Báo Đồng Nai điện tử
En

Chiến tích Rừng Lá

09:04, 17/04/2013

Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, khu vực Rừng Lá (huyện Xuân Lộc) trở thành căn cứ kháng chiến của cách mạng. Đây không chỉ là căn cứ của quân dân huyện Xuân Lộc, mà còn là căn cứ của lực lượng vũ trang tỉnh Biên Hòa trong những năm đầu kháng chiến.

Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, khu vực Rừng Lá (huyện Xuân Lộc) trở thành căn cứ kháng chiến của cách mạng. Đây không chỉ là căn cứ của quân dân huyện Xuân Lộc, mà còn là căn cứ của lực lượng vũ trang tỉnh Biên Hòa trong những năm đầu kháng chiến. Từ căn cứ này, quân dân Đồng Nai đã tổ chức nhiều trận đánh địch vang dội, như: Bàu Cá, Bảo Chánh, Trảng Táo, Gia Huynh.

Rừng Lá là khu rừng buông rộng lớn, phía Tây kéo dài đến tận xã Long Giao (huyện Cẩm Mỹ), phía Nam đến tận huyện Xuyên Mộc (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), phía Bắc giáp Trảng Táo và phía Đông giáp huyện Hàm Tân (tỉnh Bình Thuận).

* Những sự kiện cách mạng tại căn cứ Rừng Lá

Từ một huyện cơ sở hầu như bị mất trắng do Mỹ - Diệm càn quét dữ dội, vào những năm 1956-1960, ta đã thành lập Ban cán sự Đảng, xây dựng lực lượng vũ trang, xây dựng được các lõm căn cứ nối thông tuyến liên lạc huyết mạch từ Chiến khu Hắc Dịch (nay thuộc huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) đến Chiến khu Đ, đi qua các khu căn cứ: Mây Tàu, Rừng Lá…, khôi phục được phong trào và tổ chức “diệt ác phá kiềm” ở nhiều địa bàn trọng yếu, đưa phong trào cách mạng ở Xuân Lộc phát triển.

Đền thờ liệt sĩ Rừng Lá vừa được huyện Xuân Lộc xây dựng.
Đền thờ liệt sĩ Rừng Lá vừa được huyện Xuân Lộc xây dựng.

Năm 1962, để đáp ứng nhiệm vụ đánh địch, huyện Xuân Lộc đã tổ chức lại địa bàn hoạt động, hình thành 5H, trong đó căn cứ Rừng Lá thuộc H3. Tại căn cứ Rừng Lá có 1 chi bộ Đảng (3 đảng viên), 1 chi đoàn thanh niên (7 đoàn viên) và các tổ chức quần chúng theo nghề nghiệp, như: tổ làm lá, bứt mây, múc dầu rái…

Mở màn cho phong trào “diệt ác phá kiềm” ở các xã, từ căn cứ Rừng Lá, Ban cán sự Đảng đã lãnh đạo nhân dân và du kích địa phương phối hợp với các căn cứ khác trong huyện tổ chức nhiều đợt diệt ác trừ gian. Tháng 2-1962, dưới sự chỉ huy của đồng chí Tư Lạc, Trưởng ban Quân sự huyện (giả làm quận trưởng Xuân Lộc), một tiểu đội của ta đã đột nhập ấp Bảo Vinh B bắt gọn 21 tên tề ngụy đang họp bàn kế hoạch gom dân lập ấp, chống phá cách mạng.

Ngày 27-2-1962, một bộ phận lực lượng D500 phối hợp với lực lượng Xuân Lộc (căn cứ Rừng Lá) tập kích tiêu diệt gọn một đại đội biệt động quân đang đóng dã ngoại ở Mây Tàu (để chuẩn bị đánh Bàu Lâm, huyện Xuyên Mộc), khiến cuộc hành quân của địch bị bẻ gãy.

 - Để ghi nhớ các anh hùng liệt sĩ và quá trình đấu tranh cực kỳ gian khó của nhân dân địa phương, đồng bào Chơro, các mẹ Việt Nam anh hùng sinh sống trên vùng đất Rừng Lá qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, Đảng bộ, chính quyền và quân dân Xuân Lộc đã tiến hành xây dựng khu Đền thờ liệt sĩ căn cứ Rừng Lá (thuộc địa bàn xã Xuân Hòa) đúng vào dịp kỷ niệm 38 năm Ngày giải phóng huyện Xuân Lộc (9-4-1975 - 9-4-2013), giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

- Khu đền thờ sẽ là nơi giáo dục truyền thống cách mạng, ý thức trách nhiệm cho cán bộ, đảng viên, chiến sĩ và nhân dân huyện Xuân Lộc, góp phần giáo dục lòng yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng cho các thế hệ sau.

Một trong những lực lượng nòng cốt tại khu vực này là Đội du kích mật Rừng Lá. Ngày 19-5-1970, Tỉnh ủy và Tỉnh đội Bà Rịa - Long Khánh chỉ đạo Ban An ninh tỉnh (gồm các đồng chí: Trần Đệ, Tám Lực và Hai Trường) chủ trì thành lập Đội du kích mật Rừng Lá gồm có 9 cán bộ, chiến sĩ đều là con em ở ấp Rừng Lá, do đồng chí Phạm Thanh Hồng làm đội trưởng. Nhiệm vụ giao cho đội du kích mật là tiêu diệt những tên ác ôn trong lòng địch.

Sau khi được thành lập, đội du kích mật đã lập được nhiều chiến công. Đầu tiên, vào năm 1971, đội đã phục kích bắn chết một tên ác ôn tên Lào ngay tại cổng chào ấp 4, xã Xuân Hòa ngày nay. Cuối năm 1971, đội đã mai phục bắn chết tên trung úy trưởng đồn Rừng Lá ngay tại cổng đồn. Đầu năm 1972, đội đã mai phục bên bờ suối lạnh đặt mìn ĐH10 tiêu diệt 1 tên ác ôn và làm bị thương nặng 1 tên khác.

Ngoài ra, đội du kích mật còn bảo vệ, dẫn đường cho quân giải phóng vào miếu Ngũ Hành lấy lương thực, thuốc chữa bệnh; bảo vệ cho cán bộ an ninh tỉnh trú ẩn trong hầm bí mật; bảo vệ các cuộc mít tinh quần chúng do cách mạng tổ chức; dẫn đường cho Trung đoàn 33, Quân đoàn 4 đánh Sư đoàn 18 ngụy; treo cờ giải phóng dọc theo quốc lộ 1A; làm nhiệm vụ nắm tình hình địch báo cáo vào căn cứ kháng chiến để cách mạng tổ chức các trận đánh địch và bảo vệ các đoàn xe của ta chở lương thực vào căn cứ núi Mây Tàu và núi Bể…

Từ ngày 21-3 đến 2-4-1975, Ban cán sự di dân đã phát động nhân dân kết hợp với đội vũ trang tuyên truyền và lực lượng du kích các xã dọc quốc lộ 1, từ ngã ba Ông Đồn đến Căn cứ 5, góp phần cùng với các đơn vị chủ lực quét sạch địch trên tuyến đường này, giải phóng toàn bộ các xã, ấp.

* Người Chơro một lòng theo Đảng

Ngày 20-12-1960, dưới sự lãnh đạo của Phân khu 4 Bà Rịa - Long Khánh, Đội du kích người Chơro được thành lập tại căn cứ Rừng Lá, gồm có 48 cán bộ, chiến sĩ, do đồng chí Lương Văn Bé làm đội trưởng. Từ khi thành lập đến ngày giải phóng, Đội du kích người Chơro Rừng Lá đã lập nhiều chiến công vang dội.

Hai chiến sĩ Rừng Lá: Lê Đức Lập (đội mũ bảo hiểm) và Phan Thành Dinh (người đeo huy chương) trong một lần thăm lại khu căn cứ Rừng Lá.
Hai chiến sĩ Rừng Lá: Lê Đức Lập (đội mũ bảo hiểm) và Phan Thành Dinh (người đeo huy chương) trong một lần thăm lại khu căn cứ Rừng Lá.

Cụ thể, năm 1962, đội du kích đã phá cầu 63 (nay thuộc khu vực Căn cứ 5), mục đích không cho địch từ Bình Thuận tràn vào Rừng Lá. Năm 1964, đội du kích đã tập kích đánh vào đồn địch đóng ở Rừng Lá, làm cho bọn địch thất thủ tháo chạy về Gia Ray. Năm 1965, đội đã phá cầu 48 (nay thuộc xã Xuân Tâm) để ngăn địch tràn vào căn cứ Rừng Lá. Năm 1968, đội đã cắt kẽm phá rào, rải truyền đơn tại Trung tâm huấn luyện Gia Ray, làm cho bọn địch hoang mang co cụm vào trong đồn. Trong năm 1968, đội đã tập kích ném 3 trái lựu đạn vào Sư đoàn 18 ngụy tại chợ Gia Ray, làm chết và bị thương nhiều tên địch.

Ngoài ra, Đội du kích người Chơro còn tham gia tải thương, tải đạn cho Sư đoàn 5 đánh đồn Xuyên Mộc; tham gia tải thương, tải đạn cho Trung đoàn 4, Trung đoàn 33, Trung đoàn pháo 274, Tiểu đoàn 246, Tiểu đoàn 445, Tiểu đoàn 500 đánh địch dọc lộ 1, từ Gia Ray, Ông Đồn đến Căn cứ 5…

Đến ngày 2-4-1975, trên địa bàn huyện Xuân Lộc, ta đã giải phóng hầu hết các xã dọc lộ 1 và lộ 3, giải phóng trên 100 ngàn dân, mở một hành lang rộng lớn phía Bắc TX.Long Khánh, đảm bảo cho các đơn vị thuộc Quân đoàn 4 đứng chân mở Chiến dịch Xuân Lộc; tạo hành lang chiến lược cho Quân đoàn 2, sau khi giải phóng Phan Rang, tiến vào Xuân Lộc, góp phần quan trọng vào chiến thắng giải phóng Xuân Lộc, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Lê Tùng -  Hải Đình

 

 

 

 

Tin xem nhiều