Từ lâu, các lớp phổ cập giáo dục (mọi người vẫn quen gọi lớp học tình thương) là nơi giúp nhiều em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn được học tập như bạn bè đồng trang lứa.
Cô Trần Thị Hà Duy dạy các em tập viết. |
Từ lâu, các lớp phổ cập giáo dục (mọi người vẫn quen gọi lớp học tình thương) là nơi giúp nhiều em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn được học tập như bạn bè đồng trang lứa. Những lớp học tình thương đã giúp các em dần xóa bỏ mặc cảm, tự ti, giúp trẻ nhanh chóng hòa nhập với cuộc sống, giảm bớt tình trạng trẻ em lang thang, gây rối trật tự khu dân cư.
Làm được những việc hữu ích như thế là nhờ những con người có tấm lòng thiện nguyện, dành hết tâm huyết để chăm lo cho nhiều mảnh đời bất hạnh trong xã hội.
* Những tấm lòng cao cả
Đợi đứa học trò cuối cùng trong lớp ra về, cô Trần Thị Hà Duy (47 tuổi, ngụ KP.9, phường Tân Hòa, TP.Biên Hòa) nói với chúng tôi: “Ngày nào cũng phải tầm 19-20 giờ, tôi mới xong việc với học sinh và bắt đầu chăm lo cho gia đình. Đi làm về, tôi lại cùng chồng con chăm sóc học trò, rồi tranh thủ làm công việc gia đình. Nếu như không có chồng con và bà con hàng xóm quanh đây hỗ trợ, chắc tôi không thể nào làm được”.
Hơn 3 năm nay, kể từ khi lớp học tình thương của cô Hà Duy đi vào hoạt động, cô vừa tranh thủ công tác ở Trường mầm non Tân Hòa, vừa cùng chồng quản lý hơn 60 em nhỏ trong độ tuổi mầm non và tiểu học đang theo học tại nhà. Cô Hà Duy cho biết, ở phường Tân Hòa, có rất nhiều trẻ em tạm trú cùng cha mẹ là công nhân, nhiều em trong số đó chưa có giấy khai sinh dù đã gần 5 tuổi. Cha mẹ các em làm công nhân nên thu nhập không nhiều, không thể gửi con ở các trường mầm non, đành để con ở nhà, chịu cảnh mù chữ... Chứng kiến tình cảnh đó, cô Hà Duy bàn với chồng con mở lớp học tình thương ở nhà để dạy chữ, đồng thời trông coi những đứa trẻ này, để cha mẹ chúng đi làm. “Nghe tôi bàn, chồng tôi đồng ý cả hai tay. Hiện đang là sinh viên ngành sư phạm, con tôi nghe vậy cũng rất hoan nghênh. Bà con lối xóm biết chuyện cũng tới nhà tôi phụ đóng bàn ghế, quyên góp sách vở, vận động công nhân tạm trú ở phường đưa con đến gửi” - cô Hà Duy tươi cười kể lại.
“Phần lớn học sinh ở các lớp học tình thương đều là con em công nhân nhập cư, người lao động nghèo, nhiều em 13 tuổi còn chưa có giấy khai sinh. Chúng tôi cũng phối hợp với chính quyền địa phương, động viên cha mẹ các em đi làm khai sinh để các em được đến trường. Nhiều người nói với chúng tôi, họ muốn con mình được đi học, được nên người, nhưng điều kiện đi làm nay đây mai đó khiến việc học của con không ổn định. Nghe vậy, chúng tôi cũng chỉ biết cố gắng giúp hết sức mình thôi” - cô Trần Thị Hà Duy tâm sự. |
Còn lớp học của cô Đỗ Thị Thanh Hải (53 tuổi, ở KP.9, phường Tân Hòa) thì đã có hơn 15 năm nay. Học sinh của cô Hải chủ yếu là con công nhân tạm trú tại phường, hoặc những đứa trẻ ở gần nhà cô. Cô Hải kể lại, khoảng năm 1998, cô nghỉ dạy để chăm sóc người thân bệnh nặng. Thấy nhiều trẻ 5-6 tuổi sống gần nhà không được đi học, mà ở nhà nghịch phá, đánh nhau, sau một thời gian quan sát, cô lặng lẽ tìm tới cha mẹ các em đề nghị dạy học miễn phí cho chúng, để chúng không ở nhà nghịch phá và có được nền tảng trước khi vào lớp 1. Nghe cô đề nghị, phụ huynh các em liền đồng ý, rồi người thì phụ cô bàn ghế, người phụ sách cũ để cô yên tâm giảng dạy.
Cô Hải mở lớp dạy được một thời gian thì một số phụ huynh đến gặp cô đề nghị mỗi tháng đóng góp một số tiền nhỏ, chứ nếu con em họ học miễn phí thì họ thấy ngại cho cô. Đến giờ, sau 15 năm, cô vẫn tiếp tục dạy các em tại ngôi nhà nhỏ nằm sâu trong hẻm của mình. Cô Hải cho biết: “Tôi lấy tiền học phí theo đề nghị của phụ huynh, rồi cuối năm dùng số tiền ấy mua tập vở làm phần thưởng cho các em, hoặc sửa sang lại lớp học, đóng thêm bàn ghế mới cho các em ngồi thêm chắc chắn”.
Lớp học tình thương của cô Bùi Thị Hoàn (66 tuổi) ở KP.Long Điềm, phường Long Bình Tân (TP.Biên Hòa) đã có từ hơn 20 năm nay. Học sinh của cô chủ yếu là con công nhân tạm trú tại phường, trẻ lang thang cơ nhỡ. Khoảng năm 1989, cô Hoàn thấy nhiều trẻ mồ côi cha mẹ đi lang thang xin ăn, trộm cắp vặt, đánh nhau. Thấy vậy, cô đề nghị các em tới nhà mình để cô dạy học. Nghe xong, các em đều tỏ ra mừng rỡ và nhảy lên đồng ý. Cô còn dặn các em kêu thêm các bạn có hoàn cảnh giống mình đến học, cô sẽ dạy cho tất cả.
* Hành trình không mỏi
Cô Hà Duy chia sẻ, lớp học của cô có hơn 60 học sinh. Các em đang ở độ tuổi ham chơi, nên không lường trước được những trò nghịch ngợm của các em. Không chỉ lo cho các em học được chữ, làm được toán cơ bản, cô còn dạy những bài học làm người để các em hình thành nhân cách tốt. “Giáo viên mầm non chúng tôi giống như những người làm vườn, nếu không khéo léo “uốn” các em từ nhỏ, thì để đến lớn sẽ càng khó đưa các em vào khuôn khổ hơn. Mỗi em là một cá tính khác nhau, không em nào giống em nào, nên mỗi ngày, sau khi các em được cha mẹ đón về, tôi lại cùng chồng bàn bạc tìm phương pháp để “uốn nắn” những em cá biệt. Con trai tôi, ngoài giờ học ở trường, cũng rất xông xáo trong việc dạy học ở nhà. Là sinh viên sư phạm, đây chính là môi trường rất tốt để nó làm quen với nghề” - cô Hà Duy tâm sự.
Cô Duy và thầy Thắng dạy các học trò ca hát. |
Thầy Đào Văn Thắng (52 tuổi), chồng cô Hà Duy, cho biết: “Tôi phụ vợ trong việc trông coi các em. Ngoài việc dạy học, tôi cũng tranh thủ tìm mua sách tâm lý để đọc rồi giải quyết những vấn đề của các em. Có nhiều em đi học còn mang theo gậy để đánh nhau, giành chỗ ngồi nên tôi phải can thiệp. Thậm chí, tôi phải đến gia đình từng em để tìm hiểu thêm về gia cảnh, rồi vận động phụ huynh khuyên bảo các em”.
Lớp của cô Hoàn ban đầu chỉ là ngôi nhà lá nhỏ, hàng xóm xung quanh người góp gỗ đóng bàn ghế, người góp lá dừa lợp nhà, người bỏ công sức tới phụ cô dựng nên lớp học. Khó khăn về cơ sở vật chất chỉ là một phần, điều làm cô Hoàn bận tâm nhiều nhất chính là hoàn cảnh gia đình khiến các em không thể theo học. Cô Hoàn liệt kê danh sách những em thường xuyên vắng mặt rồi tới từng nhà để tìm hiểu, em nào gia đình quá khó khăn thì cô chu cấp một số tiền để các em có thể yên tâm đi học. Từ hiệu quả của lớp học tình thương của cô Hoàn, năm 1998, Phòng Giáo dục TP.Biên Hòa đã giao cho cô phụ trách chương trình xóa mù chữ và phổ cập tiểu học cho trẻ em nghèo trong phường, ký hợp đồng trách nhiệm, trả lương đứng lớp cho cô Hoàn.
Ngoài việc làm một giáo viên, những thầy cô ở các lớp học tình thương còn là những nhà “tâm lý học”, khi có thể nắm bắt được tâm lý của các em, từ đó điều chỉnh hành vi của bản thân mình, hoặc các em học sinh. “Chúng tôi cũng chỉ là những hạt cát nhỏ bé trong biển đời mênh mông này thôi, góp chút sức lực nào được cho xã hội thì chúng tôi làm, không có gì to tát đâu. Thấy các em lang thang cơ nhỡ, tôi xót xa lắm. Là giáo viên nên tôi càng không thể bỏ mặc các em được, khó khăn mấy cũng phải ráng, trẻ em hôm nay là thế giới ngày mai mà…” - cô Hà Duy thổ lộ.
Đăng Tùng