liên bắn xối xả ra hướng cổng trại. Các anh ở Đội xung kích đã dùng súng bắn kiềm chế các tháp canh và thu hút hỏa lực của chúng. Tuy nhiên, gần 30 đồng chí có người hy sinh, có người bị thương khá nặng ngay tại cổng trại, bên ngoài sân banh, ven bờ suối.
Lý Văn Sâm thoát ra ngoài cùng với nhiều người. Còn Dương Tử Giang chạy ra cùng với một tốp sau và anh hứng phải làn đạn từ tháp canh, bị thương nặng. Dương Tử Giang đã cố bò đến bên bờ suối thì hy sinh. Trên tay anh vẫn còn cây đàn guitar, vũ khí chiến đấu của nhà văn trong những tháng ngày bị giam cầm.
Trở về đất mẹ
Cuộc nổi dậy, phá khám Tân Hiệp của những người tù cộng sản diễn ra trong vòng 40 phút. Đến 18 giờ 30, tất cả số tù nhân còn lại được bọn quản ngục gom vào các trại, có lính bảo an canh giữ. 19 giờ, lính Sư đoàn 4 cùng với hiến binh, bảo an mới tới để lo ổn định trại giam. Bọn chỉ huy Tiểu khu Biên Hòa, Ty Công an, hiến binh, bảo an... đã vội vã có mặt tại hiện trường. Tên tướng Mai Hữu Xuân, theo lệnh của Diệm - Nhu đã tức tốc đến xem xét tình hình và mở cuộc truy nã những người vượt ngục với cái tên khá mỹ miều: “Chiến dịch tiên nữ hái hoa rừng”. Mai Hữu Xuân ra lệnh cho tất cả lực lượng quân sự, công an các tỉnh, quận, nhất là các vùng quanh khu vực Biên Hòa triển khai chốt chặn các ngả đường.
Những tù nhân đầu tiên thoát ra khỏi cổng Trung tâm huấn chính Biên Hòa thì kịp lúc trời đã nhá nhem. Phần lớn tù nhân khi chạy ra ngoài đều bị động, mất phương hướng, bởi số đông không phải người địa phương. Nhiều toán loay hoay hàng giờ liền vẫn ở trong rừng Tân Phong. Khi đoàn chạy được đến bìa rừng Tân Định, kiểm lại số người còn khoảng 350.
Đến ngày thứ tư, đoàn tách ra thành từng đoàn nhỏ. Có đoàn chạy về hướng Long Thành, Bà Rịa; có đoàn đi tìm căn cứ cũ của huyện Vĩnh Cửu... Còn lại khoảng 250 người bị kẹt ở rừng Đại An, tìm cách vượt sông Đồng Nai về Chiến khu Đ. Tất cả các đoàn đều phải luồn lách, phá vây vì ngả đường nào cũng có đủ loại lính truy lùng, ngăn chặn.
Lý Văn Sâm theo một đoàn, sau 10 ngày luồn lách, phá vây cứ lạc nhau dần. Đến ngày thứ 12, chỉ còn anh với anh Ba Bửu lọt về tới vùng Chiến khu Đ cũ. Đêm đó, 2 anh gặp được cán bộ của huyện Châu Thành, tỉnh Thủ Dầu Một. Nhưng vùng này vẫn chưa ổn, Hội tề địa phương tiếp tục săn lùng. Các anh ở huyện chia 2 anh Ba Bửu và Lý Văn Sâm mỗi người một nơi. Anh Sâm theo anh Tư Ích, Bí thư Chi bộ xã Vĩnh Lợi, cắt rừng về ấp Vĩnh Tân, xã Vĩnh Lợi, nơi hẻo lánh, có rẫy dứa và rừng cám bao bọc kín mít.
Tết năm đó đến với Lý Văn Sâm thật êm đềm. Nằm trong rừng, nghe tiếng pháo nổ rước ông bà ngoài xóm và tiếng chó sủa xa xa vọng lại, anh càng cảm thấy tiếng gọi quê hương thôi thúc. Tính ra, anh vượt ngục về đây đã ngót 2 tuần lễ. Các đồng chí của anh bây giờ ở đâu? Hơn 20 người hy sinh tại trận, trong đó có người bạn thân yêu nhất đời, nhà văn Dương Tử Giang. Một nỗi buồn man mác cứ đọng mãi trong lòng anh.
Giữa đêm mồng 2 Tết Đinh Dậu, Lý Văn Sâm phải hấp tấp theo một giao liên đặc biệt của huyện vượt tỉnh lộ 16 về gặp Tỉnh ủy Thủ Dầu Một, rồi cùng 3 đồng chí chỉ huy quân sự cũ của tỉnh vượt qua quốc lộ 1, hỏa tốc đi về phía Đông Bắc, vùng rừng đồi mênh mông, địa thế hiểm trở, là chiếc nôi của các lực lượng vũ trang. Lý Văn Sâm về căn cứ để đảm nhiệm chức vụ Chánh văn phòng Bộ Chỉ huy các lực lượng vũ trang của tỉnh Thủ Dầu Một. Từ đây, anh thực sự trở thành người của quân đội.
Bùi Quang Huy