Từ các huyện: Nhà Bè, Cần Giờ (TP.Hồ Chí Minh), Cần Đước (tỉnh Long An), các ngư dân theo nhánh sông nhỏ tìm về vùng nước lợ gần cửa biển Nhơn Trạch đánh bắt hải sản, nhất là con mực rồi bán cho thương lái.
Từ các huyện: Nhà Bè, Cần Giờ (TP.Hồ Chí Minh), Cần Đước (tỉnh Long An), các ngư dân theo nhánh sông nhỏ tìm về vùng nước lợ gần cửa biển Nhơn Trạch đánh bắt hải sản, nhất là con mực rồi bán cho thương lái.
“Nò” mực là nghề của ngư dân từ Cần Giờ đem đến đây khi mực những nơi khác đã khan hiếm qua thời gian đánh bắt theo kiểu tận diệt. Lưới để bắt mực là loại lưới có mắt nhỏ, được đan cùng với khung sắt thành những chiếc lồng, bên trong có mồi nhử để mực “có vào mà không có ra”.
* Nương theo con nước
Chiều dần buông trên quán nước ven sông, uống cạn tách trà nóng bốc hơi nghi ngút “cho ấm bụng”, anh Nguyễn Văn Bích (42 tuổi, ngụ ấp Bàu Bông, xã Phước An, huyện Nhơn Trạch) ra hiệu cho chúng tôi theo anh xuống sông xem ngư dân “nò” mực.
Anh Trần Văn Ngà thả lưới “nò” mực. Ảnh: Đ.Tùng |
Ngồi trên chiếc vỏ lãi chạy lướt ngang cánh rừng ngập mặn dày đặc những cây mắm, vẹt, bần... chúng tôi được nghe anh Bích kể: “Tui dân gốc huyện Mộc Hóa (tỉnh Long An). Cả nhà tui lênh đênh trên ghe lâu lắm rồi, từ hồi ông cố tui còn sống, tới giờ là hơn 50 năm có lẻ. Từ nhỏ, tui đã theo cha và ông nội kéo cá, câu ếch, làm thuê ở các đầm tôm... Gia đình tui đi khắp sông nước miền Tây, từ miệt Tiền Giang, Đồng Tháp, qua tận Campuchia rồi quay về vùng Rạch Giá, Long Xuyên... Chán cảnh rày đây mai đó, tui bỏ lên bờ, cất nhà và cưới vợ ở Long An. Mấy năm làm ruộng không đủ ăn, tui lại tiếp tục theo ghe cùng bạn bè lên Cần Giờ “nò” mực. Tui mới qua Nhơn Trạch làm ăn khoảng 3 năm nay thôi. Ở đây người ta đánh bắt ít, giờ cũng còn nhiều mực” - vừa nói, anh Bích vừa bẻ lái chiếc vỏ lãi về phía chiếc xuồng gỗ giữa sông, nơi có một người đang xếp lưới chuẩn bị thả.
Anh Bích tắt máy, chiếc vỏ lãi chở chúng tôi trôi chầm chậm đến nơi anh Trần Văn Ngà (40 tuổi) đang thả lưới cho kịp con nước để “nò” mực. Một đoàn ghe lớn chở gỗ chạy ngang qua, làm chiếc xuồng đứng yên bỗng chao đảo theo từng đợt sóng, nhưng anh Ngà vẫn bình thản đứng thả lưới như không có chuyện gì xảy ra.
Khi biết chúng tôi đến xem người dân ở đây “nò” mực, anh Ngà ngừng tay lưới, châm điếu thuốc tự quấn bằng giấy và lá thuốc khô rồi nói: “Ở cái xứ nước lợ này có gì hay đâu mà nhà báo phải xuống cho mất công. Hôm nay, tui thả có hơn chục lưới thôi, làm lẹ kẻo tối còn đi bắt cua nữa. Tụi tui mượn con nước cửa sông này mưu sinh, bữa nào “nò” được nhiều thì hôm đó gia đình ngủ ngon, bữa nào ít thì tối trời lại phải đi bắt cua, bắt nha, đào chem chép ở mấy rặng cây mắm, cây bần bên kia. Mà thôi, đợi tui thả lưới xong rồi lên bờ nói chuyện. Tui còn 5 con mực hôm qua kéo được, ít quá nên bán cũng không được bao nhiêu, để đó làm cơm luôn”.
Nói rồi, anh Ngà lại tiếp tục công việc của mình, trong lúc anh Bích nổ máy chiếc vỏ lãi đưa chúng tôi quay lại bờ.
* “Mặn đắng” nghề chài
Khoảng một tiếng sau, thấy chúng tôi đợi trên bờ, anh Ngà cột chiếc xuồng gỗ của mình vào gốc dừa gần đó rồi đưa chúng tôi đến nơi những người “nò” mực thường tụ tập để trò chuyện. Anh Ngà cho biết, mỗi lưới chuyên dùng “nò” mực được bán với giá 300 ngàn đồng, mỗi ngư dân có hơn 10 tay lưới, hộ nào có điều kiện thì sở hữu hàng chục tay lưới. Mỗi ngày, họ thả lưới vào lúc nước lớn và thu lưới khi nước ròng, mực bắt được sẽ để đến sáng sớm hôm sau mới đem bán cho các thương lái.
Mỗi buổi sáng, khoảng 3 giờ là bến nước ven sông ở xã Phước An (huyện Nhơn Trạch) đã có nhiều thương lái, ghe thuyền từ các nơi tụ tập về thu mua hải sản. “Ngày trước hải sản vùng này nhiều lắm, chúng tôi phải đến từ sớm, hoặc gọi điện thoại dặn trước mới có hàng tươi. Còn bây giờ hải sản ít dần, mực, cá ngát, chem chép… cũng không còn loại lớn, chỉ còn mấy con cỡ nhỏ nhỏ thôi” - chị Hà, thương lái hải sản đến từ Nhà Bè cho biết. |
Anh Huỳnh Thanh Lộc (39 tuổi, ngụ xã Phước An) cho biết, mỗi ký mực bán cho thương lái có giá khoảng 150-200 ngàn đồng, nhưng không phải ngày nào cũng bắt được nhiều. “Có bữa, thả lưới suốt 3 ngày mà khi kéo lên chẳng có lấy một con, hoặc chỉ có vài con tôm, cá. Những lúc ấy, chúng tôi chỉ biết thở dài và mong tới con nước sau sẽ có nhiều hơn. Mực bắt được ít, mà còn phải đối mặt với nạn trộm lưới, trộm mực. Có người, buổi chiều thả hơn 20 lưới, đến sáng hôm sau kiểm tra phát hiện lưới mất sạch, dây buộc ở gốc cây trên bờ bị tháo và kéo lên hết. Mỗi cái lưới giá 300 ngàn đồng, bị mất nhiêu đó coi như trắng tay, nên chúng tôi đêm nào cũng phải ra canh mấy lượt, vậy mà vẫn bị mất. Như tôi đây, cất nhà ở kế bên sông, nuôi chó để canh chừng, vậy mà cũng bị mất lưới mấy lần. Cũng may, nhờ phát hiện kịp thời nên không bị thiệt hại nhiều, cũng còn vốn để làm ăn” - anh Lộc thở dài, uống hết ngụm trà rồi nhìn về những hàng lưới của mình ở phía sông.
Con mực trên tay người ngư dân. |
Không chỉ riêng anh Lộc, những người làm nghề “nò” mực ở đây ai cũng chung một nỗi lo như vậy. Nhiều người cho biết, bọn trộm thường canh những đêm tối trời, không trăng rồi dùng xuồng gỗ thả trôi trên sông để tiếp cận những lưới “nò” lấy trộm, nên ít ai phát hiện ra.
Nhưng điều đáng lo nhất với các ngư dân này là nguồn thủy sản đang ngày càng cạn kiệt. Anh Ngà cho biết, mắt lưới để “nò” mực là loại nhỏ nên không chỉ mực, mà đôi khi cả cá con, tôm nhỏ cũng bị mắc vào. Đến khi kéo lên, người dân đã “tận thu” mà không thả lại sông, khiến số lượng hải sản ở đây ngày càng hiếm dần. Ngày trước, người dân chỉ bắt mực bằng cách câu hoặc thả lưới lớn, mực nhỏ vẫn có thể sống được, nên không bao giờ bị cạn kiệt. “Giờ thì “đuối” lắm rồi, ngoài dân địa phương, còn nhiều ghe từ nơi khác tìm đến đây để “nò” mực. Trên một khúc sông nhỏ mà có tới hàng trăm cái lưới cùng giăng suốt ngày đêm thì con gì mà thoát cho nổi. Đánh bắt riết nên thiên nhiên bị cạn dần, độ vài năm nữa chắc chỗ này cũng hết mực thôi” - anh Ngà ngán ngẩm thở dài.
Nhìn đồng hồ đã hơn 20 giờ, hút hết điếu thuốc, anh Ngà tạm biệt chúng tôi để lên xuồng tiếp tục cuộc mưu sinh nơi vùng nước lợ. “Đêm nay, không biết có bắt được con mực nào không. Thôi thì cứ đi bắt vài con cua để mai có cái mà ăn, mà không chừng đến cua cũng chưa chắc bắt được con nào nữa…” - anh Ngà buông lời trước khi bỏ đi.
Đăng Tùng