Ngày ông Tư Bê mất, ông Nguyễn Văn Thìn (còn gọi Út Thìn, em trai ông Tư Bê) và bà Chót (vợ ông Tư Bê) đóng cửa bến đò đình Long Chiến (ấp 2, xã Bình Lợi, huyện Vĩnh Cửu).
Ngày ông Tư Bê mất, ông Nguyễn Văn Thìn (còn gọi Út Thìn, em trai ông Tư Bê) và bà Chót (vợ ông Tư Bê) đóng cửa bến đò đình Long Chiến (ấp 2, xã Bình Lợi, huyện Vĩnh Cửu). Kể từ đó, khúc sông nối liền hai bờ (xã Bình Lợi, huyện Vĩnh Cửu và xã Tân Mỹ, huyện Tân Uyên) vắng bóng những chuyến đò ngang của anh em ông Tư Bê. Quán nước nhỏ hai bên bờ sông của các bà Hai Rẹt, Bảy Nhỏ cũng không buôn bán nữa.
Ông Út Thìn cất tiếng gọi đò làm lao xao cả khúc sông.Ảnh: Đ.PH |
Biền biệt hàng chục năm mới có dịp ghé lại bến đò xưa, đứng bên kia bờ Tân Mỹ, ông Ba Muôn thơ thẩn tìm người quen và lớn tiếng gọi đò. Bên này bờ ấp 2, xã Bình Lợi, ông Út Thìn cất tiếng trả lời, giờ ông không còn đưa đò nữa. Bến đò năm xưa giờ đã bít lối, khách muốn sang sông phải tìm đến bến đò Lợi Hòa - cù lao Bạch Đằng. “Từ ngày anh trai mất, gia đình tui không còn đưa đò nữa. Đến nay cũng cả chục năm, vậy mà thỉnh thoảng tui vẫn còn nghe tiếng gọi đò của khách muốn qua sông” - ông Út Thìn tâm sự.
* Vẫn còn nghe tiếng gọi đò
Sáng tháng 3, gió từ sông thổi vào bờ mát rượi, ông Út Thìn dẫn chúng tôi ra khoảnh sân gần bờ sông trò chuyện, hồi tưởng về những chuyến đò năm xưa. Ông Út Thìn tỏ bày, mỗi sáng sau khi quét dọn xong khu vườn, ông thường ra bến sông ngồi hóng mát. Những lúc như vậy, ông vẫn nghe tiếng ai đó gọi đò sang sông. “Khách đi đò thời đó toàn cô bác nghèo vượt sông sang bên kia bờ Tân Mỹ, để vào rừng Tân Uyên kiếm củi, hái măng rừng về bán, hay vài cô, dì đi thu mua rau củ, nông sản, gà, vịt để chạy chợ bán kiếm lời. Có nhiều khách quen, nghèo qua đây và anh em tui thương tình không thu tiền đò” - ông Út Thìn nói.
Nhấp ngụm trà cho thanh giọng, ông Út Thìn chậm rãi kể về người anh trai Tư Bê. Ông Út Thìn mô tả, ông Tư Bê nhỏ con, người thấp đậm và thường để ria mép, nên khuôn mặt ông rất giống với mấy ông thầy lang vườn, nhất là khi ông Tư Bê có thói quen đội nón lá, mặc áo bà ba đen mỗi khi đưa đò. “Anh Tư tui hiền lắm, lại có cái tính thương người nên bất kể sớm tối, mưa gió, có người cần qua sông là ổng cho thuyền đến đón. Ổng thường nói với tui, việc đưa đò chủ yếu là làm phước, người đi đò không có tiền cũng phải đưa rước tử tế như người có tiền” - ông Út Thìn bộc bạch.
Cũng theo ông Út Thìn, bến đò đình Long Chiến có trước năm 1975. Trước kia, bến được một nông dân trong xã mở ra để đưa đón khách sang sông, sau đó cha của ông đã tiếp quản bến đò với mục đích đưa rước các chiến sĩ cách mạng (cha ông đi theo kháng chiến và nhà ông có người anh trai thứ 5 hy sinh) và những người dân trong ấp hay qua lại khúc sông này để làm rừng, buôn bán. Sau này, cha ông mới bàn giao việc đưa đò cho anh em ông đảm trách. Cũng từ đó, anh em ông Út Thìn hàng ngày bám khúc sông làm nghề chài lưới, vớt củi và đưa đón khách sang sông. Cho tới năm 2004, ông Tư Bê qua đời (thọ 80 tuổi) thì bến đò cũng đóng cửa.
* Nhớ ông lái đò Tư Bê
Ngày ông lái đò Tư Bê mất, khúc sông gần bến đò đình Long Chiến buồn thiu. Bà Hai Rẹt (bán quán nước nơi bến đò) cho biết, vì bà Chót và ông Út Thìn mải lo làm đám cho ông Tư Bê nên tiếng gọi đò của những người cần qua sông không ai nghe thấy. Khách đi đò cứ đứng bên kia sông gọi liên tục, làm người nhà ông Tư Bê thêm nhói lòng. Đến khi được người dân nơi đây lấy đò của ông Tư Bê sang đón và thông báo ông đã qua đời thì mọi người chưng hửng, bàng hoàng thương tiếc. “Những người đi đò bỏ việc đi rừng, buôn bán mấy ngày liền để đi đám ông Tư Bê đó” - bà Hai Rẹt kể chuyện với chúng tôi.
Sau ngày ông Tư Bê mất, chiếc đò được ông Út Thìn vùi dưới lớp bùn bên bờ sông để gìn giữ. |
Ông Út Thìn bùi ngùi nhớ lại: “Sáng hôm đó, anh trai tui thấy trong người không khỏe nên giao việc đưa đò cho chị dâu tui. Khi sang nhà ổng chơi, tui nghe ổng than mệt nên tui và người nhà đưa ổng đi bệnh viện. Vài tiếng sau thì ổng qua đời. Đám tang của ổng, bà con xa gần đến viếng rất đông, nhất là những người thường xuyên qua lại khúc sông này” - nói đoạn, ông Út Thìn đưa ánh mắt nhìn xa xăm về bên kia sông, nơi ngày xưa ông Tư Bê vẫn thường cột đò chờ khách, hoặc neo xuồng đánh mẻ lưới buổi sáng khi con nước đứng.
Sau ngày ông Tư Bê mất, bà Chót và ông Út Thìn thôi không đưa đò nữa. Việc đóng cửa bến đò đình Long Chiến của gia đình ông Út Thìn không phải do gia đình ông ngại sóng gió, mà vì ông và bà Chót đã lớn tuổi, khách đi đò nay không còn nhiều và các bến đò chèo nay đã chuyển sang đò máy, hoặc phà.
Ngoài những chuyến đò đưa khách, anh em ông Út Thìn, Tư Bê còn dùng đò dắt trâu thuê cho các chủ buôn trâu vượt sông. “Tui chèo đò, anh Tư Bê thì ngồi trên đò nắm mũi 2 con trâu đầu đàn kéo đi. Thấy trâu đầu đàn qua sông, cả đàn trâu lớn, nhỏ cứ vậy mà bì bõm bơi theo sau. Anh em tui cứ tính đầu trâu mà lấy tiền công” - ông Út Thìn nói. |
Ông Năm Huệ, cán bộ xã Bình Lợi, mở lời: “Khi bến đò này đóng cửa, để đi sang bờ bên kia, người dân phải đi theo các bến đò: Lợi Hòa - cù lao Bạch Đằng, hoặc Bình Ninh - Tân Uyên, Ba Tâm - Bùi Miêu”.
Gió sông sáng nay bất chợt dồn dập thổi vào bờ. Chỉ tay vào mặt sông đang gợn sóng, ông Út Thìn lý giải, gió mùa này không mạnh bằng gió tháng 7-8-9. Những tháng mùa mưa, gió từ phía Tân Uyên ùa về rất mạnh, cộng với dòng nước lũ từ thượng nguồn sông Đồng Nai đổ về tạo nên những con sóng cao hơn nửa mét, rất nguy hiểm cho người qua lại bến sông này. “Nhiều lần anh em tui chèo đò ra giữa dòng ứng cứu ngư dân gặp nạn khi ghe xuồng của họ gặp sóng lớn, hay bị dòng xoáy tạo ra từ những tảng đá ẩn mình dưới lòng sông nhấn chìm. Chính khúc sông này đã nuôi sống anh em tụi tui và các con khôn lớn, thành tài từ công việc đưa đò, thả lưới, vớt củi” - ông Út Thìn nói.
Đang trò chuyện với chúng tôi, ông Út Thìn đột nhiên đứng dậy, chụm 2 bàn tay thành hình chiếc loa rồi đưa lên miệng cất tiếng gọi làm lao xao khúc sông. Bà Chót rơm rớm nước mắt vì nhớ ông Tư Bê, còn chúng tôi tiếc nuối vì không được nhìn thấy được hình ảnh ông lái đò Tư Bê để ria mép, mặc áo bà ba hiền lành lướt mái chèo đưa khách qua sông trên khúc sông đình Long Chiến đầy sóng gió năm nào.
Đoàn Phú