Báo Đồng Nai điện tử
En

Đón tết ở tiền tiêu Tổ quốc

08:01, 17/01/2013

Ở giữa trùng dương tít tắp, ngày thường nỗi nhớ đất liền đã canh cánh trong lòng, khi xuân về tết đến, nỗi nhớ ấy càng nhân lên gấp bội. Nhưng vì nhiệm vụ của người lính biển, vì sự bình yên của biển, đảo quê hương, những người lính hải quân chấp nhận dâng hiến tuổi xanh cho biển trời Tổ quốc... Dưới đây là bài viết của CTV Mai Thắng, người có nhiều năm gắn bó với nhà giàn.

Ở giữa trùng dương tít tắp, ngày thường nỗi nhớ đất liền đã canh cánh trong lòng, khi xuân về tết đến, nỗi nhớ ấy càng nhân lên gấp bội. Nhưng vì nhiệm vụ của người lính biển, vì sự bình yên của biển, đảo quê hương, những người lính hải quân chấp nhận dâng hiến tuổi xanh cho biển trời Tổ quốc... Dưới đây là bài viết của CTV Mai Thắng, người có nhiều năm gắn bó với nhà giàn.

11 năm công tác ở nhà giàn DK1 là quãng thời gian đẹp nhất trong cuộc đời quân ngũ của tôi. Tôi không còn nhớ bao đêm thức trắng, bao lần nhớ nhà đến trào nước mắt, song 3 lần đón tết trên nhà giàn DK1/6, DK1/14, DK1/10 thì không bao giờ quên được.

* Nhớ đất liền gửi vào sóng gió

Tôi về Tiểu đoàn DK1 tháng 10-1994. Ngày ấy, Tiểu đoàn DK1 phiên hiệu là Khung quản lý DK1, các nhà giàn mang phiên hiệu là Trạm Kinh tế - khoa học - dịch vụ thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Hồi ấy, lính nhà giàn chúng tôi quen gọi là nhà lô, nhà chòi, chứ không gọi nhà giàn như bây giờ.

Các chiến sĩ nhà giàn DK1/10 mổ heo đón tết sớm.
Các chiến sĩ nhà giàn DK1/10 mổ heo đón tết sớm.

Tháng 4-1995, tôi nhận công tác ở Nhà giàn Phúc Nguyên 2A (DK1/6) và “thưởng thức” cái tết đầu tiên giữa trùng dương bao la. Ngày ấy, nói đến lính nhà lô là nói đến những người chấp nhận hy sinh và chịu đựng gian khổ. Đời sống của bộ đội lúc đó vô cùng khó khăn. Nước ngọt chia từng ca, cả tuần mới được ăn một bữa canh rau muống loãng, thức ăn chủ yếu là thịt hộp đem ra từ đất liền và cá câu dưới biển. Gian khổ, khó khăn lâu ngày chịu đựng thành quen, nhưng cái không bao giờ quen được là nỗi nhớ đất liền. Một năm có 365 ngày thì ngần ấy thời gian nỗi nhớ đất liền luôn khắc khoải, canh cánh, day dứt trong tim chúng tôi, dẫu vẫn biết nhớ đất liền cũng chẳng về được. Chính sự gian khó ấy đã rèn luyện cho mỗi người lính nhà giàn cứng rắn hơn, chấp nhận gian khổ hơn.

Theo chế độ quy định đối với sĩ quan, thời gian ở biển từ 6-8 tháng, đối với quân nhân chuyên nghiệp là 8-10 tháng, chiến sĩ đi một lần rồi về bờ xuất ngũ. Cũng có khi do yêu cầu nhiệm vụ, nhiều sĩ quan công tác ở nhà giàn ròng rã 27 tháng, đón hai cái tết trên nhà giàn mới vào đất liền một lần. Mỗi đợt như thế, đành để vợ con ở nhà gửi “ông bà già”.

Ở giữa biển khơi, tôi đã “chai sạn” với khí hậu khắc nghiệt và nắng gió quanh năm, nhưng nỗi nhớ đất liền thì tăng theo ngày tháng. Nhiều sáng thức dậy, sờ lên mặt ướt nhòe mới biết mình khóc. Lúc đó, tôi chỉ ước mơ có một con đường nối liền giữa nhà giàn và đất liền để chạy ngay về thăm cha mẹ ở quê.

Tết ở nhà giàn DK1 thực sự bắt đầu khi nhận được quà từ đất liền gửi đến. Gọi là “quà tết”, song thực tế đó là hàng thịt hộp của quân nhu cấp. Để chuẩn bị cái tết có những vật chất tối thiểu, trước tết hai tháng, chúng tôi điện về đất liền nhờ mua gà, vịt, miến, gạo nếp, măng khô... Sau ngày đưa ông Táo về trời, chúng tôi mổ heo gói giò, gói bánh chưng đón tết sớm.

Từ giữa năm 2009 trở về trước, các nhà giàn DK1 chưa phủ sóng điện thoại di động như bây giờ. Phương tiện duy nhất chia sẻ gian khổ và vơi bớt nỗi nhớ đất liền với người thân là thư viết tay. Chiến sĩ nào có “mối quan hệ tốt” với radio duyên hải Vũng Tàu thì gọi điện qua sóng radio về thăm gia đình với số máy điện thoại đã đăng ký từ trước. Nhưng không phải radio Vũng Tàu lúc nào cũng sẵn sàng nối máy. Vì ngoài chúng tôi, còn nhiều cán bộ công nhân dầu khí làm việc trên các giàn khoan dầu khí (DK2) cũng đăng ký gọi điện thoại qua mạng này.

Như quy luật của biển khơi, năm nào cũng thế, càng giáp tết, sóng càng lớn, gió càng mạnh, nỗi nhớ đất liền càng thấm vào gan ruột. Trong gian khó mới thấy sự hy sinh, giữa gian nan mới thấy lòng nhân ái, sống ở biển mới thấy tình người sâu nặng. Những lúc thiêng liêng nhất, nhớ nhà nhất cũng là lúc tự hào và yêu đời nhất. Sự gian khổ thầm lặng hy sinh đã biến thành niềm tin kiêu hãnh giúp tôi vững vàng hơn, thấy sống ở nhà giàn ý nghĩa hơn. Hình ảnh người lính hải quân ôm súng đứng gác giữa đảo xa lấp lánh trong tim tôi và đồng đội tôi.

* Nước mắt đêm giao thừa

Đêm giao thừa, khác với đất liền từng đôi nam thanh nữ tú đi chơi xuân, mua sắm những vật dụng cuối cùng trước giờ khắc thiêng liêng, chúng tôi nhớ về đất liền trong miên man khắc khoải. Mặc bộ quân phục mới nhất, đẹp nhất, chúng tôi ngồi trước tivi chờ Chủ tịch nước đọc thư chúc tết.

Những năm 1994-1996, 2/3 nhà giàn DK1 có tivi nhưng không xem được truyền hình vì không có chảo thu vệ tinh, chủ yếu xem băng từ video, loại băng từ bản to như cuốn sổ. Cả nhà giàn có hơn chục cuốn băng, chủ yếu là băng ca nhạc, phim chưởng, xem đi xem lại. 1/3 nhà giàn xem được truyền hình VTV1, VTV3, nhưng không phải lúc nào cũng bắt được sóng. Do khí hậu khắc nghiệt nắng gió làm chảo thu vệ tinh lệch múi giờ, hoặc “mắt thần” bị gỉ sét, không thu được tín hiệu.

Đêm giao thừa năm 1997, tôi (khi ấy giữ chức Phó trạm trưởng chính trị Trạm DK1/14) cùng 8 anh em khác đón tết trong tư thế sẵn sàng rời nhà giàn khi có lệnh, vì sóng to gió lớn, nhà giàn rung lắc mạnh, có nguy cơ mất an toàn. Giờ khắc giao thừa đã đến, chúng tôi hướng mắt về tivi nghe Chủ tịch nước đọc thư chúc tết. Đại úy Nguyễn Văn Đoàn (lúc đó giữ chức Trạm trưởng) thắp một nắm nhang, đưa cho mỗi người 3 cây nhang, rồi đọc to dõng dạc: “Hôm nay là đêm 30 tết, trước chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh và anh linh 9 liệt sĩ đã ngã xuống nơi này, cán bộ, chiến sĩ nhà giàn DK1/14 chúng tôi phấn đấu sẽ hoàn thành nhiệm vụ, khắc phục khó khăn gian khổ, vui xuân mới không quên nhiệm vụ...”. Mỗi người 3 cây nhang khấn bàn thờ Tổ quốc. Giây phút thiêng liêng ấy, không ai nói nên lời, nhưng trong lòng chúng tôi đang nhớ về quê mẹ, nơi những người thân, vợ, con cũng đang nhớ chúng tôi...

Giữa biển trời Tổ quốc, rượu, thịt, bánh chưng, kẹo, mứt được bày ra. Đại úy Đoàn nâng ly chúc mọi người sức khỏe. Bao câu chuyện ở quê nhà và niềm chung riêng của lính được kể ra đây. Từ giữa năm 2009 về trước, 15 nhà giàn DK1 chưa có điện thắp sáng bằng pin năng lượng mặt trời như bây giờ. Đêm giao thừa máy nổ chạy ầm ầm đến sáng. Chúng tôi vơi bớt nỗi nhớ đất liền bằng những bài hát karaoke. Có những chiến sĩ ngày thường “im như thóc”, thì nay “dốc hết lòng mình” cho tiếng hát lời ca.

Sau những phút giây vui mừng là khoảng lặng. Chúng tôi mỗi người về “thế giới riêng” của mình. Người viết nhật ký, người đọc lại những lá thư nhà, người đem ảnh vợ con ra xem. Trong khoảng lặng ấy, có người đã khóc. Khóc không phải vì yếu đuối, mà vì niềm tự hào đã vượt qua những khó khăn gian khổ, khóc vì không gì khỏa lấp được nỗi nhớ đất liền.

Sáng mồng một tết, tôi cùng Đại úy Nguyễn Văn Đoàn đi đến phòng từng chiến sĩ chúc tết. Cái bắt tay thân thiết ân tình như truyền cho nhau sức mạnh, cầu chúc nhau đầu xuân sức khỏe. Chúng tôi lì xì nhau bằng tờ giấy bạc 2 ngàn đồng, bởi lì xì nhiều cũng chẳng mua được gì ngoài biển. Trò chơi ba ngày tết chẳng khác ngày thường, cũng đánh bóng bàn, đi bộ, đánh cờ và câu cá. Cái mới hơn là tinh thần rạo rực niềm vui của không khí mùa xuân và được những bữa ăn tươi hơn.

Ba ngày tết nhanh chóng qua mau, nhưng dư âm và niềm vui vẫn còn đọng mãi. Một năm mới bắt đầu bằng chờ đợi chuyến tàu đầu tiên mang hơi ấm từ đất liền.

Mai Thắng

 

 

 

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích