Báo Đồng Nai điện tử
En

Những người mẹ Xóm Hố

10:03, 03/03/2014

Đường vào ấp Xóm Hố, xã Phú Hội (huyện Nhơn Trạch) rợp mát cây xanh. Theo sự hướng dẫn của anh Nguyễn Huy Sang, cán bộ tuyên giáo Đảng ủy xã Phú Hội, chúng tôi luồn trong những con đường nhỏ hẹp, ngoằn ngoèo để đến nhà các mẹ trong tổ phụ nữ "Hội mẹ truyền thống".

Đường vào ấp Xóm Hố, xã Phú Hội (huyện Nhơn Trạch) rợp mát cây xanh. Theo sự hướng dẫn của anh Nguyễn Huy Sang, cán bộ tuyên giáo Đảng ủy xã Phú Hội, chúng tôi luồn trong những con đường nhỏ hẹp, ngoằn ngoèo để đến nhà các mẹ trong tổ phụ nữ “Hội mẹ truyền thống”. Anh Sang tâm sự: “Ấp Xóm Hố vẫn còn những con đường nội bộ nhỏ hẹp, các mẹ tuổi cao nên vẫn còn chật vật trong việc đi lại, vậy mà đến kỳ sinh hoạt, tất cả các mẹ đều áo bà ba đen, khăn rằn quấn cổ tươm tất có mặt tại văn phòng ấp như đi dự hội truyền thống tỉnh vậy”.

Mẹ Phan Thị Hướng đang sửa lại chiếc khăn rằn để đi họp tổ.
Mẹ Phan Thị Hướng đang sửa lại chiếc khăn rằn để đi họp tổ.

Ở tuổi 82, mẹ Phan Thị Hướng vẫn minh mẫn và tận tụy làm tốt vai trò tổ trưởng phụ nữ “Hội mẹ truyền thống” ấp Xóm Hố. Niềm nở tiếp chuyện chúng tôi dù mới từ bệnh viện về nhà, mẹ Hướng bày tỏ: “Khi tham gia “Hội mẹ truyền thống”, các mẹ phải là những người biết hy sinh vì việc chung, mực thước trước con cháu và uy tín với cộng đồng”.

* Chuyện thầm của mẹ

Tổ phụ nữ “Hội mẹ truyền thống” ấp Xóm Hố của mẹ Hướng có 13 mẹ, tuổi đời từ 70-87 tuổi. Các thành viên trong tổ đều là những người vợ, mẹ liệt sĩ đã hy sinh trong kháng chiến và là người có công với cách mạng. Mẹ Hướng tâm sự, gia đình mẹ có 3 liệt sĩ (2 người em và con trai đầu của mẹ). 17 tuổi, mẹ đã tham gia tổ chức Vệ quốc đoàn. “Mỗi một người mẹ trong tổ đều có những câu chuyện riêng về đời mình. Các mẹ thường đem ra kể cho con cháu nghe những lúc gia đình sum họp, hoặc kể cho cháu ngủ khi cha mẹ bận công việc xã hội” - mẹ Hướng thổ lộ.

Được cô Nguyễn Thị Bế, Chi hội trưởng phụ nữ ấp Xóm Hố báo tin chúng tôi có mặt tại nhà mẹ Hướng, mẹ Nguyễn Thị Anh xúng xính áo bà ba đen, khăn rằn quấn cổ đi bộ đến. Với chất giọng ấm áp của con gái Phú Hội, mẹ Anh kể khi chồng hy sinh, mẹ buộc phải đi thêm bước nữa theo nguyện vọng của cha mẹ chồng và tránh bị địch quấy rầy. “Thời trẻ các mẹ không sợ hy sinh, lao động nuôi con, tiếp tế lương thực, thuốc men cho cách mạng… khổ bao nhiêu các mẹ cũng chịu đựng được. Nay đất nước hòa bình, đổi mới, các mẹ được vui bên con cháu, xã hội quan tâm. Tuy vậy, các mẹ vẫn không quên trách nhiệm mẫu mực trước con cháu, xóm làng và nhắc nhở con cháu quý trọng truyền thống tốt đẹp của quê hương, đất nước” - mẹ Anh tâm sự.

Chồng hy sinh năm 1972, mẹ Liên vẫn ở vậy nuôi con, chăm sóc cha mẹ chồng. Mẹ Liên chia sẻ, để làm tốt bổn phận làm mẹ, làm dâu, mẹ đã làm đủ thứ nghề, tần tảo chạy chợ nuôi gia đình, chăm sóc cha mẹ chồng. Khi các con khôn lớn, lập gia đình, mẹ thật hạnh phúc khi trong nhà đầy ắp tiếng cười. “Khi đất nước thống nhất, các mẹ mới được mặc đẹp ra đường thăm bạn bè, hội họp. Không như thời kỳ xóm làng bị kềm kẹp, mỗi khi ra đường các mẹ phải hóa trang thật xấu, tiều tụy để che cặp mắt cú vọ của kẻ thù xăm xoi vào vợ những người chiến sĩ cách mạng cùng nhiều chiêu bài mị dân. Có người còn phải tự bôi xấu danh tiết bản thân trước làng xóm khi chồng ở cứ, đi biền biệt mà mình ở nhà vẫn cứ… có con” mẹ Liên bộc bạch.

* Tuổi già vẫn nêu gương

Ấp Xóm Hố có trên 50 mẹ ở tuổi của mẹ Hướng, mẹ Liên, mẹ Anh. Tuy vậy, tổ phụ nữ “Hội mẹ truyền thống” chỉ có 13 thành viên sinh hoạt từ năm 2003 đến nay. Trước đây, tổ có mở rộng thêm hội viên, nhưng sau đó một thành viên bị tổ cho ra khỏi danh sách vì cư xử thiếu mẫu mực. “Các mẹ được kết nạp vào tổ phải đạt các tiêu chí: mẹ hoặc vợ liệt sĩ, người có công và sống uy tín, gương mẫu. Thành viên nào thiếu tiêu chí gương mẫu là các mẹ họp và quyết định đưa ra ngoài danh sách tổ  ngay. Phải nghiêm khắc như vậy để hình ảnh người mẹ truyền thống luôn đẹp, thanh khiết trong mắt con cháu và xã hội”- mẹ Hướng nói.

Các mẹ rủ nhau về Văn phòng ấp Xóm Hố sinh hoạt tổ theo định kỳ 1 tháng/lần.
Các mẹ rủ nhau về Văn phòng ấp Xóm Hố sinh hoạt tổ theo định kỳ 1 tháng/lần.

Để trui rèn được phẩm chất đó, bao năm qua, các mẹ trong tổ đã hy sinh rất nhiều. Mẹ Nguyễn Ngọc Huệ cho biết, mỗi khi trong xóm, trong ấp có chuyện gì các mẹ phải gương mẫu đi đầu vận động, đóng góp, ủng hộ. Xóm làng có chuyện bất hòa, các mẹ phải có mặt để khuyên dạy, nhắc nhở, phân tích đúng sai. “Khi đã là thành viên của tổ, các mẹ phải thật sự là tấm gương trong sáng, mẫu mực từ lời ăn, tiếng nói cho đến việc làm. Hồi trước các mẹ công, ngôn, dung, hạnh ra sao, giờ truyền lại điều đó cho con cháu” - mẹ Huệ bày tỏ.

Lê Thị Ngọc Giàu, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Phú Hội cho biết, Phú Hội vốn là địa phương giàu truyền thống cách mạng. Chính vì vậy, 4 ấp trên địa bàn xã Phú Hội đều được Hội xây dựng tổ phụ nữ “Hội mẹ truyền thống”. Trong đó, tổ phụ nữ “Hội mẹ truyền thống” ấp Xóm Hố là sinh hoạt đều và bài bản nhất. “Mỗi ngày nhìn thấy các mẹ vui, sống thọ với con cháu là chúng tôi thấy mình hạnh phúc. Càng hạnh phúc hơn khi các mẹ là những mẩu chuyện sống để con cháu noi gương, làm theo” - bà Giàu tâm sự.

Còn mẹ Liên tâm sự, để giữ truyền thống quê hương Phú Hội, các mẹ luôn chỉ bày cho con cháu tinh thần tương thân tương ái, uống nước nhớ nguồn. Đồng thời, các mẹ còn dạy cho con cháu cách thức thờ cúng ông bà, nấu bữa cơm truyền thống gia đình, cách thức gìn giữ gia đình hạnh phúc, trong ấm ngoài êm…

Mải mê trò chuyện với chúng tôi, mẹ Hướng quên cả việc uống thuốc đúng giờ. Chỉ bịch thuốc bổ to đùng vừa nhận từ bệnh viện về, mẹ Hướng nói: “Hồi đó, bệnh tật làm gì có thuốc mà uống. Để đưa thuốc Tây vào bưng cho bộ đội, các mẹ phải cải trang làm những người buôn gánh bán bưng, thuốc được giấu dưới đáy thúng. Nếu bị lính đi tuần lục xét, các mẹ phải khôn khéo phi tang. Mỗi viên thuốc được đưa vào căn cứ kháng chiến là một thành tích của hậu phương khi góp phần cùng bộ đội làm nên những chiến thắng” - mẹ Hướng tự dưng mạnh mẽ khác thường, nói.

Dù cuộc sống đã khá giả, ngày nào mẹ Lức (77 tuổi) cũng ăn món cá khô kho quẹt đầy ắp kỷ niệm của những ngày kháng chiến gian khổ. “Ăn cơm xong mẹ đãi các con trà Phú Hội do chính tay mẹ ướp. Thời trẻ, mẹ ướp rất nhiều trà ở nhà rồi lén mang vào bưng cho bộ đội. Dù bị địch kiểm soát gắt gao nhưng mẹ vẫn mang vào được đó các con à” - mẹ Lức nói.

Thành Nhân

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều