Nhà văn Lý Văn Sâm (1921-2000, quê ở xã Bình Lợi, huyện Vĩnh Cửu) nổi tiếng trên văn đàn Việt Nam từ trước năm 1945 với những truyện đường rừng.
Nhà văn Lý Văn Sâm (1921-2000, quê ở xã Bình Lợi, huyện Vĩnh Cửu) nổi tiếng trên văn đàn Việt Nam từ trước năm 1945 với những truyện đường rừng. Ông tham gia hoạt động cách mạng từ năm 1945, từng bị địch cầm tù tại Nhà lao Tân Hiệp (TP.Biên Hòa). Nhân kỷ niệm 60 năm Ngày phá khám Tân Hiệp (2-12-1956 - 2-12-2016), Báo Đồng Nai xin giới thiệu một khoảng đời của nhà văn và các chiến sĩ đã anh dũng vùng lên phá bỏ xiềng gông để trở về với chiến khu cách mạng.
Nhà văn Lý Văn Sâm |
Tháng 10-1955, mật thám của chính quyền Ngô Đình Diệm bắt cóc Dương Tử Giang (Nguyễn Tấn Sĩ), bạn thân của Lý Văn Sâm, ngay tại tòa soạn Báo Duy Tân khi anh Giang đang lúi cúi sửa morasse. Sáng sớm 23-11-1956, Lý Văn Sâm bị bắt ngay ở Tân Định (Sài Gòn), sau khi in truyện ngắn Chuông rung trên tháp đổ trên tờ Xuân Dân Tộc. Trên đường đến bót Catinat, bọn mật vụ đã đánh anh tơi bời khi anh nói biết chứ không quen Nguyễn Tấn Sĩ. Nhưng đó mới chỉ là đòn giáo đầu.
Nếm mùi tra tấn
Nhà văn Lý Văn Sâm tham gia cướp chính quyền năm 1945 ở Biên Hòa, làm cán bộ tuyên truyền của huyện Châu Thành (Biên Hòa ngày nay). Khi thực dân Pháp chiếm lại Biên Hòa, ông hoạt động cách mạng, bị bắt cầm tù rồi phải chuyển về Sài Gòn, hoạt động trong phong trào báo chí thống nhất. Năm 1950, ông bị lộ nên phải ra chiến khu làm cán bộ nghiên cứu chuyên trách đô thị. Từ năm 1954, ông lãnh đạo và tham gia trực tiếp phong trào báo chí - văn nghệ ở Sài Gòn. Tháng 11-1955, ông bị chính quyền Mỹ - Diệm bắt giam tại Nhà lao Tân Hiệp, cùng với nhà văn Dương Tử Giang. Ngày 2-12-1956, ông tham gia cướp súng, phá ngục Tân Hiệp, trở lại chiến khu. Từ đó trở đi, ông giữ nhiều chức vụ, như: Chánh văn phòng Bộ Chỉ huy các lực lượng vũ trang tỉnh Thủ Dầu Một; Chủ biên Báo Chiến thắng của các lực lượng vũ trang miền Nam Việt Nam; Tổng thư ký Hội Văn nghệ giải phóng miền Nam. |
Vào bót Catinat, Lý Văn Sâm bị còng tay giải đến trước mặt tên Chánh mật thám Đỗ Kiến Nhượng. Thấy anh tới, Nhượng chìa ra tờ Xuân Dân Tộc có đăng truyện ngắn Chuông rung trên tháp đổ và hỏi:
- Bách Thảo Sương là anh, phải không?
Anh Sâm nghiêm mặt gật đầu. Nhượng hỏi tiếp:
- Một truyện ngắn nguy hiểm. Anh bị bắt vì cái truyện ngắn nguy hiểm đó. Anh biết không? Tại sao anh dám động đến tổng thống của chúng tôi? Anh ở tù rục xương, anh biết không? Đồ ngu dại.
Những ngày sau đó, anh nếm đủ các ngọn đòn tra tấn. Chúng hỏi anh đủ điều, từ tổ chức hoạt động đến những nhà văn, nhà báo là cộng sản “nằm vùng”. Tất cả, anh đều trả lời không biết, không quen.
Một sáng, trái với lệ thường, chỉ mỗi mình anh được quản ngục gọi. Dương Tử Giang tỏ ra lo lắng. Lý Văn Sâm nghĩ không lẽ mình bị chúng đưa đi thủ tiêu như đã làm với một số chính trị phạm khác? Chiếc còng số 8 thật lỏng lẻo so với cổ tay nhỏ và quá gầy của anh. Anh Sâm được giải lên xe với 2 tên áp tải mặc thường phục, súng ngắn lận lưng. Xe chạy vòng vo một hồi rồi đi vào đường Tự Đức, đậu trước một biệt thự vương giả. Thì ra, chúng đưa anh đến trụ sở P.S.E. (Police Spéciale de l’Est - Ty Cảnh sát đặc biệt miền Đông). Lý Văn Sâm bị đẩy vào phòng số 4, rộng mênh mông, khắp nơi trong phòng bày những dụng cụ tra tấn. Hai tay mật vụ tha hồ quần thảo anh đủ điều. Chúng hỏi có điều anh biết, có điều thật tình anh không liên quan hoặc mới nghe lần đầu, như:
- Có phải anh cùng với anh Mai Lâm định ám sát Ngô Đình Diệm vào ngày 1 tháng Giêng năm 1956?
Anh Mai Lâm quả là người của Ban Ám sát, thuộc Công an Đặc khu Sài Gòn - Chợ Lớn, nhưng việc làm của anh Lâm, anh Sâm không biết.
Tương kế tựu kế, anh Sâm bắt bẻ:
- Tôi bị bắt từ ngày 23-11 năm trước, làm sao có thể bàn bạc ám sát tổng thống với một người không quen mà các ông gọi là Mai Lâm vào tháng Giêng năm nay được?
Thấy anh nói có lý, 2 tên mật vụ sau một hồi to nhỏ với nhau bèn chạy đi hỏi sếp của chúng là Phó ty Võ Hoàng Bá. Qua cách trao đổi của chúng, anh biết được có lẽ địch đã nhận được những tin tình báo giả. Lý Văn Sâm được đưa trở lại bót Catinat.
Chuyển nhà lao
Thấm thoát, Lý Văn Sâm đã ở bót Catinat 3 tháng. Một buổi sáng, trời còn chưa tỏ, cánh cửa buồng giam xịch mở. Bọn cai tù xuất hiện, chúng đọc tên rành rọt và cứ 2 người đôi, từng chiếc còng siết chặt. Hơn 10 cặp như thế, trong đó có anh và Nguyễn Tấn Sĩ. Bọn chúng lùa tất cả lên một chiếc ô tô bịt bùng. Những tên mật vụ được vũ trang súng ngắn, súng dài ngồi cùng tù nhân như sẵn sàng bắn bất cứ lúc nào. Lúc đầu, anh tưởng chúng đưa anh em đi thủ tiêu. Nhưng lần lần, qua lời bọn áp giải, anh biết mình bị đi đày ở một nơi khác:
- Anh được đưa về Trung tâm huấn chính Biên Hòa là phước đức cho anh. Lên đó, anh được ăn uống sung sướng, được học chính trị đàng hoàng và nếu anh sớm “giác ngộ quốc gia” sẽ được trả sớm về gia đình.
Một tay mật vụ râu quai hàm cười nhe răng trắng, nói với anh như vậy.
- Biên Hòa!
Anh đang được trở về quê hương mình trong một hoàn cảnh dở khóc dở cười. Chiếc xe chở anh đi thuộc loại lớn, có vách thép bịt bùng 4 phía, loại ô tô chỉ dành riêng cho những hạng tù nhân được xếp vào loại có “phương hại nghiêm trọng đối với nền an ninh quốc gia”.
Nhà lao Tân Hiệp |
Chiếc xe tù lướt qua 2 cây cầu sắt bắc qua cù lao Phố. Qua lỗ tò vò nhỏ li ti trên vách, anh dướn to mắt nhìn sông nước và đón những tia gió ngọt ngào cố lách vào xe như vuốt ve, xoa nắn các vết thương tra tấn còn hằn trên mặt và trên ngực anh.
Con sông quê hương đã tắm mát anh trong nhiều tháng, nhiều năm. Con sông ấy cũng đã chứng kiến những sự kiện chính trị sôi động và bao bước thăng trầm của lịch sử. Nó đã tiễn anh đi những ngày mùa thu tháng Tám đáng ghi nhớ. Trên bờ sông, cùng với anh em, đồng chí, anh đã nổi dậy cướp chính quyền trong tay phát xít Nhật và bọn tay sai. Tay anh cầm cờ đỏ sao vàng, miệng thét lớn: “Chánh quyền đã về Việt Minh”. Vậy mà, bây giờ anh lại ngồi co ro trong chếc xe bịt bùng vách thép như ngồi trong một thứ nhà mồ để đi vào cõi chết.
Khi xe quẹo vào cổng chính của nhà lao, Lý Văn Sâm nhìn thấy bóng dáng má vợ và đứa con gái 9 tuổi của anh đứng ở lề đường gần cầu Săn Máu. Vợ anh đã đi lấy chồng, nhưng con gái và má vợ anh vẫn dành cho anh những tình cảm thiêng liêng nhất.
Bùi Quang Huy
Bài 2: Trung tâm huấn chính Biên Hòa