Báo Đồng Nai điện tử
En

Vất vả… thợ “cầu đường”

08:03, 22/03/2012

Xa nhà thường xuyên, quanh năm phải chịu cảnh sống tạm bợ trong các lán trại ẩm thấp, công nhân cầu đường luôn thiếu vắng những bữa cơm gia đình và bàn tay chăm sóc của người phụ nữ. Nhờ có họ, những con đường dần thay áo mới, bộ mặt làng quê từng ngày phát triển. Nhưng, có mấy ai biết được sự vất vả mà họ đang từng ngày đối mặt. 

 

Xa nhà thường xuyên, quanh năm phải chịu cảnh sống tạm bợ trong các lán trại ẩm thấp, công nhân cầu đường luôn thiếu vắng những bữa cơm gia đình và bàn tay chăm sóc của người phụ nữ. Nhờ có họ, những con đường dần thay áo mới, bộ mặt làng quê từng ngày phát triển. Nhưng, có mấy ai biết được sự vất vả mà họ đang từng ngày đối mặt. 

Dưới cái nắng như thiêu đốt của tháng 3, công nhân Thái Thanh Hải (23 tuổi, quê ở Hà Tĩnh) vẫn mải miết điều khiển chiếc xe lu “bò” ì ạch qua lại con đường đang thi công (hương lộ 10, xã Xuân Đường, huyện Cẩm Mỹ). Thi thoảng, Hải đưa tay ngang qua đỉnh đầu như để che bớt đi cái nắng gay gắt đang táp vào mặt.

* Vui, buồn theo những công trình

Do tập trung vào công việc nên một hồi lâu anh mới nhận ra cái huơ tay xin bắt chuyện của chúng tôi. Hơn 3 tháng kể từ ngày về nhận công trình ở đây, giờ mới có người lạ chủ động bắt chuyện nên Hải vui lắm. Sự thân tình của anh khiến câu chuyện giữa chúng tôi kéo dài thời gian hơn dự định.

Dưới cái nắng trưa hầm hập, những công nhân cầu đường vẫn cặm cụi quét bụi đường cho sạch để dễ thi công.
Dưới cái nắng trưa hầm hập, những công nhân cầu đường vẫn cặm cụi quét bụi đường cho sạch để dễ thi công.

Theo lời Hải, vì thích được điều khiển các cỗ xe quá cỡ nên anh đã xin gia đình “đầu tư” cho mình đi học lái xe xúc tại một trường nghề ở Hà Nội. Sau khi hoàn thành khóa học, Hải mon men đến các công trình xây dựng làm quen với chủ thầu để nhờ họ giới thiệu công việc giùm. Hải cho biết: “Ban đầu, họ giao cho tôi lái máy xúc ở các công trình xây dựng. Làm một thời gian, có mối quan hệ rộng hơn nên tôi nhảy qua làm cầu đường”. Khi chúng tôi hỏi về mức thu nhập, Hải chỉ gãi đầu cười, bởi những công nhân như anh lương tháng chỉ trên dưới 4 triệu đồng. Do thu nhập không cao nên công ty phải lo ăn, uống và chỗ nghỉ ngơi để mọi người bớt đi gánh nặng kinh tế. Nói rồi, Hải đưa tay vẫy thêm hai đồng nghiệp khác vào góp chuyện về những công nhân cầu đường.

Trong bộ quần áo nhem nhuốc bụi đất đỏ, công nhân Hoàng Văn Long (22 tuổi, quê ở tỉnh Thái Bình) thật thà cho biết: “Lúc đầu đi làm cũng buồn, ai cũng lạ. Mà làm đường sá thường tập trung ở các nơi hẻo lánh nên những lúc rảnh rỗi chúng tôi đâu có trò gì giải trí, ngoài việc xem phim, nhậu nhẹt, đánh bài”. Rồi Long giải thích, chơi đánh bài với các công nhân cầu đường không phải là trò đỏ đen sát phạt lẫn nhau, nó chỉ đơn thuần là đánh bài ghi điểm để xem ai trả tiền nước giải khát, tiền thuốc lá... cho vui. Hoặc có thể chính những lúc ngồi quây quần bên mâm cơm cùng chén rượu, những con người sống xa quê mới có điều kiện hàn huyên và xích lại gần nhau hơn. Long nhẹ giọng: “Ở đây thiếu thốn đủ bề. Chỗ ăn, ngủ chật chội, lại ẩm thấp nên đôi lúc cũng ảnh hưởng đến tâm lý, sức khỏe của mọi người”. Nói xong, Long dắt chúng tôi vào xem chỗ sinh hoạt của dân cầu đường. Ở đó, chúng tôi chỉ thấy có mỗi chiếc tivi cũ là vật có giá trị nhất. Long ngại ngùng: “Cả công trình gần 30 người làm, nhưng không có nữ nên chẳng ai quan tâm đến việc giữ vệ sinh nơi ở. Vả lại, nay ở chỗ này, mai chuyển sang chỗ khác nên dọn dẹp chi cho mất công”.

Trong khi đó, ông Bạch Sỹ Kỳ (58 tuổi, quê ở tỉnh Nghệ An) không giấu được niềm tự hào của dân cầu đường trong mỗi câu nói: “Tôi đã theo đoàn làm biết bao nhiêu công trình cầu, đường trên đất nước này. Có lúc tình cờ đi qua những con đường mình đã làm, tự dưng có cảm giác vui lắm. Người dân họ nhận ra mình thì hớn hở, cứ như bà con xa lâu ngày mới về thăm quê vậy đó…”.

* Thiếu vắng hơi ấm gia đình

Trong lớp bụi mịt mù quanh những đường chổi tre không ngừng đưa qua lại, tốp công nhân cầu đường hối hả vào việc. Đôi lúc thấm mệt, vài người chạy lại những bóng râm sát mép quốc lộ 51 (đoạn qua xã An Phước, huyện Long Thành) để nghỉ ngơi. Tranh thủ lúc anh Nguyễn Văn Hải (23 tuổi, quê ở tỉnh Thanh Hóa) buông cán chổi, chúng tôi bước đến gần trò chuyện. “Mỗi ngày làm việc 8 tiếng, có lúc tăng ca đến tận khuya mới nghỉ. Buổi trưa, chúng tôi chỉ nghỉ ngơi được hơn tiếng đồng hồ là phải ra làm lại” - Hải cho hay.

Ngồi cạnh đó, chú Nguyễn Văn Hiếu chen ngang câu chuyện của chúng tôi với giọng thật buồn: “Tụi tôi sống nay đây mai đó nên người ta hay ví von là cơm chợ, vợ đường”. Theo lời chú Hiếu, vì sống không cố định, lại xa gia đình nên nhiều lúc những người như chú không tránh khỏi những rung động bất chợt, dẫu biết rằng kết quả sẽ chẳng đến đâu. Nói rồi, chú giục Hải kể lại trường hợp của anh lúc mới vào nghề.

Được chú Hiếu khích lệ, Hải kể lại “mối tình dang dở” của mình với vẻ ngượng ngùng. Sau những lần lui tới một quán cà phê, Hải nảy sinh tình cảm với cô chủ quán. Tuy nhiên, đáp lại tấm chân tình của anh là sự né tránh, dè chừng của cô gái. Hải tâm sự: “Khi tôi ngỏ lời, cô ấy im lặng chẳng nói năng gì. Sau này mới biết, vì cô ấy không tin những người có công việc như chúng tôi nên mới cư xử như thế”.

Chúng tôi gặp lại kỹ sư Nguyễn Hoàng Song (30 tuổi, quê ở tỉnh Nghệ An) sau hơn 5 năm không gặp. Ngày ấy, Song về các xã Sông Ray, Lâm San (huyện Cẩm Mỹ) để tham gia cải tạo lại hệ thống giao thông nông thôn của huyện. Cùng chuyến công tác của Song có rất nhiều thanh niên trẻ tuổi. Sau những giờ làm việc, họ lại hẹn hò với những cô gái trong xóm. Những cuộc tình chóng vánh cứ thế nảy nở. Rồi công trình hoàn thành, kỹ sư Song và số công nhân cầu đường lần lượt rời Cẩm Mỹ. Thỉnh thoảng, họ có về thăm những “mối tình” của mình, nhưng không lâu sau đó thì mất dạng… Song bồi hồi kể lại: “Chúng tôi cũng khao khát có được một mái ấm gia đình, nhưng để tìm được một người hiểu và biết thông cảm với mình thật khó".

Nhưng không phải cuộc tình nào của dân cầu đường với các “thôn nữ” cũng có những kết thúc buồn. Kỹ sư Trần Văn Thao cho biết: “Ngày ấy, tôi về Định Quán làm công trình tái định cư ở địa phương. Sau nhiều lần mon men làm quen một cô gái địa phương cho đỡ buồn, chúng tôi thương thật nên đã kết hôn không lâu sau đó. Đến nay, chúng tôi đã có một đứa con kháu khỉnh”. Dù may mắn hơn so với các đồng nghiệp nhưng anh cũng không giấu được nỗi buồn: “Nghề cầu đường phải theo công trình nên nhiều lúc thèm bữa cơm gia đình và nhớ vợ con lắm. Tôi ở gần nên tuần nào cũng về được, chứ mấy anh em ở đây cả năm về thăm nhà được vài lần, nên hầu hết đều khó giữ được hạnh phúc gia đình”. Nói rồi, anh vội vã chạy lại nhìn vào ống ngắm và đo đạc lại các thông số. Thấy vậy, các công nhân cũng không dám nán lại lâu để trò chuyện cùng chúng tôi.

Những đợt bụi theo làn chổi quét cứ liên tiếp ùa đến chỗ các công nhân cầu đường nhưng họ vẫn không ngơi tay với công việc của mình, dù nhiều người không khỏi khó chịu. Chia tay những người thợ cầu đường nơi công trình, chúng tôi ra về mà không khỏi chạnh lòng khi nghĩ về những vất vả của họ...

Tùng Minh

 

 

Tin xem nhiều