Báo Đồng Nai điện tử
En

Những "lão làng" say mê ảnh đẹp

11:03, 02/03/2014

Đưa vào ống kính những cung bậc cảm xúc, hay đắm say những yêu thương cuộc sống con người, mỗi bức ảnh được nghệ sĩ nhiếp ảnh "ghép" thành một cuộc đời mà không cần phải viết bằng chữ, nói bằng lời. Lang thang, tìm đến những miền đất mới để "săn" một bức ảnh sống, đối với nghệ sĩ nhiếp ảnh là cả quá trình.

Đưa vào ống kính những cung bậc cảm xúc, hay đắm say những yêu thương cuộc sống con người, mỗi bức ảnh được nghệ sĩ nhiếp ảnh “ghép” thành một cuộc đời mà không cần phải viết bằng chữ, nói bằng lời. Lang thang, tìm đến những miền đất mới để “săn” một bức ảnh sống, đối với nghệ sĩ nhiếp ảnh là cả quá trình.

* Mỗi bức ảnh, một cuộc đời

 “Nhà nhiếp ảnh phải biết sử dụng máy ảnh như một dụng cụ để thể hiện xúc cảm giống như các họa sĩ dùng sơn, màu vẽ… nhằm tạo ra những bức tranh. Một khi đã thả được hồn vào ảnh, người nghệ sĩ sẽ thể hiện những khoảnh khắc tuyệt vời, giúp đứa con tinh thần của mình sống mãi với thời gian. Vậy là thành công rồi” - nhà nhiếp ảnh Nguyễn Đình Quốc Văn (53 tuổi), Trưởng ban nhiếp ảnh Hội Văn học - nghệ thuật tỉnh, tâm sự.

Tác phẩm Làng vùng cao của nhà nhiếp ảnh Nguyễn Đức Tường.
Tác phẩm Làng vùng cao của nhà nhiếp ảnh Nguyễn Đức Tường.

Tấm ảnh Yêu thương đã mang lại cho nhà nhiếp ảnh Nguyễn Đình Quốc Văn nhiều giải thưởng lớn. Một câu chuyện cuộc đời của đôi vợ chồng sống ở xã Mã Đà (huyện Vĩnh Cửu). Người vợ bị liệt 2 chân từ năm lên 4 tuổi, tưởng tương lai phía trước đã hết, nhưng tình yêu và người chồng hiện tại đã đến với chị như một phép màu. “Suốt hơn 10 năm, họ vẫn sống hạnh phúc, có với nhau một đứa con. Thông qua bức ảnh này, tôi muốn chia sẻ dù trong hoàn cảnh nào tình yêu thương luôn là liều “thuốc bổ” để chữa lành mọi vết thương” - ông Văn bộc bạch.

Để có được tấm ảnh này, ông đã tìm hiểu kỹ hoàn cảnh của họ. Cứ 16 giờ hàng ngày, người chồng đưa vợ xuống bờ sông tắm gội. Chỉ đợi như thế, ông đã chụp bức ảnh ghi lại cảnh sinh hoạt đời thường này. “Bao nhiêu chuẩn bị về máy móc, vị trí đứng đã hoàn thành, nhưng khi thấy họ quan tâm săn sóc nhau, tôi đã không kìm được nước mắt rồi đành bỏ dở. Trên đường về nhà, họ đẩy nhau qua con dốc, người vợ luôn cười như thể động viên chồng và theo sau là đàn chó đang vui đùa. Thế là tôi “chộp” luôn” - nhà nhiếp ảnh kể lại quá trình hoàn thành tác phẩm Yêu thương.

Theo ông Văn, mỗi cú bấm máy là một thông điệp của người chụp ảnh muốn gửi gắm. Sự độc đáo của tấm ảnh còn thể hiện tính cách cá nhân, kinh nghiệm, trình độ thẩm mỹ và trải nghiệm cuộc sống.

Biết cầm máy từ tuổi 15, đến năm 18 tuổi, nhà nhiếp ảnh Nguyễn Đức Tường (65 tuổi) mới có được bức ảnh ưng ý, mang tính nghệ thuật cao. Nhiều năm trước, đồng nghiệp trong cơ quan ông Tường không lạ gì hình ảnh một công chức mê chụp ảnh hơn an hưởng cuộc sống. Để khi xong công việc, nhiều người lại thấy ông lang thang khắp các con phố của Biên Hòa từ nông thôn đến thị thành để ghi lại những khoảnh khắc của cuộc sống.

Chủ đề mà ông luôn theo đuổi là cuộc sống của người lao động nghèo. Ông chụp đứa bé ngồi vắt vẻo trên chiếc xe đẩy của mẹ đi bán nước khắp nơi, hay người đàn ông đang nhóm lửa sưởi ấm cho đàn trâu giữa mùa đông lạnh giá. Nhiều người bảo ông là lão già lạ lùng, cứ đi chụp những bức ảnh mà trong xã hội này ở đâu cũng dễ dàng bắt gặp.

Ông Tường tâm sự: “Chính sự cần cù của người lao động khiến tôi đam mê, thấu hiểu cuộc đời này hơn. Hình ảnh đó có nhiều, nhưng không phải ai cũng cảm thụ và đem lòng yêu mến được. Cuộc đời họ gắn chặt với lao động chân tay, dù vất vả nhưng vui vì hiểu được giá trị đồng tiền”.

Kết quả của những chuỗi ngày lang thang khám phá miền đất mới, gặp những con người yêu lao động đã giúp ông Tường có những bức ảnh mang đầy sức sống. “Mỗi tấm ảnh trong mắt người này là đẹp, với người khác có thể không vừa lòng, nhưng tôi luôn trân trọng, cảm ơn nhân vật đã đem đến cho mình sự thăng hoa khi tác nghiệp” - ông Tường bày tỏ.

* “Chúng tôi còn trẻ lắm!”

Nhắc đến nhiếp ảnh Đồng Nai là nhắc đến những con người luôn miệt mài sáng tác, trau chuốt cho những đứa con tinh thần của mình, như: Lâm Cón, Kiều Tân, Vũ Duy Thông, Dương Quốc Định…

Dù đã ở độ tuổi xế chiều, nhưng khi nói đến điều này, nhà nhiếp ảnh Lâm Cón xua tay đi, cho rằng mình vẫn còn trẻ trung, tràn đầy sự đam mê, tâm huyết với “nghiệp” nhiếp ảnh. “Chúng tôi còn trẻ, bởi mấy ai như tôi, đã 64 tuổi nhưng một xe máy, 2 đòn bánh tét và chai nước suối là có thể đi đây đó. Càng đi càng thấy cuộc sống này còn nhiều điều để tìm hiểu và khám phá” - ông Lâm Cón hài hước cho biết.

Các nghệ sĩ nhiếp ảnh Đồng Nai đang tham gia tác nghiệp.
Các nghệ sĩ nhiếp ảnh Đồng Nai đang tham gia tác nghiệp.

Ông Lâm Cón còn có mặt ở hầu hết các chương trình, sự kiện văn hóa tiêu biểu của tỉnh để chụp ảnh. Để chụp được một tấm ảnh đẹp, ông bảo không phải lần nào cũng thành công. Vì “khoảnh khắc vàng” chỉ có một tồn tại chớp nhoáng trong vài giây đồng hồ. Có gì hạnh phúc hơn khi được công chúng đón nhận, trân trọng tác phẩm nghệ thuật của mình.

Năm 2012-2013, nhiếp ảnh Đồng Nai đạt nhiều giải thưởng lớn ở cấp quốc tế, toàn quốc, khu vực miền Đông Nam bộ, như: Nguyễn Đình Quốc Văn 2 huy chương bạc Liên đoàn Nhiếp ảnh quốc tế (FIAP); Nguyễn Đức Tường huy chương đồng Liên đoàn Nhiếp ảnh quốc tế; Kiều Tân giải đặc biệt cuộc thi ảnh quốc tế do Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc trao tặng; Lâm Cón giải nhì cuộc thi ảnh về an toàn giao thông TP.Hồ Chí Minh…

“Ở Đồng Nai bây giờ cũng có nhiều nhóm bạn trẻ chụp ảnh. Họ có chủ đề, mục đích khi đi “săn” ảnh riêng. Còn những người già như chúng tôi, mỗi chuyến đi có thể kéo dài 2-3 ngày, đôi khi lên đến tuần lễ. Có thể là một nơi nào xa vắng của rừng núi Tây Bắc, hay gần sông biển, cát trắng như ở Khánh Hòa, Bình Thuận. Như vậy không phải vẫn còn trẻ nữa là gì?” - ông Lâm Cón tâm sự.

Theo nhà nhiếp ảnh Nguyễn Đình Quốc Văn, mỗi chuyến sáng tác sẽ góp phần gắn kết tinh thần của các thành viên trong hội. Trở về sau đợt tác nghiệp, quần áo ai cũng lấm lem bùn đất, mặt mũi cháy xạm với nắng gió của vùng đất mới vừa đi qua. Nhưng ai cũng vui với thành quả lao động là những bức ảnh đẹp, có sự sáng tạo trong góc nhìn và mang tính nhân văn.

“Chúng tôi hy sinh tất cả vì nghệ thuật, để có bức ảnh đẹp… Trên thị trường xuất hiện một loại máy ảnh mới, hay phần mềm chỉnh sửa ảnh nào là anh em ngồi lại nghiên cứu, bàn bạc để ứng dụng khi đi tác nghiệp. Dù đã có tuổi, nhưng trình độ về công nghệ của chúng tôi không thua giới trẻ ngày nay” - ông Văn chia sẻ.

Thanh Hải

 

 

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích