Báo Đồng Nai điện tử
En

60 năm thăng trầm nghề cắt tóc

10:10, 28/10/2013

Hơn 20 năm nay, ngôi nhà mái ngói rêu phong nằm sâu trong con hẻm nhỏ thuộc ấp Nhị Hòa, xã Hiệp Hòa (TP.Biên Hòa) là nơi cư ngụ của ông Nguyễn Minh Mẫn (77 tuổi), người thợ cắt tóc có gần 60 năm bươn chải với nghề “nắm đầu thiên hạ”.

Hơn 20 năm nay, ngôi nhà mái ngói rêu phong nằm sâu trong con hẻm nhỏ thuộc ấp Nhị Hòa, xã Hiệp Hòa (TP.Biên Hòa) là nơi cư ngụ của ông Nguyễn Minh Mẫn (77 tuổi), người thợ cắt tóc có gần 60 năm bươn chải với nghề “nắm đầu thiên hạ”. Với ông Mẫn, đó không chỉ là công việc, mà còn là niềm đam mê và là cách để ông cảm thấy mình còn có ích cho đời.

Ông Nguyễn Minh Mẫn chuẩn bị dụng cụ cho một ngày làm việc.
Ông Nguyễn Minh Mẫn chuẩn bị dụng cụ cho một ngày làm việc.

Trong cái nóng oi bức của buổi chiều tháng 10, ông Mẫn ngồi trầm tư bên tách trà nóng bốc hơi nghi ngút rồi chậm rãi kể cho chúng tôi nghe những thăng trầm 60 năm trong nghề cắt tóc của mình.

* Tuổi trẻ mê mải tiếng tông-đơ

Ngày còn nhỏ ở quê, ông Mẫn có người cậu mở tiệm cắt tóc. Năm ông 17 tuổi, trong một lần cậu của ông đi vắng và nhờ ông trông coi tiệm, có một người khách quen đến cắt tóc. Ông Mẫn đã từ chối và năn nỉ người khách đợi ông đi gọi cậu về, nhưng người khách bảo ông cứ mạnh dạn cầm kéo lên, ông ta sẽ chỉ cho ông làm từ từ. Đánh liều, ông nhận lời và thế là vị khách nọ vừa nhìn gương, vừa nhìn người thợ “nhí” để hướng dẫn từng bước một. Hơn 2 tiếng đồng hồ sau ông Mẫn mới làm xong, đôi tay mỏi nhừ, nhưng bù lại ông nhận được lời khen từ người khách nọ: “Mày làm được lắm, để tao nói ông Ba (cậu của ông Mẫn) dạy nghề cho mày”.

Từ đó, ông được người cậu ruột “huấn luyện” để trở thành một thợ cắt tóc giỏi. 3 tháng đầu, ông Mẫn chỉ được dạy sử dụng tông-đơ sao cho khéo và không bị trượt. Ông kể: “Suốt mấy tháng trời, tôi phải tập sử dụng thành thục

Ông Nguyễn Minh Mẫn cắt tóc cho một người khách.
Ông Nguyễn Minh Mẫn cắt tóc cho một người khách.

tông-đơ. Nhiều lần do tập nhiều quá tay bị chuột rút đau đớn lắm, nhưng cậu tôi không cho nghỉ, hết đau phải tập tiếp. Khi đã quen với tông-đơ rồi thì chuyển qua tập với kéo, tuy có nhẹ hơn nhưng phức tạp ở chỗ phải khéo léo, không được để kéo đụng vào đầu khách, nếu không sẽ rắc rối to”. Mỗi ngày ông đều đem bộ dụng cụ cắt tóc của cậu về nhà và “mượn” những đứa em, hoặc trẻ con hàng xóm để “thực tập”. Vì được cắt tóc miễn phí nên hàng xóm luôn vui vẻ mỗi lần thấy ông “thực tập” trên đứa con của mình, chẳng mấy chốc mà tay nghề ông Mẫn khá lên trông thấy. Gần một năm sau, ông đã có thể tự tin cầm kéo đứng cắt tóc cho khách mỗi khi cậu ông đi vắng và nhiều người cũng thích người thợ “nhí” vì sự tỉ mỉ trong từng mũi kéo của ông.

“Để học được nghề hớt tóc, điều cần nhất ở người thợ là sự tỉ mỉ, tính nhẫn nại. Ngày mới bắt đầu học nghề, nhiều lần làm đến giữa chừng thì tay mỏi rã rời, nhưng tôi không bao giờ bỏ cuộc. Đây vốn là công việc không phải dành cho những người có tính nóng nảy, bộp chộp” - ông Nguyễn Minh Mẫn tâm sự.

Ông Mẫn kể, hồi những năm 1940-1950, ở Bến Tre quê ông không có trường trung học, ông phải nghỉ học một năm để phụ cậu cắt tóc, kiếm tiền lên Mỹ Tho thuê nhà trọ học tiếp bậc trung học. Đến khi đi làm trên Sài Gòn, ông vẫn tranh thủ những ngày nghỉ qua tiệm cắt tóc của một người quen để phụ thêm. Ông Mẫn nói: “Nghề cắt tóc giống như một nghề gia truyền với tôi vậy, duyên đến với nghề thì tình cờ, nhưng theo đuổi nghề lại do chính bản thân tôi lựa chọn. Đến giờ đã 60 năm, nhưng tôi vẫn thầm cám ơn người khách năm nào đã tin tưởng giao cho tôi cắt tóc để đến giờ tôi vẫn tự hào khi có thể kiếm sống từ công việc này”.

* “Lênh đênh” cơm áo giữ nghề

Sau ngày đất nước thống nhất, để lại vợ con ở Biên Hòa, ông Mẫn về quê Bến Tre để chăm sóc mẹ già và mở tiệm cắt tóc cho bà con để vừa giữ nghề, vừa giữ nhà. Khách hàng của ông khi đó phần đông là bà con lối xóm, thu nhập không nhiều, nhưng ông làm chủ yếu để có thể phụng dưỡng mẹ và coi sóc vườn dừa nhà ông. “Hồi đó, tôi làm chủ yếu cho người quen, anh em hàng xóm nên cũng không lấy nhiều tiền, người nào có thì trả tiền, không có thì đem cho tôi con cá, miếng thịt, bó rau coi như xong. Tôi cũng không dám đòi hỏi gì nhiều, vì bà con xung quanh ai cũng nghèo. Tôi về đó mở tiệm cũng là vì nặng lòng với quê hương và để tiện chăm sóc mẹ già” - ông Mẫn tâm sự.

Đọc báo những lúc vắng khách.
Đọc báo những lúc vắng khách.

Khi mẹ qua đời, năm 1990, ông Mẫn trở lại quê vợ ở Biên Hòa và tiếp tục mở tiệm cắt tóc ở gần sân phơi lúa ấp Nhị Hòa, xã Hiệp Hòa. Lâu dần, người dân ở đây gọi ông với tên: “ông Năm Mẫn cắt tóc”. Thời gian đó, ở xã Hiệp Hòa không có nhiều người mở tiệm cắt tóc nên tiệm của ông rất đông khách. Thế rồi, người này rỉ tai người kia, nên những ngày cuối tuần ông làm không hết việc. “Tiệm của tôi hồi đó chỉ là cái chòi nhỏ, mái lợp lá dừa, nhưng đông khách lắm. Bà con ở đây cũng chịu khó ngồi đợi để tôi cắt, có người đợi cả tiếng đồng hồ không bỏ về, vì sợ khi trở lại sẽ bị người khác ngồi mất chỗ” - ông Mẫn tươi cười kể lại thời “hoàng kim” của mình.

Đến năm 2011, do tuổi cao nên ông Mẫn quay về căn nhà trong hẻm ở ấp Nhị Hòa để vừa coi nhà, vừa mở tiệm cắt tóc. Nhưng thu nhập của ông lúc này không còn nhiều như trước, phần do có nhiều tiệm mới “mọc” lên, phần bởi tiệm của ông nằm sâu trong hẻm nhỏ, bảng hiệu “khiêm tốn” nên chỉ có những khách quen tìm tới. “Khách của tôi hiện giờ chủ yếu là người lớn tuổi và trẻ nhỏ. Thanh niên bây giờ thích kiểu tóc hiện đại nên tôi không đáp ứng được, cũng đành chịu, thời thế thay đổi mà. Có ngày từ một đến hai khách, nhưng có tuần chẳng có người nào. Lắm lúc cũng buồn, nhưng ngẫm lại thấy mình già rồi, nên rút về sau nhường “khán đài” lại cho lớp thợ trẻ bây giờ. Tôi làm ở nhà cũng để vừa coi nhà, vừa có chỗ cho mấy ông bạn già ở đây lui tới tâm sự, nói chuyện cho vui” - ông Mẫn bộc bạch.

Ở cái tuổi 77, ông Mẫn vẫn ngày ngày dậy sớm tập thể dục, mua báo đọc, rồi lại về nhà chuẩn bị bộ dụng cụ, lòng mong có người tới để ông cắt tóc. “Người già mà, chỉ muốn được động tay động chân để cảm thấy mình còn có ích, chứ ngồi mãi một chỗ sao mà chịu nổi. Khi tôi dọn về làm tại nhà, đi đường bà con hay hỏi tôi giờ làm ở đâu, sao không thấy mở tiệm nữa. Lúc ấy tôi chỉ cười trừ, mình cũng có tuổi rồi, không thích bon chen làm gì” - nhấp ngụm trà cuối, ông Mẫn nhẹ nhàng thổ lộ.

Đăng Tùng

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều
Khám phá web đọc sách phong phú