Báo Đồng Nai điện tử
En

Xóm Đồng Nai ở Đam B’ri

10:10, 25/10/2013

Từ những vụ cà phê được mùa, được giá, trên 30 hộ nông dân ở Đồng Nai bắt đầu chuyến di cư ngược lên Đam B’ri (TP.Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng) tậu đất tạo dựng sự nghiệp.

Từ những vụ cà phê được mùa, được giá, trên 30 hộ nông dân ở Đồng Nai bắt đầu chuyến di cư ngược lên Đam B’ri (TP.Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng) tậu đất tạo dựng sự nghiệp. Ông Lê Viết Chí (trưởng xóm 4, thôn 11, xã Đam B’ri) sảng khoái kể: “Hồi chúng tôi tìm đến vùng này mua đất, người dân địa phương thấy chúng tôi đi xe máy mang biển số 60 là ngoắc lại tiếp thị. Một hécta đất rẫy giá chỉ khoảng 10 triệu đồng, tương đương với 1 cây vàng hoặc 1 tấn cà phê nhân thời điểm 1994-1995 mà thôi”.

Anh Dín Chanh Số (phải) thu hoạch cà phê trên khu đất rẫy rộng 2,5 hécta. Ảnh: Đ.P
Anh Dín Chanh Số (phải) thu hoạch cà phê trên khu đất rẫy rộng 2,5 hécta. Ảnh: Đ.P

Bao vốn liếng từ quê nhà tích lũy theo từng niên vụ cà phê, tiêu được dồn vào mua rẫy, đầu tư vườn... nông dân Đồng Nai ở Đam B’ri chưa kịp mừng thì trận mưa đá năm 2001 trút xuống vùng đất Đam B’ri, làm cho cây trồng tan nát, chết yểu. “Hết vốn đầu tư, chúng tôi phải ăn nợ, mua nợ từng ký muối, bao gạo, phân bón... để cầm cự. Vì vậy, nhà nào cũng có một tờ “sớ” ghi nợ các quán, đại lý gần chục trang vở học trò. Những người thiếu kiên nhẫn thì vội sang nhượng lại đất cho đồng hương lân cận với giá rẻ hoặc bỏ phế đất đai, chạy về lại Đồng Nai làm lại từ đầu” - anh Dín Chanh Số (một người dân Đồng Nai ở xóm 4, thôn 11, xã Đam B’ri) nhớ lại.

* Nơi độ cao 600m

Một chiều giữa tháng 10, Đam B’ri mưa không dứt hạt. Thấy chúng tôi ướt như chuột lột vì phải vượt chặng đường dài trên 150 km từ TP.Biên Hòa đến Đam B’ri, chị Vòng Lỵ Mùi (vợ anh Số) liền nhóm củi đun một nồi nước nóng thật to, xách vào phòng tắm lục đục pha nước. Chị thúc giục chúng tôi: “Các anh tắm ngay đi, không nước nguội bây giờ. Nơi đây lạnh lắm, phải tắm bằng nước ấm mới khỏe. Tắm xong các anh ra dùng cơm với nhà tôi và chuyện trò bao nhiêu chuyện cũng được mà”.

Từ TP.Biên Hòa chúng tôi theo quốc lộ 20 về TP.Bảo Lộc, sau đó tìm đường về xã Đam B’ri. Xóm Đồng Nai (xóm 4, thôn 11) cách Khu du lịch Đam B’ri 7 km. Đường vào xóm Đồng Nai giờ đã trải nhựa, các hộ dân được nhà nước kéo điện về tới tận nhà và hai bên đường có những ngôi nhà xây kiên cố nằm lọt thỏm trong màu xanh của những vườn trà, cà phê bạt ngàn...

Trước sự nhiệt tình của vợ chồng anh Số, chúng tôi tranh nhau xối những ca nước ấm áp lên người. Sau đó, bận đồ gia chủ (vì đồ đạc mang theo bị ướt hết, trừ máy quay và máy ảnh) chúng tôi chễm chệ ngồi vào mâm đối tửu với chủ nhà. Qua vài ly rượu, anh Số kể về gia đình mình: Năm 1994, cha anh là ông Dín A Vòng dẫn 3 người con trai lớn (trong số 6 người con), gồm: Số, Cẩu, Tầy lên Đam B’ri lập nghiệp. Mục đích của ông Vòng là tìm vùng đất mới để chia cho các con khi đến tuổi trưởng thành, lập gia đình riêng. “Ở TX.Long Khánh, cha tôi chỉ có hơn 2 hécta đất trồng cà phê, tiêu không đủ chia đều cho các con nên ông quyết định theo chân dân Đồng Nai về đây tìm đất. Ngoài cha tôi còn có thêm 30 hộ khác từ các huyện, như: Cẩm Mỹ, Thống Nhất, Định Quán... về Đam B’ri tìm đất tạo lập sự nghiệp cho con khi trưởng thành. Chính vì vậy mà xóm 4, thôn 11 được người dân địa phương gọi là xóm Đồng Nai” - anh Số tâm sự.

Cây tiêu đang hứa hẹn sự đột phá làm giàu của người dân nơi đây.
Cây tiêu đang hứa hẹn sự đột phá làm giàu của người dân nơi đây.

Câu chuyện lập nghiệp của dân Đồng Nai tại vùng đất Đam B’ri trở nên rôm rả hơn khi xóm trưởng xóm 4 Lê Viết Chí và ông Chướng Lỷ Sáng đội mưa đến thăm. Xóm trưởng Chí cho biết, đất Đam B’ri ngày ấy rất cằn cõi, cỏ không mọc được trong các vườn chè, vườn dâu chứ nói gì đến chuyện trồng màu. Để trồng được cây cà phê tại vùng đất này, nông dân Đồng Nai nghĩ trăm phương ngàn kế để thử nghiệm. Theo kinh nghiệm từ Đồng Nai, để trồng cà phê nông dân phải đào bồn, ủ đất trước khi xuống giống. Dù nông dân chăm sóc vườn cà phê đúng quy trình kỹ thuật như tại quê nhà, nhưng cây vẫn èo uột, vàng lá không phát triển được. Cuối cùng gia đình anh và các nông dân khác mới nhận ra được rằng, Đam B’ri thuộc vùng khí hậu ôn đới, thời tiết mát lạnh quanh năm và mưa nhiều hơn nắng. Chính vì vậy, khi đào bồn dẫn đến việc cây cà phê bị đọng nước, vàng lá, phát triển èo uột. “Từ đó, nông dân mình mới rủ nhau phá bồn và hiệu quả thấy rõ ngay sau đó” - trưởng xóm Lê Viết Chí nói.

* Sức người và sự đổi thay

“Đến Đam B’ri thấy đất rộng và rẻ nên nông dân Đồng Nai tụi tui đổ xô nhau mua. Khi mua được rồi thì mới vỡ lẽ vì sao người dân địa phương dễ dàng nhượng lại đất cho mình. Bởi, đất ở đây bị trôi rửa, bạc màu nên cằn cõi, cỏ tranh không mọc nổi nói gì đến cây trồng” - nông dân Sáng tỏ bày. Rồi ông trầm ngâm một lúc mới chịu nói về những tháng ngày cơ cực của mình với chúng tôi rằng, để trụ lại vùng đất Đam B’ri khi đã bán hết vườn rẫy ở Đồng Nai, bản thân ông chỉ còn cách dồn hết sức và số vốn ít ỏi còn lại sau để chăm cây, chăm vườn. “Ngày đầu về đây, dân Đồng Nai mình ai cũng rủng rỉnh tiền. Tuy vậy, chỉ sau vài năm đầu tư cà phê thì hết nhẵn vốn, nên buộc lòng phải mua nợ phân, thuốc, gạo, thức ăn của người trong xã mà hy vọng” - ông Sáng nói.

Các nhân công hái trà ở xóm Đồng Nai.
Các nhân công hái trà ở xóm Đồng Nai.

Mưa vẫn không dứt hạt, Đam B’ri chìm trong đêm càng lạnh buốt da thịt khi quá khứ hiện về. “Những năm đó, thanh niên tụi tôi chỉ biết quẩn quanh các gia đình trong xóm để chơi, tụ tập nhau ở nhà có con gái đàn hát hoặc rủ nhau đi đuổi thỏ, đuổi chồn để cải thiện bữa ăn. Thời ấy khổ mà vui lắm, vào những dịp lễ, tết thì thanh niên rủ nhau ra thác Đam B’ri chơi hoặc góp rượu, gà để làm tiệc tại nhà. Người có tuổi và thanh niên đều quý nhau như người trong nhà, dòng họ nên sống rất đoàn kết, vui vẻ. Thôi tôi chỉ chuyện trò đến đây để ngày mai nói tiếp nhé, vì các anh cũng mệt rồi” - anh Số bộc bạch khi đồng hồ chỉ 11 giờ đêm.

Ông Nguyễn Công Thủy, Trưởng thôn 11, xã Đam B’ri (TP.Bảo Lộc) tâm sự, người dân từ Đông Nai về đây ai cũng khá giả. Nhà nào cũng có từ 3 đến 5 hécta đất sản xuất. Ngoài những hộ sống tập trung tại xóm 4, người Đồng Nai còn lập nghiệp rải rác khắp nơi trong xã và họ sống đoàn kết, xem nhau như ruột thịt, chưa một lần xảy ra xô xát phải cậy nhờ thôn, xã giải quyết.

Trong tấm chăn dày của xứ sương mù, chúng tôi đánh một giấc thật ngon đến sáng. Tỉnh dậy, chúng tôi được đón chào ngày mới bằng bữa cơm sáng thịt gà thả vườn và cà phê tự chế biến của vợ chồng anh Số. Chính điều đó càng làm cho Đam B’ri khác hẳn với câu chuyện ngày đầu lập nghiệp mà các nông dân Đồng Nai vừa kể tối qua. Cơm nước xong, anh Số xông xáo dẫn chúng tôi đến thăm các nông dân trong xóm. “Ngày đầu xóm chỉ có 30 hộ chính về đây lập nghiệp. Sau khi làm ăn thất bại, 10 hộ bỏ về Đồng Nai nên xóm chỉ còn lại 20 hộ. 20 hộ này nay tách ra thành 50 hộ nhỏ khi các con đã lập gia đình. Mỗi hộ có từ 3-5 hécta trồng cà phê, trà. Mỗi hécta cho lợi nhuận từ 150 đến 200 triệu đồng/năm. Bây giờ trong xóm ai cũng khá giả và mua được đất ở TP. Bảo Lộc để tiện cho con cái học tập” - anh Số vừa đi vừa giới thiệu.

Cứ vậy, dưới cái lạnh của Đam B’ri buổi sớm, chúng tôi nhẩn nha cùng anh Số thăm cả chục hộ gia đình trong xóm Đồng Nai và cùng họ dạo trong các vườn cà phê, trà xanh tốt. Chỉ tay vào vườn cà phê đang vào vụ thu hoạch của ông Lình Chống Hếnh, anh Số cho biết, đất Đam B’ri giờ đây trồng cây gì cũng xanh tốt: sầu riêng thì cơm dầy hơn, vú sữa, ổi, xoài, bơ cây nào cũng sai trái. Tuy vậy, nông dân chưa dám trồng cây ăn trái trong vườn vì đầu ra chưa ổn định.

Đoàn Phú - Minh Tâm

 

 

 

Tin xem nhiều