Là Thị ủy viên, Bí thư xã Bửu Hòa (TP.Biên Hòa) từ năm 1970-1976, bà Lê Thị Não (Hai Não) là một trong những người chỉ huy giải phóng và góp phần tiếp quản TP.Biên Hòa những ngày đầu hòa bình được lập lại.
Là Thị ủy viên, Bí thư xã Bửu Hòa (TP.Biên Hòa) từ năm 1970-1976, bà Lê Thị Não (Hai Não) là một trong những người chỉ huy giải phóng và góp phần tiếp quản TP.Biên Hòa những ngày đầu hòa bình được lập lại.
[links(right)]
“Tháng 4-1969, Đội phó Đội biệt động thành Tô Hoàng Thắng ra đầu hàng địch, dẫn lính về khui hầm bí mật tại xã để giết hại nhiều cán bộ cốt cán của ta, trong đó có anh Ba Trơn (Bí thư chi bộ Hiệp Hòa), chị Năm Hiền (Tỉnh ủy viên, cán bộ phụ trách Dân vận Tỉnh ủy Biên Hòa U1). Nhiều cơ sở nuôi giấu cán bộ ở Biên Hòa đã bị bắt bớ, tra tấn, tù đày. Phong trào cách mạng ở Bửu Hòa bị đánh phá tan nát. Đầu năm 1970, đang là Ủy viên thường vụ Huyện ủy Dĩ An (nay thuộc tỉnh Bình Dương), tôi được đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Biên Hòa Phan Văn Trang (Năm Trang) phân công về Thị ủy Biên Hòa” - bà Hai Não nhớ lại…
* Tạo thế trong lòng địch
Để đánh lạc hướng, tạo thế hợp pháp hoạt động trong lòng địch, tôi về Long Thành móc nối với cơ sở để làm sổ gia đình (giống như hộ khẩu ngày nay), sau đó đến Chợ Đồn (xã Bửu Hòa) tìm mua nhà. Tôi đề nghị với anh Năm Trang, được “mượn” một người đóng vai “chồng” để che mắt địch. Tính tới tính lui, tôi chọn anh Mười Đậu, cơ sở của tôi từ năm 1951, người rất đáng tin cậy, chị Mười cũng hiểu biết, sẽ không gây rắc rối.
Quân giải phóng tiến công vào Biên Hòa ngày 30-4-1975. Ảnh: Tư liệu |
Để rõ ràng minh bạch, tôi bày tỏ khó khăn của mình với chị Mười, nhờ chị thuyết phục anh Mười giúp cho tôi có thế hợp pháp để thuận tiện hoạt động. Quả nhiên, chị Mười đã giúp tôi rất vô tư. Việc thuyết phục anh Sáu chồng tôi cũng dễ, vì anh cũng hoạt động mật, hiểu những gì phải làm để tạo vỏ bọc tốt, đồng thời cũng biết rõ cần hy sinh tiểu tiết vì đại nghĩa cách mạng.
Người khiến tôi lo lắng, khó thuyết phục nhất lại là con bé mới 10 tuổi, cháu Kim Anh. Thuyết phục đã đời, nó mới gật đầu. Vậy mà, lúc anh Mười Đậu vô nhà, tôi biểu nó gọi anh bằng ba, con nhỏ không chịu thưa, bỏ đi xuống nhà sau mà nước mắt giọt ngắn giọt dài. Tôi lại phải tỉ tê: “Lính đang truy bắt má, má con mình phải lánh qua đây. Giờ má mượn cậu Mười Đậu giả làm chồng để qua mắt địch, đâu phải má bỏ ba con lấy cậu Mười thiệt đâu. Ba còn đó, bà ngoại với mấy anh con cũng còn đó, làm sao má làm chuyện như vậy được. Con hổng muốn má bị bắt, muốn má hoạt động được, đi làm ăn nuôi con với mấy anh, thì con phải biết nghe lời má chớ”. Tới chừng đó, nó mới thông ra. Từ đó, mỗi lần anh Mười tới nhà, nó đon đả chạy ra kêu “ba, ba” om sòm, rất vui vẻ. Bà con lối xóm nhiều người còn khen con nhỏ… “giống y hịch anh Mười”.
* Gầy dựng phong trào
Khi tôi về, Thị ủy Biên Hòa chỉ đạo bằng mọi giá phải tìm cách khôi phục phong trào và phát triển thực lực ở vùng này, vì Bửu Hòa là một cửa ngõ quan trọng của thị xã Biên Hòa. Hoạt động ở nội thành cũng khác các vùng nông thôn. Ta không nặng về đấu tranh vũ trang, mà chủ yếu phát triển đấu tranh chính trị. Công tác gầy dựng cơ sở ở Hiệp Hòa lúc này rất khó khăn, vì sau đợt tên Thắng phản bội, cơ sở đã bị vỡ hết. Số bà con còn lại cũng rất dè dặt khi tiếp xúc với cách mạng. Dần dà, tôi nắm lại được một số cơ sở cũ, gầy dựng thêm cơ sở mới.
Mỗi lần nhận truyền đơn chuyển từ căn cứ Hưng Lộc, Bàu Hàm về, tôi phân cho các cơ sở chia nhau rải ở những khu vực đông người. Địch vừa huênh hoang: “Đánh rã xương sống Việt Cộng”, thì hôm sau truyền đơn đã có mặt đầy đường, chứng tỏ cách mạng vẫn tồn tại ngay trong lòng địch, nơi mà chúng tự hào an toàn tuyệt đối.
Với số đối tượng tề ngụy ác ôn, tôi tổ chức viết thư cảnh cáo rồi ném vào nhà chúng, khiến bọn này lo sợ, co vòi.
Tôi cũng vận động bà con tham gia các cuộc đấu tranh chống lệnh giới nghiêm, bắt lính, đào hào chiến đấu của địch…
* Giải phóng quê hương
Ngày 12-4-1975, anh Năm Trang về triển khai nghị quyết thành lập các ủy ban khởi nghĩa địa phương. Ở Bửu Hòa, các cơ sở cách mạng phân công nhau may thật nhiều cờ giải phóng, chuẩn bị loa phóng thanh, dây điện, máy chữ, văn phòng phẩm, mua lương thực, thực phẩm, thuốc men… Ngoài các nhiệm vụ cơ bản đó, chúng tôi còn được anh Năm Trang hội ý, lên phương án phá sập cầu Ghềnh, cầu Rạch Cát nếu cần, để chặn đường tiếp viện Biên Hòa - Sài Gòn.
Chiều 21-4-1975, phòng tuyến Xuân Lộc của địch bị ta đánh vỡ, bọn lính tháo chạy về Biên Hòa rất đông, trong đó có cả dân tản cư, tình thế rất lộn xộn.
Theo phương án được phổ biến, đêm 28-4, bộ đội đặc công E.119 sẽ liên hệ với chúng tôi để được hướng dẫn tấn công một số điểm trọng yếu trong thị xã, như: Nhà hội, Trạm biến điện…, nhưng không hiểu trục trặc sao mà không bắt liên lạc được. Không có người dẫn đường, các anh từ Cầu Hang (xã Hóa An) đi dọc theo đường xe lửa tới đầu cầu Ghềnh, thì bị bọn dân vệ bắn chết mấy người. Hôm sau, địch tập trung lực lượng bao vây khu vực chùa Thanh Lương, cầu Thủ Huồng, thêm 10 đồng chí nữa hy sinh khi ngày giải phóng đã cận kề, thật đau xót.
Chiều 29-4, tôi gặp một số đồng chí trong chi bộ để phổ biến phương án gom súng của bọn dân vệ, phát loa kêu gọi binh sĩ địch đầu hàng, tấn công trụ sở ấp Tân Bản và bắt tên trưởng ấp này.
Khoảng 8-9 giờ tối cùng ngày, lực lượng tự vệ mật bắt đầu gom súng của bọn dân vệ ấp Tân Mỹ, bắn cháy một xe Jeep rồi rút về. Suốt đêm đó, súng lớn, súng nhỏ nổ liên hồi, lửa cháy sáng ở phía Bắc và phía Đông Biên Hòa, mạn Trảng Bom, Hố Nai và Long Thành. Phía Sài Gòn thì máy bay lên xuống không dứt, nhưng sân bay Biên Hòa chỉ thấy tiếng đạn pháo nổ, không còn thấy máy bay lên xuống như trước.
5 giờ sáng 30-4-1975, cơ sở các nơi báo về: bọn địch ở Tân Vạn, Tân Bản, Tân Bình đã rút chạy sạch trơn. Tôi chỉ đạo anh em treo cờ giải phóng, tổ chức thu gom súng. Bọn lính lúc này đã hoảng loạn, cởi quân phục, súng ống vứt đầy đường, đua nhau trốn chạy, các cơ sở gom súng ống chúng vứt lại, chất cả xe. Nhưng trong giờ phút tan rã, một số tên vẫn hung hãn, chống đối đến cùng, một số đạn pháo đã nổ ngay đầu cầu Ghềnh làm chết một phụ nữ, tôi cũng suýt chết.
Việc giải phóng xã Bửu Hòa thuận lợi. Nhân dân vui mừng trước thắng lợi của cách mạng, ủng hộ tới tấp: gạo, tiền, thực phẩm, nhiên liệu… chất đầy dãy nhà lính trước trụ sở xã. Vấn đề ưu tiên hàng đầu lúc đó là tập trung binh vận số lính ngụy ra đầu hàng, không để chúng gây tổn thất cho bà con. Một số cơ sở ở Bửu Hòa còn tổ chức nấu cơm cho đám lính rã ngũ, ai ghé qua cũng được cho ăn tử tế, rồi nhân đó tranh thủ vận động họ trở về quê, đầu hàng cách mạng.
Trưa 30-4, các đồng chí lãnh đạo tỉnh và Biên Hòa đã tiếp quản địa bàn, thành lập Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời. Tôi được cử giữ nhiệm vụ Chủ tịch UBND xã Bửu Hòa. Cả một núi công việc ập đến đòi hỏi phải xử lý kịp thời, nhưng với một không khí vô cùng hân hoan, phấn khởi vì nước nhà đã được độc lập, hòa bình và thống nhất…
Thanh Thúy (ghi)