Chậm rãi điều khiển chiếc xe lăn qua dãy chậu gốm bị lỗi sau khi nung, ông Ngô Quang Mẫn (44 tuổi, ngụ KP.3, phường Bửu Hòa, TP.Biên Hòa) cầm một sản phẩm lên xem thật kỹ rồi dùng tay miết nhẹ vào vết nứt nhỏ trên thành chậu.
Chậm rãi điều khiển chiếc xe lăn qua dãy chậu gốm bị lỗi sau khi nung, ông Ngô Quang Mẫn (44 tuổi, ngụ KP.3, phường Bửu Hòa, TP.Biên Hòa) cầm một sản phẩm lên xem thật kỹ rồi dùng tay miết nhẹ vào vết nứt nhỏ trên thành chậu. Đặt chiếc chậu sang một bên, ông quay sang nói với chúng tôi: “Chậu bị nứt khi nung, tôi dùng để trồng cây cảnh trong nhà, chứ đập bỏ thì uổng lắm. Đời tôi như chiếc chậu bị nứt này, tưởng chừng bỏ đi, nhưng không ngờ vẫn còn hữu dụng”.
* Vượt lên số phận
Quên đi tiết trời nóng bức của tháng 3 khô hạn, ông Mẫn chăm chú đắp họa tiết cho chiếc chậu được khách hàng ở tỉnh Bình Dương đặt làm riêng. “Tôi sinh ra vốn bình thường như bao người khác, đến 5 tuổi bị sốt bại liệt, hết sốt thì thành ra thế này. Hồi đó, người thân trong nhà tưởng tôi sẽ nằm một chỗ suốt đời, nhưng may có mấy người quanh xóm khuyên tôi tìm việc gì đó nhẹ nhàng để học, về sau không trở thành gánh nặng cho gia đình. Năm 20 tuổi, tôi tìm đến lò gốm gần nhà học nghề và làm gốm cho đến tận bây giờ” - khéo léo rời chiếc xe lăn, ông Mẫn sử dụng đôi nạng gỗ để đưa chúng tôi đi xem nơi trưng bày sản phẩm gốm trong xưởng.
Ông Ngô Quang Mẫn đang đắp họa tiết trang trí lên chậu. |
Ngày ấy, khi ông Mẫn quyết định chọn nghề gốm để theo học, người thân trong gia đình ai cũng ngăn cản, vì: “Làm gốm thì phải khỏe mạnh, chứ ai lại vừa đi nạng, vừa làm gốm bao giờ”. Nhưng vì thương con, cha mẹ ông Mẫn đã đến một lò gốm gần nhà xin cho con học nghề và được chủ lò vui vẻ nhận lời. Những ngày đầu đi học nghề đối với ông Mẫn là sự nỗ lực khiến ai cũng khâm phục. Không ít lần, vì bất cẩn trong lúc chống nạng đi lại trong xưởng mà ông làm đổ bể những sản phẩm vừa nung xong.
“Hồi đó, vất vả lắm tôi mới học được nghề. Bởi, trong khi người khác dùng thân mình làm điểm tựa lúc ngồi bàn xoay tạo hình sản phẩm, tôi phải dựa vào tường, nên làm chậm hơn người khác. Di chuyển không thuận tiện, mỗi lần muốn lấy thêm đất hoặc một dụng cụ khác, tôi phải nhờ người ở gần đi lấy giùm” - ông Mẫn kể lại những khó khăn khi mới đến với nghề gốm.
Học nghề xong, ông Mẫn mở xưởng tại nhà và bắt tay vào sản xuất đồ gốm, chủ yếu là sản xuất các chậu kiểng. Thời hoàng kim của nghề gốm, mỗi tháng ông thu về hơn 400 triệu đồng.
Ông Mẫn tâm sự: “Tôi không có vợ con nên dành dụm được bao nhiêu tiền lại đầu tư hết vô xưởng. Năm 2002, Trung ương Hội Nông dân đầu tư cho tôi một số máy móc để phát triển hoạt động của xưởng. Từ đó, tôi nhận thêm người vào làm, đơn đặt hàng tới không ngớt, cái này chưa xong cái khác đã đến, chủ yếu làm hàng xuất khẩu. Còn bây giờ hàng ít lắm, chỉ bán trong nội địa thôi”.
* Say mê màu men xưa
Những năm 1990, đang là thợ học nghề, ông Mẫn đã từng được nhìn thấy những chiếc bình gốm, chậu gốm mỹ nghệ với màu men thật đặc biệt, không giống những gì các xưởng ở đây làm ra. Hỏi thăm chủ lò, ông mới biết đó là những chiếc bình được làm từ xưa, với màu men độc đáo mà bây giờ không thể phục hồi. Người biết cách tạo ra màu men này đã qua đời, tài liệu ghi chép qua hàng chục năm chiến tranh tàn phá cũng đã không còn. Nhiều chủ lò đã thử tìm tòi để phục hồi lại màu men xưa, nhưng chưa mấy ai đạt kết quả khả quan. Từ đó, ông Mẫn đã ấp ủ giấc mơ phục hồi lại màu men xưa. Nhưng cũng đến gần 10 năm sau đó, ông mới có điều kiện thực hiện. Bằng những ghi chép, quan sát suốt những năm học nghề, ông biết màu men xưa được tạo ra là do những tạp chất bị lẫn vào nguyên liệu để tạo men. “Men bây giờ đã được người ta lọc hết tạp chất nên rất khó để có được màu men xưa đặc trưng của gốm Biên Hòa” - vừa nói, ông Mẫn vừa đưa cho chúng tôi xem những chiếc bình gốm với những màu men mà ông thử nghiệm suốt thời gian qua. Mỗi lần thử nghiệm, ông đều ghi chép lại. Dù thành công hay thất bại, ông đều lưu giữ lại cách làm để khi cần sẽ tìm được nhanh chóng hơn.
Ông Ngô Quang Mẫn theo dõi một người thợ trẻ làm sản phẩm. |
“Mỗi người có một cách gọi khác nhau, riêng tôi đặt tên cho màu men bằng những con số thể hiện số lần thử nghiệm của tôi. Từ số 001 đến bây giờ đã là 506, mỗi màu men có một cách pha trộn khác nhau và được ghi chép vào sổ cẩn thận. Tuy thử qua nhiều tạp chất, nhưng tôi tuyệt đối không dùng chì cho màu men. Nhiều người nói dùng chì sẽ cho màu sắc độc đáo, nhưng chì dùng cho sản phẩm dân dụng rất có hại cho sức khỏe người sử dụng” - vừa giải thích, ông Mẫn vừa đưa chúng tôi xem cuốn sổ ghi chép từng bước để tạo ra những màu men của riêng mình.
Bà Hà Thị Thanh Vân, Chủ tịch Hội Nông dân phường Bửu Hòa, cho biết từ lúc còn trẻ ông Ngô Quang Mẫn đã có chí vươn lên nghịch cảnh. Khi được Trung ương Hội Nông dân hỗ trợ một số máy móc, ông tiếp tục tìm cách mở rộng sản xuất, tạo công ăn việc làm cho những người xung quanh đến làm việc, đồng thời có thêm thu nhập và tìm cách duy trì nghề gốm truyền thống của địa phương. |
Ông Mẫn cho biết, phải là người trong nghề mới phân biệt được sự khác nhau giữa các dòng gốm, mỗi dòng có một cách dùng màu men khác nhau, cả cách chấm men cũng khác nhau, từ đó trở thành đặc trưng riêng. Dựa vào đặc điểm đó mà mỗi dòng gốm lại thu hút người dùng riêng của mình. “Vừa rồi có nhiều người đến xưởng tôi tìm mua sản phẩm gốm và rất thích màu men mà tôi thử nghiệm. Tiếc là tôi không thể di chuyển nhiều, nếu không sẽ tự mình tìm đến những người cùng làm nghề để tìm tòi thêm tư liệu về màu men cách đây cả trăm năm. Những người làm nghề gốm như chúng tôi không đặt lợi nhuận lên hàng đầu, mà chính vì lòng yêu nghề, thấy truyền thống cả trăm năm của vùng đất này bị mai một nên ai cũng xót xa” - nói đoạn, ông Mẫn nhẹ nhàng di chuyển trên chiếc xe lăn đến bên những sản phẩm mỹ nghệ vừa ra lò khuya hôm qua.
Cầm trên tay con heo đất có màu men “trổ bông” (men sau khi nung có những vết lốm đốm đậm nhạt trên thân sản phẩm), ông Mẫn nở nụ cười rất tươi khi thấy từng sản phẩm của mình trở nên hoàn chỉnh sau 12 giờ nung trong lò. Nhìn thái độ mãn nguyện của ông đối với những sản phẩm của mình làm ra, chúng tôi không khỏi khâm phục người đàn ông “nghị lực rất kiên cường” ấy.
Đăng Tùng