Báo Đồng Nai điện tử
En

Đêm hội xòe Mường Lò

11:11, 11/11/2016

Đến Yên Bái dịp này, hầu như ai cũng bị "hớp hồn" bởi những đám ruộng bậc thang đang mùa lúa chín vàng ở Mù Cang Chải.

Đến Yên Bái dịp này, hầu như ai cũng bị “hớp hồn” bởi những đám ruộng bậc thang đang mùa lúa chín vàng ở Mù Cang Chải. Bỏ cả xe ô tô bên cạnh cầu Ba Nhà trên quốc lộ 32, chúng tôi mỗi người ngồi một chiếc xe ôm chạy vào đồi Mâm Xôi (thuộc địa bàn xã La Pán Tẩn, vốn từng một thời là thủ phủ của cây anh túc vùng Tây Bắc).

Thiếu nữ người Mông trong phiên chợ vùng cao “Sác màu Tây Bắc”.
Thiếu nữ người Mông trong phiên chợ vùng cao “Sác màu Tây Bắc”.

Hơn một giờ sau trở ra, mặt mũi ai cũng lấm lem đất bụi nhưng hân hoan, vui vẻ, khen ruộng bậc thang đẹp tuyệt vời và “khen” cả mấy thanh niên Mông “xe ôm” chở khách qua triền dốc bên vực sâu mà chạy ào ào, bạt mạng hơn dân xe ôm thành phố. Thế mà những thửa ruộng bậc thang ở trong Chế Cu Nha, Dế Xu Phình còn kỳ vĩ hơn nữa.

Vi vu ở Mù Cang Chải

Nơi chúng tôi phải đến cho bằng được trong ngày hôm nay là TX.Nghĩa Lộ, cách huyện Mù Cang Chải đến hơn 100km, nơi tối nay có hội xòe lớn nhất vùng Tây Bắc. Nói với nhau là vậy, nhưng trước đó khi ghé ngang “thị trấn mù sương” (một năm Mù Cang Chải chìm trong màn sương đến 60 ngày), chúng tôi cũng không thể bỏ qua phiên chợ vùng cao “sắc màu Tây Bắc”, nấn ná với mấy trò chơi dân gian truyền thống của các dân tộc thiểu số Mù Cang Chải. Đến khi rời khỏi những “bức tranh sơn mài khảm vàng khổng lồ” - cụm từ mà một họa sĩ nổi tiếng nói về vẻ đẹp rực rỡ của ruộng bậc thang mùa lúa chín, đi ngang qua đèo Khau Phạ (một trong “tứ đại đèo” trên vùng cao Tây Bắc), chúng tôi lại xuống xe hòa trong dòng người đang lố nhố ngắm nhìn những cánh dù sặc sỡ sắc màu đang lượn lờ bên sườn đèo chênh vênh vách đá, bên dưới là cánh đồng Tú Lệ cũng đang rực rỡ ánh vàng.

Festival dù lượn “Bay trên mùa vàng” được tổ chức trên con đèo cao 2.100m (so với mực nước biển) cùng với danh thắng quốc gia “ruộng bậc thang”, Tuần lễ Ruộng bậc thang huyện Mù Cang Chải đã thu hút đông đảo du khách khắp nơi đến với xứ sở của cây táo mèo, loài vượn đen đặc hữu. Qua đó, tôi mới biết vì sao khi ngồi trong quán giải khát bên cầu Ba Nhà, tôi nghe mấy thanh niên Mông bảo nhau: “Lúa đã chín rồi, nhưng khách đến chơi, chụp ảnh nhiều, nên “Ủy ban” bảo phải để thêm một tuần nữa hẵng thu hoạch…”.

Những thửa ruộng bậc thang đẹp như tranh vẽ ở Mù Cang Chải. Ảnh: Nguồn Internet
Những thửa ruộng bậc thang đẹp như tranh vẽ ở Mù Cang Chải. Ảnh: Nguồn Internet

 Lấn quấn mỗi nơi một chút, thậm chí bỏ qua một điểm đến vô cùng thú vị là những đồi chè (trà) shan tuyết cổ thụ với các bản người Mông cheo leo ở Suối Giàng (huyện Văn Chấn) vậy mà chúng tôi đến được TX.Nghĩa Lộ đã hơn 6 giờ chiều.

Trời đã muộn, nên chúng tôi không thể vào được các bản làm du lịch cộng đồng kiểu homestay, như: Sà Rèn, Chao Hạ, bản Nghêu… nổi tiếng với những ngôi nhà sàn nguyên mẫu của người Thái cổ cùng các món ăn dân tộc đặc trưng (được hỗ trợ theo dự án “Xây dựng mô hình du lịch cộng đồng gắn với giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới” đã vận động được 30 hộ tham gia, thu hút sự ưa thích của nhiều du khách, trong đó có khách quốc tế). Một chiến sĩ công an cho biết giờ này tất cả khách sạn cũng như các loại cơ sở lưu trú khác trên địa bàn thị xã đều chật kín. Chúng tôi đã thật may mắn, kịp thời “lủi” đại vào một phòng nghỉ cũ mèm, do có khách đặt chỗ trước rồi có việc đột xuất không đến được.

Bỏ hành lý vô phòng, chúng tôi không tắm và cũng không ăn tối, háo hức kéo nhau ra sân vận động giữa trung tâm TX.Nghĩa Lộ trong tiếng hát mời gọi thiết tha vang lên từ hệ thống tăng âm đặt ngoài đường phố: “…Chiều mùa thu, nắng vàng như mật. Khi đã nghe đèo Ách, cửa Nhì. Khi đã nghe tiếng rừng gió hút, anh có vào Nghĩa Lộ với em không...” (bài hát Anh có vào Nghĩa Lộ với em không, nhạc: Trọng Loan, thơ: Hoàng Hạnh).

Diễn xòe ngoài đường phố

  Sân vận động TX.Nghĩa Lộ nhỏ hơn so với sân bóng đá TP.Biên Hòa, nhưng phải chứa trên 2 ngàn người, bao gồm diễn viên chuyên nghiệp, không chuyên của các đoàn nghệ thuật từ Điện Biên, Sơn La, Nghệ An, Lai Châu, Yên Bái, Nghĩa Lộ, cùng hàng trăm quan khách, phóng viên báo chí… đã chật ních, phải dùng đến “biện pháp nghiệp vụ” chúng tôi mới lọt vào được.

 Gồng mình chịu đói trong tiết trời se lạnh mùa thu Tây Bắc, chúng tôi mê say nhìn những cô gái Thái rạng rỡ váy áo, khoác khăn xòe, uyển chuyển nhịp nhàng tay trong tay bước theo điệu cồng chiêng rộn rã. xòe là nét văn hóa đặc sắc trong sinh hoạt cộng đồng của các dân tộc ít người vùng Tây Bắc, là hình thái nghệ thuật bắt nguồn từ cuộc sống lao động, sản xuất, chiến đấu, đặc biệt là biểu hiện khát vọng ấm no hạnh phúc của người vùng cao. Vì thế, các dân tộc Tày, Mường… cũng có xòe, nhưng xòe Thái phong phú và tinh tế hơn, lại được các nghệ nhân, già làng, trưởng bản ra sức bảo tồn, truyền dạy lại cho con cháu.

Trong số rất nhiều điệu xòe Thái, ở Mường Lò hiện nay có 6 điệu xòe cổ được lưu truyền rộng rãi. Trong đêm giữa thu Nghĩa Lộ, con đường Điện Biên giữa trung tâm thị xã nối dài đến sân vận động, hàng ngàn diễn viên quần chúng (là học sinh, công chức, bà con dân tộc Thái đến từ các bản) vừa biểu diễn xong điệu xoè “Óm lọm tốp mư” (vòng tròn vỗ tay), “khẳm khen” (nắm tay theo vòng tròn) quanh ánh lửa bập bùng; đã “phá xi” (kết đoàn bốn phương), “nhổm khăn” (tung khăn biểu lộ niềm vui), “đốn hôn” (tiến bước nhịp nhàng), “khấm khăn mời lẩu” (nâng khăn mời rượu)… rộn ràng trên đường phố.

  Có được một chút vốn liếng về xòe trong những lần đi “cắm bản” ở Điện Biên, tôi ngất ngây không những với từng điệu xòe, mỗi điệu đều thể hiện một sắc thái riêng, mà còn “say” bởi từng lời hát mộc mạc, đơn sơ của các ca sĩ nghiệp dư Mường Lò phụ họa theo điệu xòe: “Đêm Mường Lò, trăng lên dần, chiêng trống bập bùng. Vào đây anh, cầm tay em, múa xòe cùng em, xòe cùng em… Đừng để em cô đơn một mình. Đừng sợ say, đây đôi tay ngà, chén em dâng đầy…”.

Đã quá nửa đêm, mảnh trăng chênh chếch trên đầu. Ngồi bên ly rượu nếp Mường Lò cay nồng, tôi vẫn còn nghe lời chia tay bịn rịn đêm hội xòe một cách quá đỗi da diết: “...Mai xa rồi, trăng Mường Lò anh mang theo về xuôi. Mai xa rồi, trăng Mường Lò, anh mang về theo…”.

Theo sử sách còn ghi lại, thời Hùng Vương dựng nước, vùng đất Mường Lò (ngày nay là miền Tây Yên Bái, bao gồm TX.Nghĩa Lộ và 2 huyện Văn Chấn, Mù Cang Chải) là một địa bàn sinh sống quan trọng của cư dân Lạc Việt thuộc lãnh thổ Nhà nước Văn Lang. Do Nghĩa Lộ - đất tổ người Thái đen nằm giữa và bao trùm toàn bộ cánh đồng lớn thứ 2 vùng Tây Bắc (nhất Mường Thanh, nhì Mường Lò) nên Nghĩa Lộ nghiễm nhiên trở thành trung tâm khu vực Tây Bắc. Người Pháp từng xếp hạt Nghĩa Lộ trực thuộc vào Đạo đệ tứ quan binh miền thượng du Bắc kỳ. Năm 1955, Chính phủ nước ta đưa Nghĩa Lộ vào Khu tự trị Thái Mèo, năm 1962 đổi thành Khu tự trị Tây Bắc. Nghĩa Lộ ngày nay bao gồm 13 dân tộc anh em chung sống, trong đó bà con người Thái đen chiếm đến 44% dân số, bảo tồn và phát huy nhiều giá trị văn hóa đặc sắc… được Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch chọn làm điểm xây dựng “Đơn vị văn hóa cấp huyện (và tương đương) khu vực miền núi đồng bào dân tộc thiểu số” đầu tiên trong cả nước.

Bùi Thuận

Tin xem nhiều