Báo Đồng Nai điện tử
En

Bài 1: Quân dân Xuân Lộc - Long Khánh làm nên lịch sử

09:04, 22/04/2013

Ngày 30-4-1975, chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, đất nước hoàn toàn thống nhất. Để làm nên chiến thắng lịch sử ấy, nhân dân Việt Nam đã không tiếc máu xương, hy sinh vì hòa bình, độc lập dân tộc. Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng nói: “Chỉ có nhân dân Việt Nam là người đánh thắng Mỹ…

Ngày 30-4-1975, chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, đất nước hoàn toàn thống nhất. Để làm nên chiến thắng lịch sử ấy, nhân dân Việt Nam đã không tiếc máu xương, hy sinh vì hòa bình, độc lập dân tộc. Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng nói: “Chỉ có nhân dân Việt Nam là người đánh thắng Mỹ… Chúng tôi đánh bại quân đội đế quốc hiện đại bằng tinh thần yêu nước của nhân dân cùng với Chủ nghĩa anh hùng cách mạng”. Đúng như lời đại tướng, cuộc kháng chiến chống Mỹ trên địa bàn Đồng Nai thắng lợi chính nhờ vào tấm lòng người dân hướng về cách mạng.

Du kích xã Bảo Chánh sản xuất vũ khí trong thời kỳ chống Mỹ.                                                Ảnh: T.L
Du kích xã Bảo Chánh sản xuất vũ khí trong thời kỳ chống Mỹ. Ảnh: T.L

Với vị trí chiến lược quan trọng án ngữ phía Đông - Bắc Sài Gòn, ngay từ khi đổ quân vào miền Nam, Mỹ đã biến vùng Xuân Lộc - Long Khánh thành “tiền đồn” bảo vệ thủ phủ của chính quyền Sài Gòn.

Ở Xuân Lộc, Mỹ đưa Tiểu đoàn pháo binh 33 đóng tại căn cứ Hoàng Diệu, Trung đoàn kỵ binh thiết giáp số 11 chốt ở Suối Râm. Lữ đoàn dù 173 Mỹ đặt căn cứ ở Biên Hòa cũng nhiều lần đổ quân xuống Xuân Lộc, đóng tại Suối Râm… Từ đầu năm 1965, quân Mỹ và chư hầu, quân ngụy với sự hỗ trợ của máy bay ném bom và khí tài quân sự hiện đại đã tiến hành tìm diệt, đánh phá, càn quét lấn chiếm các vùng căn cứ cách mạng ở Xuân Lộc - Long Khánh.

* Lòng dân với Đảng 

Trong hoàn cảnh khó khăn, người dân Xuân Lộc - Long Khánh vẫn một lòng hướng về cách mạng. Những buồng chuối được để chín trên rẫy cho bộ đội có cái ăn. Địch kiểm soát gắt gao, không tiếp tế được nhiều, người dân nghĩ cách đem mỗi lúc một ít, góp ít làm nhiều.

Như ông Phan Văn Từ (xã Bảo Vinh) nghĩ ra cách đục rỗng cán cuốc để chứa gạo, một ngày ra vào căn cứ mấy lần để chuyển gạo. Má Nguyễn Thị Sáu (xã Bình Lộc) chắt chiu từng củ khoai, củ mì, chai thuốc, hễ liên lạc được là chuyển cho du kích. Bà Đành, bà Đói, các ông: Hai Triết, Năm Chấn (Gia Ray)… vừa nuôi giấu cán bộ trong nhà, vừa tiếp tế cho anh em bên ngoài. Chị Năm Thọ, chị Sáu Hậu, bà Tư Bá (TX.Long Khánh) bằng đủ mọi cách mua chuộc bọn lính để đem gạo vào rừng…

Ở vùng Suối Tre, địch đánh phá ác liệt, liên lạc với du kích bị gián đoạn, nhiều ngày không tiếp tế được, bà Lê Thị Điệp cùng với chị em công nhân kiên trì đi tìm du kích bằng cách giả đi chặt măng rừng, đùm túm theo lương thực, thực phẩm. Mãi đến khi gặp anh em ở căn cứ Núi Nứa, thấy mọi người dù đang đói lả nhưng không một ai ngã lòng, các má, các chị xúc động không cầm được nước mắt, càng thêm vững lòng tin vào cách mạng.

Tại các đồn điền cao su, khi công nhân ra lô làm việc, bọn lính kiểm soát rất kỹ từ đầu tóc đến đôi giày, nhưng mọi người nghĩ ra cách 5 người chỉ ăn một phần cơm, còn 4 phần để dành cho anh em du kích.

* Những chiến công từ nhân dân

Có kỷ niệm mà bà Lê Thị Huệ (Bí thư Huyện ủy Xuân Lộc - Long Khánh giai đoạn 1967 - 1972) không thể quên được, đó là những lần lãnh đạo nhân dân Long Khánh đấu tranh với địch.

Sáng 22-9-1971, nhân vụ chị em cô Chín và Mười ở ấp Bảo Vinh A bị bọn dân vệ bắn chết ngay trước cửa nhà, Thị ủy đã chỉ đạo Chi bộ mật xã Bảo Vinh A tổ chức đấu tranh. Xác hai chị em được bà con trong ấp khiêng ra TX.Long Khánh. Địch cho lực lượng quân cảnh, cảnh sát dã chiến trang bị khiên mây, lựu đạn đàn áp biểu tình.

Được sự chỉ đạo kịp thời, người dân từ: Bình Lộc, Bảo Vinh B, Suối Chồn nườm nượp kéo ra tham gia, đông đến 2 ngàn người. Nhân dân trong thị xã tích cực tiếp tế nước uống, bánh mì để mọi người đấu tranh. Trước khí thế của đồng bào, đến 2 giờ chiều, ngụy quyền Long Khánh phải chấp nhận các yêu sách không được bắn giết người dân bừa bãi, đồng thời chôn cất và bồi thường cho nạn nhân.

Đúng 5 giờ 45 ngày 9-4-1975, bộ đội chủ lực thuộc Quân đoàn 4 cùng với quân dân Xuân Lộc - Long Khánh đã đồng loạt tiến công, chọc thủng “cánh cửa thép” của chính quyền Sài Gòn. Cuộc chiến đấu diễn ra ác liệt suốt 12 ngày đêm. Đến 1 giờ ngày 21-4, quân ta hoàn toàn làm chủ TX.Long Khánh. Tuyến phòng thủ cuối cùng của địch ở Xuân Lộc bị đập tan, cửa ngõ tiến vào Sài Gòn của đại quân ta được mở. TX.Long Khánh giải phóng, đồng bào từ các ngả tưng bừng đổ về mang theo ảnh Bác, cờ, hoa, khẩu hiệu mừng chiến thắng.

Sáng 23-9-1971, hàng ngàn đồng bào thị xã và vùng ven do chị Năm Thọ, bà Nguyễn Thị Dung, bà Lê Thị Mười đi đầu đã rầm rộ kéo vào thị xã, thu hút cả tầng lớp học sinh, thương phế binh và cô nhi góa phụ (ngụy) đấu tranh chống lại cuộc bầu cử tổng thống “độc diễn” của Nguyễn Văn Thiệu. Đoàn người kéo về chùa Vĩnh Khánh với các khẩu hiệu, như: “Đả đảo Thiệu - Hương tay sai đế quốc Mỹ”, “Bầu cử độc diễn là chà đạp dân chủ, phản bội dân tộc”… Đoàn biểu tình cả mấy ngàn người án ngữ trước cổng chùa, lan rộng ra cả ngoài lộ, mọi người dùng gạch đá chống lại và dùng bom xăng tự tạo đốt cháy xe cảnh sát, đốt thẻ cử tri, xây dựng chướng ngại cản trở lưu thông làm tê liệt một khu vực.

Địch cho máy bay lên thẳng tới bắn bừa bãi vào chùa làm 2 người chết, hàng chục người khác bị thương. Thị ủy nhanh chóng chỉ đạo đưa cuộc đấu tranh chống bầu cử sang tố cáo chính quyền ngụy đã đàn áp đồng bào, thiếu dân chủ. Suốt trong 3 tháng, các cuộc đấu tranh vẫn liên tục diễn ra, làm thất bại cuộc bầu cử của Thiệu ở thị xã và các vùng ven Long Khánh.

Ở lĩnh vực quân sự, cuộc đấu tranh nhờ có sự hỗ trợ của nhân dân cũng đạt nhiều thành tích vang dội.

Đầu tháng 11-1970, trong lúc đi chợ, bà chủ quán bar Ly Ly (trên đường Hoàng Diệu) khoe khoang sẽ tổ chức sinh nhật cho một tên cảnh sát tại quán bar, có rất đông bạn bè hắn tham dự. Từ tin báo của người dân, Thị ủy Long Khánh lên phương án đánh quán bar Ly Ly. Đêm 5-11, trong lúc bọn địch ăn nhậu tưng bừng trong quán bar, tổ trinh sát của Ban An ninh thị xã, gồm: Nguyễn Văn Ngọc, Nguyễn Thanh Xuân và Lương Văn Thọ đã cải trang thành lính ngụy vào quán bar dự tiệc, rồi mỗi người nhanh chóng đánh một trái đạn vào quán. Trận đó, 11 tên bị tiêu diệt, trong đó có 2 đại úy Mỹ. Trận đánh gây rúng động cả thị xã, bọn địch hoang mang vì không hiểu sao “Việt Cộng” lại có thể tung hoành ngay trong hang ổ của chúng.

Thanh Thúy

 

 

 

 

Tin xem nhiều