Báo Đồng Nai điện tử
En

Thăng trầm đèn cầy gió

11:12, 01/12/2013

Để chuẩn bị đèn cầy gió phục vụ cho nhiều ngày lễ lớn của người Hoa vào thời điểm cuối tháng Chạp và đầu tháng Giêng âm lịch, những người thợ làm nghề truyền thống này ở ấp Lộ 25, xã Bàu Hàm 2 (huyện Thống Nhất) lại tất bật bước vào mùa "chạy hàng" hàng năm.

Để chuẩn bị đèn cầy gió phục vụ cho nhiều ngày lễ lớn của người Hoa vào thời điểm cuối tháng Chạp và đầu tháng Giêng âm lịch, những người thợ làm nghề truyền thống này ở ấp Lộ 25, xã Bàu Hàm 2 (huyện Thống Nhất) lại tất bật bước vào mùa “chạy hàng” hàng năm.

Băng qua những cánh đồng bạt ngàn khoai mì của huyện Thống Nhất, chúng tôi vào nhà bà Sỳ Thị Mai (ngụ ấp Lộ 25, xã Bàu Hàm 2) để tìm hiểu về nghề làm đèn cầy gió của người Hoa, được truyền trong gia đình bà suốt nhiều thế hệ.

* Theo chân người xa xứ

Chậm rãi lật cuốn sách ghi chép được truyền qua nhiều thế hệ trong gia đình, bà Mai kể cho chúng tôi nghe câu chuyện về những chiếc đèn cầy gió hàng trăm năm trước đã theo chân người Hoa tìm đến phương Nam.

Bà Thìn Sí Múi đổ sáp nóng vào khuôn đèn.
Bà Thìn Sí Múi đổ sáp nóng vào khuôn đèn.

Những chiếc đèn cầy gió được người Hoa dùng trong những dịp lễ lớn, như: Tết Nguyên đán, tảo mộ… “Khác với đèn cầy thông thường, đèn cầy gió có lõi rất lớn, không dùng sợi bấc làm tim, mà dùng tre quấn bông làm tim. Khi đốt, lửa đèn cầy gió cháy rất lớn và khó tắt, dù có đem ra trước gió. Vì được dùng vào việc cúng bái là chính, nên lõi đèn được sản xuất nhô ra ngoài để cắm giống như nhang. Ngày xưa, chúng tôi còn dùng nó thay cho đuốc, vì lửa cháy lớn, soi sáng được một khoảng rộng, nhưng không quá nóng và nặng như đuốc…” - vừa nói, bà Mai vừa đốt một cây đèn cầy đưa ra trước luồng gió của chiếc quạt đang quay, nhưng ngọn lửa vẫn không tắt.

Bà Mai kể, ban đầu gia đình bà làm ruộng, chỉ có người em trai của bà ở TP.Hồ Chí Minh giữ nghề làm đèn cầy gió. Nhưng vào năm 1997, do thu nhập không đủ để xưởng duy trì hoạt động và thuê thợ, người em trai đã đề nghị bà Mai làm để duy trì nghề truyền thống. Bắt tay vào thực hiện với những bỡ ngỡ về cách làm, dạy nghề cho nhân công, đầu ra cho sản phẩm…, phải mất gần một năm bà mới dám tự tin đưa sản phẩm của mình ra thị trường. Dần dần, đèn cầy gió được tiêu thụ trong cộng đồng người Hoa ở các huyện: Thống Nhất, Trảng Bom, Định Quán và TX.Long Khánh, nên đầu ra cho sản phẩm cũng tương đối ổn định.

Đưa chúng tôi xuống xưởng sau nhà tham quan, bà Mai chia sẻ: “Ban đầu, chỉ có vợ chồng, con cái trong nhà tôi học cách làm, rồi chia nhau chạy tìm mối mua hàng, tìm nơi xuất hàng. Có được mối mua vật liệu rồi, tôi lại loay hoay tìm cách vận chuyển từ TP.Hồ Chí Minh về tận đây mà không quá tốn kém. Gần 2 năm sau, khi đầu ra cho sản phẩm đã ổn định, tôi mới dám thuê nhân công là những người dân xung quanh. Đến nay thì việc sản xuất, tiêu thụ sản phẩm đã đi vào ổn định, nhân công tôi thuê gần 20 năm qua cũng đã quen việc, nên tốc độ sản xuất cũng đáp ứng được nhu cầu của các nơi đặt mua”.

* Vẹn nguyên truyền thống

Những năm đầu sản xuất đèn cầy gió, khó khăn về nguồn vốn, đầu ra đã khiến bà Mai bỏ cuộc không ít lần. Mỗi khi có đợt hàng, bà lại phải đi TP.Hồ Chí Minh mua sáp, rồi thuê xe vận chuyển về. Những lần như vậy, chi phí tốn kém và không đem lại hiệu quả cao, nhưng được sự động viên của anh em trong nhà, bà lại tiếp tục cố gắng. “Khi ấy, tôi cũng nghĩ nghề của cha ông truyền lại, em mình vì điều kiện khó khăn mà không giữ được thì mình phải có trách nhiệm gìn giữ để truyền cho con cháu” - bà Mai bộc bạch.

Làm nguội trong nước lạnh để cho ra những chiếc đèn cầy.
Làm nguội trong nước lạnh để cho ra những chiếc đèn cầy.

Anh Trần Vĩnh Kim (27 tuổi), con trai bà Mai, hiện đang tiếp quản xưởng sản xuất đèn cầy gió của gia đình bà. Do từ nhỏ đã học được cách làm đèn cầy từ cha mẹ nên anh Kim không bỡ ngỡ khi đứng ra điều hành công việc. Tất cả các công đoạn làm đèn cầy gió, từ khâu nấu chảy “bánh” sáp, tìm tre để làm lõi đèn…, anh đều trực tiếp làm cùng công nhân của mình. “Đây là nghề gia truyền nên tôi phải tự tay làm mọi việc, kiểm tra thật kỹ từng lô đèn cầy từ khi còn trong khuôn để đảm bảo chất lượng của sản phẩm. Sản xuất chủ yếu vào những dịp lễ của người Hoa trong năm nên công việc không đều đặn. Ngoài người nhà làm thường xuyên, chúng tôi cũng thuê thêm người gia công một số công đoạn” - anh Kim cho biết.

“Mỗi chiếc đèn cầy gió được chúng tôi nâng niu và trân trọng không chỉ bởi đó là công sức do đôi tay mình làm ra, mà đó còn là biểu tượng cho nền văn hóa của cộng đồng người Hoa chúng tôi” - bà Sỳ Thị Mai tâm sự.

Khi chúng tôi đến, trong xưởng của gia đình bà Mai có 2 công nhân đang nấu sáp và đổ khuôn cho đèn loại nhỏ. Đôi tay thoăn thoắt của họ liên tục cắm lõi đèn đã quấn sẵn bông, rót sáp nóng chảy vào khuôn, ngâm qua nước lạnh chờ sáp nguội rồi xếp những cây đèn đã thành hình vào thùng. Đèn cầy gió đứng vững và cháy lớn chủ yếu nhờ phần lõi quấn bông bên trong nên công đoạn lựa tre là quan trọng nhất. Anh Kim phải đến tận những hộ trồng tre để lựa rồi đem về chia ra thành những đoạn nhỏ phù hợp với các kích thước đèn cầy khác nhau. Xong đâu đó, phải ngâm tre trong nước ít nhất một tháng để tránh bị mọt. “Lõi tre rất quan trọng, nếu bị mọt sẽ ảnh hưởng đến ngọn lửa khi đốt và hơn hết là khi cắm sẽ bị gãy” - đưa chúng tôi đi xem những đoạn tre đang được ngâm trong hồ nước, anh Kim nói.

Bà Ngô Thị Mười (ngụ ấp Lộ 25, xã Bàu Hàm 2) đã có hơn 10 năm làm đèn cầy gió cho gia đình bà Mai. Những khi chuẩn bị ‘‘chạy hàng”, chị cùng với một người nữa có thể làm được khoảng 5 ngàn cây đèn loại nhỏ một ngày. Tùy vào số lượng đèn khách hàng yêu cầu, gia đình bà Mai sẽ thuê thêm người đến phụ. Công việc này chủ yếu được những người phụ nữ có tuổi nhận làm thêm trong những ngày nông nhàn. Mỗi ngày làm việc, bà Mười có thể kiếm được từ 150-200 ngàn đồng.

Còn bà Thìn Sí Múi (ngụ ấp Lộ 25, xã Bàu Hàm 2) cho biết: “Ngoài việc đóng khuôn đèn cầy tại đây, tôi cũng nhận thêm việc làm lõi đèn về nhà làm. Những ngày gần lễ như hôm nay, tôi cũng kiếm thêm được một khoản kha khá để phụ thêm thu nhập từ nông sản của gia đình”.

Đăng Tùng

 

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều