Báo Đồng Nai điện tử
En

"Bảo hành" đồ mộc

09:03, 11/03/2014

Đưa tay gõ vào từng mặt ghế gỗ chằng chịt những vết nứt, ông Đoàn Văn Thành (47 tuổi, ngụ KP.1, phường Bửu Long, TP.Biên Hòa) quay sang nói với chúng tôi: "Nhìn vậy chứ bộ ghế này còn khá mới, không mất công sửa nhiều, sáu người tụi tui làm hết ngày hôm nay là xong, sáng mai xịt PU nữa là hoàn thành…".

Đưa tay gõ vào từng mặt ghế gỗ chằng chịt những vết nứt, ông Đoàn Văn Thành (47 tuổi, ngụ KP.1, phường Bửu Long, TP.Biên Hòa) quay sang nói với chúng tôi: “Nhìn vậy chứ bộ ghế này còn khá mới, không mất công sửa nhiều, sáu người tụi tui làm hết ngày hôm nay là xong, sáng mai xịt PU nữa là hoàn thành…”.

* Miệt mài thợ mộc

Nắng tháng 3 gay gắt rọi xuống sân, tốp thợ mộc trong xưởng ông Út Sáng (KP.1, phường Bửu Long) vẫn ngồi quây quần dưới gốc cây làm việc. Người trẻ tuổi nhất trong tốp thợ là em Phạm Trung Thành (17 tuổi, ngụ phường Quang Vinh, TP.Biên Hòa), mới vào học nghề trong xưởng được mấy ngày. “Lâu lâu mới nhận được hợp đồng sửa chữa đồ gỗ lớn như hôm nay nên “sư phụ” Út Sáng kêu tụi tui dắt Thành theo để nó làm quen với công việc. Thằng này sáng dạ lắm, chỉ dạy một lần là biết làm liền” - ông Văn Thành vỗ vai người thợ trẻ rồi nói.

Ông Đoàn Văn Thành dùng máy bắn đinh vào chân ghế.
Ông Đoàn Văn Thành dùng máy bắn đinh vào chân ghế.

Uống cạn ly cà phê pha đặc, ông Thành hối tốp thợ bắt tay vào việc kẻo trễ thời hạn giao hàng cho khách. Hơn 50 chiếc ghế gỗ được bày ra sân, người lau bụi, người kiểm tra độ hư hỏng của từng chiếc ghế, người chuẩn bị dụng cụ. Phần lớn số ghế ở đây là sản phẩm của xưởng, nên việc sửa chữa cũng là một phần trách nhiệm của những người thợ nơi đây. “Xưởng của “sư phụ” Út Sáng đã phục vụ bà con ở đây từ hơn 40 năm trước, nên thế hệ tụi tui phải kế thừa những gì mà “sư phụ” truyền lại, trong đó có việc đảm bảo chất lượng sản phẩm mình làm ra. Vì xưởng sản xuất chủ yếu là đồ mộc dân dụng, nên việc đảm bảo độ bền chắc và sửa chữa định kỳ là việc quan trọng để có được những đơn hàng lớn trong thời buổi cạnh tranh như hiện nay” - vừa dùng máy bắn đinh vào những chân ghế, ông Thành vừa nói với chúng tôi.

Bắt đầu học nghề từ năm 15 tuổi, cho đến bây giờ, ông Thành không nhớ đã đóng và sửa chữa bao nhiêu sản phẩm. Ông Thành nói thêm, đồ mộc dân dụng được ưa chuộng vì độ bền chắc, mẫu mã đẹp và đặc biệt là chịu đựng được sự khắc nghiệt của thời gian. Nếu như khách hàng biết cách bảo quản thì đồ mộc có thể sử dụng được rất lâu mà không cần sửa chữa nhiều.

Để “bảo hành” một món đồ mộc cũ, phải trải qua các công đoạn đóng đinh, trám vết nứt, mài thô, sơn lót, mài nhẵn và sơn lại một lần nữa. “Ngày xưa phải đóng đinh bằng tay nên một chiếc ghế phải mất hơn 15 phút mới được đóng chặt. Giờ đã có máy bắn đinh nên tôi chỉ mất khoảng 3 phút là làm xong một cái ghế. Nhưng máy bắn đinh này rất nguy hiểm, chỉ có thợ cứng nghề mới được sử dụng. Chứ để cho thợ trẻ dùng, lỡ đem ra đùa nghịch dễ xảy ra tai nạn. Ở các xưởng lớn, người ta dùng máy bắn đinh có khóa an toàn, còn tụi tui dùng máy bắn đinh đời cũ nên phải hết sức cẩn thận” - nói đoạn, ông Thành dùng máy bắn những chiếc đinh vào các chân ghế đã lỏng sau nhiều năm sử dụng.

* Trăn trở lớp kế thừa

Cùng ông Thành gắn bó lâu năm với nghề mộc, ông Nguyễn Trường Vinh (43 tuổi, ngụ phường Thống Nhất, TP.Biên Hòa) bảo xưởng của “sư phụ” Út Sáng chủ yếu là những thợ tuổi trung niên, còn lớp trẻ rất ít. Phần lớn thợ học nghề sau khi đã cứng nghề (hoặc làm được một thời gian) thì bỏ sang làm việc khác, chứ không gắn bó với nghề mộc.

“Thời hoàng kim của xưởng mộc này vào khoảng những năm 2000, khi đó đơn đặt hàng tới liên tục, trong xưởng tấp nập người ra kẻ vào. Còn giờ chủ yếu là khách quen, hoặc những đơn đặt hàng nhỏ nên thu nhập của anh em thợ mộc cũng giảm dần, chỉ còn những người lớn tuổi yêu nghề, hoặc không thể làm được nghề khác. Bàn ghế kim loại và nhựa ngày càng được người ta ưa chuộng, trong khi xưởng này chủ yếu sản xuất và sửa chữa bàn ghế, tủ, kệ…, nên cũng ít khách đặt hàng hơn” - ông Vinh cẩn thận dùng mạt cưa và keo dán sắt trám lại những vết nứt trên mặt ghế rồi tâm sự với chúng tôi.

Ông Nguyễn Trường Vinh trám vết nứt trên ghế bằng keo dán sắt.
Ông Nguyễn Trường Vinh trám vết nứt trên ghế bằng keo dán sắt.

Để trở thành một thợ mộc cứng nghề đòi hỏi khoảng thời gian không ít hơn 3 năm, vừa để quen tay, vừa phát triển tư duy tạo ra những mẫu bàn ghế mới theo yêu cầu của khách hàng. Riêng việc sửa chữa thì đỡ tốn thời gian hơn, thường chỉ mất một năm để quen việc sửa chữa một bộ bàn ghế cũ.

Ông Thành bộc bạch, cái khó của việc “bảo hành” đồ mộc là phải đánh giá chính xác độ hư hỏng của sản phẩm để chọn phương pháp sửa chữa cho phù hợp, cũng như biết cách xử lý những vết nứt lớn, những phần bị gãy để nhìn như mới. Dĩ nhiên, trong nghề này “trăm hay không bằng tay quen”, người sáng dạ học nghề nhanh, người kém học chậm hơn, nhưng cũng không phải là không học được.

“Khi bắt tay vào sửa chữa lại một sản phẩm gỗ, tụi tui lại thấy như mình đang chế tác một tác phẩm nghệ thuật vì công việc đòi hỏi sự khéo tay và tài hoa của người thợ, không phải cứ dùng máy móc mà thay thế được những điều đó đâu” - vỗ lên chiếc ghế vừa được đóng đinh xong, ông Đoàn Văn Thành nói với chúng tôi.

Làm nhiều năm trong xưởng mộc của ông Út Sáng, ông Nguyễn Thanh Hùng (48 tuổi, ngụ phường Thống Nhất) từng bỏ đi làm nghề khác, sau vì thấy nhớ anh em trong xưởng nên quay lại với công việc cũ.

Hôm nay, ông Hùng đảm nhận việc dùng hỗn hợp sơn và hóa chất trám lại những vết đinh trên sản phẩm trước khi đem đi mài thô. Ông Hùng tâm sự, từ những ngày còn nhỏ, ông đã theo mấy người trong xưởng sửa đồ mộc, hoặc làm đồ mới theo đơn đặt hàng. “Hồi đó, tôi chỉ chạy lăng xăng coi ai cần gì thì làm phụ, khi thì ngồi cưa phụ một khúc gỗ, khi thì chạy đi lấy cái đinh, cái búa. Lớn lên lại học nghề trong xưởng, không biết từ khi nào tui đã gắn bó với nghề này, lúc đổi sang nghề khác thì thấy nhớ nghề nên quay lại. Giờ tui quyết làm nghề này cho đến khi nào sức yếu thì thôi, chứ không đổi nghề nữa, quen tay với gỗ rồi mấy cậu ơi” - ông Hùng cười rất tươi khi kể về chuyện nghề.

Chiều dần buông, tốp thợ của ông Thành cũng hoàn thành xong công việc, họ xếp chồng ghế lại để ra về. Vẫy tay chào chúng tôi, ông Thành nói: “Làm nghề nào thì cũng ráng mà giữ, ráng mà theo đuổi. Hy vọng nghề mộc của tụi tui rồi sẽ đến lúc phất lên, đồ nhôm, đồ nhựa rồi cũng mau hư, chỉ có những thứ xuất phát từ thiên nhiên như đồ gỗ là tồn tại được với thời gian thôi”.

Đăng Tùng

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều