Báo Đồng Nai điện tử
En

Lớp học nơi suối Rết

06:02, 25/02/2014

Con suối Rết ngoằn ngoèo chảy qua điểm trường của 2 cô giáo Nguyễn Thị Hạnh và Phan Kim Phụng, rồi dẫn nước tưới cho ruộng vườn đồng bào Chơro ở khu định canh - định cư ấp Nhân Hòa, xã Tây Hòa (huyện Trảng Bom) tươi tốt. "Cái tình của 2 cô giáo với học trò, đồng bào mình không bao giờ quên" - người già Nguyễn Văn Hoằng cho hay.

Con suối Rết ngoằn ngoèo chảy qua điểm trường của 2 cô giáo Nguyễn Thị Hạnh và Phan Kim Phụng, rồi dẫn nước tưới cho ruộng vườn đồng bào Chơro ở khu định canh - định cư ấp Nhân Hòa, xã Tây Hòa (huyện Trảng Bom) tươi tốt. “Cái tình của 2 cô giáo với học trò, đồng bào mình không bao giờ quên” - người già Nguyễn Văn Hoằng cho hay.

* Thương trò vùng sâu

Con đường liên ấp Lộc Hòa - Nhân Hòa nay đã được trải nhựa. Nhờ vậy, bước chân bao trò nhỏ người Chơro ấp Nhân Hòa và các vùng lân cận dễ dàng hơn khi đến lớp học của 2 cô giáo Hạnh và Phụng ở điểm trường Suối Rết trong những ngày nắng khét mái đầu, mưa tưới ướt người.

Cô giáo Phụng kiên trì tập cho các em lớp 1 làm quen với nét chữ, phép tính.
Cô giáo Phụng kiên trì tập cho các em lớp 1 làm quen với nét chữ, phép tính.

Điểm trường Suối Rết trước kia chỉ là lớp học tình thương, xóa mù chữ do Phòng GD-ĐT huyện Trảng Bom quản lý. Sau đó, điểm trường được bàn giao cho Trường tiểu học Nguyễn Tri Phương (xã Tây Hòa). Mãi đến năm 2003, điểm trường Suối Rết được bàn giao cho Trường tiểu học Nam Cao (xã Trung Hòa) quản lý để tạo thuận lợi cho con em đồng bào dân tộc Chơro ấp Nhân Hòa và con em lao động nghèo vùng lân cận học tập khi Trường Nguyễn Tri Phương xây dựng thành trường chuẩn quốc gia. “Khi điểm trường Suối Rết bàn giao về Trường tiểu học Nam Cao, chúng tôi cũng chuyển biên chế theo các em về trường mới và bám lớp cho đến hôm nay” - cô Hạnh bày tỏ.

Trên 12 năm bám điểm trường Suối Rết dạy học, cô Hạnh và cô Phụng chất đầy kỷ niệm với các trò nhỏ. Cô giáo Hạnh cho hay, học trò tại điểm trường Suối Rết đều là con em lao động nghèo, đồng bào các dân tộc: Chơro, Tày, Hoa… ở xa trung tâm xã, không có điều kiện cho con em học tại những điểm chính. Khi vào lớp 1, các em chưa nghe, nói thạo tiếng Kinh; không biết cầm viết, cầm phấn; chưa một ngày ngồi lớp mẫu giáo… Chính vì vậy, 2 cô phải tập cho các em cách cầm viết khác với cầm cây, cầm đất để ném con dê, con bò bướng bỉnh; tiếng Kinh trong sách giáo khoa đa dạng, phong phú lắm, chứ không chỉ gói gọn trong những điều mà các em đã nghe được từ cha mẹ…

Thầy Nguyễn Văn Hạnh, Hiệu trưởng Trường tiểu học Nam Cao, cho hay để tạo điều kiện tốt nhất cho các trò nhỏ điểm lẻ Suối Rết có lớp học ở gần nhà, Ban giám hiệu trường không ngại phân công giáo viên có kinh nghiệm bám lớp, đồng thời tạo mọi điều kiện thuận lợi, như: miễn tất cả các khoản đóng góp theo quy định, kêu gọi giáo viên và học sinh trong trường quyên góp sách vở, quần áo, xe đạp để tặng các em trong suốt năm học.

Để giữ chân các em học sinh với điểm trường Suối Rết, năm học nào Ban giám hiệu Trường tiểu học Nam Cao cũng vận động quần áo, tập viết, sách vở tặng cho các em. “Thầy hiệu trưởng Nguyễn Văn Hạnh rất quan tâm đến lớp học ở đây. Năm nào cũng vậy, cứ bắt đầu mùa khai giảng, thầy Hạnh lại tăng cường giáo viên ngoài điểm chính vào điểm trường Suối Rết chiêu sinh. Tổ chiêu sinh có trách nhiệm đến từng nhà dân có con em đủ tuổi vào lớp 1 ra lớp và gặp gỡ, vận động các em đang học từ lớp 2-5 của trường tiếp tục quay lại trường sau khi mùa hè kết thúc” - cô Phụng tỏ bày.

* Gian nan giữ lớp

Cô Phụng cho biết thêm: “Tôi dạy 2 lớp ghép, gồm lớp 1 và lớp 2. Năm nào cũng vậy, lớp học của tôi dao động từ 8-10 học sinh. Mỗi học sinh trong lớp đều có những đặc điểm, hoàn cảnh rất khác nhau, mà khi đến thăm nhà các em mình mới thấu hiểu vì sao các em vắng lớp liên tục. Có em khi cha mẹ đi vắng, ngồi trong nhà co ro ôm em nhỏ trong lòng nhìn ra sân nhớ bạn, nhớ lớp, thấy cô giáo đến thì òa khóc nức nở. Có em thì bỏ học vì giúp cha mẹ làm mùa, cô giáo đến nhà dăm lần vẫn không gặp được, phải cậy nhờ già làng vận động”.

Còn cô giáo Hạnh thì nhớ mãi kỷ niệm khó quên, khi cô phải lấy xe máy đưa học sinh ra trạm y tế xã cấp cứu chỉ vì các em lượm chai nước bên đường và chia nhau uống. “Vào học được vài phút thì các em kêu đau bụng. Hoảng quá, tôi liền lấy xe máy chở các em đến trạm y tế xã cấp cứu và nhờ cô Phụng trông lớp hộ. Chờ khi sức khỏe các em ổn định, tôi cùng với giáo viên của trường mới đưa các em về nhà” - cô Hạnh kể lại.

Hai cô giáo Hạnh và Phụng bên các học trò nhỏ của mình trong giờ ra chơi.
Hai cô giáo Hạnh và Phụng bên các học trò nhỏ của mình trong giờ ra chơi.

Theo 2 cô giáo Hạnh và Phụng, bao năm bám điểm trường Suối Rết dạy học, ngoài việc lo chuyện các em bỏ học giữa chừng, các cô còn có thêm nỗi lo lắng khi các em rủ nhau đi tắm suối, tắm ao và cả chuyện đi đường với rủi ro tai nạn… “Lo lắng cho các em thì đủ thứ. Bù lại, các em ở đây đem đến cho chúng tôi rất nhiều niềm vui. Thỉnh thoảng, các em và phụ huynh đem đến lớp tặng cô giáo vài con cá to câu được, hay xâu cua đồng, ký nếp mới vừa thu hoạch… Ngày lễ, tết chúng tôi được trò nhỏ tặng đóa hoa dại để bày tỏ tấm lòng biết ơn. Chính điều đó khiến chúng tôi không muốn xa các em, nên xung phong bám điểm lẻ khi hiệu trưởng gọi về phụ trách các lớp điểm chính” - cô giáo Hạnh thỏ thẻ tâm sự.

Mặt trời đã leo cao trên ngọn đồi gần điểm lẻ Suối Rết. Kết thúc buổi học sáng, 29 học sinh của 2 lớp ghép khối 1-2 và 3-4 của 2 cô giáo Hạnh và Phụng lục đục ra về khi bụng cồn cào vì không được ăn sáng. Đợi nhóm trò nhỏ lần lượt kéo nhau về khu định canh - định cư Nhân Hòa, 2 cô giáo Hạnh và Phụng đưa chúng tôi về Trường tiểu học Nam Cao gặp người thầy hiệu trưởng luôn dõi mắt theo bước chân các học sinh nghèo nơi điểm lẻ Suối Rết.

Tiếp chuyện chúng tôi khi sân trường vắng bóng học trò, thầy hiệu trưởng Nguyễn Văn Hạnh điềm đạm bày tỏ, ông luôn dành cho học sinh và giáo viên điểm lẻ Suối Rết một tình cảm đặc biệt. Bởi trong lòng ông, chuyện dạy và học ở điểm lẻ Suối Rết đẹp như câu chuyện cổ tích vì đong đầy một tình yêu học trò của người thầy đứng lớp và khát khao được đến trường của những trò nghèo áo quần cũ kỹ quanh năm cuốc bộ đến trường.

Thành Nhân

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều