Báo Đồng Nai điện tử
En

Vất vả với nghề "phơi nắng"

11:03, 26/03/2014

Tháng 3, trời nắng nóng như đổ lửa. Trong khi nhiều người tìm nơi tránh nóng thì những người chuyên đi thu hoạch mì (sắn) lại ra rẫy mà không ngại cái nắng nóng của thời tiết.

Tháng 3, trời nắng nóng như đổ lửa. Trong khi nhiều người tìm nơi tránh nóng thì những người chuyên đi thu hoạch mì (sắn) lại ra rẫy mà không ngại cái nắng nóng của thời tiết. Nhiều người gọi công việc thu hoạch mì là nghề “phơi nắng”, bởi người làm nghề này phải “bám” rẫy và sân phơi suốt ngày, mong từng mẻ mì nhanh khô, đạt chất lượng. Với họ, trời mát thì về nhà nghỉ, còn nắng lại phải ra sân.

Bất chấp trời nắng, mọi người vẫn bám sân phơi để mì nhanh khô.
Bất chấp trời nắng, mọi người vẫn bám sân phơi để mì nhanh khô.

Ngoài trời, cái nắng ngột ngạt của buổi xế chiều vẫn như đổ lửa. Không ai nói với nhau lời nào, mọi người cố hết sức nhấc bổng từng gốc mì nằm sâu dưới mặt đất. Trời khô hạn nên đất nén chặt xuống, khiến người nhổ mì “bở hơi tai”, ai nấy mồ hôi ướt sũng tấm áo mang trên người.

* Chạy theo thời vụ

Tham gia nhóm đi thu hoạch mì được 5 năm, cũng là ngần ấy thời gian anh Phạm Văn Trọng (ngụ xã Ngọc Đinh, huyện Định Quán) nếm trải sự vất vả, gian truân của cái nghề làm ăn theo mùa vụ. Hàng ngày, từ 6 giờ sáng những người làm thuê như anh Trọng đã có mặt tại các rẫy mì và công việc kéo dài cho đến chiều tối mới nghỉ.

“Những lớp đất pha cát bình thường xốp và mềm, nhưng khi bước vào mùa khô lại trở nên rất cứng. Do đó, công việc nhổ gốc mì thường dành cho đám đàn ông, thanh niên, còn phụ nữ dùng dao chặt củ mì ra khỏi gốc rồi chất đống giữa rẫy cho xe lớn đến chở về sân phơi” - anh Trọng cho biết.

Theo anh Trọng, gần 20 người trong nhóm của anh mỗi ngày phải thu hoạch hơn nửa hécta mì. “Khu vực này có nhiều lô đất rộng cả chục hécta chờ xây dựng khu dân cư, nhưng mấy năm nay không thấy động đậy gì. Do đó, nhiều người đã thuê lại đất trồng mì rồi mướn tụi tôi về thu hoạch” - anh Trọng nói thêm.

Chị Hồ Thị Hoa (ngụ xã La Ngà, huyện Định Quán), người đứng ra “bao” thu hoạch diện tích mì ở khu vực này, cho hay công việc này không quá vất vả, nhưng người làm phải cẩn thận, không được để sót một gốc mì nào.

Nước da ai cũng đen giòn vì nắng.
Nước da ai cũng đen giòn vì nắng.

Lau những giọt mồ hôi đang chảy ướt tấm áo, chị Hoa tâm sự: “Tháng giêng là bắt đầu bước vào mùa rộ thu hoạch mì, cuối tháng 4 thì kết thúc. Đợi tháng 5, trời đổ mưa người ta mới cày đất, trồng mì cho vụ sau. Tháng 11-12, lại vào vụ thu hoạch mì và các cây trồng khác nên việc rất nhiều, làm không xuể”.

Nói về công việc của mình, chị Nguyễn Thị Nguyệt hài hước: “Cái nghề phơi mì lạ lắm, mọi người đều có biệt tài chịu nắng giỏi, dù không ai muốn phải đứng ngoài trời nắng mấy tiếng đồng hồ; nhưng lại nơm nớp lo sợ những cơn mưa rào bất chợt đến rồi đi. Bởi, những mẻ mì phơi đến chiều có thể được đóng bao, nếu lỡ dính mưa thì buộc phải phơi lại, chất lượng mì giảm, người làm lại thêm việc, không có diện tích để phơi mẻ mới”.

Nghề này vẫn “hạp” với những người lao động tự do như chị Hoa. Một ngày làm việc ở đây kéo dài 8-10 tiếng, chịu khó phơi nắng một chút vẫn có thể kiếm được tiền. Buổi trưa được nghỉ, ai nhà gần về ăn cơm, nhà xa thì đem cơm theo. Ngày công phụ nữ là 120 ngàn đồng, đàn ông giá cao hơn, khoảng 150 ngàn đồng vì họ làm nhiều công việc nặng nhọc khác.

“Hết mùa thu hoạch mì, chúng tôi chuyển sang gặt lúa, trồng tràm, cao su… Làm ở ngoài khỏe hơn trong công ty, có thời gian tự do, thong thả mà không bị ai quản thúc. Tiền công thợ tùy vào từng người, chủ khoán theo diện tích vừa dễ cho mình, vừa hối thúc mọi người làm nhanh hơn. Làm sớm, nghỉ sớm để còn kịp sang rẫy người khác” - chị Hoa hồ hởi nói.

* Nghề chịu nắng, sợ mưa

Sau khi thu hoạch mì xong, nhóm người của chị Hoa, anh Trọng lại kéo đến những sân phơi bê tông rộng lớn. Giữa cái nắng như đổ lửa, nhiều người phải chạy trốn nắng, nhưng những người làm nghề như họ vẫn tay cào, tay thúng bám trụ giữa các sân phơi nóng ran.

Buổi trưa, nhiệt độ ngoài trời lên đến 39-400 C, trời ít gió khiến không khí ở đây thêm ngột ngạt, khó chịu. Nhiều người không chịu được, thỉnh thoảng lại chui vào chiếc lều dựng tạm giữa sân, hớp vội ngụm nước rồi trở ra cào mì dưới ánh nắng chói chang.

Do luôn phải đứng nắng nên làn da của họ đen bóng. Bà Trần Ngọc Tiên (41 tuổi) nói vui: “Càng nắng nóng thì tụi tui càng mừng, chứ mưa thì phơi phóng được gì. Vừa sấy mì vừa sấy người, đôi lúc mồ hôi túa ra như tắm, nhưng chỉ mấy phút sau là khô rang. Do luôn được “sấy” kiểu này nên da ai cũng đen giòn, bóng loáng”.

Đóng bao kết thúc một mẻ mì.
Đóng bao kết thúc một mẻ mì.

Với bà Tiên, không có công việc nào cực hơn nghề phơi mì. Sau khi được chở từ rẫy về, củ mì được đưa ngay lên máy để thái, rồi mới rải đều trên nền sân bê tông. Từ đây, hàng chục con người phải ngồi “canh nắng”, khoảng 15 phút lại ra đảo một lần cho đến khi lát mì khô giòn đạt chất lượng.

Lom khom đẩy chiếc cào bằng gỗ đi trên lớp mì vừa mới phơi, bà Tiên cho biết: “Cào phải nhanh, đi theo từng hàng dọc để không giẫm lên mì. Nếu trời cứ nắng kiểu này thì độ chưa đến 2 hôm là mì khô giòn, lúc đấy mới đóng bao chở về nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi. Mỗi người một công đoạn, ai xong trước thì được nghỉ sớm, hôm sau lại tiếp tục công việc đã được “lập trình” từ trước”.

Chị Nguyễn Thị Nguyệt (27 tuổi) trần tình, chủ có cơm thì mình có cháo. Được một điều là, những người lao động tự do có việc làm xoay vòng quanh năm. Suốt ngày, chị cứ cào, hóng từng mẻ mì rồi kiểm tra đã khô chưa. Những lúc quá mệt, chị chui vội vào túp lều lợp bởi vài nhánh lá dừa cao tầm người ngồi, rồi cầm chiếc nón lá quạt liên hồi để xua đi cái nóng.

“Mình nghèo, không có ruộng rẫy phải ráng làm để nuôi con ăn học. Dẫu nắng nóng hơn nữa cũng phải gắng sức, cực khổ đến đâu cũng chẳng sợ, chỉ mong tụi nhỏ ăn học đàng hoàng để mai này có nghề nghiệp ổn định, không phải đi làm thuê làm mướn khổ cực như mẹ chúng…” - chị Nguyệt tâm sự.

Thanh Hải

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều