Báo Đồng Nai điện tử
En

Đời người nơi góc chợ

10:03, 07/03/2014

Nắng trưa vừa rọi đến vỉa hè chợ Biên Hòa, cũng là lúc bà Sáu (81 tuổi, bán trầu, cau ở chợ Biên Hòa) dọn hàng về nhà nghỉ ngơi. Đến 16 giờ, góc chợ nơi bà Sáu đặt hàng trầu, cau được che mát bởi nhà lồng chợ, bà lại dọn hàng ra bán đến 19 giờ mới về. "Tui không nhớ mình bán trầu, cau ở chợ Biên Hòa từ năm nào, nhưng cứ vào chợ hỏi tên bà Sáu "Trầu" ai cũng biết" - bà Sáu nói.

Nắng trưa vừa rọi đến vỉa hè chợ Biên Hòa, cũng là lúc bà Sáu (81 tuổi, bán trầu, cau ở chợ Biên Hòa) dọn hàng về nhà nghỉ ngơi. Đến 16 giờ, góc chợ nơi bà Sáu đặt hàng trầu, cau được che mát bởi nhà lồng chợ, bà lại dọn hàng ra bán đến 19 giờ mới về. “Tui không nhớ mình bán trầu, cau ở chợ Biên Hòa từ năm nào, nhưng cứ vào chợ hỏi tên bà Sáu “Trầu” ai cũng biết” - bà Sáu nói.

* Đời người

Với hàng trầu cau nơi góc chợ Biên Hòa, bà Sáu được nhiều người tìm đến hỏi chuyện và xin chụp ảnh làm kỷ niệm. Nhưng công việc buôn bán của bà không nhờ vậy mà khá hơn, ngược lại ế ẩm hơn trước vì người ăn trầu hiện ngày càng ít. Bà Sáu niềm nở tiếp chuyện với chúng tôi: “Bây giờ, người ta không còn thói quen ăn trầu, nhưng thỉnh thoảng vẫn có người mua trầu, cau để cúng bái, làm lễ vật cưới hỏi. Mấy chục năm qua, dù chợ Biên Hòa có nhiều thay đổi, tui cũng tìm cho mình một góc chợ để bày hàng và tui bán trầu, cau cho tới khi nào ngồi không vững thì mới thôi”.

Anh Thuận miệt mài với bàn máy sửa quần áo từ 7-17 giờ mới về nhà.
Anh Thuận miệt mài với bàn máy sửa quần áo từ 7-17 giờ mới về nhà.

Tuổi cao, bà Sáu không còn bon chen như thời trẻ, với hàng trầu, cau đủ loại giúp bà nuôi nấng đàn con khôn lớn. Hàng trầu cau của bà hiện chỉ còn rộng hơn 1m2 nằm ở góc chợ, nhưng vẫn giúp bà đủ tiền trang trải cho những nhu cầu của tuổi già mà không làm phiền tới con cháu. “Tui bán hàng phần vì kiếm đồng ra đồng vào để chi tiêu, phần vì nhớ chợ, nhớ bạn và sợ cảnh phải ngồi buồn co ro ở nhà” - vừa bổ quả cau tươi ra làm đôi để giới thiệu cho một khách hàng quen, bà Sáu vừa nói.

Cách nơi bán trầu cau của bà Sáu vài bước chân, bà Trần Thị Ba (80 tuổi) đang ngồi co ro bên mớ rau vườn đủ loại, mắt hấp háy nhìn dòng người đi chợ ngang qua. Do sức khỏe yếu, tai bị lãng, bà Ba chỉ ra chợ ngồi cho có, mọi việc bán hàng đều nhờ chị Hoa (người bán đu đủ kế bên) bán thay. “Nhà bà Ba rất nghèo, ở sâu trong con hẻm nhỏ thuộc khu miễu Bình Thiền, phường Quang Vinh. Rau bà Ba bán là rau vườn, được con trai bà hái về bỏ mối cho bà bán kiếm chút đồng lời. Tui quen bà Ba khi bán hàng ở góc chợ này cả chục năm trước” - chị Hoa nói về gia cảnh của bà Ba với chúng tôi.

Đồng cảm với cụ già bán hàng nơi góc chợ, sáng nào chị Hoa cũng mua một hộp cơm và san sẻ cho bà Ba một nửa để lót lòng cho buổi chợ sáng. Chị Hoa khẽ tỏ bày, do rau của bà Ba là rau vườn nên dễ bán. Hàng ngày, bà chỉ cần ngồi chợ vài tiếng là bán hết dăm ký rau. Mỗi ký rau mua của con trai bán lại cho khách, bà kiếm được 10 ngàn đồng tiền lời. Tuy ngày chỉ kiếm được vài chục ngàn đồng tiền lời, bà Ba vẫn hớn hở cắp giỏ không lụ khụ đi bộ về nhà. “Đời người ngắn ngủi lắm chú à. Mấy bà già hôm nay mình còn thấy ngồi bán nơi góc chợ, vài hôm sau thì không còn thấy nữa. Hỏi ra mới biết họ đã mất, hoặc bệnh tật nằm nhà với cảnh thiếu trước, hụt sau rất xót xa” - chị Hoa bùi ngùi tâm sự.

* Góc chợ

Càng về trưa, chợ Biên Hòa càng thưa vắng khách. Trong lúc các chị, các bà bán hàng nơi vỉa hè đang lục đục dọn hàng về, hoặc chạy chợ khác thì anh Thuận vẫn bám góc chợ làm công việc sửa quần áo cũ. “Công việc của tui chỉ cần góc chợ rộng 1m2, đủ chỗ đặt bàn máy, cây dù và vài thứ linh tinh là được. Tuy nhiên, để tìm được một chỗ hành nghề mà không ảnh hưởng đến vỉa hè chợ, làm ăn ổn định không phải dễ” - anh Thuận tỏ bày trong tiếng máy may quay rào rào.

Chị Hoa luôn chia sẻ phần cơm sáng với bà Ba bán rau vườn bên cạnh.
Chị Hoa luôn chia sẻ phần cơm sáng với bà Ba bán rau vườn bên cạnh.

Trong khi đó, để có được một chỗ ngồi mài dao kéo cho các bà bán thịt, rau củ quả trong chợ, anh Ba Nài phải hành nghề ở sát vách tường rào, gần rãnh nước thải hôi hám. Anh Ba Nài hóm hỉnh nói: “Chợ thịt, cá di chuyển đến đâu thì tui di chuyển theo cho tiện hành nghề. Tính ra, tui đã có hơn 20 năm bám chợ Biên Hòa để giúp vợ nuôi 5 thằng con trai khôn lớn”.

Bên góc đường Nguyễn Văn Trị, anh Bảy Tuấn nằm dài trên chiếc xe máy chờ khách. Anh Bảy Tuấn bộc trực nói: “Giờ ai cũng đi chợ bằng xe máy nên tụi tui chỉ canh mấy bà già đi bộ mỏi chân để chở về, hoặc làm chân giao hàng cho các chủ hàng trong chợ. Thấy vậy chứ không phải ai muốn xách xe ra đây đậu chờ tài cũng được đâu, chạy xe ôm cũng cần có mối và người đỡ đầu thì mới khỏi bị bắt nạt”.

Bên chiếc xích lô cũ kỹ đã theo mình suốt 38 năm qua, ông Năm Cường nở nụ cười thật tươi cho biết, dù chợ Biên Hòa được cải tạo, mở rộng theo thời gian, ông vẫn cố định một góc vỉa hè đường Lý Thường Kiệt chờ khách. Ông Năm Cường điềm đạm gợi chuyện: “Không phải ai cũng có điều kiện thuê sạp lớn, sạp nhỏ trong chợ để bán hàng. Với những người nghèo bám góc chợ mưu sinh thì việc tìm một chỗ nhỏ để bày biện hàng hóa, đồ nghề làm ăn ổn định không phải dễ. Họ phải chạy trốn khi lực lượng giữ gìn trật tự trong chợ đi kiểm tra, hoặc thuê lại một góc nhỏ của những người thuê trước để ngồi với tiền thuê chỗ vài trăm ngàn đồng/tháng chứ không ít”.

“Mỗi góc chợ đều có những cảnh đời đáng thương, đáng quý mưu sinh. Chỉ có những người bám góc chợ mưu sinh như tụi tôi mới thấu hiểu, yêu thương và đùm bọc lẫn nhau mỗi khi người bạn bên cạnh bệnh tật, hoặc qua đời sau phiên chợ”- chị Hoa tâm sự.

Nghe ông Năm Cường nói vậy, anh Ngọc Hải sửa đồ điện kế bên góp ý, đã là chợ thì có người sang kẻ hèn đi lại, mua bán. Người nhiều tiền thì tìm cửa hàng sang trọng mua sắm. Kẻ ít tiền thì tìm các chị, các bà bán hàng bên vỉa hè chọn hàng, tìm những người thợ sửa đồng hồ, giày dép… nơi góc chợ mà sửa vật dụng sinh hoạt bị hư hỏng. “Mỗi góc chợ đều có phận đời đáng thương, đáng quý. Tuy họ ăn mặc lam lũ, nhưng những đồng tiền ít ỏi họ chắt chiu được qua từng buổi chợ để nuôi sống gia đình, chỉ có những người cùng cảnh như tụi tôi mới hiểu được” - anh Ngọc Hải phân trần.

Sau vài giờ lang thang chợ Biên Hòa tiếp chuyện với các anh, các chị, các bà nơi các góc khuất ngôi chợ, chúng tôi tạt vào quán chè nhỏ của cô Thắm gần bãi giữ xe chợ mới để thưởng thức vị ngọt của món chè đậu đã giúp cho cô nuôi 2 đứa con lên đến đại học. Cô Thắm chất phác nói: “Dù kinh tế gia đình đã qua thời khốn khó, tôi vẫn không từ bỏ góc chợ này để hàng ngày được phục vụ bác xe ôm, chị hàng rong và đám trẻ thèm ngọt”.

Thành Nhân

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều