Báo Đồng Nai điện tử
En

Sáng tạo với "tên lửa nước"

10:03, 24/03/2014

Tập trung tại sân thể thao Trường THPT Long Thành (huyện Long Thành) từ rất sớm, những tốp học sinh khối lớp 10 và 11 tụ quanh những chiếc "tên lửa nước" đủ màu sắc, kiểu dáng đang được lắp ráp vào bệ phóng.

Tập trung tại sân thể thao Trường THPT Long Thành (huyện Long Thành) từ rất sớm, những tốp học sinh khối lớp 10 và 11 tụ quanh những chiếc “tên lửa nước” đủ màu sắc, kiểu dáng đang được lắp ráp vào bệ phóng. Thầy Trịnh Văn Danh, Bí thư Đoàn trường THPT Long Thành, cho chúng tôi biết, đây là những sản phẩm do học sinh tự làm, vừa vận dụng kiến thức vật lý đã học, vừa làm quen với cách làm việc theo nhóm, đồng thời cũng là cách giải trí sau giờ học.

Học sinh Nguyễn Đức Minh (bên phải) lớp 10A2 cùng bạn đổ nước vào bên trong “tên lửa”.
Học sinh Nguyễn Đức Minh (bên phải) lớp 10A2 cùng bạn đổ nước vào bên trong “tên lửa”.

Tuy còn hơn một giờ nữa mới đến giờ tập trung, nhưng các nhóm học sinh đã đem “tên lửa” của lớp mình ra lắp vào bệ phóng và kiểm tra những khâu cuối cùng.

* Học mà chơi, chơi mà học

Trong lúc ngồi đợi các nhóm học sinh tập trung đầy đủ, thầy Danh cho biết, từ khi còn là sinh viên ở TP.Hồ Chí Minh, thầy đã nhiều lần tham gia chế tạo “tên lửa nước” cùng bạn bè và đem đi phóng vào những ngày nghỉ. Tốt nghiệp đại học, rồi đi làm, vì bận nhiều việc nên đã lâu thầy không tập hợp bạn bè để chơi “tên lửa nước”. Gần đây, khi nhận chức Bí thư Đoàn trường, thầy Danh phổ biến cách thức chơi “tên lửa nước” cho các học sinh trong trường để các em tự chế tạo đem đến cuộc thi phóng “tên lửa nước” trong dịp kỷ niệm Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh sắp tới.

“Đây là lần đầu tiên Trường THPT Long Thành tổ chức cuộc thi “tên lửa nước” dành cho cả 3 khối 10-11-12. Kế hoạch tổ chức cuộc thi của Ban Chấp hành Đoàn trường đã được Ban giám hiệu nhà trường ủng hộ hết mình. Tôi hy vọng cuộc thi sẽ tạo cho các học sinh một tâm lý thoải mái, giúp các em giải tỏa căng thẳng trước khi bước vào mùa ôn thi sắp tới…” - thầy Trịnh Văn Danh cho biết.

“Chỉ từ mấy thứ đồ nhựa đã dùng rồi, cộng với một vài kiến thức vật lý, học sinh đã có thể tạo một chiếc “tên lửa nước” để chơi cả ngày mà không chán. Ngày còn đi học ở TP.Hồ Chí Minh, cứ chiều rảnh là nhóm sinh viên chúng tôi kéo nhau ra bãi đất trống ở ngoại thành để phóng “tên lửa nước”. Ban đầu làm “tên lửa” kiểu cơ bản nhất, bằng cách dùng một chai nhựa để làm. Về sau, mỗi người lại nảy ra một ý tưởng để cải tiến thêm cho “tên lửa” của nhóm. Tôi nhớ có lần chúng tôi tìm trên internet rồi tự chế ra một cái “tên lửa” tách tầng, sau khi phóng tới một độ cao nhất định, các phần của tên lửa sẽ tự tách ra, mỗi phần đều bung dù từ từ chạm đất, độ cao đạt tới hàng chục mét” - thầy Danh hồ hởi kể cho chúng tôi nghe một thời sinh viên đam mê thú chơi “tên lửa nước”.

“Tên lửa nước” thường được dùng chủ yếu bằng chai nước ngọt có dung tích 1,5 lít, các thành phần cấu tạo nên tên lửa chủ yếu bằng nhựa, bìa cứng, đặc biệt không được sử dụng kim loại vì có thể gây ảnh hưởng cho người xung quanh. Nguyên lý hoạt động là nhờ áp suất nước bên trong chai, khi đạt đến độ lớn nhất định sẽ tạo lực đẩy hướng xuống mặt đất, tạo một phản lực hướng lên trên giúp tên lửa nước bay lên.

“Cái khó của việc chơi “tên lửa nước” không phải làm cho nó bay lên cao, mà phải làm sao để nó bay trúng mục tiêu và rơi xuống đất thật đẹp mắt. Vì vậy, tôi dặn học sinh nên làm thêm dù bên trong “tên lửa” để khi bắt đầu rơi, dù được bung ra sẽ làm chậm quá trình rơi và “tên lửa” tiếp đất an toàn, không bị móp méo” - đưa chúng tôi đến bên một nhóm học sinh, thầy Danh dùng tên lửa của nhóm giải thích cho chúng tôi hiểu những điều thầy vừa trình bày.

* Những “kỹ sư tên lửa”

Khi các nhóm học sinh đã tập trung đầy đủ với “tên lửa” và bệ phóng, thầy Trịnh Văn Danh yêu cầu mỗi nhóm tự chọn vị trí thoáng đãng trong bãi tập thể thao của trường để bắt đầu thử “tên lửa”. Chúng tôi quan sát thấy “tên lửa nước” chủ yếu được các học sinh làm từ vỏ chai nước ngọt loại 1,5 lít và các mảnh nhựa cắt ra từ can đựng nước loại 5 lít. Tiến đến gần một nhóm, chúng tôi bắt chuyện với các em về quá trình chế tạo chiếc “tên lửa” được phủ màu sơn bạc trông khá bắt mắt.

“Tên lửa” của lớp 10A3 được phóng lên trời.
“Tên lửa” của lớp 10A3 được phóng lên trời.

“Từ khi nhận được thông báo của trường (đầu tháng 3-2014), em tập hợp được 5 bạn trong lớp cùng làm “tên lửa nước”. Mẫu này, tụi em dùng 2 chai nước ngọt lớn để làm, đuôi tên lửa thì ra cửa hàng vật liệu xây dựng mua mấy miếng giấy nhám về dán vô. Phần bệ phóng, tụi em dùng ống nước theo lời thầy Danh hướng dẫn. Đặc biệt, tụi em pha nước với bột giặt vào “tên lửa” để tạo thêm lực đẩy. Thời lượng để chuẩn bị trước khi phóng là có hạn, nên nhóm em sử dụng 3 ống bơm để nhanh chóng tạo áp suất bên trong chai” - cầm chiếc “tên lửa” trên tay, học sinh Nguyễn Văn Lộc lớp 10A3 chỉ cho chúng tôi các bước hoàn thành sản phẩm của nhóm.

Sau khi lắp đặt tất cả “tên lửa” vào bệ phóng, lần lượt từng nhóm học sinh phóng “tên lửa” trong tiếng cổ vũ của các nhóm còn lại. Thầy Danh cho biết, trung bình “tên lửa nước” bay cao khoảng 40-50m, nên các em thường dùng nước pha với xà bông hoặc muối để “tên lửa” có thể bay cao hơn. Do không có thiết bị đo độ cao, thầy Danh nghĩ ra cách để học trò gắn thêm dù vào “tên lửa”, sau khi bay đến độ cao nhất định, dù sẽ bung, “tên lửa” nhóm nào lâu rơi xuống đất nhất thì nhóm đó thắng cuộc.

Mỗi nhóm học sinh đều tìm cách chế tạo cho “tên lửa” của mình những hình dáng độc đáo nhất. Như lớp 10A12 làm “tên lửa” tách tầng, bệ phóng có gắn thêm một ống nước để định hướng cho “tên lửa”. Hay có một số lớp thay đổi kết cấu bệ phóng có thể điều chỉnh hướng nghiêng 45 độ để bắn trúng mục tiêu. Để chế tạo được một “tên lửa” có khả năng bay tốt, các em cần ứng dụng kiến thức về: định luật bảo toàn động lượng, lực cản không khí với vật bay… “Tôi là người khởi xướng, nhưng các em tự mày mò nghiên cứu cách làm trên mạng internet là chủ yếu. Chính vì vậy mỗi nhóm đem đến một bất ngờ riêng cho “tên lửa” của mình” - vừa quan sát cách các nhóm học sinh xử lý tình huống khi “tên lửa” không bay, thầy Danh vừa nói với chúng tôi.

Nắng lên cao gần đỉnh đầu, buổi phóng thử “tên lửa nước” của các nhóm học sinh kết thúc với niềm vui của những nhóm phóng thành công và một chút buồn của các nhóm không làm cho “tên lửa” bay cao được. Vỗ vai chúng tôi trước khi ra về, thầy Danh nói nhỏ: “Các em “giấu bài” đó, thấy vậy thôi chứ mấy chiếc “tên lửa chiến lược” được các nhóm cất ở nhà, đợi đến ngày thi thật các em mới đem ra thi thố cho cả trường kinh ngạc…”.

Minh Thành - Đỗ Hồng

 

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều