Báo Đồng Nai điện tử
En

Quân trang cấm bán, vẫn tràn lan

12:08, 01/08/2016

Chính phủ đã có các nghị định cấm kinh doanh quân trang, nhưng việc buôn bán quân trang, chủ yếu là quân trang giả, thời gian qua vẫn diễn ra. Quy định mới ban hành không chỉ cấm mua bán mặt hàng này, mà việc sử dụng trái phép trang phục quân đội cũng có thể bị truy cứu trách niệm hình sự.

Chính phủ đã có các nghị định cấm kinh doanh quân trang, nhưng việc buôn bán quân trang, chủ yếu là quân trang giả, thời gian qua vẫn diễn ra. Quy định mới ban hành không chỉ cấm mua bán mặt hàng này, mà việc sử dụng trái phép trang phục quân đội cũng có thể bị truy cứu trách niệm hình sự.

Tại khu vực trước cổng Trường đại học Nguyễn Huệ (xã Tam Phước, TP.Biên Hòa), lâu nay nhiều người có thể dễ dàng mua được các loại quân trang, quân dụng của lực lượng vũ trang.

* “Hàng cấm”, nhưng mua là có

Ở đây bán những bộ quần áo giống y như quân phục, từ mẫu của lực lượng dân quân tự vệ đến các mẫu trang phục bộ đội theo đúng quy chuẩn. Gần 10 cửa hàng nằm san sát nhau, lúc nào cũng có khách vào hỏi mua khá nhộn nhịp. Đây được coi là “thủ phủ” để mua “mặt hàng” cấm này, việc buôn bán công khai tồn tại từ nhiều năm nay, lâu dần trở thành “mối”, có thể cung cấp số lượng lớn. Không chỉ người dân mà những chiến sĩ, quân nhân nếu thiếu loại quân hiệu, cấp hiệu, phù hiệu và trang phục cũng có thể tìm mua mà không gặp bất cứ trở ngại nào.

Các cửa hàng bày bán đủ loại quân phục, quân trang gần cổng Trường đại học Nguyễn Huệ (xã Tam Phước, TP.Biên Hòa).

Một người bán “hàng cấm” trên đường Bùi Văn Hòa (TP.Biên Hòa).

Cụ thế, cửa hàng T.H treo biển chuyên cung cấp sỉ và lẻ quần áo thuộc các lực lượng không quân, hải quân, bộ binh…, giá một bộ quân phục trung bình từ 600-750 ngàn đồng, còn giày, dép, túi, ba lô có giá từ 150-350 ngàn đồng/món đồ. Theo lời chào mời của người bán, giá cao hay “mềm” tùy thuộc vào người mua sử dụng cho sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, học viên, hạ sĩ quan, binh sĩ…

Nhìn bên ngoài, những bộ trang phục của lực lượng vũ trang được may khá chuẩn, các đường viền, chỉ may đều rất chuyên nghiệp, màu sắc cũng giống như màu trang phục của quân nhân vẫn thường mặc, kể cả mác, logo. Mẫu cũ hay loại mới ra cách đây vài năm, như: quân phục thường dùng, quân phục K08, quân phục hải quân, cảnh sát biển… đều có sẵn.

Một sĩ quan quân đội cho hay: “Trong quy định quản lý quân trang và quân dụng bộ đội, đây là mặt hàng đặc biệt được quản lý chặt chẽ. Đây được xem là các mặt hàng đặc thù, chỉ được sản xuất và cung cấp trong các cơ quan chuyên ngành như quân đội, công an mà thôi”.

Khi người mua tỏ vẻ e ngại về độ thật, giả của các món đồ thì người bán quả quyết ở trong cổ áo, vỏ hộp đều in tên nơi sản xuất nên cứ yên tâm. “Ở đây bán các mặt hàng quân trang không thiếu một thứ gì, từ chân lên đầu, từ mũ, ví, thắt lưng đến khăn mặt, cúc áo. Hàng do Tổng cục Hậu cần, Cục Quân nhu, Công ty cổ phần 20, Công ty cổ phần 26… sản xuất nên muốn số lượng bao nhiêu cũng có. Cửa hàng cho đổi lại trong ngày nếu không ưng ý” - người bán giải thích.

Ngoài ra, theo ghi nhận của phóng viên, “mặt hàng” này cũng được bày bán ngay mặt tiền đường lớn đường Bùi Văn Hòa (TP.Biên Hòa). Người mua không khó để chọn vài bộ quân phục, phụ kiện hỗ trợ. Tiết lộ của người bán đoạn gần khu vực Công viên Chiến Thắng (phường Long Bình), khách có thể mua mấy thứ này mà không cần gì thẻ ngành hay giấy tờ chuyên dụng. Đối tượng mua nhiều nhất là thanh niên, mục đích chủ yếu để chơi hoặc khoe với bạn.

Tuy nhiên, so với các điểm mua bán bên ngoài, chỉ cần vào mạng xã hội facebook gõ cụm từ “quân phục, quân trang”, mọi người có thể thấy hàng chục tài khoản rao bán “mặt hàng” quân trang, quân dụng. Tại trang “Quân phục nhà binh”, “Hội Người chơi quân phục”, việc mua bán, trao đổi luôn nhộn nhịp và thu hút khá nhiều lượt thích, chia sẻ hay bình luận mỗi lần “người bán” rao mặt hàng mới. Người có nhu cầu chỉ cần để lại số điện thoại, thông tin, địa chỉ thì ngay trong ngày (hoặc chậm nhất 2-3 ngày với các tỉnh xa), “hàng” sẽ được gửi đến tận nơi.

* Có thể bị truy cứu hình sự

Từ trước đến nay, trang phục quân đội được bày bán tràn lan, việc mua bán dễ dàng đã tạo kẽ hở cho nhiều đối tượng sử dụng vào mục đích xấu. Không ít người lợi dụng việc mua bán làm điều phi pháp, như: giả danh sĩ quan quân đội để lừa đảo những người nhẹ dạ, hay có những hành động không đẹp gây ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của lực lượng vũ trang.

Ghi nhận của phóng viên cho thấy, hiện nhiều người có “sở thích” dùng các bộ quân phục, quân trang của lực lượng vũ trang, từ áo quần đến các phụ kiện đời thường, như: chiếc mũ bảo hiểm, dây thắt lưng… Một vài người còn cho hay, khoác những thứ này vào để cho oai, hoặc nhìn có chút bụi bặm. Nhưng theo quy định của pháp luật, tất cả các hành vi này đều bị cấm, thậm chí có thể bị phạt tù.

Quân trang (bao gồm cả: phù hiệu, cấp hiệu, quân hiệu của quân đội, công an), quân dụng cho lực lượng vũ trang là những mặt hàng thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh theo Nghị định 59/2006/NĐ-CP ngày 12-6-2006 của Thủ tướng Chính phủ. Việc xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định về hàng hóa cấm kinh doanh được thực hiện theo Điều 10, Nghị định 185/2013/NĐ-CP ngày 15-11-2013.

Một người bán “hàng cấm” trên đường Bùi Văn Hòa (TP.Biên Hòa).
Các cửa hàng bày bán đủ loại quân phục, quân trang gần cổng Trường đại học Nguyễn Huệ (xã Tam Phước, TP.Biên Hòa).

Mức phạt vi phạm hành chính đối với hành vi kinh doanh, vận chuyển, giao nhận, tàng trữ quân trang, quân dụng (là hàng cấm) có thể bị phạt từ 500 ngàn đến 1 triệu đồng. Đối với hành vi sản xuất hàng cấm sẽ bị phạt tiền gấp 2 lần. Trường hợp sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán quân trang, quân dụng với số lượng lớn, thu lợi bất chính lớn, hoặc đã bị xử phạt hành chính, đã bị kết án chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 155, Bộ luật Hình sự về tội sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán hàng cấm với mức hình phạt cao nhất 15 năm tù giam.

Nhằm “siết chặt” những vi phạm đó, mới đây Chính phủ ban hành Nghị định 82/2016/NĐ-CP quy định quân hiệu, cấp hiệu, phù hiệu và trang phục của Quân đội nhân dân Việt Nam. Trong đó, quân hiệu, cấp hiệu, phù hiệu và trang phục của Quân đội nhân dân Việt Nam được cấp phát, sử dụng đồng bộ, chặt chẽ theo quy định của pháp luật. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định việc sử dụng, thu hồi quân hiệu, cấp hiệu, phù hiệu và trang phục đối với từng đối tượng đang phục vụ, thôi phục vụ trong Quân đội nhân dân Việt Nam.

Đặc biệt, nếu sử dụng trái phép, làm giả, làm nhái trang phục quân đội sẽ được coi là hành vi cấm. Như vậy, người bình thường chỉ cần mang áo quần, thậm chí các phụ kiện liên quan đến lực lượng vũ trang sẽ bị phạt nặng. Trường hợp vi phạm, tùy theo tính chất, mức độ sẽ bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Võ Nguyên

 

 

Tin xem nhiều