Xã Tam Phước (TP.Biên Hòa) ngày nay vẫn còn địa danh “Ngã ba Thái Lan”. Thời kháng chiến chống Mỹ, quân chư hầu Thái Lan đóng quân ở khu vực này nhằm kiểm soát, tiêu diệt phong trào cách mạng vùng Long Thành - Nhơn Trạch. Với bản chất tàn bạo, bọn lính Thái Lan đã gây nhiều tội ác tày trời trên mảnh đất này.
Xã Tam Phước (TP.Biên Hòa) ngày nay vẫn còn địa danh “Ngã ba Thái Lan”. Thời kháng chiến chống Mỹ, quân chư hầu Thái Lan đóng quân ở khu vực này nhằm kiểm soát, tiêu diệt phong trào cách mạng vùng Long Thành - Nhơn Trạch. Với bản chất tàn bạo, bọn lính Thái Lan đã gây nhiều tội ác tày trời trên mảnh đất này.
Chiều 20-9-2012, trong lúc rà tìm phế liệu, anh Bùi Thanh Vĩnh (ngụ xã Bình Sơn, huyện Long Thành) đã phát hiện hố chôn hài cốt liệt sĩ. Các đơn vị chức năng huyện Long Thành đã tiến hành khai quật và bước đầu xác định có 19 bộ hài cốt liệt sĩ cùng với nhiều quân trang, quân dụng, như: dép râu, võng, bạt, súng AK, đạn… Điều đau thương nhất là, hài cốt được phát hiện ở nhiều hố chôn rải rác, trong đó có hố phát hiện một bọc toàn xương sọ người, cho thấy bọn địch đã chặt đầu và thi thể các chiến sĩ thành nhiều đoạn, một hành vi man rợ mà quân chư hầu Thái Lan thường làm.
* Những tội ác dã man
Từ năm 1967-1969, những cái tên: “Lữ đoàn Mãng Xà Vương”, “Sư đoàn Hắc Báo” đã trở thành nỗi ám ảnh ghê sợ của người dân nơi đây, bởi tính chất tàn bạo của đội quân này. Lính Thái Lan thường xuyên đột kích bất ngờ vào căn cứ của ta, giết hại cán bộ, chiến sĩ cách mạng rất dã man. Trong trận chúng càn vào Phước Nguyên, nữ y sĩ Nguyệt trước khi hy sinh đã bắn trả rất dũng cảm. Để trả thù, bọn lính Thái lột hết quần áo, cắt mũi, xẻo tai rồi dùng phảng chặt thi thể chị ra làm hai.
Sinh hoạt tại căn cứ kháng chiến Long Thành. |
Đêm 20-12-1967, các chiến sĩ của Tiểu đoàn 2 (Trung đoàn 4, Sư đoàn bộ binh 5) dưới sự chỉ huy của Tiểu đoàn phó Trần Văn Hướng đã phối hợp với lực lượng C240 đánh vào đơn vị lính Thái Lan đóng chốt tại vườn điều xã Phước Thọ (nay là xã Long Thọ, huyện Nhơn Trạch). Đơn vị đã tổ chức trinh sát rất kỹ, nhưng trước khi trận đánh xảy ra, địch đã điều 5 chiếc xe tăng đến ẩn nấp dưới giao thông hào, khiến các chiến sĩ của ta thất thế khi cuộc chiến đấu nổ ra. Trên trời, trực thăng địch soi đèn cho xe tăng bắn thẳng vào đội hình của ta, hơn 90 chiến sĩ Tiểu đoàn 2 và trên 20 chiến sĩ C240 hy sinh. Hôm sau, chúng dùng xe cuốc đào một hố lớn, đem xác các chiến sĩ hy sinh vùi xuống và dùng xe ủi san bằng, không còn dấu vết. Đến nay, sau nhiều năm tìm kiếm, hài cốt của các chiến sĩ vẫn chưa được tìm thấy.[links(right)]
Sự hiện diện của bọn lính chư hầu Thái Lan khiến đời sống người dân trở nên ngột ngạt. Chúng cấm người dân cất chòi trên ruộng của mình. Mùa lúa chín, chúng quy định 7 giờ bà con mới được ra ruộng, 15 giờ phải về ấp. Chúng ráo riết lùng sục, bắt bớ nhằm ngăn không cho quân ta vào dân lấy lúa, hay chở lúa từ trong dân ra căn cứ. Khi bà con thu hoạch, chúng dùng trực thăng tuần tiễu, ai về trễ trực thăng bốc cả người và lúa về quận.
Ở các xã vùng giáp ranh, chúng quy định 15 ngày mới được chà lúa một lần, số lượng lúa đem đi chà phải căn cứ vào sổ gia đình, nếu chà dư so với quy định sẽ bị bắt bớ, tịch thu.
Ở các đồn điền cao su, lính Thái Lan thường xuyên khám xét, cho xe thiết giáp áp tải xe chở công nhân đi làm để kiểm soát, ngăn chặn công nhân tiếp tế cho cách mạng.
Thế nhưng, kẻ thù càng tàn bạo, người dân càng phản kháng. Ở Bình Sơn, công nhân cao su Bình Sơn nhịn ăn cơm trưa để tiếp tế cho du kích. Chi bộ Bình Sơn còn tổ chức cho phụ nữ học tiếng Thái để tiếp xúc với bọn lính Thái Lan và mời chúng đi chung xe. Thấy có lính Thái ngồi trên xe, bọn lính ngụy ít khám xét. Lợi dụng cơ hội, phụ nữ Bình Sơn đã chở gạo, thực phẩm, thuốc men từ Long Thành về xã để tiếp tế cho cách mạng.
* Những căn hầm nghĩa tình
Không chỉ tiếp tế, người dân Long Thành - Nhơn Trạch còn bí mật nuôi giấu cán bộ. Bà Huỳnh Thị Phượng, nguyên Bí thư Huyện ủy Cao su khẳng định, nếu không có sự chở che của người dân, chắc chắn cách mạng không thể thành công. “Thời gian hoạt động tại Bình Sơn, tôi ở hầm bí mật nhà bác Ngôn. Bác nghèo lắm, nhưng bác lo cho tôi thật chu đáo. Ban ngày đi làm, ban đêm bác ra ngoài thăm dò tình hình, cảnh giới cho tôi hoạt động. Khi tôi trở về căn cứ, ở Lộc An, địch bắn chết một đồng chí nữ trên đường đi công tác và kéo xác chị về Bình Sơn để đe dọa. Bà con nhìn không rõ, tưởng người bị bắn chết là tôi, về khóc nói với nhau: “Địch bắn con Bảy Phượng chết rồi”. Hay tin, bác bỏ cả công việc, chạy lên nhìn mặt. Chừng thấy không phải, bác đi về. Lại có người quả quyết: “Con Bảy chớ ai”, bác quay trở lại lần nữa để đoan chắc “không phải con Bảy”. Tình nghĩa của người dân thật cảm động, không thể nào quên” - bà Bảy Phượng bồi hồi nhớ lại.
Người dân có rất nhiều sáng kiến làm hầm bí mật. Có người làm vách hai ngăn, có người đem đi-văng đóng thành thùng, có người bố trí hầm ngay trong phòng riêng của con gái... Đồng chí Điền Sơn (cán bộ Tỉnh đoàn) về công tác tại Phước Nguyên được chú Tư Liên nuôi giấu trong nhà. Tên Phước (ấp trưởng) dẫn dân vệ xét nhà. Trước tình thế bất ngờ, chú Tư Liên để đồng chí Điền Sơn núp trong đi-văng, thím Tư Liên nằm trên đi-văng choàng khăn giả bệnh, người sặc mùi dầu khuynh diệp. Lính vô xét thấy chủ nhà bị bệnh nên khám xét qua loa rồi bỏ đi.
Đồng bào vùng ven thì không đào hầm bí mật trong nhà, mà chặt tre, nứa đan thành những thùng lớn, ngoài trát dầu chai rồi đem âm xuống ruộng, xuống vườn nhà mình. Không có tre thì mua thùng phuy, trên lót ván nghi trang. Má Hai Hoa (xã Tam An) đã đóng một cái hầm gỗ âm xuống ngay trong vườn nhà mình, có lúc chứa cả một nửa đội du kích. Nhà chú Tám Anh (xã An Lợi) có tới 8 cái hầm do chính tay chú đào để giấu cán bộ.
* Sức mạnh của chiến tranh nhân dân
Từ năm 1974, ta đã xây dựng được vùng căn cứ liên hoàn phía Đông quốc lộ 15, từ Bình Sơn đến khu vực Thái Bình. Đặc biệt, ở Bình Sơn, thế làm chủ của phong trào cách mạng rất mạnh.
Đồn Bình Sơn của địch cách chợ khoảng 700m, cách suối 200m. Được sự hỗ trợ của nhân dân, lực lượng du kích xã phân công nhau bắn tỉa bao vây không cho địch có nguồn tiếp tế, nhất là nước uống (trong đồn không có giếng). Rút chạy không được, đường tiếp tế bị ta phục kích chặn đánh, điều thú vị đã xảy ra: bọn lính trong đồn phát loa xin thỏa thuận với du kích sẽ không ruồng bố dân, không đánh phá cách mạng; ngược lại, ta sẽ để yên cho chúng đi lấy nước, ra chợ. Từ đó, đồn Bình Sơn bị vô hiệu hóa hoàn toàn, lực lượng của ta tự do đi lại hoạt động, vận chuyển lương thực, vũ khí. Bình Sơn trở thành cửa khẩu mạnh của phong trào cách mạng Long Thành - Nhơn Trạch.
Ngày 19-4-1975, khi quân chủ lực của ta tấn công “cánh cửa thép” Xuân Lộc, một toán tàn quân địch từ hướng Xuân Lộc xuyên rừng Cẩm Đường (huyện Long Thành) chạy trốn. Du kích cùng lực lượng Huyện đội lùng bắt được 42 tên, thu 36 súng. Lực lượng cách mạng đã giáo dục rồi tổ chức nấu cơm cho đám tàn quân này ăn và tìm đường về quê.
Xã Phước Nguyên là xã đầu tiên của huyện Long Thành được giải phóng trong ngày 26-4-1975. Đến 14 giờ ngày 28-4-1975, Ủy ban Quân quản cách mạng tiếp quản Long Thành. 0 giờ ngày 29-4-1975, Nhơn Trạch cũng được giải phóng. Quân chủ lực của ta từ nhiều hướng cũng bắt đầu tấn công Sài Gòn.
Thanh Thúy